Nhìn ngoại hình đẹp xuất sắc của con trong khi nhan sắc bố mẹ lại rất bình thường, những người hàng xóm bắt đầu bàn ra, tán vào về đứa bé.
Chúng ta vẫn thường nói, con cái là kết tinh từ tình yêu thương của bố mẹ. Bởi thế, ngay từ ngoại hình, con cái cũng sẽ thừa hưởng ít nhiều từ cha mẹ. Với những cặp vợ chồng có ngoại hình đẹp, việc họ sinh ra những đứa con kháu khỉnh, đẹp trai, xinh gái cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng cũng có nhiều nhà, bố mẹ có ngoại hình bình thường, vậy mà con lại đẹp xuất sắc. Chính sự khác biệt này đã khiến bố mẹ cũng có những hoài nghi.
Con quá đẹp trai, cả nhà yêu cầu xét nghiệm quan hệ cha con
Xiao Liu chàng trai Trung Quốc và vợ gặp nhau qua một buổi hẹn hò giấu mặt. Sau đó họ kết hôn và sinh con đầu lòng ở tuổi 30. Khi mới sinh ra, đứa trẻ không có gì quá khác biệt, nhìn cũng khá giống bố mẹ nên cả hai vợ chồng không để ý đến. Tuy nhiên càng lớn, cậu bé càng trắng trẻo, khôi ngô và rất cao ráo. Nhìn ngoại hình đẹp xuất sắc của con trong khi nhan sắc bố mẹ lại rất bình thường khiến những người hàng xóm bắt đầu bàn ra, tán vào về đứa bé. Nhiều người chúc mừng hai vợ chồng nhưng nhiều người lại nghi ngờ băn khoăn. Lời ra tiếng vào nhiều đến mức cặp vợ chồng này không thể chịu được áp lực.
Con càng lớn càng đẹp trai, trong khi nhan sắc của bố mẹ bình thường khiến cả nhà nao núng, quyết định đi làm xét nghiệm ADN (Ảnh minh họa)
Vợ chồng Xiao Liu thường xuyên cãi nhau về chuyện này. Để chứng minh mình vô tội, người vợ đưa đứa trẻ đi xét nghiệm quan hệ cha con. Thật không ngờ, kết quả đứa bé không phải là con ruột… của cả hai vợ chồng. Hai người đã không hay biết mình đã nuôi một đứa trẻ không phải con mình trong suốt 8 năm trời. Khi mang con đến bệnh viện, họ mới biết cả hai đã bị trao nhầm con. Còn con ruột của họ ở đâu, chính họ cũng không hề hay biết.
Trong cuộc sống, những tình huống như thế này cũng không phải là hiếm. Vậy vì sao lại có chuyện nhầm lẫn con như vậy? Có những khả năng sau đây:
Bệnh viện quên đánh dấu con
Trên thực tế, từ góc độ của người bình thường nhìn vào, trẻ em sơ sinh về cơ bản đều giống nhau, rất khó để nhận ra sự khác biệt. Thông thường, khi một đứa trẻ vừa được sinh ra, y tá sẽ đeo một tấm thẻ nhỏ có tên trên cánh tay của đứa trẻ để thuận tiện cho việc xác định đó là con của ai. Trong quá trình này, đôi khi điều dưỡng quá bận hoặc bất cẩn mà quên mang thẻ tay cho trẻ, hoặc nhầm lẫn giữa 2 đứa trẻ của hai gia đình dẫn đến những hậu quả đau lòng sau này.
Đôi khi những sai lầm của bệnh viện có thể dẫn đến việc trao nhầm con giữa các gia đình (Ảnh minh họa)
Có quá nhiều trẻ trong phòng sinh
Nhiều bệnh viện đang rơi vào tình cảnh thiếu phòng sinh, trừ những gia đình có điều kiện khá giả, chọn phòng dịch vụ, phòng riêng, còn lại đa số sản phụ thường sinh ở khu tập trung, chung phòng với nhiều người khác. Do đó, khi có nhiều bà mẹ cùng sinh trong một phòng sinh, sẽ rất dễ dẫn đến cảnh trẻ em sẽ bị nhầm lẫn.
Sinh đồng thời trong phòng mổ
Có nhiều yếu tố có thể sẽ dẫn đến nhầm lẫn trong quá trình sản phụ sinh con. Khi có 2 sản phụ cùng sinh 1 lúc, người y tá đón đứa trẻ này xong, đặt lên bàn, giao cho y tá khác đón bé, sau đó tiếp tục đón bé thứ 2 của gia đình khác. Tuy nhiên sau khi quay lại, họ có thể cũng không chắc chắn bé nào thuộc về gia đình nào mà chỉ dựa vào trí nhớ mang máng của mình lúc đó.
Vậy làm sao để trẻ không bị bế nhầm?
Tạo dấu ấn sau khi sinh
Sau khi mỗi đứa trẻ được sinh ra, để tránh trường hợp bị nhầm, các y tá sẽ đeo một chiếc vòng cho trẻ, vòng tay này sẽ ghi lại chi tiết các thông tin cơ bản của trẻ như tên, giới tính, cân nặng và giờ sinh của mẹ.
Sau khi mỗi đứa trẻ được sinh ra, để tránh trường hợp bị nhầm, các y tá sẽ đeo một chiếc vòng cho trẻ với các thông tin về mẹ và bé
In dấu chân bé
Sau khi em bé chào đời, bác sĩ sẽ lưu lại dấu chân cho em bé, ở một khía cạnh nào đó, dấu chân của trẻ sơ sinh giống như dấu vân tay của chúng ta, có thể chứng minh danh tính của em bé. Đồng thời, nếu cha mẹ lo lắng về việc con mình bị bế nhầm thì cũng có thể xác nhận dựa trên dấu chân của con.
Có người nhà đi cùng
Sau khi em bé chào đời, cha mẹ có thể đồng hành cùng em bé trong suốt quá trình và cố gắng giữ em bé không rời khỏi tầm mắt của mình, giảm cơ bản nguy cơ em bé bị bế nhầm lẫn.