Bác sĩ tư vấn cách xử lý chuẩn nhất khi trẻ bị viêm kết mạc

Ngày 28/07/2017 16:02 PM (GMT+7)

“Khi trẻ bị viêm kết mạc, theo quan điểm của tôi không cần cho trẻ rửa mắt bằng nước muối, bố mẹ có thể cho trẻ rửa mắt bằng nước máy sạch nhiều lần cho con”, bác sĩ Bạch Quốc Nam chia sẻ.

Viêm kết mạc là gì?

Viêm kết mạc là viêm màng bao phủ tròng trắng của mắt và lớp sau mi mắt. Viêm kết mạc mắt có thể do nhiều nguyên nhân như nhiễm vi khuẩn, nhiễm virus, dị ứng, những phản ứng độc hại bỏng hóa chất ở mắt, ký sinh trùng, nấm...

Nguyên nhân và biểu hiện của bệnh viêm kết mạc

Trẻ bị viêm kết mạc thường xuất phát từ 6 nguyên nhân chính sau đây:

STT Nguyên nhân Biểu hiện
1

Viêm kết mạc do vi khuẩn

1.1

Vi khuẩn Proteus, Enterobacteriaceae, phế cầu, tụ cầu vàng, lậu cầu, não mô cầu…

- Mắt đỏ, tiết tố mủ nhiều.

- Buổi sáng mắt dính, khó mở, chảy nước mắt, cộm xốn.

- Thường ở 1 mắt, kết mạc cương tụ toàn bộ.

1.2

Vi khuẩn Lậu cầu (Neisseria Gonorrheae) 

- Có thể lây từ đường sinh dục mẹ, từ tay thầy thuốc đỡ đẻ sang mắt trẻ sơ sinh.

- Khởi phát đột ngột, chảy nhiều mủ.

- Kết mạc có màu đỏ tươi, phù nhiều và có thể có màng giả mạc phủ lên trên bề mặt kết mạc sụn mi.

- Có hạch trước tai, mí mắt sưng phồng, đau, nhanh chóng dẫn đến biến chứng loét giác mạc, nhanh thủng mắt.

1.3

Mắt hột do vi khuẩn Chlamydia trachomatis 

- Cộm xốn, chảy nước mắt, đỏ mắt, tiết tố mủ nhầy.

- Hột ở kết mạc, sẹo ở kết mạc, lõm hột ở vùng rìa, lông siêu, lông quặm.

2

Viêm kết mạc do virus

(Virus herpes zoster, adenovirus, enterovius, Herpes simplex)

- Cương tụ, phù kết mạc.

- Xảy ra ở một bên mắt trước và sau đó vài ngày đến mắt còn lại.

- Hai mí mắt có thể bị sưng phồng.

- Chảy nước mắt nhiều, cộm xốn có cảm giác như vật lạ ở trong mắt.

- Xuất hiện vào mùa có dịch, có thể chảy máu ở tròng trắng, có hạch trước tai, đôi khi sốt, có thể có giả mạc ở kết mạc.

3

Viêm kết mạc do dị ứng

- Ghèn lỏng, cộm xốn

- Ngứa nhiều, chảy nước mắt, tái phát thường xuyên.

- Không lây lan, xuất hiện theo mùa.

- Phù mi mắt, phù  tròng trắng mắt đỏ.

- Nhiều gai nhú ở kết mạc sụn mi trên xếp thành hình gạch lát.

4

Viêm kết mạc do nhiễm độc 

- Các chất axit, kiềm, chất độc hoá học, thuốc atropine là tác nhân gây kích thích mạnh gây viêm kết mạc, tổn thương giác mạc.

5

Viêm kết mạc do nấm

- Kèm theo viêm loét giác mạc do nấm Candida albicans, Aspergillus.

6

Viêm kết mạc do ký sinh trùng (chấy, rận)

Biến chứng và tiến triển bệnh viêm kết mạc

Nhiều loại viêm kết mạc có xu hướng tự khỏi như viêm kết mạc do virus… Tuy nhiên có một số loại viêm kết mạc có diễn biến bệnh lý đáng quan tâm như:

- Viêm kết mạc do cầu khuẩn lậu có thể nhanh chóng chuyển sang viêm loét giác mạc và tiếp đó là biến chứng thủng nhãn cầu.

- Viêm kết mạc do Adenovirus có thể xuất hiện viêm giác mạc chấm nông.

- Viêm kết mạc mùa xuân: nhú gai quá phát ở kết mạc sụn mi trên có thể gây ra loét trợt nông ở giác mạc.

- Mắt hột có thể gây lông quặm, sẹo giác mạc, mù, khô mắt, biến dạng bờ mi.

Chính bởi vậy các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và tư vấn kịp thời.

Bác sĩ tư vấn cách xử lý chuẩn nhất khi trẻ bị viêm kết mạc - 1

Biến chứng nguy hiểm nhất nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến mù lòa. (Ảnh minh họa)

Tư vấn và chia sẻ của bác sĩ chuyên khoa

Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong nghề, bác sĩ chính CK I Bạch Quốc Nam, Bệnh viện Mắt Hà Nội sẽ có những chia sẻ về kinh nghiệm trong việc điều trị viêm kết mạc ở trẻ.

Theo bác sĩ Nam, viêm kết mạc thực chất là bệnh viêm nhiễm bề mặt, có thể do vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng gây ra. Bệnh ở người lớn và trẻ em đều như nhau và hoàn toàn có thể trở thành dịch khi gặp điều kiện thuận lợi.

“Viêm kết mạc là viêm nhiễm về mặt nguồn lây có thể do nước nhưng hiện nay, đa số dân sinh đã có nước sạch dùng.

Tôi có quan sát thói quen sống hàng ngày và nghĩ nhiều đến nguồn lây từ chiếc khăn mặt bởi khi dùng xong nhiều người thường vắt trong nhà tắm chỉ vài m2 ẩm thấp, không có ánh sáng.

Đây là điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Bên cạnh đó, khói bụi ô tô, xe máy, đặc biệt nước mưa không sạch cũng là một trong những nguồn lây”, bác sĩ Nam cho biết.

Bác sĩ tư vấn cách xử lý chuẩn nhất khi trẻ bị viêm kết mạc - 2

Cũng theo bác sĩ Nam, biến chứng chủ yếu của viêm kết mạc có thể là viêm loét giác mạc, giảm thị lực, chức năng suy giảm. Nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng mắt sẽ có giả mạc.

Đặc biệt, trẻ em rất dễ bị viêm kết mạc có giả mạc bởi thông thường mi mắt trơn trượt trên lòng đen nhưng khi màng giả (sản phẩm của cuộc đánh nhau giữa cơ thể và nguyên nhân gây bệnh) trượt trên bề mặt sẽ gây loét giác mạc.

Đối với người vùng sâu vùng xa không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như mù lòa.

Bên cạnh đó, những biến chứng khác có thể là viêm giác mạc (chưa loét) dai dẳng, dễ tái phát bởi virus herpes - virus cơ hội không ra khỏi cơ thể. Nếu cơ thể mất ăn mất ngủ, virus có thể gây bệnh còn cơ thể khỏe virus sẽ vào hạch, thần kinh sống,

“Bố mẹ cần đưa trẻ khám xét nhanh chóng để nhận được sự tư vấn, chăm sóc của nhân viên y tế chuyên khoa. Nếu trẻ có giả mạc cần được bóc giả mạc và cần điều trị kháng sinh phù hợp.

Bên cạnh đó, bố mẹ bế con không nên hôn con dễ lây bệnh và không được điều trị quá mức sẽ gây ra biến chứng.

Bố mẹ không nên lo ngại khi trẻ mắc bệnh vì điều trị viêm giác mạc chỉ từ 5-7 ngày. Điều lo ngại nhất là không ý thức vệ sinh để lây nhiễm cả nhà, coi thường không đi khám ở bệnh viện mà ra cửa hàng thuốc điều trị không đúng cách.

Khi trẻ bị viêm kết mạc không cần cho trẻ rửa mắt bằng nước muối, có thể cho trẻ rửa mắt bằng nước máy sạch nhiều lần.

Đối với bệnh viêm nhiễm ở mắt, các gia đình nên có lối sống vệ sinh, dùng nước sạch, rửa chân tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh”, bác sĩ Nam tư vấn.

Hồng Nhung
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trẻ nhỏ và bệnh thường gặp