Dấu hiệu thường thấy và dễ nhận biết nhất của bệnh đau mắt đỏ là mắt bé trở nên đỏ, khó chịu, mí mắt bé như dính vào nhau (thể hiện rõ vào buổi sáng khi bé mới ngủ dậy).
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ
Bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc cấp được hình thành do virus Adenovirus hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Bệnh thường gặp ở cả người lớn và trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh vì các bé có hệ miễn dịch chưa ổn định.
Thời điểm vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, khi giao mùa… là lúc bệnh dịch dễ bùng phát.
Ở miền Bắc, vào thời điểm thời tiết vừa nắng nóng vừa chuyển sang mưa như hiện này thì cơ thể con người và nhất là những người nhạy cảm với thời tiết như trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ rất dễ bị mệt mỏi, hệ thống miễn dịch yếu nên dễ bị nhiễm bệnh. Vì thế ở thời điểm này, bố mẹ cần đặc biệt lưu ý khi chăm sóc sức khỏe cho trẻ sơ sinh.
Đau mắt khó chịu khiến trẻ quấy khóc (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, trẻ sơ sinh dễ bị đau mắt đỏ nếu trong gia đình có người đang bị mà lại không cẩn thận trong quá trình chăm sóc cho bé. Việc để lẫn lộn đồ dùng của bé với đồ dùng của những thành viên khác, không rửa tay sạch sẽ khi vệ sinh cho trẻ... đều là nguyên nhẫn khiến trẻ bị bệnh.
Một nguyên nhân nữa khiến trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ đó là do dị ứng. Nhãn cầu của con người được bao phủ bởi một màng mỏng gọi là kết mạc. Khi một cái gì đó kích thích màng này, mắt có thể trở nên ngứa, sưng, đỏ và chảy nước. Đây là một rối loạn, được gọi là viêm kết mạc hoặc “đau mắt đỏ”. Về mặt y khoa, dị ứng mắt chỉ đơn giản là một hình thức của đau mắt đỏ.
Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị mắt đỏ
Trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ sẽ có những dấu hiệu như:
- Mí mắt, tròng mắt đỏ
- Mắt nhiều ghèn (gỉ) màu xanh hoặc vàng
- Mí mắt sưng, sụp
- Chảy nước mắt
- Các bé bị bệnh nặng sẽ có màng trong mắt
- Một số bé có triệu chứng phồng mí mắt hoặc nhạy cảm với ánh sáng
- Có thể kèm theo triệu chứng trẻ sốt nhẹ, chảy nước mũi, có hạch ở góc hàm
Cách chữa đau mắt đỏ hiệu quả cho trẻ sơ sinh
Khi phát hiện trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ, bố mẹ cần:
- Nhỏ mắt cho bé hàng ngày
Trong trường hợp này, nước muối sinh lý là lựa chọn an toàn nhất cho các bé sơ sinh. Mẹ nên nhỏ mắt cho bé ít nhất 3 lần/ngày vào các buổi sáng, trưa, tối để tránh gỉ mắt mọc dầy, cộm gây ngứa ngáy cho bé.
- Lau sạch ghèn ở mắt
Cho trẻ nằm nghiêng một bên, mẹ hãy dùng bông gòn hoặc giấy ẩm thấm muối sinh lý hoặc nước sạch để lau ghèn ở mắt cho bé. Mẹ nên lau khi ghèn còn ướt, không để đến khi ghèn khô mới lau vì bé sẽ bị đau. Lau xong vứt bỏ bông gòn, không sử dụng lại.
Mẹ hãy cố gắng lau sạch ghèn ở mắt cho trẻ 3 lần/ngày (Ảnh minh họa)
- Rửa tay sạch sẽ khi chăm sóc trẻ
Mỗi khi chăm sóc trẻ, bố mẹ cần rửa tay sạch sẽ. Đặc biệt trước và sau khi vệ sinh mắt, nhỏ mắt, mẹ cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Không để trẻ dùng chung đồ với các thành viên khác
Bố mẹ hãy cho con dùng riêng khăn, gối, chậu rửa mặt; giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng và nước sạch, phơi khăn ngoài nắng hàng ngày.
- Tránh đưa bé đến nơi đông người
Khi trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ, nếu không cần thiết, mẹ không nên đưa bé đến những nơi đông người.
- Không xông mắt bằng những nguyên liệu như lá trầu
Đôi mắt của trẻ sơ sinh cũng rất nhạy cảm, hơi nóng từ lá trầu có thể khiến tình trạng đau mắt càng nặng hơn.
Đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay nếu:
- Mắt trẻ ngày càng đỏ và sưng
- Gỉ mắt có màu vàng đậm hoặc xanh
- Bé quấy khóc liên tục và sốt cao
- Thấy có màng trong mắt bé
- Sau 5 ngày, tình trạng đau mắt đỏ của trẻ vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
>> XEM TIẾP: Bác sĩ tư vấn cách xử lý chuẩn nhất khi trẻ bị viêm kết mạc
Chuyên mục Làm mẹ - Nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về chăm, nuôi và dạy con, các căn bệnh liên quan đến trẻ nhỏ. Mời độc giả gửi những thắc mắc, tâm sự, chia sẻ liên quan đến chủ đề này về địa chỉ lamme@eva.vn để được sẻ chia, nhận tư vấn từ chuyên gia. |