Sau hai lần đón con "hụt", bị thủng tử cung, hạnh phúc mỉm cười với chị Lê Hồng Lập (Tiền Giang) khi chào đón bé Trọng Nhân vào tháng 3 vừa qua nhưng chị lại nơm nớp lo sợ khi con mắc bệnh nguy hiểm.
4 năm kể từ sau khi kết hôn, chị Lê Hồng Lập (32 tuổi, Tiền Giang) đã trải qua 2 lần đau đớn về thể xác vì mất con, bị thủng tử cung có khả năng không thể làm mẹ. Cuối cùng niềm hạnh phúc đã đến với chị nhưng kèm theo đó cũng là muôn vàn những nỗi đau về tinh thần khiến chị không bao giờ quên được.
Chị Lê Hồng Lập và bé Trọng Nhân.
Chị Lập kết hôn vào năm 2014, một năm sau vợ chồng chị đón nhận niềm hạnh phúc đầu tiên – hạnh phúc được làm mẹ. Nhưng rồi niềm hạnh phúc đến với chị quá ngắn ngủi khi thai được 7 tuần bị lưu. Nhận thông báo từ bác sĩ nụ cười của chị vụt tắt, chị như cái xác không hồn, đờ đẫn làm theo mọi lời nói của bác sĩ.
“Mình được bác sĩ cho uống thuốc nhưng con không ra và mình phải nạo thai”, chị Lập rưng rưng nhớ lại.
Và rồi nỗi đau lần đầu tiên đó cũng nhanh chóng tan biến bằng niềm vui một năm sau khi chị nhìn thấy que thử thai 2 vạch. Vì ám ảnh lần đầu tiên mang thai, sợ siêu âm sớm sẽ ảnh hưởng đến con nên chị quyết định để thai một tháng mới đi siêu âm. Thế nhưng một lần nữa chị cũng không thể được làm mẹ vì bị thai trứng, phải nạo thai và điều trị một năm tiếp.
“Trong tử cung mình không thấy túi thai, nhưng khi mình thử que thì lên 2 vạch. Bác sĩ kết luận có thể có thai ngoài tử cung hoặc phản ứng thai sớm.
Nghe bác sĩ nói, đôi chân mình không thể nào bước đi, nước mắt không hiểu từ đâu tuôn ra.
- Lê Hồng Lập -
”Mình được bác sĩ cho uống thuốc 1 tuần rồi đến khám lại nhưng về nhà nằm dưỡng được 2 ngày bị đau không chịu nổi phải lên bệnh viện Từ Dũ. Đó cũng là lúc mình nhận được kết quả bị thai trứng phải theo dõi 1 năm.
Tất cả trước mắt mình như sụp đổ bởi hy vọng được làm mẹ lại 1 lần nữa vụt tắt. Mình được chỉ định phải nạo thai trứng xét nghiệm trong đó có tế bào ung thư không? Trong quá trình nạo thai do tử cung mình quá mỏng nên bị thủng tử cung phải chuyển qua phòng mổ gây mê.
Khi tỉnh dậy những cơn co giật vì thuốc mê, những lần ói cho đến cạn sức lực khiến mình kiệt quệ, suy sụp”, chị Lập nghẹn ngào kể lại.
Chị Lập bảo, lần thứ 2 mất con, khi ấy những giọt nước mắt của chị cũng chẳng buồn rơi nữa và chị đã chấp nhận số phận “không được làm mẹ” của mình. Một năm nữa cũng trôi qua, vậy là 3 năm sau kết hôn, trong căn nhà của vợ chồng chị vẫn thiếu vắng tiếng cười trẻ thơ.
Bé Trọng Nhân chào đời xoa dịu nỗi đau của 2 lần phải nạo thai trước đó của chị Lập.
2 lần đau đớn vì hy vọng làm mẹ vụt tắt, chị Lập luôn mang trong mình những ám ảnh của quá khứ. Bởi vậy, dù 1 năm sau đó nhận được tin vui nhưng trong lòng chị vẫn luôn kèm theo những lo lắng, sợ hãi. Đặc biệt, chị lo sợ một lần nữa sẽ mất con khi nhận kết quả siêu âm thai yếu phải nằm dưỡng 1 tuần ở nhà.
Nghe tiếng con khóc, nước mắt mình chảy ra, mình vui lắm, cuối cùng cũng được làm mẹ rồi, con sinh ra khỏe mạnh nữa. Cảm giác đó còn hơn lượm được vàng ý.
- Lê Hồng Lập -
”“Đúng là ông trời không phụ người có lòng, những lần siêu âm sau con mình khỏe mạnh phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Mình nghén 5 tháng không ăn được gì, chỉ uống sữa để con phát triển tốt thôi. Trường hợp của mình phải sinh mổ không thể sinh thường vì tử cung bị thủng trước đó”, chị Lập cho biết.
Sinh con khi thai được 38 tuần 6 ngày, con trai chị nặng hơn 3kg. Đến bây giờ khi đã làm mẹ được hơn 3 tháng chị vẫn không thể nào quên được khoảnh khắc lần đầu nghe tiếng con khóc sau 9 tháng 10 ngày mong ngóng.
“Khi mổ bắt thai, bác sĩ có hỏi mình nghe tiếng con khóc chưa. Mình bảo chưa nhưng vừa dứt lời con khóc", chị Lập kể niềm hạnh phúc khi được làm mẹ.
4 ngày sau mổ chị Lập cùng con được trở về nhà. Những tưởng niềm hạnh phúc đã tròn đầy sau tiếng khóc của con nhưng ngày sau đó chị tiếp tục đối diện với những lo lắng và cả những giọt nước mắt vì con bị teo đường mật, phải mổ khi được hơn 1 tháng tuổi.
Kể về khoảng thời gian sau sinh khủng hoảng của mình, chị Lập cho biết, con hay quấy khóc, mỗi lần đi cầu càng khóc nhiều hơn. Trong tiếng khóc của con chị cảm nhận được nỗi đau con đang mang và càng sót ruột, quặn thắt tim hơn.
Chị Lập bảo, cảm giác có con sau bao nỗi đau khiến chị vui hơn nhặt được vàng.
2 ngày sau khi đưa con đi khám ở bệnh viện tỉnh, chị đưa con lên bệnh viện Nhi Đồng 1 khám và nhận kết quả chuẩn đoán con bị viêm ruột bắp phải nhập viện.
4 ngày sau khi được tiêm thuốc ngày 3 lần, tình hình của con đỡ hơn được trở về nhà. Thế nhưng sau đầy tháng, tình hình con lại như cũ khiến chị phải đưa con lên bệnh viện Nhi Đồng thành phố.
"Vì nghĩ con bị viêm ruột như bác sĩ nói nên mình tìm đến bác sĩ mà bạn bè giới thiệu. Con có đỡ đau nhưng phân vẫn xấu, đặc biệt mỗi lần dừng thuốc con lại đau nên mình quyết định đưa con đi bệnh viện Nhi Đồng thành phố.
Bác sĩ bảo nhập viện vì con bị vàng da, vàng mắt. Con được tiến hành lấy máu xét nghiệm và uống thuốc theo dõi, rồi nhịn đói để siêu âm đường mật. Hàng ngày, con phải lấy máu xét nghiệm vì mãi không tìm ra bệnh.
Nhìn tay chân con vết kim tiêm chằng chịt vì vỡ ven khiến mình đau thắt ruột gan. Thế rồi bác sĩ bảo con có khả năng bị teo đường mật, phải mổ thám sát”, chị Lập kể.
Trọng Nhân hơn một tháng tuổi đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật, trên người chằng chịt vết kim tiêm.
Nhớ lại khoảnh khắc con bị bắt cai sữa từ 4h sáng đến 10h30 khi chỉ có hơn 1 tháng tuổi, chị Lập lại nghẹn lòng. Đến bây giờ, chị vẫn không thể nào quên được khoảnh khắc ám ảnh nhất cuộc đời mình nhìn con nằm trên băng ca, mặc chiếc áo mổ trên người, mệt lả vì nghiền ti mẹ. Khoảnh khắc đó như có ai cào xé trong người chị. Đặc biệt, khoảnh khắc tay con bị phù lên vì lệch ven dịch truyền, phải lấy ven trên khuỷu tay khiến chị đau như cắt từng khúc ruột.
“Đứng bên ngoài nghe tiếng khóc non nớt của con, nỗi đau đó không thể diễn tả thành lời nhưng mình vẫn không thôi hy vọng và cầu mong kỳ tích sẽ xuất hiện với con. Bác sĩ bước từ phòng mổ ra đưa ra kết luận con bị teo đường mật đã mổ xong chỉ chờ đưa ra phòng hồi sức, đôi tai mình như ù đi, không biết phải làm gì.
Nhìn con nằm mê man được bác sĩ bóp ống thở, mình không còn chút sức lực nào, ước gì mình là người nằm đó chịu đau đớn thay con”, chị Lập nghẹn ngào.
Nhìn con mệt lả ngậm ti giả khiến chị nhói lòng.
Chị Lập bảo, có lẽ nỗi đau đớn nhất của chị là khi hay tin phải chấp nhận nuôi con như 1 người bị xơ gan, không hy vọng đến việc con lớn hay đi học mà mà chỉ trông chờ con sống đến ngày nào hay ngày đó.
Nghe đến đây, đôi tai, đôi chân và cả tinh thần của chị rụng rời. Chị thầm trách, tại sao ông trời lại mang đến niềm hạnh phúc rồi nhanh chóng cướp nó đi trong tầm tay chị.
“Với bản năng của một người mẹ, mình tìm hy vọng trong những ca ghép gan nhưng số tiền quá lớn. Ở Hà Nội, ca điều trị khoảng 120 triệu nhưng bé phải 9kg trở lên mới thực hiện được nhưng cũng tùy vào từng đứa trẻ. Vợ chồng mình hoang mang không biết làm sao vì con còn nhỏ quá”, chị Lập cho biết.
Hiện nay, sau ca mổ, con chị đã có tiến triển tốt, ít quấy khóc, trở về sinh hoạt như những đứa trẻ bình thường. Không những vậy, sau thời gian nằm viện về nhà, bé đã tăng được 6,2kg. Nhìn thấy con khỏe mạnh như vậy, đó cũng là niềm vui lớn nhất của chị sau 3 tháng vất vả vừa qua. Tuy nhiên, chị vẫn còn lo lắng về căn bệnh xơ gan mà con đang mang.
Hiện tại, sau ca mổ sức khỏe của Trọng Nhân đã tốt hơn. Bé tăng được 4,8kg lên 6,2kg sau khi ra viện.
Chị Lập tâm sự, còn niềm tin là còn hy vọng. Sau khi được người cùng hoàn cảnh mách, chị đang đặt niềm hy vọng mới cho con ở trong những bài thuốc Đông Y.
Sau tất cả, đối với chị, con được khỏe mạnh bao đứa trẻ khác chính là niềm vui lớn nhất. Chị không ham cầu bất cứ điều gì mà chỉ hy vọng con không phải trải qua bất cứ cuộc phẫu thuật nào, uống hợp thuốc Nam để đi cùng bố mẹ hết chặng đường đầy vất vả này.