Một bài viết sâu sắc của anh Chánh Văn - ông bố trẻ Hoàng Anh Tú được nhiều người đồng tình ủng hộ.
Bài học mà bố dạy Bách - My nhiều lần trên đường đến trường mỗi sáng luôn là: Không có gì miễn phí hết! Kể cả khí trời, các con cũng phải "mua" bằng việc các con bảo vệ môi trường. Kể cả sự yêu thương và chăm sóc của cha mẹ, các con đều phải trả phí bằng việc các con phải trân trọng, gìn giữ gia đình và đừng "bán" sự xấu hổ lên cha mẹ mai này!
Có lần, bố ra một "đề": Nếu ai đó trả My 10 triệu đồng (bằng 10 lần số tiền tiết kiệm vất vả của con nhé) và muốn được thơm vào má của con thì con đồng ý không?My hét lên: Không! Không bao giờ! 100 triệu cũng không!
Bố cũng kể cho Bách My về giá trị của một con người. Có người vì dăm ba triệu đồng sẵn sàng bán rẻ danh dự, lòng tự trọng. Là bởi họ ít học, họ không có nhiều lựa chọn. Những cán bộ công chức sẵn sàng để sếp sỉ nhục để giữ vị trí công việc, những người đánh đổi thời gian với gia đình để cày cuốc kiếm tiền sinh tồn là bởi khi còn trẻ như Bách và My, họ lười biếng. Đừng đổ tại số phận không cho mình cơ hội. Hãy nỗ lực để tạo ra những cơ hội cho mình bằng lòng khát khao của bản thân, tha thiết học hỏi và đừng bỏ cuộc!
Cảnh tượng cha mẹ bế con trèo rào để được vào tắm miễn phí trong công viên Hồ Tây nước ngày 19/4.
Dạy những đứa trẻ mới 8,9 tuổi những điều đó có quá sớm không? Bố nghĩ là Không! Dạy con về giá trị bản thân thì không bao giờ là quá sớm. Như với Nguyên Ít thì chỉ đơn giản là thay quần áo trong phòng thì đóng cửa lại. Biết xấu hổ khi bố giơ máy ảnh lên lúc con chưa mặc đồ.
Chúng ta có thể cho đi hoàn toàn miễn phí lòng tốt, nụ cười, sự quan tâm hay kể cả đồ chơi, tiền bạc. Chúng ta không cần quan tâm đến việc chúng ta được gì. Nhưng chúng ta đừng chấp nhận sự miễn phí. Dù chỉ là một cái kẹo. Hãy trả phí một cách sòng phẳng. Bằng một lời cảm ơn và sự tuân thủ quy định mà họ đặt ra. Bởi đằng sau những sự miễn phí ấy là rất nhiều ràng buộc. Nếu con chấp thuận thì hãy nhận. Bằng việc nhớ xem giá trị của mình đến đâu chứ không phải bằng trị giá quà miễn phí đó! Như ai đó tặng con miễn phí lòng quan tâm của họ thì hãy trả lại họ bằng chính sự ghi nhớ của con. Người cho có thể miễn phí nhưng người nhận hãy trả phí! Những cuộc chen lấn, dẫm đạp, xô đẩy nhau là bởi người nhận mặc nhiên nhận miễn phí. Họ miễn phí cả lòng tự trọng của họ để nhận những món quà miễn phí ấy!
Thế nên việc bố dạy các con trong cuộc đời không có gì là miễn phí không phải là các con không tin vào sự miễn phí mà chỉ là biết giá trị của mình đến đâu? Và học cách trả phí sòng phẳng hơn!
Bách và My cắc cớ hỏi bố: Nhà hàng mình vẫn tặng đồ chơi miễn phí cho trẻ con đấy bố. Ừ nhỉ, bố đáp, nhưng là bởi bố mẹ các bé đã trả tiền ăn cho chúng ta thì chúng ta cảm ơn họ bằng việc tặng đồ chơi cho con họ- đó cũng là một việc trả phí từ cả 2 bên.
Ngay với những cái like trên FB cũng không phải là miễn phí! Nếu con không biết giá trị bản thân mình thì những cái like ấy sẽ khiến con ảo tưởng sức mạnh. Trong nhiều trường hợp đã thấy trên FB: nhiều cô gái sẵn sàng hở nhiều nhất để câu like. Bởi giá trị của họ tính bằng số like. Còn với người hiểu giá trị của mình, họ sẽ biết họ cần phải sống tốt đẹp hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa với những quan tâm đó!
Hãy học cách trả phí trước khi nhận đồ miễn phí! Bằng chưa học được cách trả phí, rất có thể các con sẽ phải trả giá với những gì các con được nhận miễn phí trong đời!
Nhà văn Hoàng Anh Tú sinh năm 1978 vốn là một cây viết kỳ cựu của báo Hoa học Trò với bút danh quen thuộc Anh Chánh Văn, là tác giả của rất nhiều tập sách dành cho lứa tuổi mới lớn, đồng thời là cha đẻ của thuật ngữ 8x. Anh là bố của ba đứa con: Bách, My, Nguyên và luôn gây ấn tượng với cộng đồng mạng với những chia sẻ về cách dạy con hết sức thú vị. |