Đừng vội áp đặt suy nghĩ của mình vào trẻ, mẹ hãy là người giải quyết công tâm nhất.
Nguyên nhân nào khiến bé muốn tranh giành đồ chơi?
Bé bắt đầu học cách hoạt động độc lập, hoàn thiện những kĩ năng cơ bản của mình từ 1 - 3 tuổi. Thời gian này cũng là lúc bé đang hoàn thiện cảm xúc của mình. Do đó, chẳng có gì khó hiểu khi bé rất dễ xúc động với những tác nhân xung quanh.
Mẹ hãy hiểu việc tranh giành đồ chơi với bạn cũng do tâm sinh lí của bé đang hoàn thiện. Hãy giúp bé điều chỉnh cảm xúc và học cách chia sẻ với mọi người.
Bé giành đồ chơi với anh/chị/em: Nên hay không nên làm gì?
Với những mâu thuẫn nhỏ, mẹ có thể quan sát và để bé học cách tự giải quyết ổn thỏa chuyện của mình. Với tranh cãi lớn hơn, mẹ hãy lắng nghe, chia sẻ và hướng dẫn các bé cách để chia sẻ với nhau.
Bên cạnh đó, mẹ cần là người giải quyết công tâm, để khiến các bé không thấy bị thiệt so với bạn. Hãy đưa ra những câu hỏi thông minh như đồ chơi này của ai? Tại sao bé lại giành nó với bạn? Bé cảm thấy thế nào?... Hãy kiềm chế những cảm xúc xấu như cáu gắt, bực bội... ở bé và tạm hướng bé tập trung sang những vấn đề khác.
Đặc biệt, mẹ nên tôn trọng cảm xúc và suy nghĩ của trẻ. Trước khi trẻ chưa hiểu vấn đề, tuyệt đối không áp đặt suy nghĩ của mình vào trẻ.
Thay vì bắt bé phải làm thế này thế kia hay truy cho cùng xem ai là người sai trái, mẹ nên hướng dẫn giúp bé nhận thức được cách xử lí thông minh trong trường hợp này. Đừng khiến bé cảm thấy như mình là kẻ có lỗi, việc này sẽ tạo nên phản ứng ngược và bé sẽ trở nên ngày càng cáu kỉnh hơn.
Hãy chuẩn bị cho bé kĩ năng cần thiết trước khi vấn đề xảy ra
Mẹ hãy quan sát trước những tình huống có thể xảy ra khi trẻ chơi với bé trong những buổi đi chơi, sinh hoạt chung với các bạn khác.
Hãy lên kế hoạch để trẻ chơi với nhau khi chúng có thời gian rảnh rồi và khi chúng cảm thấy chán. Đói, mệt, cáu kỉnh chắc chắn sẽ làm cho trẻ giành đồ chơi với bạn. Giới hạn thời gian chơi từ 1 – 2 giờ cho trẻ. Nếu dài hơn sẽ là quá sức đối với bé trong giai đoạn từ 1 - 3 tuổi.
Mẹ nên đặt ra những quy định rõ ràng về từng loại trò chơi và phân bố thời gian chơi hợp lí. Bên cạnh đó, hãy đề nghị những sự thay thế hợp lí khiến trẻ quên đi tranh giành đang có.
Và cuối cùng, mẹ hãy dạy trẻ cách giải quyết bằng lời nói thay vì hành động thô bạo, khuyến khích trẻ chơi với nhau để giúp trẻ hòa đồng tốt khi chơi cùng các bạn.