Mỗi khi tay Chi dài ra một chút là đoạn cuối cánh tay lại bị mưng mủ rất đau.
Bố mẹ bé Nguyễn Linh Chi (TP.Yên Bái, tỉnh Yên Bái) mong muốn không còn bất cứ sự kỳ thị nào đối với số phận đáng thương của cháu.
Sinh ra không được may mắn như những đứa trẻ khác, cô bé Nguyễn Linh Chi (Lớp 1A, trường tiểu học Nguyễn Thái Học, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) không có tay, chân. Đây là hậu quả của di chứng chất độc da cam mà ông nội bị nhiễm, khi còn chiến đấu tại chiến trường Khe Sanh (Quảng Trị).
Nguyễn Linh Chi đã là thế hệ thứ ba nhưng chất độc quái ác mà quân đội Mỹ từng thả xuống trong chiến tranh vẫn đeo bám số phận của một đứa bé tội nghiệp. Bố của Linh Chi và em trai cũng bị dị ứng máu do ảnh hưởng của chất độc da cam.
Khi nghe câu chuyện về Nick Vujicic cũng không có tay chân như con gái mình tới Việt Nam giao lưu. Anh Nguyễn Đình Nam (Bố của Linh Chi) tha thiết mong muốn cháu được tham gia, để thấy được nghị lực phi thường của chú Nick. Từ đó, chắp cánh thêm bản lĩnh, sự nỗ lực và lòng quyết tâm vươn lên cho con gái.
Tuy nhiên, việc liên hệ để có được vé tham gia chương trình giao lưu tại sân vân động Quốc gia Mỹ Đình không hề đơn giản. Chặng đường đó có sự cố gắng hết lòng của bố mẹ bé Linh Chi cùng những người thân, họ hàng và cộng đồng Facebook. Qua mạng xã hội này, câu chuyện ước mơ được gặp chú Nick khiến nhiều người xúc động. Không ít cá nhân gọi điện và sẵn sàng nhường vé để cháu Chi có cơ hội tham dự.
Cô bé nghị lực
Gia đình anh Nguyễn Đình Nam có mặt trước giờ giao lưu với Nick Vujicic chưa đầy 4 tiếng. Sau chuyến xe dài từ Yên Bái – Hà Nội, Linh Chi không giấu được sự mệt mỏi vì say xe. Thế nhưng, từ trong sâu ánh mắt hồn nhiên của bé vẫn tràn đầy sự háo hức. Mặc dù là cô bé được đánh giá hiếu động, lém lỉnh nhưng khi có nhiều người lạ Linh Chi lại tỏ ra rụt rè và rất kiệm lời.
Ngày 11/8/2005, bé Linh Chi cất tiếng khóc chào đời trong niềm hi vọng của gia đình và bố mẹ. Thế nhưng, chị Trịnh Ngọc Thủy (mẹ của Linh Chi) lại phải xót xa chứng kiến hình ảnh con gái không có tay và chân. Chị buồn và thương con rất nhiều. Bằng chính tình thương của người mẹ, chị Thủy đã vượt qua tất cả để nuỗi dưỡng cháu lớn lên từng ngày.
Cô bé Nguyễn Linh Chi
Dù không có tay, chân như bạn bè cùng trang lứa, nhưng ở cô bé với gương mặt nhỏ nhắn và xinh xắn ấy lại có nghị lực vươn lên đáng khâm phục. Linh Chi tự khổ luyện và làm được những việc như uống nước, ăn cơm, gãi lưng… thậm chí cắn hạt bí, hạt dưa. Tuy nhiên, để làm được những việc tưởng chừng đơn giản với nhiều người thì đối với Linh Chi là cả chặng đường đầy thử thách.
Ngay tại chỗ nghỉ ở Hà Nội, Linh Chi thoăn thoắt leo trên giường xuống nhà trước sự ngỡ ngàng của nhiều vị khách. Thậm chí, có những khi bị ngã, cô bé không hề khóc mà vẫn tiếp tục đứng lên bằng sự cố gắng của mình.
Theo lời chị Thủy, việc chăm sóc bé Linh Chi vất vả hơn nhiều lần so với các cháu khác. Tuy nhiên, điều chị lo lắng là cháu đang từng ngày lớn lên, bố mẹ không thể theo sát cả cuộc đời. Giọng chị nghẹn lại, đôi mắt ầng ậc nước khi kể về hoàn cảnh của con và gia đình. Nước mắt chị lăn dài trên đôi má, vì thương con không được may mắn như bạn bè xung quanh.
Năm học vừa qua, Linh Chi học lớp 1 tại trường tiểu học Nguyễn Thái Học (TP.Yên Bái – tỉnh Yên Bái) để dự thính. Thế nhưng, không đầu hàng số phận, cô bé đã tự mình viết được họ tên, dù khá chậm chạp. Việc tập viết của cháu là cả một sự kỳ công khổ luyện.
Bằng cách kẹp bút vào cánh tay và ghé sát đầu, mắt nghiêng sang một bên, từ những nét chữ xiêu vẹo ban đầu, dần dần bé Linh Chi đã viết được tên của mình. Nhưng đổi lại cho sự cố gắng đó là đôi tay cháu bị phồng rộp, mắt nghiêng và nhìn sát giấy nên bị nhức mỏi.
Mỗi lần cháu đặt câu hỏi về tay và chân chị lại quặn lòng xót xa. Chị Thủy kể trong nước mắt: “Hồi còn bé, Linh Chi hỏi tại sao con không có tay, chân như các bạn khác, tôi chỉ biết giải thích cứ ăn nhiều, lớn lên con sẽ có tay chân. Nhưng bây giờ cháu lớn hơn lại hỏi về điều này, tôi chỉ biết giải thích con bị dị tật từ bé nên không có đủ tay chân”.
Chị Trịnh Ngọc Thủy rơm rớm nước mắt kể về hoàn cảnh gia đình
Cánh tay phải của Linh Chi vẫn đang dài ra mỗi năm một ít, nhưng không đáng kể. “Mỗi khi tay dài thêm một chút là đoạn cuối cánh tay bị mưng mủ rất đau. Gia đình phải mua thuốc cho cháu uống. Còn cánh tay bên trái thì không dài thêm”, chị Thủy kể
Được biết, hoàn cảnh gia đình chị Thủy còn không ít khó khăn. Với đồng lương ít ỏi, anh chị phải trang trải chi phí sinh hoạt, ăn uống, đóng tiền học cho con, thuê người giúp việc hỗ trợ Linh Chi tại trường. Từ tháng tới, chị sẽ nghỉ công việc hiện tại nên đồng lương của chồng sẽ là nguồn sống duy nhất của cả gia đình 4 miệng ăn.
Đáng sợ nhất là thái độ kỳ thị
Mục đích khi tham dự cuộc giao lưu với anh Nick không chỉ tiếp thêm sức mạnh cho Linh Chi mà qua đó còn giúp bạn bè xung quanh không còn thái độ kỳ thị.
Anh Nguyễn Đình Nam chia sẻ: “Tôi mong làm sao cho cháu được một lần gặp Nick để cho con thấy nghị lực sống và vươn lên, không nên lùi bước và phải ngẩng mặt lên không nên mặc cảm với số phận. Và từ đó, các bạn nhỏ sẽ nhìn con tôi với một ánh mắt thân thiện hơn, gần gũi hơn không phải xa lánh như căn bệnh hủi ngày nào..."
Là cô bé lém lỉnh nhưng khi có người lạ Linh Chi khá rụt rè
Trước khi cho cháu đi học, điều khiến chị Ngọc Thủy lo lắng nhất chính là thái độ kỳ thị của những người xung quanh, đặc biệt là các bạn học khác. Bởi, ngay từ khi còn học mẫu giáo, nhiều bạn không dám chơi cùng Linh Chi. Thậm chí, ở khu vực gia đình sống cũng không có nhiều em bé cùng tuổi làm bạn.
“Có một vài cháu cũng chơi còn nhiều cháu sợ bị lây bệnh cụt tay và chân như Linh Chi. Khi thấy bạn bè không chơi cùng, cháu chỉ biết lủi thủi một mình và tự chơi trong nhà. Cháu cũng hỏi vì sao như vậy. Các phụ huynh khác không nói cho con cái hiểu về số phận của Chi nên các cháu nhỏ cứ nghĩ là chơi gần rồi có lúc sẽ bị mất tay chân”, chị Thủy bày tỏ.
Khi Linh Chi mới đi học, một số cháu trong lớp mang tâm lý e dè và thậm chí không dám ngồi gần vì sợ. Tuy nhiên, theo thời gian, các cháu trong trường cũng quen dần và không còn thái độ kỳ thị.
Cũng theo chị Thủy, với một số thầy cô trẻ chưa có con cái mang tâm lý ngại nên không dám gần gũi nhiều với cháu như như các thầy cô đã nhiều tuổi. Chị Thủy phân trần: “Tôi không trách các thầy cô giáo trẻ. Vì từ tâm lý của con người mà ra, khi nhìn thấy cháu Linh Chi như vậy có thể các thầy cô trẻ chưa có gia đình sẽ nghĩ nhiều hơn và bị ám ảnh”.
Cô Phan Thị Liên (Giáo viên chủ nhiệm lớp 1A, Trường tiểu học Nguyễn Thái Học, TP.Yên Bái) đánh giá dù không có tay, chân nhưng cháu Linh Chi ngoan ngoãn và nỗ lực, cố gắng.
“Khi mới bắt đầu vào lớp, tôi cũng trao đổi với các em trong lớp về số phận thiệt thòi của cháu Chi. Nên trong lớp không có ai trêu gheo hay kỳ thị cháu. Lúc cháu Chi mới vào lớp, học sinh nhiều lớp khác tò mò nên cũng đến xem. Nhưng bây giờ thì không có ai trêu ghẹo kể cả các anh chị lớp lớn hơn”, cô Liên cho biết.
Chị Ngọc Thủy bày tỏ mong muốn không còn bất cứ sự kỳ thị nào với cháu Chi. “Tôi mong muốn sẽ tìm được một công việc phù hợp để có thể trang trải sinh hoạt gia đình và cháu có được chiếc vi tính để có thể mang tới lớp”, chị Ngọc Thủy nói.