Từ ngày nhà có thêm em nhỏ, bé Gà phải dọn ra ngủ cùng bà ngoại, có những đêm thèm hơi mẹ, bé Gà không dám khóc to mà cứ i ỉ kêu rồi ôm chăn gối khẽ đi vào với mẹ.
Đó là những chia sẻ của chị Đ.L.P (Hà Nội) khi nhà có thêm em nhỏ, nhưng con gái đầu lòng vẫn chưa đủ lớn để hiểu và chia sẻ tình cảm cùng với mẹ và em bé chỉ mới 2 tháng tuổi.
Đợi mẹ đi ra ngoài cất đồ, bé lớn vào phòng cào cấu mặt em nhỏ
Chị P. kết hôn năm 2016, sau ngày cưới 5 tháng, hai vợ chồng khấp khởi đón thành viên mới là bé Gà. Lần đầu làm mẹ gặp không ít bỡ ngỡ, chị sợ con không đủ cân nặng nên ăn uống tẩm bổ thường xuyên. Chưa hết lo lắng cho sức khỏe thai kỳ, chị lại hoang mang vì sợ bản thân không thể sinh thường. Rất may mắn hành trình mang bầu và “vượt cạn” của mẹ 9X ở lần sinh bé Gà diễn ra thuận lợi.
Ngày con gái đầu lòng tròn 14 tháng tuổi, chị hay tin thêm một mầm sống mới đang lớn lên trong bụng mẹ. Vừa trăn trở vì phải cai sữa sớm cho con, vừa suy nghĩ về việc sẽ phải cân đối thời gian và tình cảm như thế nào để hai con không ai phải chịu thiệt thòi.
Bé Lợn xuất hiện khi chị Gà mới 14 tháng tuổi
Nếu như lần đầu làm mẹ, chị có nhiều thời gian để tìm hiểu sách báo về kỹ năng chăm sóc con nhỏ thì ở lần làm mẹ em Lợn, chị P. bận rộn nên không thể kể chuyện và đọc sách cho con nghe. Trước khi sinh em Lợn, chị P. vẫn bế và đút cơm cho bé Gà, nhưng giờ mẹ bận chăm em nhỏ nên đến bữa bé Gà phải ngồi yên tự xúc từng tý một.
Thương em, âu yếm em nhưng bé Gà cũng không tránh khỏi cảm giác ganh tị vì con nghĩ "mẹ lúc nào cũng chỉ bế em Lợn, mẹ không yêu Gà nữa". Từ ngày có em, tính nết bé cũng thay đổi khá nhiều. Cũng giống như rất nhiều bà mẹ khác, khi mang thai đứa con thứ hai, chị P. chia sẻ cho con đầu về quá trình thai kì. Trong khi trò chuyện, mẹ hướng dẫn con nói chuyện và hát cho em bé trong bụng nghe.
Chị P. nói: “Khi có em Lợn mình cũng dạy bé Gà thơm bụng bầu của mẹ, nói yêu em bé thì con cũng rất thích. Khi sinh xong, bé Gà rất hào hứng, gặp ai cũng khoe chỉ vào nhà bảo em bé. Thế nhưng có những lúc vì hưng phấn trêu em nên Gà túm tay túm chân em bé, lúc đó vì sợ ngã vào em nên mẹ thường bảo chị ra chỗ khác chơi. Có lẽ vì như thế nên Gà thấy mẹ dần xa con hơn”.
Từ ngày có em nhỏ, bé Gà hay đến gần túm tay túm chân và cho em bú bình
Có những hôm đang bận rộn chăm sóc em bé, chị P. vừa ra xe để cất đồ, lúc đi ra chị vẫn thấy Gà chơi ngoài sân, khi cất đồ lên nhà, quay lại đã không thấy con đâu, nghe tiếng em bé khóc toáng trong nhà, chị chạy vào phòng ngủ thấy Gà ngồi bên cạnh đã cào mặt em chảy máu kèm theo nhiều vết xước. “Lần đó mình bực quá vì thấy chị lớn cào cấu mặt em nhỏ nên đã tét Gà một cái rồi tiến đến bế em Lợn. Con không khóc liền mà nhìn vào mặt mẹ một lúc mới òa lên nức nở chạy ra ngoài. Nhìn bé Gà mà thấy xót xa, giận mình vì không có nhiều thời gian để quan tâm đến con nhiều như xưa” – chị P. tâm sự.
Sự thay đổi tính cách của bé Gà bắt nguồn từ việc mẹ có thêm em nhỏ, con không được yêu thương và quan tâm như trước. Từ khi có em, bé Gà hay bị mẹ quát nạt, đánh đít nhiều hơn, con dễ nổi cáu với bố mẹ. Bé trở nên nhõng nhẽo, hay khóc và bám mẹ hơn trước nhiều.
Phải tách ra ngoài ngủ với bà ngoại, bé Gà thèm hơi mẹ nhưng không dám khóc
Vẫn biết đó là những biểu hiện tâm lý rất bình thường ở trẻ. Trong gia đình, con là trung tâm của mọi sự chú ý, được bố mẹ quan tâm và chăm sóc, biết được vị trí của mình và những đặc quyền mà chúng có. Tuy nhiên khi xuất hiện thêm một em bé mới, thế giới của Gà bị thay đổi, sự chăm chút của gia đình không còn nhiều như trước, con rơi vào trạng thái lo bị bố mẹ bỏ rơi và thường xuyên ghen tị với em.
Lần bé Gà cào mặt em chảy máu, chị đã không kìm chế được nên đã đánh con gái lớn
Có những lúc cảm thấy bất lực chị P. không biết con đang nghĩ gì và mình nên phải làm gì. Chị chỉ biết lên các diễn đàn làm mẹ để nhờ sự tư vấn cũng như học hỏi thêm kinh nghiệm chăm con. Nói cho con hiểu về em bé, giải thích cho con rằng vì em còn nhỏ nên cần được chăm sóc nhiều để mau lớn, để em ngoan như con. Thường xuyên thể hiện tình yêu với con để con cảm nhận thấy vẫn được bố mẹ chăm sóc, chiều chuộng, không có cảm giác bị bỏ rơi...
Khi được hỏi về quan điểm và phương pháp nuôi con, nhất là một lúc trong nhà có thêm thành viên mới là em bé, chị P. chia sẻ: “Mình thường cho bé Gà đi chơi những ngày lễ Tết, cho Gà tiếp xúc với nhiều người, tạo tâm lý thoải mái, khiến con gắn kết và yêu thương em nhỏ hơn. Thường xuyên giải thích cho con, em bé còn quá nhỏ, con lớn hơn phải yêu thương và bảo vệ em”.
Khi chưa có em nhỏ, bé Gà rất được bố mẹ cưng chiều và quan tâm. Theo lời chị P. thì Gà là một cô bé rất ngoan và biết thương mẹ, thương em. Từ ngày có em, bé Gà phải tách không được ngủ cùng mẹ, con được ngủ cùng bà ngoại.
Chị P. xót xa chia sẻ: “Sinh em nhỏ được hai tuần thì con phải tách mẹ ra ngủ với bà rất ngoan nhưng sau đó thì đêm tỉnh dậy toàn đòi vào ngủ cùng mẹ. Có những đêm không dám khóc to cứ i ỉ kêu rồi ôm chăn ôm gối khẽ đi vào với mẹ. Có lẽ bé Gà rất thèm mẹ mà mẹ cũng vô tâm không để ý đến”.
Giờ đây khi bé Gà đã 2 tuổi, em Lợn 2 tháng tuổi. Mặc dù con chưa quen với sự xuất hiện của em nhỏ, chị P. cũng thú nhận bản thân mẹ vẫn chưa thật sự hiểu con muốn gì, có thể vì bé Gà quá yêu em nhưng không biết cách thể hiện, con rất thích bế em bé nhưng lại hay cào vào mặt em rất đau.
Song những ngày gần đây chứng kiến quá nhiều sự xáo trộn trong tâm lý con nhỏ, bố mẹ đều đã nói chuyện và quan tâm đến con nhiều hơn với hy vọng bé Gà sẽ không còn cảm giác bị bố mẹ xa lánh, cho “ra rìa” và sẽ yêu thương em bé nhiều hơn.