Vợ bỏ con từ khi mới sinh, anh Đoàn tất tả đi khắp nơi xin sữa nuôi con từ khi con vài ngày tuổi. Những ngày qua anh vừa làm cha, vừa làm mẹ.
Mất 1 con do hội chứng truyền máu song thai (*)
Mỗi người từng một lần đò dang dở, anh Nguyễn Văn Đoàn (Chí Linh, Hải Dương) và chị N.T.L. như mối lương duyên "rổ rá cạp lại". Anh gần nhà chị nên hiểu hoàn cảnh của nhau và “góp gạo thổi cơm chung”. Sau cuộc hôn nhân tưởng chừng như hạnh phúc ấy là những xung khắc, bất hòa.
Một thời gian sau đó, chị L. xin phép về gia đình bố mẹ đẻ để ở. Sau đó, hai vợ chồng giảng hòa, anh đón chị về nhà để chăm sóc. Tin vui đến với cả gia đình khi biết chị mang song thai.
Anh bảo, “vợ chồng như đôi đũa, cũng phải có lúc xô”, những bất đồng được hóa giải, anh chị lại về 1 nhà. Suốt quá trình thai nghén, chị L vẫn đi thăm khám, siêu âm đều đặn. 2 thai vẫn phát triển bình thường và sức khỏe mẹ cũng không đáng lo ngại. Khi bầu đến tháng thứ 7, chị L bắt đầu có hiện tượng đau bụng. Cả nhà tức tốc đưa chị đến Bệnh viện tỉnh Hải Dương. Sau khi khám, bác sĩ chẩn đoán nước ối chị L tăng cao có tình trạng dọa sảy.
Gia đình chuyển chị lên Bệnh viện Sản Trung ương sáng ngày 11/7/2015 để cấp cứu trong tình trạng bị thừa nước ối và bào thai đang bị thiếu oxy. Bệnh viện kết luận, trường hợp của chị L bị mắc hội chứng truyền máu song thai. Chị sinh non. Vì thiếu oxy nên cháu trai đầu lòng đã không cất tiếng khóc chào đời, cháu trai thứ 2 do đẻ thiếu 2 tháng nên sức khỏe vô cùng yếu và phải nuôi trong lồng kính. Vợ anh phải nằm trong phòng hồi sức cấp cứu.
Sau khi đưa cháu bé đã mất về nhà để lo các thủ tục mai táng, anh Đoàn tiếp tục quay lại Bệnh viện Phụ sản Trung ương để chăm con thì các bác sĩ ở đây cho biết, do cháu bị thiếu oxy lên não nên sức khỏe rất yếu và khó có thể sống được.
Hình ảnh ông bố tảo tần nuôi con
Vợ anh được ra viện vào ngày 15/7. Chị L được đưa về nhà ngoại chăm sóc còn bé trai vẫn nằm trong lồng kính để điều trị.
“Ngày 18/7 là ngày cuối tuần tôi vào thăm cháu, bác sĩ nói đưa con về để được gần gia đình vì tình hình sức khỏe của con khó khăn để sống. Gia đình nên chuẩn bị tâm lý và tinh thần trước để lo hậu sự cho cháu. Thêm nữa, cho con về để bú mẹ cho biết mùi sữa mẹ. Tôi xin bác sĩ đến hôm sau về Hải Dương vì lúc này còn một mình ở Bệnh viện không biết xoay sở thế nào (gia đình nhà vợ đã về và thời gian bé được xuất viện mẹ cũng không về để chăm sóc con)”, anh chia sẻ.
Hôm lấy giấy chứng sinh cho con, anh điện thoại cho vợ nhưng vợ cũng không trả lời và nghe điện thoại. Cảnh gà trống nuôi con, chị L. lại không về chăm sóc, cho con bú nên anh Đoàn phải đi khắp nơi để xin sữa cho con.
Cảnh “gà trống nuôi con”, bố nhọc nhằn xin sữa
Thỉnh thoảng các anh chị gần nhà đến bế bé giúp anh Đoàn
Sức khỏe bé Nguyễn Minh Đức (tên ở nhà là Cún) tiến triển đến kì diệu từ khi được về nhà. Anh kể, Cún sinh non, 7 tháng đã chào đời nên lúc sinh ra không khóc được. Con chỉ nhăn nhó không thành tiếng. Những ngày nuôi bé Cún anh nơm nớp sống trong sợ hãi và ám ảnh con sẽ bỏ bố như đứa con đầu. Mỗi ngày qua đi, niềm hy vọng lại được nhen nhóm khi con bắt đầu ọ ọe đòi ăn. Anh cũng mừng, hàng xóm xung quanh thỉnh thoảng cũng chạy qua chạy lại giúp 2 bố con. Nuôi con nhỏ, làm thay cả phần của mẹ mới thấy sự khổ sở của các mẹ khác như thế nào. Anh cũng thức đêm hôm cho con ăn, ầu ơ vỗ về khi con khóc.
Mọi người đến chơi, chia sẻ hoàn cảnh với bố con anh Đoàn.
Anh Đoàn có cô em gái cũng vừa sinh nên mỗi sáng anh đều lên xin sữa. Cô bận thì buổi sáng xuống nhà cho con bú, đến khi về lại vắt sữa ra bình để dành phần con. May mắn bé dần hồi phục và rất ngoan, chỉ khi đói mới đòi ăn, ăn xong lại ngủ.
Những ngày này là quãng thời gian vất vả hơn với anh Đoàn. Anh vừa là cha, vừa giữ thiên chức làm mẹ. Anh phải nghỉ việc ở nhà để chăm con và xin sữa nuôi bé. Các mẹ ở xa gần biết hoàn cảnh của anh cũng gửi sữa đông lạnh và áo quần đến cho con. Thỉnh thoảng có bà cô họ hàng rảnh xuống bế giúp. Anh lại chạy vạy để giặt giũ áo quần cho cả bố lẫn con. Những công việc bỉm, sữa, áo quần… anh như thuộc lòng và gần như nhuần nhuyễn.
Sữa các mẹ ở xa gửi về cho bé Cún
Hơn 2 tháng nhọc nhằn, giờ trộm vía Cún khỏe mạnh hơn. Những câu hát ru quen thuộc của bà nội, bố dành để ru con mỗi tối, mối đêm nhưng con vẫn hờn khóc. Những lúc ấy, anh lại huýt sáo khắp nhà để nựng con. Trộm vía con ngoan, như biết thương bố mà nín hẳn.
“Dạo này cu cậu cũng biết toe toét cười khi bố hỏi chuyện. Nguồn sữa các mẹ xa gần gửi về cũng đủ phần con. Hàng ngày nhiều mẹ còn viết thư động viên tinh thần của 2 bố con. Con cứng cáp hơn, da hồng hào hơn không tái xám như ngày còn ở viện. Sức khỏe của con nhờ sự giúp đỡ từ các mẹ mà tiến triển đến kì diệu, như một phép màu”, anh lại khóc.
Trộm vía bé giờ khỏe mạnh hơn nhiều sau khi ở viện
(*) Hội chứng truyền máu song thai là gì? Theo Thạc sĩ Lê Thế Vũ – Trưởng khoa Dịch vụ A1, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, truyền máu song thai là hội chứng khá hiếm gặp ở những mẹ mang thai đôi. Nó là sự thông thương, giao lưu máu giữa hai thai, một thai cho và một thai nhận. Trong quá trình đó, thai cho ngày càng có kích thước nhỏ, teo đi và nước ối ít. Thai nhận ngày càng to và dẫn đến hiện tượng phù thai. Khi thai cho và thai nhận quá ngưỡng 25% sẽ gây biến đổi và dẫn đến hỏng thai. Bác sĩ Vũ cũng cho biết, hiện tại ở Việt Nam vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu với hội chứng này. Ở các nước trên thế giới, các bác sĩ sẽ dùng phương pháp quang đông tách mạch máu, lưu thông bằng nội soi bào thai. Cho ống nội soi vào buồng tử cung người mẹ sau đó dùng laser bắn vào các mạch máu giữa 2 thai ngăn tạo rào cản để hai thai không giao lưu máu. Bác sĩ khuyên các mẹ khi có thai ở những tuần đầu cần đi khám và đến các cơ sở y tế để siêu âm, nghe tư vấn đều đặn về dinh dưỡng, cách chăm sóc thai kỳ và phát hiện sớm những nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình mang thai. Bà mẹ mang thai song sinh cũng cần chọn nơi khám thai và sinh nở là những bệnh viện uy tín, chuyên khoa sản. |