“Mẹ có thể là người vợ thất bại nhưng nhất định là một người mẹ thành công. Con cứ yên tâm lớn khôn và an yên vui vẻ bởi mọi thứ đã có mẹ lo”, chị Lưu Trinh chia sẻ.
“Tuổi lên một, con chập chững bước đi thì mẹ 26 tuổi chập chững bước vào đời, bao khó khăn nhưng không sao hết, mẹ có con thì chuyện gì rồi cũng ổn. Chẳng ai muốn phải gồng mình mạnh mẽ, hay phải gánh vác trách nhiệm trên vai thay người khác nhưng cuộc đời vốn dĩ chẳng như lòng người mong muốn con nhỉ. Không phải đôi lúc mà là nhiều lúc mẹ thấy mệt phát điên lên ấy nhưng sức người là vô biên, cái gì rồi cũng đi qua sau cơn mưa.
Mẹ hy vọng nhiều năm sau nữa, con mạnh mẽ trưởng thành bên mẹ bởi cả thanh xuân mẹ chỉ còn lại con là đáng quý nhất. Và cả cuộc đời mẹ cũng chỉ lựa chọn mọi thứ vì con. Mai này con lớn lên, hãy đóng tròn vai như mẹ bây giờ, để yêu mẹ thật nhiều con nhé”.
Đó là những dòng tâm sự của chị Lưu Trinh (28 tuổi, Quảng Ninh) về 5 năm làm mẹ và gần 3 năm đơn thân nuôi con bao nhọc nhằn, khó khăn vất vả. Chị vừa làm bố lại vừa làm mẹ cứng rắn để dạy con vừa làm hoàng tử thật mạnh mẽ cho mẹ tự hào vừa là một cô "công chúa" quan tâm, tỉ tê bên mẹ.
3 năm làm mẹ đơn thân không phải khoảng thời gian dài cũng không phải khoảng thời gian quá ngắn. 3 năm ấy đủ để cho chị Trinh thấm đẫm nỗi đau và đứng lên vượt qua tất cả, bắt đầu lại cuộc sống của mình.
Chị Trinh kể, khi con trai 3 tuổi, chồng cũ của chị yêu cầu ly hôn. Khoảng thời gian đó chị đã rất đau khổ và níu kéo nhiều với mong muốn mang đến cho con tổ ấm nhỏ có đầy đủ bố mẹ nhưng không được. Vậy là chị ôm con ra đi về nhà bố mẹ đẻ với đôi bàn tay trắng bắt đầu cuộc sống làm mẹ đơn thân.
Một mình nuôi con khó khăn chồng chất khó khăn, không chỉ là gánh nặng kinh tế với đồng lương giáo viên tiểu học ít ỏi chỉ 3,5 triệu đồng/ tháng lo toan đủ thứ, chị Trinh còn phải đối diện với không biết bao nhiêu lời dị nghị, bàn tán.
Chị Trinh tâm sự, làm mẹ đơn thân điều khiến chị nặng lòng nhất là cái nhìn của xã hội và định kiến của những người xung quanh. Họ chẳng quan tâm hay dở trong câu chuyện ra sao mà tự nhận định rằng “vợ không ra gì nên chồng mới bỏ”. Không chỉ vậy, những người khác giới đến tìm hiểu chị sau này cũng không nghiêm túc, không có sự tôn trọng hay trân trọng chị, đặc biệt là tôn trọng con trai chị vì họ mang một suy nghĩ “mẹ đơn thân dễ dãi”.
Để vượt qua những điều ấy, chị phải bỏ ngoài tai những lời nói của mọi người, bơ đi để mà sống tiếp nuôi con. May mắn chị có bố mẹ và các em đỡ đần nên phần nào cuộc sống cũng bớt khó khăn.
“Cách duy nhất mình có thể làm lúc ấy chỉ là làm ngơ họ thôi, rồi phấn đấu lo cho 2 mẹ con một cuộc sống tốt nhất và dạy dỗ con thật ngoan, học giỏi để người ta thấy con mình không có bố nhưng vẫn có một cuộc sống tốt, vẫn ngoan ngoãn giỏi giang chẳng kém người có bố hoặc có thể tốt hơn”, chị Trinh cho hay.
Là giáo viên lương thấp, chị phải gác lại mọi sở thích của bản thân để dành mọi thứ lo cho con. Thời gian đầu để nuôi được con chị nhờ ông bà ngoại trông giúp và phải bươn trải làm thêm bên ngoài. Ngày chị đi dạy, tối đi ship hàng cho khách, cuối tuần lại đi Hà Nội lấy hàng bán.
Nhiều khi bán được chị lại tranh thủ đi đêm đến sáng hôm sau về để trưa kịp đi dạy. Có những lúc đêm hôm chị phải gửi con cho người trông trẻ nhờ trông hộ để đi ship hàng, rồi có những ngày mưa lạnh vừa đi vừa khóc vì nghĩ đến cuộc sống của mình, thấy mình là một người mẹ thất bại khi không mua nổi cho con được một chiếc máy bay điều khiển mà con thích mãi.
Không chỉ vất vả bươn trải nắng mưa, đêm hôm kiếm tiền nuôi con, chị Trinh còn gặp khó khăn về những tâm tư của con, về những định kiến xã hội vô tình làm tổn thương con. Chị phải làm sao để có thể vừa cứng rắn như bố lại vừa dịu dàng như mẹ để dạy được con mọi thứ. Và chị đau đầu làm sao để giải thích cho con việc bố mẹ không còn sống chung với nhau.
Có lẽ đây là khó khăn lớn nhất của chị, phải thẳng thắn nói với con mọi chuyện khi con mới 3 tuổi hay là nói dối để con luôn có những hình ảnh đẹp về bố. Và rồi chị đã quyết định sẽ không giống như nhiều mẹ khác nói dối con để con vẫn có cái nhìn, nhận định tốt về bố, để con lớn lên tự hiểu, chị Trinh quyết định phân tích rõ cho con việc bố mẹ không ở chung với nhau, bố, ông nội và các bác không ở cạnh 2 mẹ con nữa ngay từ khi con 3 tuổi.
“Thời gian đầu con hay hỏi bố và những người bên nội. Mình phân tích rõ cho con rằng bố mẹ không ở với nhau, con phải chấp nhận rằng từ giờ những người đó không còn trong cuộc sống của con, không thể gặp họ, ăn cơm cùng, đi chơi cùng hay nói chuyện với họ nữa. Mình phân tích vài lần thì bé hiểu ra vấn đề và không còn hỏi đến những người đó nữa”, chị Trinh thổ lộ.
Chị Trinh làm mẹ đơn thân gần 3 năm nay.
Mặc dù vậy, không ít lần chị Trinh quặn thắt lòng và rơi nước mắt với những câu hỏi ngây thơ của con khi dần hiểu hơn, biết nhìn nhận người xấu, người tốt.
Chị vẫn còn nhớ hồi đầu năm con đi học lớp 5 tuổi về khóc và nói với mẹ rằng: “Bố của các bạn là người tốt, đưa các bạn đi học rồi lại đón các bạn về, mua bim bim cho các bạn, còn bố con thì không cần con nữa” hay câu nói đượm buồn của con khi mẹ đưa đi làm cùng vì không gửi được cho ai “Nhà người ta có 3, có 4 người, có bố có mẹ, có anh có em, nhà mình chỉ có 2 mẹ con, không có bố nên mẹ mới vất vả như thế này”. Những câu nói hiểu chuyện, lớn trước tuổi của con đôi khi cũng khiến chị nhói lòng và phải trăn trở suy nghĩ nhiều.
Chị Trinh cười cho biết, làm mẹ đơn thân đôi khi chị cảm tưởng như mình là người đa nhân cách, phải “mềm nắn rắn buông” để cư xử với con phù hợp với từng thời điểm dạy dỗ. Nhiều lúc con ngang bướng, lì lợm không nghe lời và tỏ ra không sợ mẹ vì quen với hình ảnh mẹ nhẹ nhàng hàng ngày, chị phải cư xử sang tính cách khác hẳn bình thường để răn đe con. Chính vì vậy, đôi khi con trai vẫn ca thán rằng chị không giống mẹ bình thường, lúc thế này lúc thế khác.
Thế nhưng nhờ vậy mà giờ con trai 5 tuổi đã có thể tự lập nhiều việc, tự ăn cơm, mang bát ra chậu để mẹ rửa, đến giờ có thể tự đi ngủ, tự cất gọn đồ chơi lên giá không bày bừa, tự đánh răng rửa mặt, thu gọn quần áo không cần ai nhắc nhở.
Hiện tại vì lo cho cuộc sống hàng ngày nên chị phải gửi con cho ông bà ngoại, cuối tuần vào thăm con một ngày để đi làm. Điều chị mong muốn nhất đó có thể để dành tiền để cho vào lớp một sắp tới và lo cho con có đủ điều kiện như bao bạn bè.
Nói đến đây, chị Trinh lại rưng rưng về ước mơ được đi ô tô đi học của con cho đỡ nắng mưa. Chị biết mình khó có thể thực hiện được vì đồng lương giáo viên cũng chỉ đủ để nuôi bản thân. Thế nhưng vì thương cháu thiếu thốn mà bố mẹ chị đã là người thực hiện mong ước này thay chị. Ngày nhìn thấy con hạnh phúc được ngồi trên ô tô, những giọt nước mắt của chị lại trực trào.
Hiện tại, có nhiều người ngỏ lời yêu nhưng chị Trinh vẫn chưa dám yêu ai vì sợ con khổ. Mặc dù đôi lúc vất vả chị cũng nghĩ giá như có một ai đó cùng mình gánh vác nhưng rồi chị lại gạt bỏ tất cả, quyết định một mình tự chủ kinh tế để nuôi con.
Dẫu làm mẹ đơn thân vất vả nhưng con trai tình cảm, tối nào trước khi đi ngủ cũng chúc mẹ ngủ ngon và nói con yêu mẹ khiến chị quên đi mọi khó khăn ấy, có động lực hơn cố gắng.
“Bé rất biết nịnh mẹ như “mẹ của con là xinh gái nhất, sao hôm nay mẹ xinh thế này? Con thấy mẹ mà trang điểm môi đỏ đỏ là xinh hơn cả cô hoa hậu đấy”; “Con tự ăn cơm nhanh cho mẹ đỡ vất vả còn soạn bài dạy các anh chị nhé!” hay “Sau này con lớn lên, con kiếm tiền mua ô tô cho mẹ đi ship hàng cho đỡ nắng mưa mẹ nhé”, chị Trinh cười.
Hôm nay, Ngày của mẹ (10/5), chị chỉ muốn nhắn nhủ với con trai một điều rằng “Mẹ có thể người vợ thất bại nhưng nhất định là một người mẹ thành công. Con cứ yên tâm lớn khôn và an yên vui vẻ bởi mọi thứ đã có mẹ lo”.