Để trẻ được tự lập, tự do mà vẫn an toàn trong khuôn khổ, các bà mẹ đừng quên dạy con những điều này.
Mới đầu hè nhưng đã có quá nhiều những trường hợp đau lòng khi trẻ tử vong vì hóc, vì đuối nước, những em bé theo cha mẹ đi chơi mùa hè rồi lại bị lạc khóc đến xót lòng giữa đám trên bãi biển chật kín người lạ. Chúng ta chẳng thể kè kè theo con, bảo vệ bé, che chở cho bé mãi mãi. Vậy nhưng nhiều người đặt câu hỏi: làm thế nào để có thể “thả” con ra, cho bé tự lập giữa cuộc đời quá nhiều nguy hiểm, bước chân ra đường đã là hàng trăm xe máy ô tô lao đi vun vút, sẵn sàng gây tai nạn cho con?
Thực tế, cha mẹ hoàn toàn có thể để con tự lập, tự do mà vẫn an toàn. Tuy nhiên muốn được như vậy, chúng ta cần dạy cho trẻ những kỹ năng sinh tồn không thể không có này.
1. Thông tin cá nhân
Ghi nhớ đầy đủ họ tên mình và biết làm thế nào để viết nó
Chúng ta luôn chủ quan về vấn đề này. Hầu như mỗi đứa trẻ đều biết tên của mình, tuy nhiên, có bé lại chỉ biết mình tên là Bông, là Bin, có bé lại chỉ biết mình tên là Nam, là Minh…nhưng không biết họ của mình là gì, tên đệm ra sao. Chính vì vậy, mẹ cần đảm bảo con thuộc tên đầy đủ của mình (cả họ, tên và tên đệm). Ngoài ra, nhiều bé nói không sõi, không rõ ràng nên việc dạy con cách tự viết tên mình cũng là vô cùng cần thiết. Điều này vô cùng quan trọng vì ở những nơi như siêu thị, trung tâm thương mại, công viên, sân bay…các nhân viên bảo vệ sẽ đọc tên bé trên loa để cha mẹ có thể tìm lại con.
Nhớ tên bố mẹ và biết cách viết
Song song với việc biết tên bản thân thì trẻ em cũng cần phải biết tên đầy đủ của cha mẹ. Một lần nữa, điều này là cần thiết để giúp nhân viên cảnh sát, lính cứu hỏa, nhân viên cửa hàng, vv liên lạc với bạn nếu con của bạn bị lạc hoặc bị thương. Đừng cho rằng con mình đã biết tên thật của bố mẹ. Rất nhiều em bé đã ú ớ khi phát hiện ra mẹ khổng phải tên là “Mẹ” hay “Má” mà có một cái tên hoàn toàn khác biệt.
Nhớ địa chỉ và số điện thoại nhà, số điện thoại bố mẹ
Trong tình huống khẩn cấp cần phải liên lạc về nhà, rất nhiều trẻ em lại tỏ ra ngơ ngác khi không biết nhà mình ở đâum số điện thoại như thế nào. Trẻ em hoàn toàn phải biết địa chỉ nhà của chính mình và số điện thoại nhà. Thậm chí, với thời đại ngày nay, khi các gia đình không có người ở nhà, bé cũng nên nhớ số điện thoại di động của cha mẹ. Một mẹo hay cho những em bé chưa biết nói, đó là sắm cho con một chiếc vòng tay, chân hoặc vòng cổ có khắc số điện thoại của cha mẹ
Thường xuyên đưa con đi chơi quanh khu phố
Nhiều em bé bị lacjngay trong chính khu phố nhà mình mặc dù chỉ mất thêm 1,2 khúc quanh là đến nhà. Lý do cho việc này là bởi cha mẹ ngày nay lại hay thường cho con đi chơi xa, đến công viên hay các khu vui chơi cần phải di chuyển bằng xe máy. Vô tình, trẻ lại trở nên xa lạ, không biết đường đi và cách quay trở về nhà ngay chính khu phố mình ở. Đưa con mình đi chơi quanh khu phố mình hay ở thưởng xuyên sẽ giúp bé nhận ra những “cột mốc” để có thể tự tìm đường về nhà.
2. Tìm người trợ giúp
Trẻ bị lạc cần biết cách tìm đúng người trợ giúp (ảnh minh họa)
Nhận biết được ai là người mình nên tìm trợ giúp
Trẻ em nên học cách nhận ra những người có trách nhiệm giúp đỡ mình như lính cứu hỏa, cảnh sát, bảo vệ, nhân viên cấp cứu…. Nếu bé bị thất lạc, những người có đặc điểm nào nên là người để bé tin tưởng và hỏi sự trợ giúp. Ngoài việc dạy con cách phân biệt dựa vào đồng phục, mẹ cũng nên chỉ rõ cho bé cách nhận biết dựa vào tác phong và công việc họ đang làm. Ví dụ trong một siêu thị, làm thế nào để bé phân biệt được giữa khách mua hàng bình thường và nhân viên siêu thị chính là kỹ năng mẹ cần dạy con.
Tìm những người lớn có thể tin cậy để nhờ trợ giúp
Không phải ở đâu trẻ cũng có thể tìm được bảo vệ hay nhân viên y tế…. Trong những lúc như vậy, mẹ nên day con cách tìm đúng người lớn có thể tin cậy để nhờ trợ giúp. Những người có thể (tạm) tin cậy trong lúc này thường là người già hoặc những phụ nữ có gương mặt hiền lành, đi cùng trẻ em hoặc không. Một điều nữa mẹ cũng cần phải nhớ, đó là đôi khi trẻ nhỏ quá sợ sệt và rụt rè nên không dám hỏi mọi người xung quanh. Chính vì vậy, khuyến khích con tự tin, mạnh dạn khi bắt chuyện với người lạ cũng là kỹ năng mẹ cần lưu tâm.
3. Tránh người nguy hiểm
Phải biết cách nói “Không”
Trẻ em cần phải biết rằng bé có quyền nói Không và từ chối bất cứ ai (ngay cả cha, ẹm) nếu họ cảm thấy rằng bé cảm thấy mình đang không an toàn. Cách tốt nhất là bé nên nói “Không” một cách lịch sự, biết hét lên “Không” khi bị chèo kéo và cần phải tránh xa bất cứ ai có vẻ không an toàn.
Biết những quy tắc khi đi ra ngoài
- Luôn luôn xin phép cha mẹ trước khi đi bất cứ nơi đâu một mình, kể cả “chạy ra đằng kia một tí”.
- Nếu cha mẹ bạn không cho phép hoặc chưa có câu trả lời, con không được phép đi.
- Nếu cha mẹ đồng ý, con hãy chắc chắn chỉ đến duy nhất địa điểm đó và không đi tiếp nơi nào khác
- Nếu cảm thấy không an toàn, con cần quay trở lại nhà ngay lập tức
Biết những quy tắc khi giao tiếp
- Không nói chuyện với người lớn hoặc các anh chị lớn hơn nếu không biết rõ người đó
- Không đưa ra thông tin cá nhân cho bất cứ ai không cần phải biết điều đó. (Ví dụ: Một phụ nữ đẹp, tự dưng hỏi con địa chỉ nhà và tên tuổi, tên trường lớp, cô giáo…)
- Không tin tưởng những người đang cố gắng để giúp con khi con không cần sự giúp đỡ. (Ví dụ: Nếu bạn đang đi bộ từ trường về nhà và ai đó muốn đèo con về cho nhanh trong khi con biết đường, không được đồng ý).
4. Tránh các tình huống nguy hiểm
Những nơi cần tránh xa
- Lòng đường
- Đường ray xe lửa
- Hồ nước, ao, sông, bể bơi…
Những vật không được chạm vào
- Hóa chất
- Phích cắm điện, dây điện, công tắc, cầu chì và các bộ phận dính líu tới nguồn điện
- Thiết bị, công cụ, máy móc có động cơ
- Dao, kéo và các vật sắc nhọn
- Lửa, bếp, phích nước nóng và những thứ tương tự
Nguyên tắc khi ở nhà một mình
- Không được mở cửa cho bất cứ ai trừ bố mẹ
- Nếu thấy có người có vẻ cố tình rình rập ở cửa để vào nhà thì trẻ nên bật TV thật lớn, gây tiếng ồn trong nhà để kẻ lạ mặt nghĩ trong nhà có người lớn.
- Nếu quá đói, con có thể mở tủ lạnh để ăn. Tuy nhiên cần biết phân biệt thức ăn còn ăn được và thức ăn đã ôi, thiu hay hỏng, bị mốc, lên men.