Con còn bé nhưng chị Vân đã dạy con biết tự cất đồ chơi, uống sữa, đi tè,... và ngủ một mình từ lúc nhỏ xíu.
Nhiều mẹ Việt cứ cho rằng, trẻ con thì chưa nhận thức được gì nên đợi chúng lớn một chút mới cần dạy dỗ. Thế nhưng với chị Vân (mẹ bé Cún Mon) thì lại quan niệm hoàn toàn khác. Chị cho cho biết mình đã học hỏi, áp dụng theo các phương pháp của mẹ Tây, và đã thành công trong việc đào tạo Cún Mon tự lập từ khi còn bé xíu.
Ngủ riêng từ 6 tháng tuổi
Là con đầu lòng nhưng mẹ Vân không ôm ấp Cún Mon 24/24 suốt như hồi mới sinh đâu. Khi tròn 6 tháng là Cún Mon đã được “biên chế” xuống nôi nằm một mình rồi. “Lúc đầu bé ọ ẹ khóc, rồi không thấy mẹ nên “gào” ầm ĩ lên. Khi đó mình chỉ kiên nhẫn được …vài phút rồi lập tức chạy lại ôm con. Ai làm mẹ thì mới biết, để con nằm khóc một mình như thế cũng xót ruột lắm! Tưởng là thất bại, nhưng sau đó mình lại quyết tâm “lên dây cót” lần nữa. Bởi mình biết cứ “xuống nước” với con nhiều lần là bé sẽ quen và chẳng bao giờ ngủ một mình được nữa.
Những lần sau, mỗi lần con khóc mình sẽ đợi 1 lúc rồi mới vào vỗ vỗ chút để trấn an thôi. Bé thấy có mẹ thì dần dần nằm yên và ngủ thiếp đi. Dần dần, thời gian đó cứ kéo dài thêm, hình như con dần cảm nhận được rằng mẹ sẽ vẫn luôn ở bên nhưng…chẳng “xi nhê” gì (cười) nên không khóc nhiều nữa, hôm nào cũng nằm cựa quậy chút rồi ngủ.
Chị Vân và bé Cún Mon.
Cún Mon từ bé đã ngủ một mình
Việc này giống như hình thành cho bé một thói quen vậy. Dù mất khá nhiều thời gian và tâm sức nhưng bù lại, sau đó Cún Mon cứ đến giờ bú sữa tối xong là lăn ra ngủ một mạch. Thỉnh thoảng thức giấc con cũng ọ ẹ khóc nhưng sau đó cũng tự ngủ chứ mình không phải dậy để dỗ dành bé nữa. Vì thế mà vợ chồng mình sau một ngày làm việc vất vả có thể yên giấc hơn, bớt đi bao nhiêu mệt mỏi so với những ngày trắng đêm trông con như hồi mới sinh”.
Giờ Cún Mon nhà mẹ Vân đã lớn hơn rất nhiều rồi, đã biết đi biết nói, nhưng bé vẫn duy trì được thói quen tự ngủ đó. Mẹ Vân bảo, cứ đến tầm đi ngủ là con tự động chạy lại uống sữa rồi nằm ngủ. “Tất cả những gì mình cần làm chỉ là đắp chăn cho con và tắt điện! Cũng có những hôm mình ngồi lại trò chuyện với con vài phút, hoặc kể một câu chuyện ngắn ngắn nào đó, sau đó thì bé cũng dần thiếp đi chứ không khóc đòi mẹ ở lại bao giờ”.
Chưa hết ngạc nhiên vì cách luyện con ngủ rất đáng phục của chị Vân, mọi người con “mắt chữ o mồm chữ a” khi thấy Cún Mon bé xíu mà biết tự cất đồ chơi; đến giờ là ngồi vào ghế ăn,… và đặc biệt là không bao giờ khóc nhè mè nheo khi vấp ngã. Để bé làm được như thế, chị Vân đã tốn khá nhiều công sức.
Bé phải tự làm mọi việc trong khả năng của mình
Không làm hộ con nếu bé có thể làm được - đó là "chìa khóa" giúp mẹ Vân tạo thói quen tự lập cho con mình. Chị kể: "Khi bé đã tự cầm cốc uống sữa được, mình sẽ để con làm điều đó thay vì giúp bé. Nếu con muốn tè, bé sẽ tự biết đi lấy bô và kéo quần; mẹ chỉ đổ bô giúp con thôi. Cũng như khi chơi xong, bé phải cất đồ chơi về chỗ cũ. Mình cho rằng mỗi độ tuổi bé sẽ làm được những việc nhất định, nên không nhất thiết phải chờ con lớn mới dạy những điều đó. Tuy mất thời gian một chút nhưng các mẹ yên tâm là con sẽ làm rất tốt đấy. Theo mình, khuyến khích con làm những việc trong khả năng đó, bé sẽ rất hào hứng hưởng ứng và bố mẹ thì không mất thời gian dọn dẹp “chiến trường khủng khiếp” mà con gây ra".
Tập đi thì hơi sợ một chút...
Tuy có con nhỏ, nhưng ai vào cũng hết sức ngạc nhiên vì nhà chị Vân luôn gọn gàng, ngăn nắp. Bà mẹ trẻ cho biết: "Điều hay nhất khi hình thành thói quen ngăn nắp cho con, là bé còn biết chỉ lấy ra những thứ muốn chơi và cất lại, thay vì lôi cả giỏ đồ chơi to tướng ra và làm tung hết lên. Đó là lí do vì sao nhà mình có con nhỏ nhưng không bị bừa bộn. Vậy nên dù mất cực kì nhiều thời gian để dạy con, mình vẫn thấy “lãi” vì bây giờ trông con không hề vất vả như trước nữa".
Rất nhiều bạn bè đã tỏ ra ghen tị với mẹ Cún Mon khi ngoài giờ đi làm, chị có thời gian để làm nhiều việc khác, cũng như chăm sóc bản thân, đi mua sắm,… "Các mẹ hay hỏi rằng có con nhỏ mà sao không thấy mình tất bật chút nào. Đó là nhờ Cún Mon tuy bé nhưng đã đi vào nề nếp, mình chỉ cần dành nhiều thời gian để chơi đùa, trò chuyện với con thôi, thay vì phải giải quyết vô số những rắc rối con gây ra hoặc là dỗ bé nín khóc" - Chị Vân kể thêm.
Muốn con tự lập, mẹ phải “nhẫn tâm” và kiên nhẫn
Trẻ con chưa nhận thức được nhiều, nên dù dạy bé bất cứ điều gì cũng đòi hỏi mẹ phải hết sức kiên nhẫn, thậm chí còn phải nhẫn tâm, mẹ Cún Mon cho biết: "Nói nhẫn tâm là vì muốn luyện cho bé hình thành một thói quen tốt, mẹ tuyệt đối không được “thỏa hiệp” dù nhiều lúc có xót con đến run người. Chẳng hạn như những ngày đầu Cún Mon ngủ riêng, bé cũng khóc nhiều lắm. Mẹ thì cứ sốt ruột lo con bị nôn trớ, rồi cả bố, cả ông bà cũng xót nên ai nấy phấp phỏng suốt. Luyện con ngủ mà cả nhà mất ngủ luôn. Nhưng mình đã “thương lượng” trước với mọi người rồi nên ai nấy đành cắn răng. May mắn là dần dần thời gian bé khóc giảm đi rõ rệt, đặc biệt là chỉ vài hôm đầu bé bị trớ 1 chút thôi, chứ không chắc mình cũng bỏ cuộc mất!"
.. nhưng con làm được rồi nè!
Nhớ lại những lúc Cún Mon mới tập đi, mẹ Vân kể: "Nhiều khi bé ngã rất mạnh và đau nhưng mình đành quay đi chứ không chạy lại đỡ dậy và dỗ dành. Nên giờ mỗi lần bị ngã bé đều tự bò dậy được, cũng có khi ngã đau thì con khóc nhưng rồi vẫn đứng lên. Mình thường đợi bé nín rồi hỏi han nhẹ nhàng kiểu như: “Sao con lại bị ngã? Cái bàn vướng vào chân con phải không? Con đã lau chỗ tay bẩn này chưa? Có cần mẹ xoa dầu cho không?...” Để sau đó bé biết được mình ngã vì sao và tránh xa những “vật cản” đó. Đây cũng là cách để con biết tự giải quyết vấn đề của mình sau này".
Dạy con tự lập không khó, nhưng đòi hỏi các mẹ phải kiên nhẫn một chút. Và thành quả thì rất tuyệt vời đấy! Có lẽ nhiều mẹ cho rằng có không thương con thì mới “bắt” bé làm nhiều việc như vậy, nhưng sự thật hoàn toàn khác. Nhìn Cún Mon nhà mẹ Vân rất hào hứng với trách nhiệm của mình có lẽ nhiều mẹ sẽ ước ao làm được như thế. Chị Vân bảo, dần dần con lớn hơn, chị sẽ áp dụng những bài học “cao” hơn nữa. Vì với chị, tự lập là đức tính cực kì cần thiết cho cuộc sống sau này của con.