Mẹ chồng tôi chưa quá già lại là giáo viên, không ngờ bà lại có quan niệm cổ hủ như vậy.
Tôi lấy chồng 2 năm thì mới có cô con gái đầu lòng, hiện tại bé được 2 tháng tuổi. Vợ chồng tôi sống cùng với bố mẹ chồng nhưng cả hai ông bà đều mới gần 50 tuổi, vẫn còn đi làm nên hầu hết việc chăm sóc con gái đều do tôi đảm đương, thỉnh thoảng ông bà và chồng sẽ đỡ đần. Tuy nhiên điều đó không khiến tôi buồn mà ngược lại cảm thấy thoải mái hơn vì mình được chăm con theo ý muốn của mình, không phải phụ thuộc ai cả.
Vậy nhưng cứ thỉnh thoảng mẹ chồng tôi lại có những lời khuyên dạy tôi phải chăm con thế này, dạy con con thế kia bởi theo bà, bà nhiều kinh nghiệm hơn còn tôi còn trẻ, lần đầu làm mẹ. Nếu tôi không nghe lời thì bà hậm hực, cũng có lúc bà tự làm theo ý mình. Mẹ chồng con dâu không tránh được những lúc bất đồng quan điểm chăm sóc con cái nhưng tôi cố gắng đều hài hòa sao cho được ý mẹ mà tốt cho con. Thế nhưng mới đây đã xảy ra một chuyện khiến tôi cương quyết bắt chồng phải sớm dọn ra ở riêng.
Ảnh minh họa
Chẳng là tôi sinh mổ nhưng vết mổ không được chăm sóc đúng cách nên có vấn đề. Bác sĩ yêu cầu tôi phải nhập viện để điều trị và chăm sóc vài ngày, nếu tình hình ổn mới được xuất viện. Tôi lo lắng cho tình hình con gái vì bé còn quá nhỏ mà trong thời gian điều trị tại bệnh viện phải dùng thuốc, chắc chắn tôi không thể cho con bú sữa mẹ được. Mẹ chồng nói tôi cứ yên tâm dưỡng bệnh ở bệnh viện, con gái hãy giao cho bà chăm sóc và bà cho cháu uống sữa ngoài cho đến khi tôi ổn định. Cũng chẳng còn cách nào khác tôi đành phải làm theo như vậy. Trước khi đi tôi đã dặn dò bà rất kĩ về chuyện chăm sóc con gái như thế nào, cho uống sữa ra sao...
- Quan niệm xưa và hiện nay đã rất khác nhau mẹ ạ. Chính bác sĩ đã nói có những kinh nghiệm xưa của các cụ giờ đã không còn hợp với trẻ nữa, thậm chí có quan niệm có thể gây nguy hại cho trẻ đó nên mẹ hãy chú ý nhé.
Bà chỉ chép miệng ậm ừ cho qua và tỏ vẻ không hài lòng khi cho rằng tôi "dạy dỗ bà cách chăm con". Tôi biết mẹ không hài lòng nhưng vì đảm bảo sức khỏe cho con, tôi vẫn buộc phải nói vậy.
Vậy là tôi phải nằm ở viện 5 ngày, ngày nào mẹ chồng, chồng cũng gọi điện cho tôi trò chuyện với con, đứa trẻ ngoan ngoãn, lớn trộm vía trông thấy nên tôi cũng yên tâm dưỡng bệnh thật nhanh để trở về với con. Thế nhưng chuyện tôi lo lắng cũng đã xảy ra. Tôi được xuất viện sớm hơn dự kiến và trở về nhà đã chứng kiến được cảnh tượng khiến bản thân bàng hoàng. Thân người và đôi chân của con tôi bị bó chặt bằng những sợi dây nhìn vô cùng đáng thương. Tôi hoảng hốt gọi mẹ chồng:
Ảnh minh họa
- Mẹ ơi mẹ làm gì cháu thế ạ, sao lại bó buộc đứa nhỏ vào thế này.
- Ôi có gì mà phải hoảng hốt thế nhỉ, bình thường mà con cứ yên tâm đi. Con gái thì phải bó buộc một tí như thế này sau người mới thẳng, chân mới thẳng và dài. Con gái mà chân dài dáng thẳng thì có mà hoa hậu nhé.
- Con đã dặn mẹ rồi cơ mà những quan niệm này không hề đúng và tốt cho cháu đâu sao mẹ không nghe con cơ chứ.
Vừa nói tôi vừa dùng tay tháo dây trói ra cho con gái mà nước mắt cứ rơi. Mẹ chồng cũng xông vào không cho tôi tháo:
- Để nguyên đấy cho tôi, cô thì biết gì chứ sao lúc nào cũng chê cách chăm cháu của tôi, tôi có hại nó đâu mà sao cô phải làm quá lên.
- Con thực sự không làm quá nhưng mẹ thấy đứa nhỏ có cựa quậy được đâu. Mẹ là giáo viên mà mẹ còn trẻ như thế sao mà mẹ cổ hủ vậy.
Vậy là mẹ chồng tôi lăn đùng ra sàn nhà vừa khóc vừa kêu "con dâu chê mẹ cổ hủ không cho động vào cháu". Tôi thực sự không còn gì để nói.
Ảnh minh họa
Từ hôm đó tôi vẫn chưa cho bà động vào cháu thêm lần nào nữa và cương quyết bắt chồng nhanh chóng dọn ra ở riêng, bằng không một mình tôi ôm con về nhà ngoại ở.
Tâm sự từ độc giả vannguyen...
Thế hệ cũ, với quan niệm nuôi con còn lạc hậu, để tránh cho trẻ không bị chân vòng kiềng, ông bà, cha mẹ thường áp dụng cách bó chân con lại. Đây là việc làm phản khoa học và không có tác dụng. Thực tế, khi trẻ mới sinh ra, chân cong cong là hiện tượng tự nhiên, là đường cong sinh lý, không có nghĩa là lớn lên trẻ sẽ bị vòng kiềng. Dần dần khi lớn lên chân trẻ có thể thẳng trở lại.
Khi bó chân của bé như vậy sẽ gây ra nhiều tổn thương hơn. Việc buộc lại bằng dây vải không đúng cách có thể chèn ép mạch máu, gây thiếu máu cục bộ ở các chi. Việc bó chân cũng sẽ cản trở hoạt động của bé, lâu ngày máu sẽ không lưu thông ở chân, dễ gây hoại tử chân của bé, vô cùng nguy hiểm.
Ngoài quan niệm này, một số quan niệm sau cũng nên lưu ý:
Cho con tập đứng quá sớm
Thông thường trẻ có thể đứng được khi tới tầm 10 tháng tuổi. Tuy nhiên, một số trẻ quá trình này muộn hơn. Cha mẹ không nên ép bé phải đứng sớm, hãy thuận theo nhịp cơ thể của trẻ vì mỗi trẻ có một quá trình phát triển khác nhau.
Việc ép con phải đứng sớm khi chân chưa đủ lực để gánh đỡ cơ thể là cách làm phản khoa học. Cơ thể bé lúc này xương chủ yếu là sụn, độ dẻo tương đối chắc nhưng sức cơ lại yếu. Bắt bé tập đứng, tập đi quá sớm, chân chịu sức nặng quá sớm, xương dễ cong, biến dạng.
Về cơ bản, những việc như ngồi, đứng, đi của trẻ không phải là việc cần học mà là bản năng tự nhiên cùng với sự phát triển. Đến tuổi, đến tháng trẻ sẽ tự học được các kĩ năng này. Vì thế bố mẹ không cần phải ép con ngồi, đứng hay đi sớm vì điều đó chỉ có hại cho trẻ mà thôi.
Tư thế ngồi của em bé không đúng
Rất nhiều trẻ có thói quen ngồi trên đất hoặc trên giường theo hình chữ W. Tư thế này sẽ khiến khung xương chậu của bé mở rộng ra phía ngoài khiến xương đùi hướng vào trong, lâu dài trọng lượng cơ thể dồn lên bắp chân sẽ làm tăng độ uốn cong của bắp chân, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của dáng chân và trở thành chân chữ O.
Vì vậy, tư thế ngồi của bé không đúng cũng sẽ dẫn đến sự phát triển bình thường của chân, mẹ nên tránh để bé xuất hiện tư thế ngồi này.
Cho trẻ tập đi quá sớm
Nhiều bậc cha mẹ có tâm lý muốn con nhanh chóng đạt được các cột máu trong hành trình khôn lớn, muốn con nhanh biết đứng, biết đi nên càng ra sức tập sớm cho con để con sớm đạt được những điều này và nghĩ rằng con như thế là phát triển tốt, giỏi giang, thông minh hơn.
Đây là một cách làm mù quáng khi cố bắt con tập đi sớm. Một số ông bố bà mẹ cho con ngồi xe tập đi từ rất sớm. Khi đó, xương của bé chưa phát triển đủ để nâng đỡ toàn bộ trọng lượng của cơ thể nên bố mẹ cho rằng sử dụng xe tập đi sớm để giúp bé. Nhưng bố mẹ không hiểu rằng cho trẻ ngồi xe tập đi sớm, trẻ sẽ đi nhón gót, đi bằng mũi bàn chân trước, điều này rất dễ khiến xương bị biến dạng và uốn cong, xuất hiện chân hình chữ O và hình chữ X.
Có thể sử dụng xe tập đi, nhưng phụ thuộc quá nhiều vào xe tập đi sẽ chỉ ảnh hưởng đến nhịp điệu phát triển bình thường của trẻ và ảnh hưởng đến hình dạng chân của trẻ mà thôi. Một số khác còn giúp con tập đi bằng cách sốc nách con, cha mẹ đỡ để con tập đi. Hành động này cũng không hề tốt cho sự phát triển của trẻ và cần tránh tuyệt đối.
Có một số mẹo để giúp tăng chiều dài chân cho bé:
Cho trẻ ngủ đủ giấc
Ngủ đủ giấc có thể giúp cho sự phát triển thể chất của trẻ tốt hơn và cũng là tiền đề để có một thân hình cao lớn hơn. Đồng thời cũng có lợi cho sự phát triển xương chân của trẻ. Muốn có đôi chân dài thì ngủ ngon cũng là điều kiện cần .
Tinh chất phong phú, chú ý bổ sung vitamin D
Nhiều bà mẹ nói rằng đã bổ sung rất nhiều canxi cho con vậy mà con vẫn lùn. Nhưng họ không biết rằng vitamin D mới là thứ quan trọng nhất để giúp bé cải thiện chiều cao, nhất là trong bối cảnh gia đình có gen thấp.
Vận động, tập thể dục
Bài tập nhanh nhất để phát triển xương chân là nhảy. Vì vậy, sau khi đến một độ tuổi nhất định, bạn có thể cho trẻ chạy nhảy nhiều hơn như chơi bóng rổ, bóng chuyền, nhảy dây,… để phát huy tối đa tác dụng sinh lý của chiều cao và chiều dài chân.