Hậu chia tay, nữ giám đốc chia sẻ cách chăm sóc "từ xa" giúp con hạnh phúc, mẹ yên tâm

Ngày 14/12/2017 10:34 AM (GMT+7)

Ly hôn khi con còn khá bé và không được ở cạnh con nhưng là một người mẹ, chị Thu Trang không cho phép bản thân bỏ mặc con dù chỉ là một ngày.

Ly hôn – một bước ngoặt không mong muốn trong mỗi cuộc hôn nhân. Nhất là khi chuyện đó không chỉ là chuyện của hai người mà giữa họ còn có sự ràng buộc của gia đình, bạn bè, người thân và đặc biệt là những đứa con. 

Thời gian gần đây, chủ đề này càng được đẩy lên cao trào và bàn tán xôn xao hơn sau vụ việc bé trai 10 tuổi ở Hà Nội phải chịu đựng cảnh gia đình chia ly, đau đớn hơn khi em lại bị bạo hành dã man bởi chính cha ruột và mẹ kế. Nhiều người tự hỏi, tại sao người bố ruột lại nhẫn tâm bạo hành con đẻ của mình và mẹ của em - người mẹ đã sinh ra em ở đâu trong suốt khoảng thời gian dài đen tối ấy?

Hậu chia tay, nữ giám đốc chia sẻ cách chăm sóc amp;#34;từ xaamp;#34; giúp con hạnh phúc, mẹ yên tâm - 1

Chị Thu Trang và bé Anna (10 tuổi).

Chia sẻ cảm xúc khi được biết câu chuyện này, chị Nguyễn Thu Trang (40 tuổi, Hà Nội) – là mẹ của cô con gái 10 tuổi cho biết chị cảm thấy trái tim mình “như bị bóp nghẹt” và vô cùng đau đớn. Nghĩ lại thời điểm trước đây, khi mà cuộc hôn nhân của chị cũng đổ vỡ và cho đến thời điểm hiện tại, chị thấy mình may mắn vì đã bảo vệ được đứa con gái của mình. “Con khỏe mạnh, an toàn, có một cuộc sống vui vẻ, rất yêu và hiểu công việc của mẹ. Con còn là một cô bé mạnh mẽ, độc lập khiến cho mình luôn cảm thấy tự hào về con”, chị Thu Trang cho biết.

Dưới đây là những chia sẻ của chị Thu Trang về “hướng đi” mà chị và chồng cũ đã lựa chọn sau chia tay để đảm bảo con có một cuộc sống đầy đủ nhất về mọi mặt. 

Bố mẹ ly hôn, hãy giao con cho người đặc biệt tin tưởng

Chào chị Thu Trang, nhớ về khoảng thời gian anh chị quyết định ly hôn, chị đã chuẩn bị tâm lý cho con như thế nào để bé không bị sốc tâm lý?

Bố mẹ không thể ở cùng con, mình giao con cho người đặc biệt tin tưởng nhưng nhất định vẫn phải liên lạc thường xuyên.

Thu Trang - Eva.vn

Khoảng thời gian đó mình bị thất bại một dự án kinh doanh lớn mà 2 vợ chồng dùng hết vốn liếng để đầu tư nên mình chủ động đề nghị chia tay và anh đồng ý. Khi đó là lúc con gái Anna được 6 tuổi, bé cũng đã hiểu biết khá nhiều.

Trước đó, do tính cách và đặc thù công việc bận rộn, anh là người không dành quá nhiều thời gian cho con, Anna chủ yếu được chăm sóc bởi mẹ và bà nội. Cho nên khi bố mẹ ly hôn, tâm lý của bé không bị ảnh hưởng quá nhiều. Bé sau đó được chuyển về sống với bà nội - người mà mình hiểu hết được tính cách nên mình đặc biệt tin tưởng để giao con. 

Hậu chia tay, nữ giám đốc chia sẻ cách chăm sóc amp;#34;từ xaamp;#34; giúp con hạnh phúc, mẹ yên tâm - 2

Bé Anna được bà nội chăm sóc, người mẹ chị Trang đặc biệt tin tưởng.

Lúc đó, chị và chồng đã thống nhất với nhau những gì về việc dành thời gian chăm sóc cho con?

Về kinh tế, mình phụ trách chi phí học tập và mua sắm mọi vật dụng cho con. Bố cháu lo phần chi phí ăn uống của cháu ở với bà nội. Cuối tuần mình đón con về ở cùng, lo đưa đón con đi học. Tuy nhiên nhiều lúc bận rộn công việc mình cũng phải nhờ đến ông bà ngoại hỗ trợ.

Còn về tình cảm, hai vợ chồng vẫn cố gắng dành thời gian cho con nhiều nhất có thể. Một ngày, mình luôn cố định dành ra một khoảng thời gian nào đó phải liên lạc với con, có thể là ngày hoặc tối, để hỏi xem ngày hôm nay con thế nào? Con có cần mẹ giúp đỡ gì không? Cuối tuần thì đón con về nhà ở chung hoặc đưa con đi sắm đồ, giải trí, lắng nghe những chuyện ở trường, ở lớp và ở nhà của con.

Nói chung mọi việc khá thuận lợi và mình không gặp khúc mắc gì trong việc phân chia trách nhiệm đối với con.

Bận rộn công việc, không có nhiều thời gian, lại không sống cùng con, chị đã thể hiện sự quan tâm với bé như nào để bé không cảm thấy tủi thân?

Mình luôn trò chuyện chia sẻ và hỏi con về mọi nhu cầu: Con có muốn học thêm gì? mua quần áo hoặc dụng cụ học tập nào không? Đặc biệt là quan tâm đến suy nghĩ của con, nhắn tin và nhắc nhở con một cách tâm lý như những người bạn, người lớn với nhau chứ không hề áp đặt hay tra hỏi để con tự ý thức hành vi của mình. Ngoài ra, mỗi dịp hè mình thường dành 10-15 ngày đưa 2 bà cháu đi du lịch. Những ngày đó vừa là để mẹ con vui chơi, vừa là để mẹ con mình hiểu về nhau nhiều hơn.

Dạy con mọi kỹ năng tự bảo vệ mình ngay từ ngày còn nhỏ

Đứng từ góc độ một người mẹ phải sống xa con, chị nghĩ thế nào về vụ việc bé trai 10 tuổi bị chính bố đẻ và mẹ kế bạo hành dã man?

Khi nhìn những hình ảnh về bé trai 10 tuổi bị bạo hành, mình có cảm giác rất đau xót, đau như đau cho chính con ruột của mình vậy, trái tim mình thực sự như đang bị “bóp nghẹt” và mình có thể hiểu con đã trải qua quãng thời gian khủng khiếp như thế nào?

Nhìn bé trai mình lại liên tưởng đến con gái, nhưng có điều mình thấy thật may mắn và tự hào rằng trong suốt 11 năm qua, dù bố mẹ ly hôn nhưng con chưa bao giờ bị bố mẹ hay ông bà dạy bằng đòn roi mà luôn dùng lời nói để con tự hiểu.

Là một người mẹ dù sống xa con nhưng nếu mình rơi vào trường hợp đó, chỉ cần vài ngày không được liên lạc hoặc gặp con mình nhất định sẽ tìm hiểu thật rõ nguyên nhân, thậm chí khi cảm thấy con đang không được an toàn mình nhất định sẽ trình báo cơ quan công an để vào cuộc ngay. 

Vậy trong suốt quãng thời gian trước và sau khi ly hôn, chị có quan điểm dạy con như thế nào để giúp bảo vệ con trước vấn đề bạo lực?

Trước và sau khi ly hôn, mình không thay đổi cách dạy con. Mình quy định với cả gia đình, thống nhất văn hoá dạy con:

1- Bản thân không bao giờ có hành vi đánh mắng trẻ dù là con hay là những trẻ khác.

2- Dạy con từ 2 tuổi biết cách kể chuyện hàng ngày, hướng cho con báo cáo việc của người giúp việc.

3- Gia đình không cãi cọ nhau trước mặt con.

Hậu chia tay, nữ giám đốc chia sẻ cách chăm sóc amp;#34;từ xaamp;#34; giúp con hạnh phúc, mẹ yên tâm - 3

Ngay từ nhỏ, chị Trang luôn thống nhất quan điểm dạy con với tất cả mọi người trong nhà.

4- Quy định với cả gia đình không được xưng mày tao với con, không được đánh con, không được chửi bậy trước mặt con, khi con học nói gọi người lớn đều dạ vâng, cảm ơn, xin lỗi để con học theo.

5- Khi con mắc lỗi thì phạt con bằng những điều con sợ: Ví dụ không cho con ngủ cùng, không nói chuyện với con, kể chuyện mà con không thích nghe.

6- Dạy con kỹ năng chống bị xâm hại; không cho người lạ dắt con đi toilet vệ sinh cho con, dặn con các vị trí nhạy cảm không cho người khác sờ vào.

7- Dạy con các số điện thoại khi con cảm thấy không an toàn có thể gọi.

Dù bận đến mấy cũng cố gắng dành cho con 10 phút mỗi ngày.

Thu Trang - Eva.vn

Hiện tại, bé Anna được chăm sóc như thế nào và làm cách nào để chị biết con vẫn an toàn?

Hiện tại, mình nhờ ông ngoại hàng ngày đưa đón con đi học, tối bà nội kèm con học. Mỗi ngày mình sẽ dành ra khoảng 10 phút để điện thoại hoặc video call nói chuyện, hỏi han con lịch học và xem báo cáo học ở trường của con được gửi qua điện thoại. Mình cũng gửi những báo cáo này cho bà để bà hỗ trợ và biết cách trò chuyện với con. Nói chung, tuy không gần con nhưng mọi hoạt động của con trong ngày mình vẫn nắm khá rõ.

Ngoài ra, để biết con có đang thực sự an toàn hay không mình còn thường dạy con kỹ năng báo cáo mọi thông tin về sức khoẻ và cách tương tác với mọi người từ nhỏ. Từ khi 3 tuổi, Anna đã trò chuyện với mình về việc người xung quanh đối xử với con như thế nào, nói về bố mẹ con ra sao, hoặc khi đi ra ngoài gặp người lạ, con học thói quen nhớ tên những người đã gặp trong ngày, những nơi đã đến, những thứ đã ăn...

Bên cạnh đó mình biết bà nội bé là người rất cẩn thận: không cho con ra ngoài, không cho tự đi học dù nhà cách trường có 500m... nên mình rất yên tâm về việc con ở với bà.

Chị có thể đưa ra lời khuyên cho các bố mẹ khi quyết định ly hôn thì cần thống nhất với nhau những gì để đảm bảo rằng con có cuộc sống hạnh phúc?

Không có gì là đảm bảo chắc chắn con sẽ có cuộc sống hạnh phúc sau khi bố mẹ ly hôn. Tuy nhiên, nếu cả hai bố mẹ cố gắng thì đều có thể làm được điều đó vì các con.

Trên thực tế, hiện tại nhiều gia đình trẻ Việt đang thiếu khá nhiều kiến thức về nuôi dạy cũng như bảo vệ con trước những vấn đề xấu của xã hội. Theo mình, muốn bảo vệ con trước các đối tượng xấu, chính bố mẹ cần phải là người tốt đối với con của mình.

Bên cạnh đó, đối với những trường hợp dạy dỗ con bằng đòn roi, bạo hành con cần phải được pháp luật xử lý thật nghiêm chứ không chỉ tuyên truyền như hiện nay. Vì rất nhiều trường hợp cha mẹ là những người có tri thức nhưng vẫn làm tổn thương con cái của họ cả về thể chất lẫn tinh thần. Vì thế, theo mình muốn con tốt, cha mẹ phải tốt và làm gương cho con.

Xin cảm ơn chị về những chia sẻ!

Profile:

Nhân vật: Nguyễn Thu Trang

Sinh ngày: 6/6/1977

Từng đạt Cử nhân Kinh Tế - Trung cấp Thanh nhạc Học Viện âm nhạc Quốc gia

Năm 1997 - 2001: Ca sỹ chuyên nghiệp Đoàn ca nhạc nhẹ Trung ương & Ca múa Thăng Long

Năm 2002 - 2005: Giám đốc phía Nam tạp chí Cẩm Nang Mua Sắm

Năm 2005 đến nay: Là Người sáng lập Công ty Truyền Thông T.A.F; CLB Giải trí Model Club; Sáng lập Giải thưởng Người mẫu Việt Nam; Tổng Đạo diễn Mr6pack 2013; Giám đốc Quốc gia CEO Link Việt Nam; Giám đốc Miền Bắc Mạng lưới Nữ Lãnh Đạo Quốc Tế; Phó Trưởng BTC Vietnam Fitness Model 2016, 2017; Trưởng BTC Nữ Hoàng Kim Cương Empire 2017.

Chi Chi - Ảnh NVCC
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bé trai 10 tuổi bị bạo hành