Con gái xinh như Hoa hậu tương lai, vẽ đẹp, đi catwalk giỏi và nhiều tài lẻ khiến mẹ không khỏi tự hào.
Nhắc đến "Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2008"- Hoa hậu Ngọc Diễm, công chúng ngoài việc ngưỡng mộ nhan sắc không tuổi, sự nghiệp không ngừng phát triển... thì câu chuyện 24 tuổi Hoa hậu tạm rời xa sau hào quang sân khấu, ở ẩn sinh con cũng được quan tâm không kém.
Đặc biệt, hành trình gần 10 năm nàng hậu - cô MC xinh đẹp làm mẹ đơn thân cũng truyền cảm hứng rất nhiều cho hội chị em. Hiện tại, khi con gái Chiko đã được 10 tuổi, Ngọc Diễm một lần nữa tự hào chia sẻ về "thành tích" nuôi dạy Chiko thành "tiểu mỹ nhân" được mọi người dành nhiều lời có cánh.
Là một người mẹ đơn thân, Hoa hậu Ngọc Diễm lại khá bận rộn từ kinh doanh đến chạy show. Thời gian chị dành cho con gái thì sao?
Tôi luôn có tâm lý có lỗi với con dù thời gian dành cho con không phải ít. Có thể vì mình yêu con nên lúc nào cũng muốn có thật nhiều thời gian bên con. Có những lúc con gái cần tôi trợ giúp trong khi tôi đang lỡ dở công việc, thường con hỏi mẹ 2 lần nhưng không có câu trả lời thì con sẽ bỏ đi không hỏi nữa luôn. Đến khi tôi chợt nhớ ra câu chuyện/ việc con vừa cần mình thì thấy có lỗi với con lắm.
Thật ra trong showbiz, tôi cũng không phải là người chạy show quá nhiều vì tôi khá kén chọn trong việc xuất hiện ở đâu và làm gì. Tôi thường nhận ít show nhưng show sẽ chất lượng và thù lao cao. Hiện tại, tôi dành thời gian nhiều cho việc kinh doanh bao gồm quản lí và điều hành doanh nghiệp. Kể cả trong những lúc bận rộn nhất, tôi và con gái vẫn luôn giao tiếp với nhau mỗi ngày qua tin nhắn, qua điện thoại, và luôn có ít nhất 1 ngày trong tuần hoàn toàn dành cho con.
Chiko có năng khiếu và niềm yêu thích với hội hoạ từ bé, những bức tranh cô bé vẽ tặng mẹ khiến dân mạng phải trầm trồ.
Vậy sự quan tâm của Ngọc Diễm dành cho con gái 10 tuổi sẽ biểu hiện như thế nào?
Thường cuối tuần hai mẹ con sẽ dành thời gian cho nhau, đi chơi hoặc làm việc gì đó chung với nhau. Tôi thấy chơi cùng con là một phương pháp rất hiệu quả để có thể gắn kết với con cái, thay vì chỉ đứng ngoài quan sát con. Với trẻ con, cảm giác khi có bố mẹ chơi cùng sẽ càng thêm gần gũi, xây dựng một mối quan hệ bền vững và dễ chia sẻ hơn, đó gọi là tình bạn. Tôi luôn tìm cách làm bạn với con. Thế nên, mong khán giả đừng ngạc nhiên nếu một ngày nọ thấy tôi nhảy nhót hoặc chơi những trò không phù hợp với lứa tuổi cho lắm (cười).
Thật sự có những trò chơi vận động khi chơi với con, tôi cũng mệt, nhưng vẫn ráng để cho con cảm giác thoải mái nhất có thể khi được chơi cùng mẹ. Thậm chí có những hoạt động mình không thích lắm đâu nhưng vẫn cùng con trải nghiệm. Nhiều lần khi ngồi coi phim với con, tôi toàn ngủ gật nhưng con chạm vào mẹ là phải tấm tắc khen phim hay. Tôi thấy mình cũng ở đỉnh cao “thảo mai” với con lắm rồi (cười).
Qua một số hình ảnh chị chia sẻ trên Facebook có thể thấy Chiko có khá nhiều tính cách giống mẹ. Phải chăng chị đã dạy con theo hình mẫu là chính mình?
Mỗi người đều có cái tốt và cái xấu, nếu nói rằng tôi hướng con mình theo hình mẫu, như một bản copy của Ngọc Diễm thì không phải. Càng tìm hiểu về giáo dục và đào tạo, tôi càng cảm nhận rõ, muốn một con người, một tính cách phát triển toàn diện thì tốt nhất không nên áp đặt vào một hình mẫu nào, để con trẻ tự do khám phá bản thân và hình thành nên tính cách.
Có một số “trụ cột” về tính cách, tôi định hướng con ngay từ bé, còn một số việc, tôi để con tự do quan sát và phát triển. Chiko có một số sở thích ảnh hưởng từ mẹ như: thích trò chơi mạo hiểm, thích du lịch… Nhưng cũng có những thứ tôi phải kiên nhẫn rèn luyện cho con, ví dụ như thói quen đọc và yêu sách, cũng phải mất một thời gian thì bây giờ con gái mới hoàn toàn chủ động trong việc tìm kiếm và đọc những cuốn sách mình yêu thích.
Hoa hậu Ngọc Diễm nghiêm khắc trong việc dạy con, nhất là sự tự lập.
Và trong những tính cách tôi đã định hướng cho con từ nhỏ, có tính tự lập, không quấy khóc, hờn dỗi mẹ. Từ khi con 2 tuổi, những lúc con khóc đòi đồ chơi thì tôi đã dạy cho con thế này: “Nếu con muốn thứ đó con phải nói chuyện với mẹ, con cần thuyết phục mẹ về lí do con muốn. Khóc với mẹ sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Nên con đừng khóc nữa!”.
Cũng chính vì sự nghiêm khắc trong cách dạy con như thế nên lâu dần rèn được cho con sự nhẫn nại trong tính cách. Con ít khóc hay tỏ thái độ giận dữ trong những tình huống tương tự. Thay vào đó, Chiko sẽ đưa ra rất nhiều lí do để thuyết phục, đến khi không thể thuyết phục được mẹ, con sẽ hỏi tôi: “Như vậy nghĩa là mẹ sẽ không đồng ý đúng không?”. Nếu tôi chỉ cần nói “Yes”, con sẽ chấm dứt ngay câu chuyện và chờ đợi một thời điểm khác thích hợp.
Chị từng cho con gái tham gia diễn thời trang, tiếp xúc với sân khấu. Có bao giờ con thể hiện mong muốn sẽ nổi tiếng như mẹ?
Bản thân Chiko không thích là người được người khác chú ý và cũng không muốn nổi tiếng. Tôi đã từng cho con tiếp xúc với sàn diễn thời trang quốc tế, con có thích nhưng lại chán sự chờ đợi lâu đến lượt mình diễn. Tôi nhận thấy con cũng có năng lực, đủ tự tin khi xuất hiện trên sân khấu nhưng hiện tại vẫn là không mặn mà với ánh đèn sân khấu. Hay con có sở thích làm YouTuber nhưng lại không muốn mình xuất hiện trên clip, con chỉ muốn xây dựng nội dung và tạo ra clip đó thôi…
Cô bé đó thích “behind the scene” hơn là làm spotlight (cười). Con từng tâm sự với tôi: “Mẹ ơi, làm người nổi tiếng có gì sung sướng đâu? Con thấy có những khi mẹ làm việc đến khuya mới về. Về đến nhà con lại thấy mẹ rất mệt".
Bé Chiko có thần thái chẳng khác gì những mẫu nhí chuyên nghiệp, nhưng lại không mặn mà với sự nổi tiếng.
Con của người nổi tiếng cũng sẽ nhận được sự quan tâm không kém bố mẹ, Chiko cũng không ngoại lệ. Vậy chị bảo vệ con gái thế nào trước dư luận?
Tôi thấy cái gì càng cố giấu thì càng bị chú ý còn khi đã công khai thì đó như một phần hiển nhiên trong cuộc sống của bạn rồi, người khác cũng sẽ thấy bình thường thôi. Bên cạnh đó, tôi cảm thấy bản thân mình cũng không nổi tiếng quá mức để người ta phải chú ý, “soi” con mình quá nhiều. Tôi đang ở “điểm” mà tôi cảm nhận là cân bằng, vừa đủ được biết đến, vừa đủ có cuộc sống riêng.
Con tôi bây giờ cũng chưa được dùng mạng xã hội nên tạm thời thì không ảnh hưởng gì nhiều. Tuy nhiên con đã đủ hiểu biết để có thể tìm kiếm những thông tin về mẹ trên các trang thông tin. Hiện tại, khi tìm hiểu về mẹ, con vẫn luôn thấy những điều tích cực, đó cũng là lí do tôi rất hạn chế để bản thân rơi vào những tình huống tiêu cực, ồn ào để sau này con có tìm kiếm thì cũng đỡ áp lực trước những ý kiến trái chiều về mẹ. Đó là cách tôi bảo vệ con mình.
Tuy mỗi người đã có cuộc sống riêng nhưng Ngọc Diễm và bố con gái phân chia trách nhiệm nuôi dạy con thế nào?
Tôi và bố Chiko thống nhất với nhau, tôi sẽ là người chăm sóc, nuôi dạy con, anh nhận trách nhiệm tài chính và định hướng giáo dục dài hạn cho con. Đây cũng là một cách tôi ghi nhận trách nhiệm của anh với con gái, điều đó cũng cho anh cảm giác anh là một người bố tốt dù không sống cùng con. Mọi chi phí từ học hành, sinh hoạt… của con, bố sẽ lo hết. Mẹ chỉ lo dạy con thật tốt, chăm sóc con thật tốt và cả hai sẽ cùng đóng góp ý kiến với những kế hoạch lâu dài dành cho con.
Tôi thấy rằng giữa hai người, khi tình yêu không thể tiếp tục được nữa thì việc trở lại làm bạn, ghi nhận những điều tốt đẹp của nhau và vì đứa con chung giữa hai người là điều cực kì quan trọng.
Con gái bây giờ đã lớn, có bao giờ bé thắc mắc lí do không được sống chung với cả bố và mẹ không?
Tôi nghĩ một phần vì khi bố mẹ chia tay, bạn ấy còn nhỏ nên chưa có ý thức về việc đổ vỡ nên thấy chuyện sống với mẹ mà không có bố cũng là bình thường. Khi lớn lên, con cũng có lần hỏi: “Tại sao ba mẹ không ở với nhau?”. Nhưng thông điệp chúng tôi thống nhất truyền tải cho con rất nhẹ nhàng: “Ba và mẹ sống với nhau hay giận nhau, chán quá nên thôi mỗi người một nhà cho vui. Ba mẹ bây giờ là bạn bè, đều rất quan tâm, thương yêu con”.
Chiko luôn nhận được tình yêu trọn vẹn của cả bố và mẹ dù không sống cùng bố.
Chúng tôi khi nói về nhau trước con cũng luôn dành những lời khen cho đối phương để con có cái nhìn tích cực, tự hào về ba mẹ. Những lời khen này làm cho đứa trẻ rất hạnh phúc, sâu thẳm trong con là cảm giác mong được tự hào về ba mẹ mình. Và con hiểu rất rõ, một trong những nỗ lực, phấn đầu của ba mẹ là để chăm sóc, yêu thương con thật chu đáo.
Khi đứa trẻ cảm thấy quyền lợi của mình không bị ảnh hưởng gì vì ba mẹ không ở cùng nhau và con cũng không bị đẩy vào tình thế phải chọn lựa ba hoặc mẹ thì đứa trẻ đó đang hạnh phúc. Một đứa trẻ buộc phải đứng giữa những mâu thuẫn gia đình, hoặc chọn chỉ được thương ba hoặc thương mẹ thì đứa trẻ đó rất đáng thương.
Vậy với những mối quan hệ tình cảm sau này của chị, con gái có bao giờ tỏ thái độ vì đó không phải bố mình?
Bố Chiko có một điểm rất hay đó là anh tốt bụng, ngoại giao và khéo léo để không làm cho ai buồn lòng vì điều gì. Chiko cũng có sự ảnh hưởng tính cách đó của bố, chắc chắn cũng sẽ có người con yêu mến và người con không có cảm tình lắm; nhưng con sẽ không tỏ thái độ hay nói một lời nào làm tổn thương bạn trai của mẹ. Con tôn trọng mối quan hệ của mẹ và đã từng nói với mẹ “Ai thật lòng thương yêu mẹ, con sẽ yêu thương người đó!”. Câu nói đó làm tôn rất cảm động và nhận ra “con mình lớn thật rồi".
Cảm ơn chị vì những chia sẻ này!