Mới đầu mùa hè nhưng nắng nóng khiến không ít trẻ em mệt mỏi. Không ít trẻ em phải nhập viện vì cha mẹ chăm sóc sai cách, cho trẻ nằm điều hòa và quạt không hợp lý.
Ngày hôm nay, thời tiết nắng nóng đang bao trùm khắp cả nước. Quạt phun sương, điều hòa là những thiết bị được sử dụng rất phổ biến trong tiết trời hiện nay. Việc sử dụng quạt phun sương hay điều hòa tốt hơn cho sức khỏe của em bé luôn được những ông bố, bà mẹ vô cùng quan tâm.
Quạt phun sương, điều hòa là những thiết bị được sử dụng rất phổ biến trong tiết trời hiện nay. Ảnh minh họa
Phân tích về những ảnh hưởng nhất định từ các thiết bị làm lạnh tới sức khỏe trẻ nhỏ nếu bố mẹ sử dụng không hợp lý, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, trẻ thường nhập viện đông khi thời tiết nóng bức bởi sốt cao, viêm họng do phần lớn dùng quạt và điều hòa không đúng cách.
Cách dùng quạt phun sương đúng cách
Hệ hô hấp của trẻ nhỏ còn rất nhạy cảm. Không nên để hơi lạnh của điều hòa, quạt, nhất là thiết bị quạt phun sương xối thẳng vào cơ thể trẻ mà chỉ bật gió thoảng. Cần lắp và đặt điều hòa cũng như quạt ở vị trí hợp lý trên cao. Cánh cửa gió của điều hòa không đặt trực tiếp hướng về phía trẻ nằm.
Với những gia đình dùng quạt, không đặt tốc độ quạt gió quá mạnh hoặc chế độ phun sương quá nhiều. Với quạt hơi nước nếu dùng lâu, độ ẩm trong không khí tăng cao có thể tạo điều kiện cho nấm mốc và các loại vi khuẩn gây hại cho sức khỏe có cơ hội phát triển ảnh hưởng đề kháng non yếu và sức khỏe của trẻ nhỏ. Từ đó, dẫn đến trẻ bị viêm xoang, viêm mũi dị ứng các bệnh về đường hô hấp, bệnh ngoài da. Nên đặt ở tốc độ quạt gió thấp nhất và để ở chế độ quay, tuyệt đối không để ở chế độ chạy thẳng một góc.
Nhiệt độ điều hòa nên để bao nhiêu độ?
Nên để điều hòa ổn định ở 26, 27 độ trở lên, tuyệt đối không bật, tắt điều hòa nhiều lần bởi sẽ vô tình gây nên sự tăng giảm nhiệt độ đột ngột đối với trẻ. Không quá lạm dụng điều hòa chỉ khi trời bắt đầu oi bức.
Ngoài việc để ý về cách sử dụng điều hoà, quạt gió, quạt phun sương mẹ cũng cần lưu ý sức khoẻ cho bé. Khi nằm dưới các thiết bị làm lạnh làm mát tạo cảm giác mát mẻ nhưng cũng rất dễ gây khô da, khô mũi. Mẹ cần lưu ý thường xuyên nhỏ nước muối sinh lý cho bé, đồng thời cho con uống nhiều nước, với trẻ bú mẹ thì bú nhiều lần để tránh mất nước cho cơ thể.
Nên để điều hòa ổn định ở 26, 27 độ trở lên, tuyệt đối không bật, tắt điều hòa nhiều lần bởi sẽ vô tình gây nên sự tăng giảm nhiệt độ đột ngột đối với trẻ
Khi cơ thể trẻ đang nhiều mồ hôi do vận động hoặc từ ngoài thời tiết nắng nóng, mẹ cần dùng khăn để lau sạch mồ hôi sau đó mới được bật điều hòa. Tuyệt đối không tắm khi đang toát mồ hôi sẽ gây cảm, không cho trẻ ngâm nước quá lâu.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh, việc chăm sóc sai lầm của cha mẹ cũng khiến trẻ dễ mắc bệnh trong thời tiết nắng nóng như hiện nay. Ví dụ khi trẻ bị sốt virus, nhiều cha mẹ chủ quan cho rằng sốt virus có thể tự khỏi nên vẫn cho trẻ tham gia các hoạt động bên ngoài. Đây chính là nguy cơ lây lan bệnh cho người khác vừa khiến trẻ suy nhược cơ thể trẻ nhỏ, tạo điều kiện cho virus xâm nhập nhanh, dễ dẫn đến biến chứng.
Ngược lại, không ít cha mẹ thấy con ốm do thời tiết thay đổi vì quá lo lắng nên tự ý mua nhiều loại thuốc kháng sinh cho trẻ uống. Tuy nhiên, kháng sinh không có tác dụng khi trẻ bị sốt virus, thậm chí làm cơ thể yếu hơn và dẫn đến nguy cơ kháng kháng sinh.