Phương pháp này cho cháo dinh dưỡng cực thơm ngon lại đơn giản đến mức anh xã cũng 'đòi' nấu cháo cho con.
Khi con chuẩn bị ăn dặm, em đã mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu cách nấu cháo cho con. Em đã tham khảo rất nhiểu các cách thức, mẹo nấu cháo em tìm được trên các trang web và facebook. Vì vừa phải đi làm, vừa một mình chăm lo chuyện ăn uống của con nên em luôn ưu tiên cháo phải nấu nhanh và đảm bảo vệ sinh lên đầu. Em cũng đã mất rất nhiều thời gian điều chỉnh và cũng gặp phải vài lần cháo khê, cháo quá đặc hay lõng bõng toàn nước mới có thể đi đến công thức cuối cùng cho con. Từ khi ‘quán triệt’ được về việc dùng gì để nấu và nấu như thế nào, việc chuẩn bị bữa ăn hàng ngày cho con của gia đình em trở nên đơn giản hẳn. Ông xã cũng hăng hái tham gia nấu cháo cho con giùm vợ vì cách nấu này “quá dễ so với khả năng của anh” – ông xã em trêu. Em xin mách nhỏ với chị em phương pháp nấu cháo của mình, mong rằng nó sẽ có ích với những bà mẹ vừa đi làm vừa chăm con như em.
Nấu cháo với số lượng nhỏ
Đây là điều đầu tiên khiến em ‘đau đầu’. Khi Tũn nhà em tròn 7 tháng và hết thời gian ăn bột, em quyết định chuyển cho con qua tập ăn cháo xay. Nghĩ đi nghĩ lại, cả gia đình chỉ có vài cái nồi lớn, một cái nồi cơm điện cũng to không kém. Vậy nhưng mỗi bữa ăn của Tũn lại chỉ lèo tèo dăm ba thìa cháo. Mới 7 tháng tuổi thì con vẫn chưa thể ăn nhiều mà nếu chỉ nấu một chút cháo thì vừa tốn ga lại vừa chẳng dính đáy nồi.
Nghe theo lời của chị em mách trên diễn đàn, em đã thử dùng cách nấu cháo cho con bằng phích nước nóng. Tối hôm ấy, em hồ hởi khoe chồng “Cứ cho gạo cho nước sôi vào đậy lại, sáng hôm sau là có gạo ăn ngay!”. Anh xã ngạc nhiên lắm vì phương pháp mới nghe lần đầu của vợ. “Cẩn thận kẻo cháo sống con lại nhịn đói đấy nhé!” anh bán tín bán nghi.
Sáng hôm sau, hai vợ chồng dậy rõ sớm, hồ hởi ra xem phích cháo. Ngạc nhiên thay, những hạt gạo mới tối qua còn cứng đanh, vậy mà giờ đã nở bung. Tuy nhiên, vì chẳng biết lượng nước đong thế nào, lại để nguyên đêm nên cháo có phần đặc quánh như keo, lại nguội tanh nguội ngắt. Hai vợ chồng không ai bảo ai, tự giác rửa rồi cất lại cái phích nước vào một góc. Kế hoạch nấu cháo cho con bằng phích đã ‘phá sản’.
Em tiếp tục tìm kiếm và thử nghiệm cách nấu cháo mới. Theo kinh nghiệm của một chị ở cơ quan mách cho cách nấu cháo bằng nồi kho cá, nghe có vẻ ‘khả thi’. Chiều hôm ấy tan làm, em phi ngay ra chợ mua một cái nồi kho cá bằng điện nhỏ nhỏ xinh xinh, giá lại chỉ có hơn 150 nghìn. Nhân tiện hôm trước mẹ chồng mua tặng Tũn một bộ bát sứ nhỏ có nắp dày để nấu cháo rất yêu. Em kết hợp luôn cả hai món đồ này.
Em có tham khảo cách nấu cháo tương tự của mẹ Nhật nhưng vì Tũn đã qua giai đoạn đầu nên em nấu cháo có phần đặc hơn tỷ lệ cho trước. Em cho 1 phần gạo và 8 phần nước sôi vào bát sứ. Sau đó đặt bát vào nồi kho cá cũng đã có một lượng nước nóng xâm xấp hơn nửa thành bát. Kết quả thật tuyệt vời, sáng trước khi đi làm đặt bếp, trưa về bát cháo đã có gạo nở đều, mềm thơm, miết tay thấy hạt gạo tan mịn rất thích. Vì cháo ở nguyên trong bát sứ nên em đợi nguội rồi cho Tũn ăn ngay trong bát. Vô cùng tiện lợi.
Từ đó, em chỉ chuyên xử dụng cách này khi cần nấu cháo với số lượng ít cho con. Tuy nhiên, chị em nên lưu ý là khi nấu cho con bằng cách này ta nên sử dụng nước nóng ngay từ đầu. Không nên cho nước nguội bởi nhiệt trong nồi kho cá rất nhỏ và thường cháo sẽ chín trong vòng từ 3.5 – 4 tiếng.
Chuẩn bị rau thịt trước và chia khẩu phần cũng là ‘chiến thuật’ để tiết kiệm thời gian
Với chị em đi làm không có thời gian mua đồ tươi hàng ngày như em thì rau thịt đông lạnh là cách hợp lý nhất. Đồ đông lạnh vẫn bảo quản được các vitamin cần thiết. Hơn nữa, lại rất tiện cho mẹ tránh được những lích kích như thái, rửa mỗi ngày. Em đã đi siêu thị và mua rất nhiều những hộp nhựa và khay nhựa đựng thực phẩm bằng nhựa an toàn cho trẻ.
Tuần hai lần vào thứ 4 và thứ 7, em lại ra chợ chọn mua cho con những loại củ quả, những bó rau xanh nhất, những miếng thịt tươi khi ấn vào còn hồng hào bóng lên lớp màng thịt và những con tôm còn đang nhảy tanh tách trong chậu. Một số loại rau củ được em ưu tiên cho Tũn ăn trong thời gian này là súp lơ xanh, bí đỏ, đậu Hà Lan, cải bó xôi và cà rốt.
Rau củ thịt cá mua về em đều rửa rồi để khô rảo sạch sẽ. Rau nhặt lá bỏ cuống, củ bỏ vỏ. Sau đó em thái nhỏ rồi cất vào từng hộp nhựa to. Với thịt và tôm, em băm nhỏ vừa miệng con cồn viên thành từng viên nhỏ vừa với một bát cháo của bé. Tũn 7 tháng em cho con ăn 0,5 lạng thịt mỗi ngày, tương đương mỗi viên thịt là từ 0.25-0.3 gram cho mỗi bát cháo. Sau đó, rau để ngăn mát còn thịt em cấp đông.
Công thức 'chuẩn' nấu cháo cho con
Và đây! phần quan trọng nhất của mẹo nhỏ này, em xin mách chị em công thức nấu cháo 'chuẩn' cho Tũn 7 tháng nhà em. Nhờ công thức này mà chồng em luôn hăng hái giúp vợ nấu cháo vì nó vô cùng đơn giản:
1 bát cháo cho con = 4 thìa sữa gạo tẻ (em lấy thìa sữa công thức để đong gạo cho con) + 1 nhúm rau + 1 viên thịt 0,2-0,3 gram + 500ml nước sôi.
Tất cả cho vào bát sứ và nấu lên trong nồi kho cá. Nếu có thời gian vào cuối tuần, em cũng thường hay thay nước lọc sôi bằng nước luộc chân gà hoặc nước luộc rau củ. Những loại nước này cũng có tác dụng giúp bát cháo của con dậy hương và đậm đà vị ngọt tự nhiên hơn rất nhiều.
Công thức này đã được em áp dụng suốt 1 tháng và thấy rất hiệu quả. Con ăn ngoan, tăng cân đều và cháo cũng luôn tươi ngon. Khi bé lớn lên, chị em có thể tăng lượng thìa gạo, rau và viên thịt lên dần. Đồng thời có thể bỏ bát sứ ở trong và nấu trực tiếp bằng nồi kho cá.
Chúc chị em nuôi con khỏe, con ăn ngoan, chóng lớn!