Cho con bú tưởng chừng như đơn giản những cũng lắm rắc rối tế nhị nhiều khi làm đau đầu các bà mẹ trẻ.
Cơ địa mỗi người mẹ một khác cũng kéo theo rất nhiều rắc rối khi cho con bú. Cùng nghe các chuyên gia mách nước cách “trị” tận gốc những vấn đề này nhé
Bắt đầu ti không chuẩn
Cho con bắt đầu ti chuẩn và đúng tư thế là “chìa khóa vàng” của việc cho con bú, giúp mẹ tránh được hầu hết các rắc rối có thể gặp phải. Vì sao? Nếu bé bắt đầu ti không chuẩn sẽ gây ra sự khó chịu cho cả hai mẹ con, thậm chí còn làm đau, nứt và chảy máu đầu ti cũng như làm giảm hiệu quả bú ở trẻ.
Trường hợp thường gặp nhất dẫn đến việc bắt đầu ti không chuẩn là do người mẹ có đầu ti ngắn hoặc tụt hẳn vào bên trong. Khi em bé của bạn không ngậm đủ cả quầng vú, bé sẽ chỉ nhay nhay phần đầu ti phía trên gây đau đớn cho mẹ.
Cách giải quyết:
Ngay từ khi còn ở viện, mẹ nên nhờ sự giúp đỡ của các bác sĩ và y tá để biết được vị trí và cách cho bé ngậm đầu ti chuẩn.
Trước mỗi lần cho ăn, hãy chắc chắn mẹ cảm thấy thoải mái, tìm được tư thế ngồi thích hợp
Miệng em bé cần được mở rộng để tìm vị trí đúng. Mẹ có thể cù nhẹ môi dưới của con. Ngay khi bé mở miệng, lập tức đưa núm ti vào.
Kiểm tra để thấy môi trên của con đang phủ vươn ra ngoài, ngậm trọn quầng vú của mẹ
Nếu đầu ti ngắn, mẹ có thể sử dụng núm silicon trợ tin
Cho bé bú ngậm đầu ti chuẩn là cách tốt nhất để tránh rắc rối (ảnh minh họa)
Đau đầu ti
Đau đầu ti là kết quả của việc bắt đầu ti không chuẩn. Việc trẻ nhai nhằn không đúng cách, 8-10 lần liên tục trong ngày sẽ kéo theo vô vàn đau đớn cho người mẹ. Dẫn đến việc mẹ sợ cho con bú.
Những khi mẹ thấy đầu ti có các dấu hiệu sưng đỏ, nứt, hoặc thâm chí chảy máu, hãy nhớ đến cách biện pháp sau đây:
Lập tức sửa và tìm lại tư thế cho con bắt đầu ti chuẩn nhất.
Sau khi cho con bú, có thể dùng một ít sữa mẹ bôi lên đầu ti và để khô tự nhiên.
Sử dụng miếng lót thấm ngực và áo lót loại mềm, thoáng và thoải mái. Tránh gây bẹt đầu ti.
Bôi gel có chứa chất lanolin – một chất có tác dụng giảm đau, chữa nứt đầu ti sau khi cho con bú
Khi cho bé bú, hãy ưu tiên bên ít đau trước.
Nêu mẹ quá đau, nên dừng việc cho con ti và hút sữa ra bình để đầu ti có thời gian phục hồi.
Căng tức ngực
Khi mẹ bắt đầu có sữa về (thường trong vòng 48-72 giờ sau sinh) ngực sẽ bắt đầu có phản xạ căng cứng. Ngoài việc cảm nhận dòng sữa đang từ từ tràn về bầu ngực, các cơ và mạch máu ở đây cũng dồn nhiều lên gây ra sự khó chịu, không thoải mái.
Một vài mẹ có cảm giác sữa về khá nhẹ nhàng nhưng một số khác lại cực kì đau nhức và cảm nhận bầu ngực căng cứng như đá. Để tránh căng tức ngực và dễ dẫn đến tắt tia sữa, mẹ nên:
Cho con bú thường xuyên.
Dùng khăn ấm chườm bầu ngực trước khi cho con bú
Khi bé bú xong, dùng khăn lạnh có bọc một chút đá lau ngực để giảm căng tức và se các tia sữa.
Sử dụng lá bắp cải xanh để giảm sung. Mẹ nên giữ bắp cải xanh trong tủ lạnh. Trước khi dùng tách lá, rửa sạch và đắp lên vết sung trong vòng 15-20 phút. Tránh đắp lá lên đầu ti.
Viêm vú
Viêm vú chỉ những nhiễm trùng ở ngực và đầu ti. Nhiễm trùng có thể xảy ra khi mẹ bị nứt đầu ti, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Hoặc khi em bé không bú hết sữa, gây ứ sữa trong ngực. Sữa ứ đọng này sẽ tạo áp lực lên các mô xung quanh gây viêm vú.
Rất nhiều bà mẹ lo lắng rằng không thể cho con bú sữa khi bị viêm vú. Điều này là hoàn toàn sai lầm. Sữa không bị ảnh hưởng bởi viêm và không thể làm tổn thương em bé. Việc tiếp tục cho ngực làm việc và hút sữa ra là vô cùng quan trọng. Mẹ có thể thực hiện vài động tác xoa bóp nhẹ nhàng để hút sữa ra hiệu quả hơn.
Khi bị viêm vú, mẹ có thể:
Sử dụng kháng sinh đường uống trong vòng 10-14 ngày. Nó sẽ có tác dụng giảm đau sưng và sốt ngay trong vòng 24-48 giờ đầu tiên.
Sử dụng gạc ấm chườm lên vết sung trước khi cho con bú hoặc hút sữa.
Xoa bóp nhẹ nhàng chỗ đau khi đang cho bé bú.
Thay đổi các tư thế cho bú khác nhau để giúp lưu dẫn sữa hiệu quả hơn.
Nếu các dấu hiệu không thuyên giảm, lập tức liên hệ với bác sĩ để tránh dẫn đến áp-xe vú
Quá ít sữa
Rất nhiều bà mẹ trẻ lo lắng rằng họ sẽ không có sữa hoặc không đủ sữa để nuôi con. Trong hầu hết trường hợp, nỗi lo lắng này là không có cơ sở. Nên nhớ, mẹ cần tự tin vào khả năng và bản năng làm mẹ của mình. Có thể rất nhiều mẹ sẽ đặt câu hỏi “Vậy làm sao tôi biết em bé đã bú no chưa?”. Trên thực tế, mẹ không cần phải biết chính xác bé đã ti được bao nhiêu ml. Có rất nhiều cách để biết bạn cho con bú có hiệu quả hay không như:
Bạn cho con bú ít nhất 8 lần trong 24 tiếng?
Em bé có ngậm đầu ti chuẩn để tối đa hóa lượng sữa hút được?
Bạn nghe thấy tiếng em bé nuốt khi đang bú?
Hãy theo dõi tã của trẻ. Nếu bé được một tuần tuổi, bé sẽ tè và làm ướt từ 6-8 tã giấy trong một ngày và ít nhất 4 tã trong 24 tiếng.
Quan sát con mình: Bé có hiểu hiện thỏa mãn và hài lòng mỗi khi bú xong hay không?
Sau mỗi cữ bú, bé có ngủ được từ 2-3 tiếng liên tục?
Bạn có cảm nhận được bầu ngực mềm và yếu hẳn đi sau khi con dừng “tu ti”?
Nếu tất cả các câu trả lời của bạn đều là “Có”, em bé của bạn đã nhận đủ lượng sữa bé cần. Theo Tổ chức Y tế thế giới báo cáo về tỷ lệ tăng trưởng cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ, trẻ sơ sinh sẽ đạt được trung bình từ 100 đến 200 gram mỗi tuần trong bốn tháng đầu tiên. Nếu bé của mẹ theo đúng chuẩn như vậy, mẹ không cần quá lo lắng về lượng sữa của mình.
Nếu mẹ vẫn muốn tăng tiết sữa của cơ thể, xin mách mẹ những cách sau đây:
Dành nhiều thời gian ghỉ ngơi, ăn tốt và tăng tiết dịch ở miệng.
Tránh cho con dùng ti bình và sữa công thức bổ sung.
Cho con bú thường xuyên, đều đặn và bú đủ thời gian. Sữa mẹ có cơ chế sản sinh theo nhu cầu. Bé bú càng nhiều, sữa sẽ càng về thêm.
Sử dụng một số thực phẩm lợi sữa như chè vằng, móng giò, rượu nếp, đu đủ xanh…
Quá nhiều sữa
Trái ngược với “nỗi lo lắng số 1” của các bà mẹ về việc không đủ sữa cho con, một số mẹ lại thường xuyên phải chịu những rắc rối liên quan đến việc cơ thể sản sinh quá nhiều sữa. Tình trạng thừa cung nguồn sữa mẹ gây ra cho các chị em không ít phiền phức như: ngực thường xuyên căng cứng và đau nhức, sữa rò liên tục gây ướt áo, trẻ bú không kịp thường bị sặc và lâu dần dẫn đến sợ ti mẹ.
Xin mách mẹ vài mẹo giúp giảm tiết sữa như sau:
Chỉ cho bé bú một bên cho đến khi no. Một số bà mẹ còn cho con ăn 2 cữ liên tiếp chỉ với 1 bên ngực. Cơ thể sẽ nhận được tín hiệu dư thừa từ bầu ngực bên kia, từ đó giảm tiết sữa.
Dùng máy hút phần sữa ở ngực bên kia. Mẹ lưu ý chỉ hút bớt để giảm tức ngực, không hút cạn bầu vú.
Luôn kiểm tra cẩn thận đề phòng tắc tia sữa dẫn đến viêm vú
Sử dụng túi chườm nước đá đắp lên ngực để giảm sung và làm se tia sữa.