Mỗi đứa trẻ lại có một kiểu ngủ khác nhau: ngủ ngày, ngủ hay ngọ nguậy, ngủ không sâu giấc.... Mẹ đã biết từng chiêu riêng để "trị" bé chưa?
Mỗi một đứa trẻ khi sinh ra đều khác biệt. Cho dù các mẹ có truyền tay nhau hàng trăm kinh nghiệm bí quyết chăm sóc trẻ sơ sinh và nuôi dạy con khỏe, con ngoan thì không thể phủ nhận mỗi bé lại mỗi khác. Các mẹ chỉ có thể rút kinh nghiệm từ người này để nâng cao khả năng chăm sóc con của mình chứ không thể đem nguyên kinh nghiệm từ một ai khác áp lên cho bé. Mỗi bé lại có một thói quen và tính cách, sở thích khác nhau. Đối với giấc ngủ cũng vậy. Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Chăm sóc giấc ngủ cho con cũng thuộc về trách nhiệm lớn lao của mỗi người làm cha, làm mẹ. Thế nhưng mỗi em lại có một thói quen ngủ khác nhau: Bé ngủ ngày, thức đêm, bé dậy sớm, bé ngủ li bì, bé ngủ ngắn,...
Cùng tìm hiểu từng thói quen của bé để có cách chăm sóc giấc ngủ tốt nhất cho trẻ.
Bé "ngủ ngày cày đêm"
Những em bé "cú vọ“ có thói quen ngủ vào ban ngày và thức vào ban đêm. Trẻ sơ sinh chưa phân biệt được ngày và đêm nên hiện tượng này rất phổ biến và cũng khiến cho mẹ rất mệt mỏi. Những em bé cú vọ thường rất tỉnh táo vào ban đêm, thậm chí càng khuya càng cảm thấy hứng khởi và sảng khoái.
Vậy mẹ nên làm gì?
Khi nào bé lơ mơ, gà gật mẹ hãy đặt bé nằm xuống. Dù lúc này bé vẫn tỉnh và chưa ngủ hắn nhưng mẹ cũng đừng bế bé đung đưa lúc này. Bé nên học cách tự dỗ mình vào giấc ngủ và điều này chắc chắn sẽ dễ dàng hơn cho bé để tự quay về với giấc ngủ nửa đêm của mình. Khi bé khóc, mẹ hãy vỗ nhẹ vào lưng bé, nhưng vẫn để bé "tự dỗ“ mình ngủ. Nếu mẹ phản ứng ngay lập tức với tiếng khóc của con, bế bé và ru bé, đung đưa bé, bé sẽ có thói quen cần người dỗ dành mỗi đêm và lúc đó chỉ làm mẹ mệt mỏi hơn mà thôi.
Nhiều trẻ có thói quen ngày ngủ đêm thức (ảnh minh họa)
Bé hay dậy sớm
Bé có thói quen dậy sớm bất kể bé vừa được dỗ ngủ hay đã ngủ một giấc dài. Thậm chí bé mới chỉ ngủ 15-20 phút nhưng vẫn có thể tỉnh giấc rất nhanh. Sẽ là "thảm họa“ khi ngày nào 4h sáng bé cũng gọi mẹ dậy khi mẹ cũng vừa mới chợp mắt được không lâu.
Vậy mẹ nên làm gì?
Có một số thủ thuật nhỏ có thể giúp mẹ cải thiện phần nào cảnh thường xuyên phải dậy sớm theo bé như treo rèm tối màu, hạn chế ánh nắng mặt trời chiếu vào phòng ngủ của bé hay mẹ cũng có thể cho bé ngủ muộn hơn vào ban đêm để bé ngủ lâu hơn và dậy muộn hơn vào sáng sớm. Nhưng đó cũng chỉ là thủ thuật phần nào giúp mẹ thôi, bé nào có thói quen dậy sớm sẽ giữ thói quen đó đến một độ tuổi nhất định sẽ thay đổi. Mẹ đừng sốt ruột và nản chí sớm nhé.
Bé "ngủ gà ngủ vịt"
Các em bé "ngủ gà ngủ vịt' này thường ngủ nhiều lần trong ngày, nhưng mỗi giấc ngủ lại rất ngắn, chỉ từ 30 phút đến 1 tiếng một lần. Buổi đêm bé có thể thức giấc nhiều lần, gây không ít mệt mỏi cho bố mẹ khi chăm bé.
Vậy mẹ nên làm gì?
Khi trẻ lớn lên sẽ tự biết cách củng cố và sắp xếp lại thời gian cho mỗi giấc ngủ của mình. Đó là sự phản ứng của cơ thể khi bé ngày một phát triển toàn diện hơn. Còn trong lúc này mẹ hãy tạo một không gian thật yên tĩnh cho giấc ngủ của bé, tốt nhất là trong một môi trường tối và dịu nhẹ, giảm bớt tiếng ồn xung quanh và hạn chế khả năng tiếng ồn lọt vào phòng ngủ của bé. Mẹ hãy dỗ dành cho bé ngủ lại nếu bé tỉnh giấc bất chợt.
Trẻ ngủ không sâu cũng khiến bố mẹ mệt mỏi (ảnh minh họa)
Bé ngủ hay ngọ nguậy không yên
Khi bé chìm vào giấc ngủ lại có những biểu hiện bồn chồn và mẹ cảm giác bé không có được giấc ngủ ngon. Bé nhăn mặt, ọ ẹ, cựa quậy mình và có thể rất hay bị giật mình nữa.
Vậy mẹ nên làm gì?
Cách tốt nhất trong trường hợp này là mẹ nên giữ bình tĩnh, đừng lo lắng và cứ để cho bé ngủ. Các chuyên gia nghiên cứu trẻ em đã phân tích và nhận thấy có những em bé thật ra đang ngủ rất ngon lành nhưng lại có những biểu hiện bồn chồn và không ngon giấc. Mẹ tuyệt đối đừng đánh thức bé dậy để tìm hiểu nguyên nhân tại sao vì như thế chỉ làm cho mọi việc tệ hơn thôi. Nếu mẹ quá lo lắng thì có thể nói chuyện thêm với bác sỹ để nhận được những lời khuyên tốt nhất.
Bé ngủ cầu kỳ, kiểu cách
Những em bé này thường chỉ ngủ khi có một nhu cầu tối thiểu được đáp ứng như vừa tu sữa vừa ngủ, vừa ôm gối bông vừa ngủ, chỉ ngủ khi nghe mẹ hát, mẹ kể chuyện, thậm chí có những em bé đòi hỏi mẹ xoa lưng, bóp tay, bóp chân xong mới từ từ chìm vào giấc ngủ của mình. Đó là những em bé thích được cưng nựng, vỗ về, mong muốn được mẹ yêu chiều để có thể yên tâm ngủ một giấc. Nếu thiếu những điều đó bé ngủ sẽ không ngon giấc, khó chìm vào giấc ngủ một cách dễ dàng.
Vậy mẹ nên làm gì?
Cách tốt nhất là mẹ hãy tôn trọng thói quen và sở thích của bé. Ôm ấp thú bông cưng khi đi ngủ hay một chút vỗ về không làm ảnh hưởng gì đến những thói quen hay tính cách của trẻ sau này. Mỗi em bé trong một giai đoạn phát triển lại khác nhau, những thói quen đó sẽ chỉ trở thành vấn đề khi bố mẹ can thiệp quá sâu và sở thích của con hay khi bé được ngủ chung cùng mẹ mà thôi.
Mẹ đừng hy vọng có thể thay đổi thói quen giấc ngủ của con ngay lập tức và dễ dàng. Trẻ sẽ tự thay đổi khi bé lớn lên nên mẹ hãy tôn trọng giấc ngủ của bé để bé có thể ngủ ngon và lớn khỏe thật nhanh.