Rất nhiều trẻ bị bạo hành thường giấu giếm không nói với ai. Tại sao lời đe dọa của kẻ bạo hành lại lớn hơn cả sự tin tưởng của trẻ với bố mẹ?
Khảo sát năm 2014 của Tổ chức Phát triển Nhân đạo Quốc tế (Plan) tại Việt Nam với 3000 học sinh của 30 trường cho thấy, 78% số em đã chịu ít nhất một hình thức bạo lực giới tại trường học. Các chuyên gia cho biết, bạo lực tinh thần là hình thức phổ biến nhất trong số các hình thức bạo lực học sinh gặp phải.
Bạo lực tinh thần bao gồm các hành động cố ý tẩy chay một người nào đó; đánh giá về ngoại hình, tôn giáo, điều kiện gia đình; gán ghép tên gọi dựa trên ngoại hình hoặc gia cảnh; bắt phạt đứng trong góc lớp hoặc bên ngoài lớp học; bị nhốt trong lớp; sỉ nhục thông qua ngôn ngữ xúc phạm. Bạo lực tinh thần sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống cũng như tư tưởng và cảm xúc của trẻ. Vậy bố mẹ, người lớn cần làm gì để bảo vệ và ngăn chặn con mình khỏi vấn đề bạo lực học đường?
1. Dạy con về giới tính ngay từ nhỏ
Giáo dục giới tính cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ là một điều vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, nhiều bố mẹ nghĩ đây là một vấn đề nhạy cảm và tế nhị nên rất ngại nói với con. Thay vì tự mình dạy cho con những điều cơ bản nhất về giới tính, bố mẹ lại cố đùn đẩy trách nhiệm đó cho nhà trường và xã hội với cái ý nghĩ vô lý rằng “sau này lớn lên đi học con sẽ biết, không cần dạy sớm làm gì”.
Về vấn đề này, các bậc phụ huynh nước ta cần phải học hỏi các gia đình Tây, họ thẳng thắn chia sẻ và dạy cho con những điều cơ bản nhất về giới tính và bạo lực giới tính. Sự hiểu biết và có thái độ thẳng thắn, lành mạnh với vấn đề giới tính là biện pháp tốt để bảo vệ con. Đừng để cho con bị bất ngờ hoặc hoảng hốt trước những biến chuyển của cơ thể.
Bố mẹ có thể hướng dẫn con tìm hiểu về sự biến chuyển này dưới nhiều hình thức bởi con rất cần được trang bị những kiến thức về giới tính trước khi chúng trở thành người lớn. Hãy dùng ngôn ngữ phù hợp với độ tuổi của con, hãy giải thích cho bé hiểu về sự khác nhau của hai giới tính bằng những hình dung thích hợp và đừng ngại khi phải trả lời những câu hỏi ngây thơ của bé.
2. Dạy con biết bố mẹ là chỗ dựa an toàn nhất
Rất nhiều trẻ bị bạo hành, xâm hại thay vì nói với bố mẹ hoặc người lớn thì chúng sẽ có xu hướng giấu giếm. Bố mẹ chỉ có cơ hội biết được khi vô tình thấy được dấu vết trên người con, hay nhận thấy những hành xử khác lạ ở con thì mới tá hỏa hỏi han. Trước hoàn cảnh này, câu hỏi để mọi bậc cha mẹ suy ngẫm là "Tại sao lời đe dọa của kẻ bạo hành lại lớn hơn cả sự tin tưởng của trẻ với bố mẹ?".
Có lẽ câu trả lời đơn giản cho vấn đề này là bố mẹ chưa tạo được một niềm tin và chỗ dựa vững chắc cho con. Hiện nay, nhiều bố mẹ vì quá bận rộn với công việc mà vô tình cắt giảm bớt thời gian để quan tâm, trò chuyện cùng con. Chính việc này đã tạo một khoảng cách giữa bố mẹ và con cái.
Bố mẹ hãy trở thành chỗ dựa và niềm tin vững chắc nhất cho con (Ảnh minh họa)
Để sớm nhận biết ra mọi dấu hiệu bất thường của con, cha mẹ hãy cố gắng trở thành người bạn tốt của con. Hãy cùng con tâm sự và chia sẻ những hoạt động mỗi ngày của từng người. Chỉ đơn giản bằng những câu hỏi hôm nay trẻ ăn gì, chơi trò gì, cô giáo dạy điều gì… Hoặc hôm đó, trẻ đi chơi thì có gặp ai hay điều gì lạ không. Thông qua cách kể chuyện của con bố mẹ có thể nhận ra điều bất thường nếu có ở trẻ. Một cách gợi mở khéo léo, bố mẹ có thể biết đó là điều gì và tìm cách xử lý thích hợp.
Thông qua những giờ phút chia sẻ, bố mẹ và con cái không chỉ có khoảnh khắc gần gũi và thân thiết nhau hơn, mà còn nắm bắt được các biểu hiện khác thường của con. Do đó, bố mẹ hãy cố gắng dành một chút thời gian vào buổi tối để cùng chuyện trò cùng con. Hãy tạo cho trẻ thói quen kể cho bố mẹ nghe mỗi ngày có điều gì mới, thú vị hay bất thường. Cần phải cho trẻ biết rằng, dù bất cứ chuyện gì xảy ra cũng phải nói cho bố mẹ biết, vì bố mẹ là người sẽ bảo vệ con trong mọi tình huống.
3. Dạy con không là người vô cảm với bạo lực
Bố mẹ nên dạy con biết cách tự vệ để có thể bảo vệ mình cũng như người khác trước vấn nạn bạo lực giới tại trường học. Người lớn có thể hướng dẫn con những kỹ năng sống đơn giản như hô to hay ra dấu hiệu kêu cứu cho người lớn ở gần khi gặp nguy hiểm. Chắc chắn khi nghe tiếng kêu cứu từ một học sinh thì những người xung quanh sẽ có sự cứu giúp kịp thời, giải thoát con bạn khỏi tình huống xấu.
Đồng thời, cha mẹ hãy dạy con một điều quan trọng là luôn biết kêu gọi sự giúp đỡ từ người khác. Khi con trở thành nạn nhân hay vô tình chứng kiến cảnh các bạn bị bạo lực, hãy biết kêu cứu bởi sự can thiệp của người lớn là một việc rất quan trọng.
Bên cạnh đó, hãy nhắc nhở con nên đứng ở những nơi đông người,nên hạn chế đi vào góc khuất hoặc nhận lời gặp riêng vì như thế sẽ tạo điều kiện cho kẻ xấu bắt nạt. Ngoài ra, bố mẹ nên cho trẻ tham gia các lớp học thể thao hay võ thuật để trang bị cho trẻ khả năng phòng vệ cơ bản, giúp trẻ bản lĩnh hơn.
4. Dạy con trở thành một đứa trẻ tự tin, mạnh dạn
Một đứa trẻ cô độc, thiếu cởi mở luôn là miếngmồi ngon cho những trò chọc phá ác ý của số đông. Do đó, nếu con là một đứa trẻ rụt rè và giao tiếp kém, bố mẹ hãycố gắng truyền đạt cho con kỹ năng giao tiếp, giúp con trở nên hoạt bát và hòa đồng hơn. Để giúp trẻ tự tin, mạnh dạn hơn, bố mẹ hãy khuyến khích và tạo cơ hội trẻ tham gia tất cả hoạt động ngoại khóa, hội trại trong trường, các chuyến du lịch dã ngoại cùng bạn bè. Thông qua những hoạt động tập thể như vậy sẽ giúp con có tinh thần đồng đội, tinh thần hợp tác, tinh thần trách nhiệm, sự trung thực và nhường nhịn.
Việc trẻ tự tin và có kỹ năng đàm phán tốt đôi khi sẽ giúp con tránh khỏi vấn nạn bạo lực học đường. Nếu con đã vướng vào rắc rối, có thể trở thành nạn nhân của bạo lực học đường, cần trang bị ngay cho con kỹ năng đàm phán. Đây là một việc làm hết sức quan trọng và mang tính quyết định. Hãy hướng dẫn con thẳng thắn nói chuyện với kẻ hà hiếp mình trên tinh thần bình đẳng và tôn trọng, “biết người biết ta”. Nếu trẻ có kỹ năng đàm phán tốt, chắc chắn những hiềm khích sẽ được hóa giải và bạo lực cũng không có cơ hội phát tác.
5. Hãy tạo một môi trường sống tốt cho trẻ
Trẻ có xu hướng bạo lực giới nếu bị hoặc chứng kiến bạo lực. Một gia đình hạnh phúc, êm ấm tốt cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng có được may mắn đó. Vẫn còn đâu đó trong xã hội các trường hợp trẻ bị bạo hành ngay bởi chính người thân thiết trong gia đình. Chính những người mà trẻ tin tưởng lại làm tổn thương mình sẽ khiến trẻ mất niềm tin và có cái nhìn tuyệt vọng vào cuộc sống.
Bố mẹ hãy tạo cho con một môi trường sống lành mạnh, nơi chứa đựng tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc và chia sẻ. Trẻ được sống trong một gia đình hạnh phúc sẽ ít có xu hướng bạo lực hơn những đứa trẻ khác.