Là trẻ sinh non chỉ nặng 9 lạng nhưng 5 năm sau bé Khánh Đăng cậu bé nhỏ xíu như con chuột ngày nào khiến nhiều người ngõ ngàng.
Khánh Đăng (5 tuổi) đã trở thành cậu bé thông minh, khỏe mạnh, đẹp trai. Thế nhưng, ít ai biết trước đây, em là một đứa trẻ sinh cực non, chào đời ở 26 tuần 5 ngày chỉ nặng vỏn vẹn 950g, từng bị nói “thai 26 tuần đẻ là chết". Đó là một sự kỳ diệu không chỉ đối với cả gia đình mà còn nhiều người ngoài khi biết câu chuyện của em.
Hình ảnh Khánh Đăng khi sinh và hiện tại.
Khánh Đăng bên bố mẹ.
“Thai 26 tuần đẻ là chết chứ không nuôi được đâu nhé”
Chị Thục Nguyên (39 tuổi, Hồ Chí Minh) – mẹ của Khánh Đăng chia sẻ, chị lấy chồng ở độ tuổi 32. Sau 2 năm không thấy có tin vui chị quyết định nhờ đến phương pháp hỗ trợ sinh sản IUI. Và niềm vui vỡ òa với vợ chồng cùng gia đình nội ngoại khi biết tin chị đậu song thai ngay lần đầu tiên. Thế nhưng, cả quá trình mang thai chị phải đối diện với không ít khó khăn, phải nghỉ việc ở nhà, chỉ quanh quẩn trong phòng để giữ thai.
“Đó là 3 tháng đầu mang thai nơm nớp lo sợ khi 3 lần bị ra máu, mỗi lần phải nhập viện theo dõi đến hết nguy hiểm mới về nhà. Lúc 21 tuần là giai đoạn siêu âm 4D, kiểm tra hình thái học thai nhi, bác sĩ đã phát hiện cổ tử cung hình phễu, ngắn 20mm. Tuy nhiên, sau khi mình báo lại bác sĩ theo dõi thai kỳ kết quả ấy, bác siêu âm lại và báo cổ tử cung vẫn còn dài"
Hai vợ chồng lo lắng tột độ không biết tin ai. Mình dưỡng thai ở nhà đến 26 tuần thì bụng gò nhiều phải nhập cấp cứu tại bệnh viện Từ Dũ. Ở đây dưỡng thai được 5 ngày thì chuyển dạ”, chị Nguyên chia sẻ.
Khánh Đăng nhỏ xíu chỉ nặng vỏn vẹn 950g.
5 năm đã trôi qua nhưng ngày lên bàn sinh lần đầu tiên chị Nguyên vẫn nhớ như in bởi đó là ngày khủng hoảng nhất cuộc đời chị. Khủng hoảng ấy không phải vì sợ đau đớn mà là bởi câu nói “Thai 26 tuần đẻ là chết chứ không có nuôi được đâu nhé” của một cô y tá khi lên phòng sinh. Vậy là 6 tiếng nằm chờ sinh chị như rơi xuống địa ngục, chẳng có người thân ở bên.
“Mình bơi đuối sức trong suy nghĩ về cảnh sinh con ra như thế nào rồi cố không nghĩ tới và bám vào cái phao hy vọng và cố an ủi bản thân về các trường hợp em bé nước ngoài sinh 25 tuần vẫn có cơ hội nuôi được. Và rồi giây phút lên bàn sinh cũng đến khi bụng mình gò đau liên tục. Chỉ sau 3 hơi, bé Khánh Đăng chào đời, hai tay dang rộng vì bị chới với bởi không gian lạnh lẽo, miệng cất tiếng khóc tuy rất to đối với hình hài bé nhỏ của con cũng chỉ to bằng tiếng mèo.
Cô y tá đỡ đẻ nói một câu khiến ngày khủng hoảng của mình đã trở thành ngày tươi nắng: “Có hy vọng nhé!” Mình mỉm cười nghẹn ngào cùng với nước mắt lăn trên má. Bé nặng 950g. Bé gái thứ 2 chào đời không nghe thấy tiếng khóc nặng 900g. Hai em được bọc trong bọc ni lông để giữ ấm và chuyển ngay vào phòng hồi sức tích cực”, chị Nguyên kể lại về ngày chào đời của Khánh Đăng.
Khánh Đăng (bé nhỏ) sinh non nên nhỏ hơn bạn đồng lứa (bé to).
Đôi bàn tay nhỏ xíu của em khi mới sinh.
Từ con chuột con, 5 năm sau lớn phổng phao, thành hotboy nhí
Sau sinh các bé được nằm lồng ấp. Bé gái thứ 2 chào đời mất sau 6 ngày vì quá yếu. Mặc dù buồn nhưng sự kiên cường và niềm tin con trai sẽ ổn đã giúp cho vợ chồng chị vượt qua khoảng thời gian khó khăn đó.
Chị Nguyên kể, suốt khoảng thời gian con nằm lồng ấp, chồng chị ngày nào cũng canh giờ để được thăm con, rồi tối lại lang thang trong bệnh viện, nằm ở góc hành lang để luôn được ở bên cạnh con. Còn chị suốt khoảng thời gian đó không được gặp con vì sợ hậu sản sau sinh. Chị chỉ biết chăm chỉ vắt sữa để có những dòng sữa tốt nhất dành cho con.
14 ngày sau sinh, cuộc gọi của bệnh viện báo mẹ được ghép con khiến vợ chồng chị vỡ òa trong hạnh phúc. Lần đầu tiên được y tá trao con chị rưng rưng nước mắt với hình dáng bé nhỏ, lọt thỏm như con chuột con không biết phải bế làm sao.
“Vợ chồng mình không dám bồng vì con quá nhỏ không biết phải bồng như thế nào. Hai vợ chồng nhìn nhau lo lắng. Mình bảo: “Em không dám bồng, anh bồng con đi”. Anh ấy cũng không dám, sợ con nhỏ xíu thế kia chỉ cần khẽ chạm chắc cũng đủ làm bé đau. Nhưng rồi với bản năng của người mẹ mình cũng đã chăm một con chuột con rất tốt”, chị Nguyên cho biết.
Chị Nguyên kể, giai đoạn chăm sóc kangaroo tại bệnh viện là gian nan nhất khi chăm trẻ sinh non bởi mọi thứ đều phải học hỏi. Chị phải học từ y tá, bác sĩ và cả trong sách nước ngoài về chăm trẻ sinh non. Chị học từng cách ấp con như thế nào, phải thở như thế nào, ăn sữa ra sao rồi cả sắc thái mặt con để phát hiện được tím tái. Không những vậy, chị còn học cách mát xa để giúp con phát triển.
Tuy nhiên, giai đoạn đó cũng không ít lần khiến chị thót tim. Đã có những lúc chị nghẹn lòng tưởng chừng như con không thể vượt qua được. Có lẽ hai vợ chồng chị sẽ không thể vượt qua được giai đoạn đó nếu không có được sự giúp đỡ của gia đình, ông bà nội ngoại thay phiên ấp bé những lúc hai vợ chồng ăn uống, vệ sinh cá nhân.
“Bé ra ngoài ghép mẹ được 3 bữa thì lại bị tím tái vì tuột oxy phải quay lại lồng ấp nằm vài ngày mới được ra. Như vậy 3 lần trong 1 tháng. Khi bé được 1 tháng, bác sĩ kiểm tra mắt thì bị võng mạc ở trẻ sinh non phải chuyển sang bệnh viện Nhi Đồng I để bắn lazer điều trị bong võng mạc ở trẻ sinh non.
“Sau khi mổ thành công bé phải nằm theo dõi tại NICU và bị nhiễm một số bệnh khác: nhiễm trùng đường ruột, nhiễm trùng máu, điều trị kháng sinh liều cao tưởng rằng sẽ không qua khỏi nhưng sau 1 tháng thì bé được về phòng với mẹ.
Tình hình bé tiến triển hơn, bú bình được và cân nặng tăng lên được 2,2kg được xuất viện. Thế là hành trình cực khổ 93 ngày tại bệnh viện của gia đình mình đã kết thúc”, chị Nguyên kể về tình hình con chiến đấu vượt qua.
Khánh Đăng phải nằm viện 93 ngày và trải qua những lần tưởng chừng không thể vượt qua được.
Bí quyết chăm trẻ sinh non thông minh, khỏe mạnh
Tuy con đã được xuất viện nhưng khi trở về nhà, vợ chồng chị Nguyên vẫn tiếp tục với cuộc chiến khác. Từ một người không biết gì, vợ chồng chị trở thành bác sĩ của con, theo dõi từng cử chỉ để có thể xử lý kịp thời khi con tím tái, nôn trớ ra mũi. Có lẽ khoảng thời gian kinh khủng nhất của chị là những lúc con nôn trớ sau ăn vì trào ngược. Vợ chồng chị phải thay phiên nhau ấp con dốc cao ít nhất 45 phút sau ăn.
Khánh Đăng hiện tại giờ đã là một hotboy nhí điển trai, khỏe mạnh, ít ai biết em là trẻ sinh non.
Biết trẻ sinh non sẽ chậm hơn những trẻ khác, vợ chồng chị đầu tư chăm sóc con từ thể chất đến trí tuệ. 3 tháng tuổi, chị áp dụng phương pháp chăm con của Glenn Doman, trước khi đi ngủ đọc truyện cho con, vui chơi nói chuyện với con thật nhiều. Chính vì vậy, 6 tháng tuổi, bé Khánh Đăng đã tập nói, 7 tháng tuổi biết chơi và làm theo yêu cầu của mẹ.
Ngoài ra, biết vận động nhiều sẽ giúp bé ăn ngon hơn. Khi Khánh Đăng được 21 tháng chị cho bé học lớp bơi sống sót giúp bé cải thiện hệ hô hấp của trẻ sinh non. Và đúng 2 tuổi, bé đã bơi như rái cá, 5 tuổi đã biết bơi sải.
“Trẻ sinh non 26 tuần thì các nếp gấp của não rất ít. Bố me phải đầu tư các hoạt động giúp con phát triển não. Vợ chồng mình đã hát, đọc truyện và cho con nghe nhạc từ khi con trong bụng mẹ, rồi cho con học flash card (phương pháp Glenn Doman) khi ở viện về, trước khi đi ngủ thì đọc truyện cho con. Ông bà, cha mẹ chơi đùa với con thật nhiều.
Cứ như thế cho đến khi con lớn được 2, 3 tuổi nắm bắt được sở thích của con và đầu tư từ đó. Bây giờ 5 tuổi dù chưa biết đọc chữ nhưng Khánh Đăng cứ rảnh là lấy truyện ngồi đọc, xem hình. Con thích đánh trống nên khi con được 4,5 tuổi, mình cho con học trống jazz, sau 4 tháng đã đánh được 3 bài.
Mình tuyệt đối không cho con dùng điện thoại, tablets, hay xem tivi vì những bé mổ mắt đã có sẵn độ cận. Bây giờ bé lớn, cuối tuần mới cho xem phim màn hình lớn 1 lần”, chị Nguyên chia sẻ kinh nghiệm chăm con.
Nhờ được bố mẹ đầu tư chăm sóc ngay từ nhỏ, Khánh Đăng phát triển vượt trội như những bạn khác mà không hề bị thua kém.
Đối với chị Nguyên, dù chăm trẻ sinh non có vất vả nhưng chỉ cần dành thời gian đầu tư cho con nhiều sẽ luôn đảm bảo được những kết quả tốt đẹp. Sau bao khó khăn, niềm hạnh phúc của chị chỉ đơn giản được thấy con phát triển từng ngày.
Một số hình ảnh Khánh Đăng và gia đình của mình.