Thời điểm giao mùa với sự biến đổi thời tiết hết sức bất lợi cho sức khỏe của trẻ.
Cả nước đang bước vào thời điểm giao mùa với sự biến đổi thời tiết hết sức bất lợi cho sức khỏe của trẻ: ngày nắng nóng gay gắt kéo dài, độ ẩm không khí tăng cao, xen lẫn những cơn mưa trái mùa .v.v…Chính sự thay đổi này đã tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus, nấm mốc gây bệnh sinh sôi, với hàng loạt các căn bệnh thường phát sinh lúc giao mùa như các bệnh về tiêu hóa: tiêu chảy, kiết lỵ, ngộ độc thực phẩm, các bệnh về đường hô hấp: ho, ngạt mũi, viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm VA, v.v…, chưa kể đây là thời điểm bùng phát của nhiều loại bệnh dịch nguy hiểm như cúm A H1N1, H5N1, bệnh tay chân miệng ...
Bệnh nhi quá tải vì thời tiết giao mùa
Hầu hết các bệnh viện tuyến trên đang quá tải do lượng bệnh nhi nhiễm các bệnh giao mùa tăng đột biến.
Thời tiết thay đổi thất thường đã làm tăng số lượng bệnh nhi tại các bệnh viện lớn trong cả nước. Theo thống kê của bệnh viện Nhi Trung ương, nếu như trước đó bệnh viện tiếp nhận từ 1.500 – 1.800 lượt bệnh nhi đến thăm khám mỗi ngày, thì nay con số này đã tăng lên gần gấp đôi, khoảng 3000 lượt chiếm số lượng lớn các bệnh nhi mắc bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản, sốt virus, nhiễm trùng v.v…
Trong khi đó tại khu vực phía Nam, bệnh viện Nhi Đồng 1 và 2 cũng tiếp nhận số bệnh nhi tăng đột biến. Trong khi bệnh viện Nhi Đồng 1 đón hơn 6000 lượt bệnh nhi thăm khám mỗi ngày thì con số này tại bệnh viện Nhi Đồng 2 là khoảng 5.000 lượt. Việc quá tải bệnh nhi không chỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, mà còn làm cho trẻ mệt mỏi, khó phục hồi sức khỏe do điều kiện chăm sóc và dưỡng bệnh trong bệnh viện không tốt, nhiều bệnh nhi phải nằm ghép giường bệnh trong môi trường nóng bức, vệ sinh kém. Đồng thời, bố mẹ cũng kiệt sức vì bệnh tình của con. Vì vậy khi bước vào thời điểm giao mùa như hiện nay, các ông bố bà mẹ nên trang bị kiến thức cơ bản về những loại bệnh thường gặp và cách phòng tránh để chủ động phòng ngừa, bảo vệ cho những “thiên thần nhỏ” của mình.
Nhận diện các bệnh giao mùa thường gặp ở trẻ
Theo Tiến sĩ Nguyễn Bình – Cục Y tế Dự phòng và Môi trường, thì trong những ngày gần đây, nhiệt độ tăng cao bất thường khiến cơ thể trẻ không thích nghi kịp. Đây cũng là thời điểm vi khuẩn, virus và nấm mốc gây bệnh sinh sôi mạnh, trẻ có sức đề kháng kém dễ bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, thời tiết nóng khiến thức ăn không được bảo quản tốt dễ bị hư hỏng, ôi thiu, là nguyên nhân gây ra hàng loạt các bệnh lý về tiêu hóa cho trẻ như tiêu chảy, kiết lỵ v.v…
Nhìn chung, có hai nhóm bệnh thường xảy ra vào thời điểm giao mùa mà các mẹ cần cảnh giác, đó là các nhóm bệnh sau:
1. Bệnh lý về tiêu hóa: Phổ biến nhất là bệnh tiêu chảy cấp, ngộ độc thức ăn ở trẻ nhỏ. Trong mùa nóng, trẻ thường phát sinh nhu cầu giải tỏa cơn khát, nếu uống phải nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, sử dụng thức ăn để lâu đã ôi thiu hoặc hâm đi, nấu lại nhiều lần … sẽ khiến đường tiêu hóa của trẻ dễ bị nhiễm khuẩn. Vi khuẩn hoặc siêu vi theo thức ăn vào ruột gây viêm ruột non cấp tính, rối loạn hấp thụ. Bệnh khởi phát đột ngột làm trẻ bị nôn, đi tiêu lợn cợn nước, có đờm, có lúc có máu hoặc phân xanh rêu, đau bụng, sốt, bụng trướng … Nếu bé bị tiêu chảy ở cấp độ mất nước nặng, cha mẹ cần cho bé bù nước ngay và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Các hàng quán ven đường chứa đựng nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm gây ra bệnh đường tiêu hóa cho bé.
2. Các bệnh lý về đường hô hấp: Thời điểm giao mùa, các mẹ cần lưu ý việc chăm sóc trẻ cũng như trang bị những hiểu biết cơ bản về một số bệnh lý đường hô hấp phổ biến.
Viêm họng. Trẻ bị viêm họng thường bị đau họng kèm sốt và ho. Sốt viêm họng thường nhẹ từ 37,5 độ đến 38 độ, tuy vậy cũng có trường hợp trẻ sốt cao được chuẩn đoán là viêm họng cấp tính. Một số trẻ từ khoảng 5 tuổi trở lên thường có viêm họng kèm viêm amidam, sốt cao 39 – 40 độ, nuốt vướng, trẻ biếng ăn, mệt mỏi. Nếu bé có những biểu hiện này các mẹ cần nhanh chóng đưa bé đến các cơ sở y tế, tránh việc tự ý mua thuốc điều trị dễ làm cho bệnh nặng hơn.
Viêm VA. Viêm VA (Végétations Adénoides) hay gặp ở bé dưới 5 tuổi, thường có sốt 38 – 39 độ, đôi khi bé sốt cao hơn, kèm theo sốt là chảy nước mũi, nghẹt mũi, lúc ngủ thở bằng mồm nên nếu không chữa trị kịp thời có thể để lại hậu quả về sau là răng bị vẩu, ảnh hưởng thẩm mỹ của bé.
Viêm mũi cấp tính. Bệnh gây tắt, nghẹt mũi khiến bé hay quấy khóc nhất là vào ban đêm.
Viêm đường hô hấp trên. Đây là tình trạng nhiễm trùng cấp tính ở đường hô hấp trên do ảnh hưởng của các vi sinh vật gây bệnh, gồm có viêm mũi họng do virus, viêm họng do vi khuẩn, viêm mũi xoang cấp, viêm thanh thiệt cấp, viêm thanh quản – viêm thanh khí phế quản cấp. Bệnh thường xảy ra vào thời điểm giao mùa, khi độ ẩm không khí xuống thấp.
Viêm đường hô hấp dưới. Thời tiết thay đổi cũng dễ làm cho bé mắc các bệnh viêm đường hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm phế quản – phổi, viêm phổi. Viêm đường hô hấp dưới thường nặng hơn và nguy hiểm hơn rất nhiều so với các bệnh ở đường hô hấp trên. Trẻ thường sốt cao, khó thở nếu không cấp cứu kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng trẻ, ví dụ như sốt cao gây co giật, khó thở làm trẻ suy hô hấp …
Viêm tiểu phế quản. Bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ, nhất là từ 3-6 tháng tuổi. Khi mắc bệnh, các phế quản nhỏ này bị viêm, sưng phù, tiết nhiều dịch làm cho đường thở của trẻ bị chít hẹp thậm chí tắc nghẽn, trẻ bị ho, chảy nước mũi trong, sốt vừa hoặc cao. Sau từ 3 - 5 ngày trẻ ho ngày một nhiều, xuất hiện thở khó, thở rít. Những trường hợp nặng thì tím tái, thậm chí ngừng thở. Bệnh có triệu chứng tương tự hen suyễn. Thông thường, trẻ sẽ khò khè kéo dài khoảng 7 ngày, ho giảm dần trong khoảng 14 ngày rồi khỏi hẳn nếu được chăm sóc tốt. Tuy nhiên, trong khoảng 1/5 trường hợp, bệnh có thể kéo dài nhiều tuần lễ. Biến chứng thường gặp là suy hô hấp, viêm phổi (do dễ bị bội nhiễm), xẹp phổi, viêm tai giữa. Cần lưu ý là bệnh có thể sẽ nặng hơn, kéo dài hơn, nhiều biến chứng hơn và tử vong cũng cao hơn trong các trường hợp sau: trẻ dưới 3 tháng tuổi, trẻ sinh non - nhẹ cân, trẻ suy dinh dưỡng nặng, trẻ có sẵn bệnh tim, phổi, suy giảm miễn dịch.
Bệnh cúm A H1N1, H5N1 và Tay chân miệng. Hiện tại, đây là thời điểm bùng phát của 2 dịch bệnh này. Tính từ đầu năm đến nay, đã có 3 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A H1N1, vì vậy các mẹ nên cảnh giác với căn bệnh này, nếu thấy trẻ có các triệu chứng như tăng nhiệt, đau đầu, cổ họng, cơ thể mệt mỏi cần đưa bé đến trung tâm y tế để theo dõi và điều trị. Ngoài cúm A H1N1, dịch cúm A H5N1 cũng đang có diễn biến phức tạp trên cả nước, đã có 2 ca mắc và 1 trong số đó đã tử vong. Để chủ động phòng ngừa, khi bé có biểu hiện như: ho, hắt hơi, sổ mũi, mẹ cần đeo khẩu trang cho bé, dạy bé che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi và đưa bé đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Cách tốt nhất để bảo vệ bé khỏi các bệnh lý giao mùa là bố mẹ nên chủ động tìm hiểu và phòng tránh bệnh cho trẻ. Các mẹ có thể tham khảo một số cách phòng tránh bệnh như sau:
Uống các loại nước trái cây nhiều vitamin C như cam, chanh rất có lợi cho sức đề kháng của bé
Đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm cho bé, bao gồm vệ sinh cá nhân và đảm bảo ăn chín, uống sôi. Khi trời nóng cần cho bé ăn mặc thoáng mát, thường xuyên lau mồ hôi khi bé vận động nhiều.
Nên tắm nước ấm thay vì nước lạnh, cho bé đeo khẩu trang khi ra ngoài để tránh nhiễm khuẩn, bụi bẩn… Các mẹ cần lưu ý phải rửa tay sạch sẽ cho trẻ nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch; không để trẻ mút tay hoặc đưa đồ chơi lên miệng; cho trẻ ăn chín, uống chín, không cho ăn thức ăn đã hâm đi hâm lại nhiều lần hoặc để quá lâu ngoài trời; không ăn chung muỗng chén; nấu sôi hoặc ngâm dung dịch Chloramin B 2% quần áo, tã lót của trẻ trước khi giặt sạch; thường xuyên vệ sinh đồ chơi, sàn nhà bằng xà phòng, dung dịch Chloramin B 2% hoặc các chất sát khuẩn thông thường. Đồng thời, người chăm trẻ phải rửa tay nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh cho trẻ.
Tăng sức đề kháng cho bé. Để tăng sức đề kháng cho bé, các mẹ có thể xây dựng thực đơn với các nhóm thực phẩm giàu canxi, vitamin. Bữa ăn của trẻ phải được đảm bảo đủ dinh dưỡng và nên tăng cường các nhóm thực phẩm có tính giải nhiệt như rau dền, rau muống, bí xanh, các đồ uống có tính chất bổ âm như chè đậu đen, nước bột sắn dây, nước chanh, cam vắt, sinh tố hoa quả v.v...
Một lưu ý quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của bé mùa nắng nóng là nước uống. Do bé thường xuyên vận động trong thời tiết nóng bức, ra mồ hôi nhiều nên dễ bị mất nước, vì vậy các mẹ chú ý cho trẻ uống đủ nước, khoảng 100ml/kg cân nặng/ngày với các loại nước uống có giá trị dinh dưỡng như nước cam, chanh, các loại nước ép từ quả tươi, sữa tươi, sữa đậu nành, sữa chua...
Các mẹ cũng nên lưu ý không cho bé ăn hoặc hạn chế ăn kem, nhất là kem còn đông cứng vì sẽ làm niêm mạc miệng bị tổn thương, dẫn đến dễ mắc những bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản.
Tạo môi trường sạch sẽ, thoáng mát cho bé. Để hạn chế các bệnh viêm đường hô hấp.
Hạn chế tiếp xúc khi trẻ bị bệnh. Trẻ mắc bệnh phải được nghỉ học và không tiếp xúc với trẻ khác ít nhất 7 ngày, không nên cho trẻ đến trường vì khi đó sức đề kháng của trẻ yếu, có thể lây nhiễm thêm nhiều bệnh khác, đồng thời có nguy cơ lây nhiễm bệnh cho các bạn cùng lớp.
Chủ động tiêm ngừa cho bé. Để hạn chế các bệnh theo mùa, bố mẹ nên chủ động tiêm phòng các bệnh cho bé như Rubella, cúm, v.v...