Chịu sự hà khắc đến cực đoan của cha mẹ, phải sống trong một mái nhà trọng nam khinh nữ khiến cô bé ấy bị tổn thương nặng nề.
Năm 1993, một vụ án giết người xảy ra tại Chicago, Hoa Kỳ. 6 tuần sau đó, người ta bắt được thủ phạm là Andrew Suh, một học sinh trung học gốc Hàn Quốc. Cậu bé là chủ tịch hội học sinh ở trường, trong mắt mọi người là một học sinh gương mẫu, ngoan ngoãn… Điều đáng sợ hơn là, người xúi giục Andrew Suh giết người không ai khác chính là chị ruột của cậu bé.
Bi kịch đau lòng đó xảy ra là bởi trong quá khứ, người chị gái Catherine đã phải chịu sự hà khắc đến cực đoan của cha mẹ, phải sống trong một mái nhà trọng nam khinh nữ khiến cô bị tổn thương nặng nề.
Tuổi thơ đau khổ, chịu sự cay nghiệt từ chính cha mẹ vì tư tưởng “trọng nam khinh nữ”
Năm 1976, một cặp vợ chồng người Hàn Quốc di cư đến Chicago, Hoa Kỳ, họ chính là cha mẹ của cô bé Catherine 7 tuổi và Andrew 2 tuổi khi đó. Nói về gia đình gốc Hàn này, người cha Ronal thực sự là người đàn ông Hàn Quốc mang nặng tư tưởng gia trưởng, trọng nam khinh nữ.
Trước đó, họ cũng đã từng có một cậu con trai khác ngoài Andrew nhưng rồi cậu bé đó không may qua đời vì một tai nạn. Ông Ronal gây áp lực lớn với vợ, phải đẻ cho kỳ được một đứa con trai khác để bù đắp. Thậm chí ông còn bắt ép vợ phải uống các loại thuốc hỗ trợ sinh sản. Và rồi cuối cùng, năm 1974, cậu bé Andrew ra đời.
Gia đình ông Ronal và bà Elizabeth cùng hai người con đáng yêu.
Andrew được bố mẹ coi như báu vật, được ông Ronal cưng như trứng mỏng. Điều đó đồng nghĩa với việc, cô con gái Catherine dường như không tồn tại, bị ghẻ lạnh, hắt hủi. Cô bé thường xuyên bị bố đánh đập, chửi mắng.
Vợ chồng ông Ronal và bà Elizabeth đã mở một cửa hàng giặt ủi ở Hoa Kỳ. Với sự chịu khó, chăm chỉ, công việc kinh doanh của họ ngày càng phát triển. Thậm chí họ còn mở được một chuỗi cửa hàng ở Chicago.
Là một người đàn ông Hàn Quốc truyền thống, ông Ronal mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ.
Thành công trong kinh doanh, nhưng gia đạo lại bất an. Càng lớn, Catherine với bố càng có những mâu thuẫn không thể nào xóa bỏ được. Ông Ronal không chấp nhận chuyện con gái yêu môt chàng trai ngoại quốc. Ông cho rằng đó là một nỗi nhục của gia đình và con gái sẽ chỉ được phép yêu một chàng trai Hàn Quốc mà thôi. Nhưng Catherine không còn là một cô bé, cô bước vào tuổi nổi loạn sau hàng loạt những tổn thương và sự thiếu quan tâm của bố mẹ trong quá khứ. Catherine hoàn toàn không khoan nhượng.
Catherine phải sống trong sự hà khắc của người cha khiến tuổi thơ của cô bị ám ảnh nặng nề
Mâu thuẫn giữa người cha và cô con gái ngày càng dữ dội, hành động của họ dành cho nhau ngày càng trở nên cực đoan hơn. Thậm chí trong một cuộc cãi vã, người cha còn đổ xăng lên người mình và con gái với ý định tự tử. May mắn thay, bà Elizabeth phát hiện kịp thời để ngăn chặn thảm kịch này.
Hủy hoại cuộc đời cậu em trai ưu tú vì những căm hận ấu thơ
Những năm tháng sau đó, ông Ronal phát hiện mắc bệnh ung thư. Năm 1985, sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật, ông đã qua đời tại bệnh viện. Và ngay cả khi bố chết, Catherine cũng không về nhìn mặt. Chỉ có cậu con trai Andrew và mẹ tiễn bố về thế giới bên kia mà thôi.
Catherine bước vào tuổi trưởng thành với đầy sự nổi loạn. Cô không nhìn mặt bố mình ngay cả khi ông chết.
Cái chết của người cha là một sự bất hạnh, nhưng cái chết của bà Elizabeth là một tội ác. Hai năm sau ngày chồng mất, năm 1987, vào một buổi sáng, bà Elizabeth được tìm thấy với thi thể đẫm máu cùng 37 nhát dao đâm vào người. Địa điểm xảy ra lại tại tiệm giặt ủi nơi bà làm việc.
Cảnh sát bắt đầu mở một cuộc điều tra và Catherine khi ấy có bằng chứng ngoại phạm hoàn hảo khi bạn trai của cô khẳng định thời điểm bà Elizabeth bị giết, Catherine đang ở cùng anh ta và cô ấy đã rất đau khổ khi nghe tin mẹ bị giết.
Thời điểm đó, Andrew mới 13 tuổi và trở thành một cậu bé mồ côi. Andrew được thừa hưởng toàn bộ tài sản của bố mẹ để lại. Nhưng lúc này, cậu bé chưa đủ tuổi vị thành niên và nghiễm nhiên Catherine trở thành người giám sát của em trai mình, người chịu trách nhiệm nuôi dưỡng em trai vì khi đó cô đã 18 tuổi. Cô cũng đồng thời trở thành người chủ gia đình, tiếp quản khối gia sản mà bố mẹ cô để lại.
Ngay sau khi sở hữu khối tài sản đó, Catherine đã bán sạch chúng đi để chuyển đến một nơi khác, lấy tiền đầu tư kinh doanh và tiêu xài hoang phí cùng bạn trai. Còn với Andrew, mặc dù trở thành cậu bé mồ côi nhưng Andrew học hành rất giỏi và thành tích đáng nể.
Sau khi đỗ đại học, anh đã đạt được kết quả xuất sắc và giành được học bổng trong vài năm. Anh cũng là chủ tịch của hội sinh viên trong trường và tích cực tham gia vào các hoạt động khác nhau của sinh viên. Có thể nói, Andrew rất nổi tiếng trong giới sinh viên khi ấy.
Nếu cứ như vậy thì có lẽ cuộc đời Andrew sẽ trở nên tươi đẹp, tương lai đầy triển vọng. Tuy nhiên, mọi thứ đã chấm dứt từ năm thứ 2, kể từ khi mà chị gái Catherine điện thoại cho Andrew kể về gã bạn trai tồi tệ, về việc cô thất bại trong kinh doanh vì hắn ta và yêu cầu Andrew “phải hành động” vì gia đình.
Cô chị đã tìm mọi cách để trở thành người thừa hưởng toàn bộ gia sản của bố mẹ và lao vào những cuộc chơi với người tình.
Cùng với sự hoang phí, gia sản của nhà họ Suh đã dần bay biến trong tay Catherine cùng bạn trai. Họ bắt đầu cãi nhau nhiều hơn khi không còn tiền. Lúc này, Catherine nghĩ đến việc giết chết bạn trai O'Dubaine vì anh ta có khoản bảo hiểm lên tới 250.000 đôla (Thời điểm đó là một con số giá trị).
Mùa hè năm ấy, Catherine khóc lóc kể về gã bạn trai với em của mình. Cô còn tiết lộ chính anh ta là người đã giết mẹ. Phản ứng của Andrew khi ấy là định báo cảnh sát nhưng lại bị chị gái ngăn lại. Catherine nói rằng nếu đi báo cảnh sát cô sẽ bị bắt vì tội bao che, tòng phạm với người yêu trong vụ án của mẹ mình.
Catherine đã hủy hoại cuộc đời của mình và cả người em trai vì những hận thù.
Dù biết chị gái là người “nhúm chàm” trong vụ án của mẹ, nhưng với Andrew lúc đó, Catherine là người thân duy nhất anh có được trong đời này. Vì thế, Andrew cố gắng tin rằng tội giết mẹ chỉ liên quan đến gã bạn trai của chị mình mà thôi.
“Đây là những gì mà em phải làm vì gia đình mình. Cả mẹ và chị đều là nạn nhân của kẻ độc ác O'Dubaine và em phải trả thù cho mẹ với chị”. Những tư tưởng này được Catherine nhồi nhét vào đầu em trai và khiến anh tìm cách trả thù.
Sau kỳ nghỉ hè, Catherine đã gọi 66 cuộc điện thoại cho em trai. Trọng tâm của mỗi cuộc gọi là nhắc nhở em trai giết O'Dubaine. Sau một vài tuần nữa, Catherine gọi cho em trai và nói với anh rằng thời gian đã chín muồi, đặt vé về quê, mua cho em trai một khẩu súng, giục đến chỗ mình để thực hiện phi vụ giết O'Dubaine.
Andrew tới chỗ chị gái mình và ngồi phục kích trong xe, tay cầm khẩu súng, mọi thứ chấp hành theo đúng kế hoạch mà chị gái vạch ra. Trong khoảng thời gian ngồi chờ giết người đó, Andrew đã muốn chạy trốn nhưng vì nghĩ đến trách nhiệm với gia đình, với chị gái, anh đã bắn hai phát vào cổ và đầu của O’Dubaine. Cũng chính 2 phát súng này đã chính thức làm thay đổi cuộc đời Andrew.
Andrew bị bắt sau đó, còn Catherine chạy trốn, rong ruổi khắp nơi. Cô xuất hiện với những cái tên khác nhau, cặp với nhiều người và rồi lại bỏ trốn sang một nơi khác để tránh sự truy nã của cảnh sát. Cuối cùng, Catherine cũng đã bị bắt sau khi cô gọi điện cho tình cũ tâm sự và mong cứu giúp nhưng anh này đã cung cấp thông tin cho cảnh sát.
Chối bỏ tình thân...
Khi đã bị bắt, Andrew tâm sự rằng anh biết chị gái mình đã phạm nhiều tội nhưng khi chị ấy là người thân duy nhất còn lại, Andrew vẫn chọn cách bảo vệ chị như thế. Thật tiếc là trước tấm chân tình đó của em trai, Catherine lạnh lùng tuyên bố: Tôi chẳng có người em trai nào cả. Thậm chí kể từ sau khi em trai gây án cho đến tận bây giờ, Catherine không bao giờ còn liên lạc với em trai.
Những năm sau này, Andrew vẫn luôn đau đáu về chị gái nhưng ngược lại, Catherine phủ nhận tình thân với người em trai duy nhất.
Catherine bị kết án tù chung thân, còn Andrew bị kết án 100 năm tù. Có lẽ chính những tổn thương sâu sắc của cô khi phải sống dưới một mái nhà mà cha mẹ coi khinh đã là nguyên nhân biến cô trở thành con người như vậy.
Tâm lý thích con trai hơn con gái vẫn tồn tại trên thực tế xã hội hiện nay nên bằng cách này hay cách khác, các gia đình, thế hệ trên gây áp lực cho con cháu mình trong việc sinh… quý tử. Từ đó, khi đứa trẻ chào đời cũng có sự phân biệt rõ rệt giữa con/cháu trai và con/cháu gái. Từ thực tế thảm kịch xảy ra với gia đình nói trên có thể thấy, việc "trọng nam khinh nữ" trong một gia đình dẫn đến những tư tưởng giáo dục trẻ trai và trẻ gái khác nhau, phân biệt và thiên vị giữa con trai và con gái ngay từ nhỏ hình thành những tính cách bướng bỉnh, khó chịu và ấm ức của trẻ cho đến tận khi chúng trưởng thành. Thậm chí trong một số gia đình, chính các bậc cha mẹ cũng không tỉnh táo ứng xử một cách bình đẳng với con từ bé sẽ hình thành quan niệm phân biệt đối xử giữa con trai và con gái. Theo các chuyên gia tâm lý, là cha mẹ chúng ta nên mong muốn con cái dù trai hay gái cũng cần có tri thức và nhân cách. Không nên phân biệt con trai hay con gái trong cuộc sống hàng ngày. Khi nuôi dạy trẻ cần có sự bình đẳng, không trọng nam khinh nữ, áp dụng những bài học phù hợp để dạy trẻ trai khác trẻ khác. Ngoài ra cần hình thành cho trẻ sự tôn trọng anh em trong một nhà. Chính cha mẹ cần là người hết sức cẩn trọng trong hành vi ứng xử với các con hàng ngày. Đừng vô tình đặt nặng con trai xem nhẹ con gái mà bằng mọi cách để các con, cả trai lẫn gái, tự nguyện tham gia vào các hoạt động gia đình, biết yêu thương và chia sẻ với người khác. |
Bấm vào đây để xem thêm:
Sinh con trai nhưng vùng kín lại không có "cậu nhỏ"
Thích con gái nhưng bầu con trai, mẹ choáng khi nhìn mặt con chào đời: đẹp như tiểu tiên nữ
Bà mẹ chia sẻ chuyện "không sinh con gái" khiến hàng nghìn chị em chạnh lòng