Thóp trẻ sơ sinh có chức năng bảo vệ não bộ và dự đoán tình trạng sức khỏe của bé qua những thay đổi bất thường như: Thóp đầy, lõm, phồng, đóng sớm, đóng muộn… Mẹ có thể quan sát thóp bé đã biết con mình có khỏe hay không.
1. Cấu trúc của thóp trẻ sơ sinh
Thóp là gì? Thóp là phần cửa đỉnh đầu, được phân làm 2 phần là thóp trước và thóp sau. Phần thóp trước có hình thoi là khe hở giữa xương trán và xương đỉnh đầu. Thóp sau lại có hình tam giác, là khe hở giữa xương đỉnh đầu và xương chẩm.
Thóp trước với kích thước trung bình khoảng 1,5 × 2cm, với trẻ sinh non hay đủ tháng, thóp đầu đều tương tự nhau và nhờ vào hình dạng thóp mẹ có thể biết sức khỏe của trẻ như thế nào.
Thóp trẻ của sơ sinh được phân làm 2 phần là thóp trước và thóp sau (Ảnh minh họa)
2. Chức năng của thóp trẻ sơ sinh
Thóp trước và sau có nhiệm vụ vô cùng quan trọng đó là bảo vệ cho não bộ của bé khỏi các tác động bên ngoài. Ngoài ra, khi trẻ “chui” khỏi âm đạo, thóp đóng vai trò như một cái đệm bảo vệ não bé khỏi va chạm.
Với trẻ phát triển bình thường, cửa đỉnh đầu thường bằng phẳng. Nếu quan sát sẽ thấy thóp phập phồng theo nhịp tim trẻ. Khi sờ lên đỉnh đầu, có thể cảm nhận phần da mềm và lõm xuống.
3. Thóp trẻ sơ sinh bao lâu thì đầy?
Khi em bé được sinh ra, kích thước hộp sọ rất nhỏ và hầu hết thóp bé đóng hoàn toàn trước 24 tháng.
Việc đóng sớm hay muộn tùy thuộc vào từng bé, tuy nhiên mẹ nên chú ý quan sát tới kích thước thóp để biết con mình có phát triển bình thường hay không.
Thóp bé sẽ đóng hoàn toàn trước 24 tháng (Ảnh minh họa)
4. Những thay đổi bất thường của thóp bé sơ sinh
Thóp có chức năng quan trọng bảo vệ não bộ của bé và mẹ có thể dựa vào những thay đổi ở thóp bé để biết con có phát triển tốt hay không?
Các mẹ có thể quan sát và căn cứ vào các dấu hiệu thóp trẻ em sau đây:
Thóp trẻ sơ sinh phồng lên
Thóp phồng lên là do có sự di chuyển của máu qua vùng thóp. Tình trạng thóp trẻ sơ sinh không phập phồng hoặc phồng lên bất thường, bé hay khóc kèm theo sốt, nôn mửa và co giật, mẹ nên đưa bé tới bệnh viện kiểm tra ngay. Rất có thể bé bị viêm màng não, viêm não do tăng áp lực nội sọ.
Ngoài ra, thóp phồng cũng là dấu hiệu cho thấy bé bị tràn dịch, viêm mủ màng phổi, xuất huyết nội sọ thậm chí thành khối u não. Mẹ cần đặc biệt chú ý và đưa bé tới bệnh viện càng sớm càng tốt.
Thóp trẻ sơ sinh lõm
Bé có nguy cơ cao bị mất nước cấp tính. Biểu hiện phổ biến là tình trạng tiêu chảy trong thời gian dài, sốt cao, ra mồ hôi quá nhiều… Không những thế, bé còn bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, sút cân nhanh chóng do không hấp thu đầy đủ canxi, vitamin cần thiết cho cơ thể.
Thóp quá lõm hoặc quá phồng là dấu hiệu của bệnh lý, mẹ cần chú ý (Ảnh minh họa)
Thóp trẻ sơ sinh quá lớn
Thóp quá lớn thường xảy ra ở các bé mới sinh, kích thước lớn nhất có thể đạt 3 - 5cm. Tuy nhiên, việc thóp quá kích làm tăng khả năng bé bị còi xương và tác động tiêu cực tới não bộ của trẻ, làm tràn dịch não hoặc tình trạng não úng thủy do quá trình siết chặt bởi ống sinh sản.
Thóp của trẻ sơ sinh quá nhỏ
Thóp trẻ sơ sinh nhỏ khiến đầu trẻ mang dị tật do bị thu hẹp chỏm đầu. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển não bộ. Nếu phát hiện điều này mẹ nên đưa bé tới bệnh viện ngay để kiểm tra tình trạng sức khỏe, tránh những rủi ro khi bé trưởng thành.
Thóp trẻ sơ sinh đóng sớm
Thóp khép sớm sẽ làm cản trở não phát triển và giảm trí tuệ của trẻ. Có những lý do để thóp đóng sớm như:
- Bẩm sinh
- Não hoặc xương đầu của trẻ cốt hóa quá sớm
- Do mẹ bị phơi nhiễm tia X-quang trong thời gian dài
Trẻ sơ sinh thóp đóng quá sớm cũng là dấu hiệu của bệnh ý, mẹ nên đưa bé đi khám (Ảnh minh họa)
Thóp trẻ sơ sinh đóng muộn
Trẻ phát triển bình thường thóp sẽ đóng hoàn toàn trước 24 tháng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bé hơn 24 tháng tuổi nhưng thóp vẫn mở. Điều này chứng tỏ khả năng xương chậm cốt hóa do chức năng của tuyến giáp kém hoặc bị bệnh còi xương, suy dinh dưỡng hoặc não to lên bất thường.
5. Cách chăm sóc và bảo vệ thóp trẻ sơ sinh đúng cách
Làm thế nào để bảo vệ, chăm sóc thóp bé sơ sinh đúng cách là điều không phải mẹ nào cũng biết. Để giúp thóp của bé không gặp những thay đổi bất thường, các mẹ có thể bảo vệ, chăm sóc con yêu bằng các cách sau:
- Đội mũ cho bé trong vài ngày đầu mới sinh khi thời tiết trở lạnh.
- Giữ ấm thân nhiệt cho bé.
- Không để vật nhọn chạm vào thóp bé.
- Hạn chế, tránh để bé bị va đập vào phần đầu.
- Đưa bé đi khám bác sĩ khi có các dấu hiệu thóp lõm, phồng, quá nhỏ, quá lớn, đóng sớm, đóng muộn.
- Cho bé tắm nắng để hấp thụ vitamin D mỗi ngày vào buổi sáng khoảng từ 6h30 - 7h30.
Để biết thóp trẻ như thế nào là bình thường, mẹ nên thường xuyên sờ vào phần đầu để kiểm tra. Nếu mẹ thấy thóp bé có hiện tượng lõm, phồng, quá to, quá muộn, thời gian đóng sớm hoặc muộn hơn thông thường thì mẹ nên đưa bé đi bệnh viện khám. Nếu thấy thóp trẻ sơ sinh đầy thì bé phát triển bình thường, khỏe mạnh.
Những thay đổi bất thường ở thóp của trẻ sơ sinh cảnh bảo bé đang mắc phải một số bệnh lý, ảnh hưởng tới sự phát triển của con yêu. Mẹ nên theo dõi và đưa trẻ đi viện sớm khi phát hiện các vấn đề bất thường.