Chuyên gia tâm lý chỉ ra 5 câu nói hủy hoại cả cuộc đời con mà nhiều cha mẹ Việt thường dùng

Thùy Dương. - Ngày 14/05/2023 09:46 AM (GMT+7)

Đành rằng xuất phát vì thương con mới mắng một câu, nhưng những câu nói của cha mẹ lại không khác gì là đao mềm, cào vào người không chảy máu nhưng đau thấu tim gan. Sự quan tâm như thế này thật sự là không ai cần”, chuyên gia tâm lý bày tỏ.

Nuôi dạy con ở độ tuổi dậy thì, rất nhiều cha mẹ than phiền rằng tại sao từ một đứa trẻ ngoan ngoãn, nghe lời, hiền lành lại bỗng trở nên bướng bỉnh, ương ngạnh, và sẵn sàng đối đầu với cha mẹ như thế. Cũng với thắc mắc này, chị Trương (sống ở Trung Quốc) đã phải tìm đến chuyên gia tâm lý khi cậu con trai 15 tuổi bỗng biến thành “người lạ” chỉ sau một kỳ nghỉ tết Nguyên Đán.

Chị Trương tâm sự: “Con trai tôi vốn là một đứa trẻ ngoan ngoãn, thông minh, học giỏi lại hiền như cục bột. Nhưng bây giờ nó lại trở nên bất cần đời, bắt đầu hút thuốc, nghiện game, không chịu đi học và cãi mẹ nhem nhẻm. Nguyên nhân của sự thay đổi này chỉ đơn giản là trong dịp Tết vừa qua, một người họ hàng đến nhà chơi thấy cháu đọc sách nên đã khen cháu học giỏi, lại rất tự giác, và còn chăm chỉ đọc sách chứ không ra ngoài chơi bời như những đứa trẻ khác.

Lúc đó, vì lịch sự tôi mới nói: “Đâu có, cháu vẫn còn khờ khạo lắm. Nếu nó không chịu học hành chăm chỉ thì có chỉ thể đi làm công nhân…”. Tôi chưa nói dứt câu thì thằng bé đã đập mạnh quyển sách xuống bàn rồi đi vào phòng đóng sầm cửa lại. Tôi không giữ được bình tĩnh vì xấu hổ nên đã mắng con: “Học ở đâu cái thói ấy hả thằng kia? Đọc sách mà chẳng biết lễ phép là gì cả, tốt nhất là đừng đi học nữa”.

Sau ngày hôm đó, con trai tôi chính thức “đối đầu” với mẹ. Nó sẽ làm bất cứ điều gì khiến cho tôi tức giận. Tôi suy sụp và bất lực. Tôi đã lao vào đọc nhiều sách, xem video về giáo dục và tự hỏi vấn đề nằm ở đâu nhưng tôi không tìm được câu trả lời chính xác”.

Con chị Trương như biến thành một người khác khi bị mẹ chê bai trước mặt người khác (Ảnh minh họa)

Con chị Trương như biến thành một người khác khi bị mẹ chê bai trước mặt người khác (Ảnh minh họa)

Nghe xong câu chuyện, chuyên gia tâm lý đã chỉ ra vấn đề nằm ở chính chị Trương. Ở độ tuổi dậy thì, “cái tôi” của trẻ rất cao, chính vì thế nếu cha mẹ không khéo, trẻ sẽ “trả đũa” lại bạn, nghĩa là làm mọi thứ khiến cho cho mẹ phải tức giận và đau lòng nhất.

Và một đứa trẻ lựa chọn con đường “trả thù” như thế này thì chắc chắn bé cũng đã phải chịu nhiều tổn thương, trái tim có thể đã hằn nhiều vết sẹo. Thế nhưng, cha mẹ lại hoàn toàn không biết những tổn thương đó lại bị gây ra bởi những câu nói vô tình. Mỗi lời nói của cha mẹ nghe thì nhẹ nhưng lại giống như nhát dao đâm vào lòng của trẻ. Phổ biến nhất là những câu nói sau đây:

1. “Nếu con còn nghịch nữa là mẹ sẽ đuổi con ra khỏi nhà”

Có một bà mẹ có cậu con trai 3 tuổi rất nghịch ngợm. Mỗi lần được nghỉ học ở nhà, bé trai sẽ bày bừa bộn cả nhà, la hét ầm ĩ, nghịch nước, xé khăn giấy vứt lung tung, đổ bịch bột mì ra sàn nhà rồi thổi cho bột bay tung tóe khắp nơi,… Thế là, thay vì nói chuyện tử tế với con, người mẹ này đã đe dọa: “Nếu con còn nghịch nữa là mẹ sẽ đuổi con ra khỏi nhà”, “Con không ngồi yên một chỗ là mẹ giận con luôn đó”.

Và cứ sau khi nghe lời dọa của mẹ, cậu bé đã ngồi im, đôi lúc lại rón rén đến bên ôm mẹ và xin lỗi mẹ. Lớn lên trong dọa nạt, cuối cùng, cậu bé đã trở thành một người nhút nhát, tự ti, không dám làm bất cứ điều gì vì sợ làm phật lòng người khác khiến họ giận. Bạn thấy đấy, sử dụng tình yêu như một mối đe dọa sẽ phá hủy cảm giác an toàn của một đứa trẻ suốt đời”, chuyên gia tâm lý nói.

2. "Con thật kém cỏi"

“Năm đó, khi con trai tôi 5 tuổi đi học mẫu giáo. Thời gian đầu, con luôn kêu ca là không muốn đi học. Hỏi ra mới biết trong lớp có một bạn thường xuyên bắt nạt, lúc thì giật mũ, lúc thì giật tóc, lúc thì lấy bút màu vẽ nguệch ngoạc vào tay con. Tôi đã phải nói chuyện với giáo viên, với phụ huynh của đứa trẻ đó. Cuối cùng, chuyện bắt nạt này cũng kết thúc.

Vậy nhưng không lâu sau, con tôi lại tiếp tục phàn nàn bị một bạn khác bắt nạt. Lúc đó, thay vì kiên nhẫn nghe con nói rõ, tôi đã vội vàng đổ lỗi: “Tại sao con bị bắt nạt còn các bạn khác thì không bị? Có phải tại con thường quậy phá khiến các bạn ghét con không? Con hãy tự nghĩ cách giải quyết đi”. Kể từ đó, con của tôi không bao giờ còn phàn nàn điều gì với tôi nữa, nó cũng ít nói chuyện với tôi về trường học. Tôi phải làm sao?”, một người mẹ chia sẻ.

Theo chuyên gia tâm lý, mặc dù các câu hỏi tu từ của cha mẹ chỉ mang tính chất nhắc nhở để con nhìn nhận lại chính mình. Nhưng trong suy nghĩ của trẻ, những câu nói này ngầm mang ý nghĩa là: “Con thật kém cỏi!”. Nó thể hiện sự nghi ngờ và phủ nhận những cố gắng của con, khiến trẻ cảm thấy bản thân bị coi thường và chối bỏ. Từ đó, các bé sẽ từ chối chia sẻ với cha mẹ mọi chuyện của mình.

Những lời nói của cha mẹ đều xuất phát từ tấm lòng thương con, mong con khôn lớn nên người. Nhưng đối với trẻ, đó đôi khi lại là những nhát dao (Ảnh  minh họa)

Những lời nói của cha mẹ đều xuất phát từ tấm lòng thương con, mong con khôn lớn nên người. Nhưng đối với trẻ, đó đôi khi lại là những nhát dao (Ảnh  minh họa)

3. "Con nhà người ta..."

Một đứa trẻ đi học về xúc động khoe: “Mẹ ơi, con được trọn điểm bài kiểm tra học kỳ môn Toán đó mẹ”. Tuy rằng rất tự hào và hạnh phúc với điều đó, nhưng bà mẹ này không muốn con “ngủ quên chiến thắng” nên đã nói: “Có vậy mà cũng khoe sao? Chỉ cần đạt điểm tuyệt đối là con đã hài lòng rồi à? Chị gái Tiểu Kinh của con lần nào cũng đứng nhất trường, môn nào cũng đạt điểm tuyệt đối, con nên học theo chị ấy”.

Đây đúng là một câu “sắc như dao” đối với trẻ em. Bởi bé không hiểu được ý tốt của cha mẹ, mà chỉ nhớ từng từ từng chữ trong câu và hiểu rằng: “Dù mình có cố gắng như thế nào thì trong mắt bố mẹ, mình vẫn thua chị”. Về lâu dài, điều này khiến sự tự tin của trẻ bị hủy hoại, còn lòng tự trọng thì ngày càng thấp đi. Trẻ khó có thể thành công về sau này.

4. "Con chỉ làm được thế thôi sao?"

“Hồi nhỏ, con tôi học kém lắm. Học kỳ 1 của năm lớp 5, thằng bé đã thi với số điểm thấp đến thậm tệ. Cô hiệu trưởng đã phải mời phụ huynh lên nói chuyện và nhờ gia đình cố gắng hỗ trợ động viên để học sinh học tốt hơn trong học kỳ 2. Khi đó, tôi tức giận đến cùng cực. Vì vậy, thay vì động viên con, tôi lại nói lời mỉa mai: “Con đã thi được những bằng này điểm, con giỏi thật đó. Lần sau mà còn thi điểm thế này thì nghỉ học luôn, đi bán vé số kiếm tiền tự nuôi thân”. Thật lòng, tôi chỉ muốn con biết xấu hổ mà chăm chỉ học hành, nhưng ai ngờ,…”, một người mẹ bộc bạch.

Hóa ra, con trai của người mẹ này không những không học hành tiến bộ, ngược lại còn mất đi chí tiến thủ, luôn tự cho mình là người vô dụng. Theo chuyên gia tâm lý, một đứa trẻ chỉ tràn đầy năng lượng “chiến đấu” khi được động viên và khích lệ rằng “Con sẽ làm được”. Còn một đứa trẻ thiếu đi sự khuyến khích, lại thường bị cha mẹ chế giễu hết lần này đến lần khác sẽ từ bỏ sự cố gắng, bỏ mặc buông xuôi mọi thứ.  

Không nhận được sự thông cảm thấu hiểu từ cha mẹ, trẻ sẽ dễ dàng đánh mất bản thân mình, trở nên tự ti, lòng tự trọng thấp và luôn xem bản thân mình là đồ bỏ đi (Ảnh minh họa)

Không nhận được sự thông cảm thấu hiểu từ cha mẹ, trẻ sẽ dễ dàng đánh mất bản thân mình, trở nên tự ti, lòng tự trọng thấp và luôn xem bản thân mình là đồ bỏ đi (Ảnh minh họa)

5. "Sao không nói cho mẹ?"

Có một cậu học sinh lớp 10 học nội trú tại trường. Trong một lần chơi với bạn, cậu bé bị ngã gãy tay nhưng lại không nói với ai. Mãi đến tối, không thể chịu đựng nổi những cơn đau, bé trai mới nói với thầy giáo và nhờ thầy đưa đi bệnh viện và gọi điện thoại báo cho mẹ biết. Nhìn cánh tay con bó bột trắng xóa lòng bà mẹ này xót xa, liền trách mắng: “Sao con không nói cho mẹ biết?”. Nghe vậy, cậu con trai cau có hỏi lại: “Nói với mẹ thì có ích gì? Lần nào mẹ cũng mắng con, làm con khó chịu hơn”.

“Lúc đó, tôi đã nghĩ cậu bé thật vô lý khi nói với mẹ như thế, nhưng sau khi hỏi rõ tôi mới biết, hóa ra, người mẹ này thường mắng con. Khi con ngã, người mẹ nói: “Không có mắt à?”. Khi con bị cảm lạnh, người mẹ nói: “Đã bảo mang theo áo mưa rồi mà không nghe, giờ thì ráng mà chịu”. Khi con về muộn, người mẹ nói: “Mày còn biết đường về à? Tưởng chết bờ bụi ở đâu rồi chứ”. Đành rằng xuất phát vì thương con mới mắng một câu, nhưng những câu nói của người mẹ này lại không khác gì là đao mềm, cào vào người không chảy máu nhưng đau thấu tim gan. Sự quan tâm như thế này thật sự là không ai cần”, chuyên gia tâm lý bày tỏ.

Theo Thùy Dương.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nuôi dạy con