"Tôi hướng con trở thành một nghệ sĩ đích thực chứ không phải là ngôi sao giải trí".
Khá hiếm một gia đình ba thế hệ nghệ sĩ thành công rực rỡ trong showbiz Việt. Là con trai duy nhất của Giáo sư – NGND Trung Kiên, nhạc sĩ Quốc Trung sau cuộc hôn nhân với Diva Thanh Lam có hai người con.
Và may mắn, năng khiếu âm nhạc của thế hệ thứ ba trong gia đình nghệ sĩ này bộc lộ ở cậu út mang cái tên đầy hi vọng của gia đình: Đăng Quang.
Tuy đang ở độ tuổi niên thiếu, nhưng Đăng Quang đã sớm có những thành công bước đầu trong vai trò một nghệ sĩ trình diễn piano cổ điển với các giải thưởng tài năng trẻ tại Ý và Hàn Quốc trong năm 2012.
Cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Quốc Trung, chủ yếu nói về Đăng Quang và về cách nuôi dạy con của anh “gà trống nuôi con” nổi tiếng này. Hơn nữa, sự thành công bước đầu trong nghệ thuật của Đăng Quang là một lý do thú vị để chúng tôi cùng nói chuyện bởi dân gian Việt vẫn có câu: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” để lý giải cho sự “hiếm” những gia đình nghệ sĩ ba thế hệ.
- Người ta có lý để khẳng định “không ai giàu ba họ…” và nghi ngờ sự thành đạt của thế hệ F2 nhìn theo khía cạnh di truyền học. Anh có ngạc nhiên không khi Đăng Quang có năng khiếu về nghệ thuật?
Trong âm nhạc, năng khiếu chỉ là yếu tố cần có đầu tiên nhưng chưa đủ. Nghệ thuật cần phải say mê và khổ luyện mới mong thành công. Tôi nghĩ gen chỉ là phần nhỏ. Môi trường từ bé sẽ tạo nên những năng khiếu cho trẻ nhỏ.
- Sự thành công bước đầu của cháu có làm anh vui?
Bố mẹ nào cũng sẽ vui với những kết quả học tập của con cái thôi. Và với tôi, sự thành công bước đầu của Đăng Quang, có lẽ là niềm vui lớn nhất vào tuổi này.
- Hẳn anh có định hướng cho cháu từ lâu, hay đó là thiên bẩm?
Âm nhạc, nhất là lĩnh vực nhạc cổ điển cần phải định hướng và bắt đầu từ rất sớm. Trong quá trình học tập người có nghề sẽ phát hiện và đánh giá được năng khiếu hay khả năng. Từ thế mạnh nào trong khả năng của cháu phụ huynh và thầy cô sẽ có những định hướng cụ thể.
Cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Quốc Trung, chủ yếu nói về Đăng Quang và về cách nuôi dạy con của anh
- Vậy anh nhìn nhận thế mạnh của truyền thống gia đình là gì, từ chính bản thân anh với máu nghệ sĩ từ bố mẹ cho đến Đăng Quang?
Thế mạnh chính là môi trường. Cả tôi hay đến các con của tôi đều có được một môi trường nghệ thuật tốt và có điều kiện để tiếp xúc, chọn lựa. Quan trọng hơn cha mẹ, ông bà đều là những người có khả năng đánh giá một cách tỉnh táo, công tâm về năng khiếu và khả năng của mình.
- Với nhiều gia đình việc cả nhà cùng theo một ngành nghề đến cùng khiến họ nếm trải đủ vị ngọt và đắng, nên hầu như không muốn con cái theo nghề. Tâm lý làm bố của anh thế nào?
Nghề nghiệp nào cũng có những khó khăn và cay đắng cả, nên cần phải biết và trang bị cho con những kiến thức và kỹ năng để vượt qua. Tôi lại thấy chính ra nghề của mình lại mang lại những trải nghiệm và hạnh phúc cho cá nhân mà không phải nghề nào cũng có được. Tất nhiên nó cũng đồng thời có những sự trả giá.
- Môi trường giáo dục và phát triển nghề nghiệp của cả 3 thế hệ nghệ sĩ của anh có gì khác nhau và nó tạo ra những cá tính nào trong mỗi nghệ sĩ?
Nghệ sĩ thật sự thời nào cũng như nhau. Lại trong cùng một gia đình nên tôi thấy cá tính nghệ sĩ giữa các thế hệ không có nhiều sự khác biệt. Chỉ có sự lựa chọn cho hướng đi của từng người sẽ khác.
- Anh làm nghệ thuật đương đại, bố anh và con trai anh lại theo cổ điển… Tại sao thế hệ thứ ba lại không lựa chọn con đường bố mẹ cháu đang đi và thành đạt?
Với tôi, sự thành đạt trong cuộc sống không được đánh giá bằng sự nổi tiếng hay tiền bạc. Với người nghệ sĩ điều quan trọng là đạt được bao nhiêu phần trăm những ước mơ hoài bão cho sự nghiệp của mình và sau đó mới là chất lượng của cuộc sống tinh thần riêng.
Bởi vậy ở điểm khởi đầu của con đường sự nghiệp âm nhạc phải được xuất phát từ chính sự chọn lựa và yêu thích bản thân các cháu.
- Có những cuộc trao đổi chuyên về nghề nghiệp hoặc tranh luận nào trong gia đình anh không?
Chúng tôi tuy ở những lĩnh vực khác nhau nhưng thường cũng có quan điểm chung về thẩm mỹ. Những gì tôi chọn lựa cho lối đi nghệ thuật của riêng mình cũng phần nào ảnh hưởng từ bố mẹ. Và tôi nghĩ, các con tôi cũng vậy, chắc chắn chúng sẽ chịu ảnh hưởng từ những lao động nghệ thuật cả đời của bố mẹ chúng.
Các con tôi hoàn toàn được ông bà kèm cặp về việc học nhạc
- Nhưng tôi có cảm giác, thế hệ sau ít chịu thuận theo thế hệ trước và luôn có xu hướng tiếp nhận từ bên ngoài?
Đúng vậy. Hồi còn bé, tôi thích nhạc nhẹ và thường thích đi theo các anh lớn hơn hoặc bạn của bố mẹ để chơi nhạc nhẹ, nhưng khi bộc lộ rõ khả năng thì được bố mẹ định hướng, khuyến khích tôi hãy đi theo một định hướng khác với họ…
Sau này trong việc giáo dục con cái, tôi cũng chỉ chọn cách bày ra cho các con được tiếp xúc với sự phong phú của nghệ thuật và âm nhạc, sau đó chính các cháu có thể tự lựa chọn cho mình điều thích hợp nhất.
- Anh có rút kinh nghiệm từ bố con Trung Kiên – Quốc Trung sang cặp Quốc Trung – Đăng Quang không?
Tất nhiên, là cách dạy dỗ và tiếp cận với các thể loại âm nhạc thời của tôi khác với thời bố tôi. Hoàn cảnh xã hội và điều kiện sống ngày nay cũng khác.
Tôi không nghĩ phải rút kinh nghiệm từ bố sang tôi, mà phải rút kinh nghiệm từ bản thân tôi với những gì làm được và chưa làm được để trao đổi và cho các con cách nhìn nhận và đánh giá.
- Tôi thấy Đăng Quang được rèn giũa nhiều bởi ông bà. Vậy vai trò định hướng và giáo dục của Quốc Trung được đặt trong những hoàn cảnh nào?
Đúng, các con tôi hoàn toàn được ông bà kèm cặp về việc học nhạc bởi không phải ai cũng có được may mắn đó bởi ông bà đều là những nhà sư phạm có uy tín. Định hướng giáo dục của tôi với con chỉ là trong quá trình sống, là chính cách tôi sống và trao đổi những trải nghiệm của tôi cùng các con.
- Thời gian anh dành cho xã hội nhiều, thời gian dành cho các con đặc biệt là trong việc rèn nghề của các cháu anh sắp xếp thế nào?
Tôi phải tận dụng mọi thời gian để nói chuyện và đối thoại cùng con. Một gái một trai nên cũng tương đối vất vả vì cách trao đổi với các cháu cũng khác nhau.
Những lúc đưa đón các cháu đi học, nhưng cũng có thể ngay trong bữa cơm hoặc những chuyến đi, kỳ nghỉ. Hiện tại, tôi làm việc ở nhà cũng nhiều nên có đủ thời gian dành cho con.
Tôi chưa từng được biết những kế hoạch của cô ấy dành cho Đăng Quang.
- Anh cũng từng có áp lực bố là nghệ sĩ lớn, thậm chí sau đó còn là sếp lớn. Bây giờ các con anh cũng vậy, chịu áp lực bố mẹ - ông bà nội ngoại đều là những nghệ sĩ hàng đầu. Anh chia sẻ được điều gì cho các cháu?
Tôi không chủ định để trở thành người nổi tiếng và trong gia đình. Tôi luôn cố gắng sống như những gia đình bình thường khác. Tôi cũng không cư xử với mọi người hay với các con như là người đặc biệt.
Tôi cố gắng để các cháu hiểu sự nổi tiếng chỉ là những bề nổi từ truyền thông và xã hội. Chỉ có những giá trị thành công trong nghệ thuật mới là điều đáng tự hào của gia đình mà thôi. Các cháu có thể nhìn chính ông bà nội ngoại, bố mẹ để thấy được điều đó. Xã hội tôn trọng gia đình vì sự nghiệp chứ không phải vì sự nổi tiếng thông thường.
- Môi trường nghệ sĩ sẽ có cả mặt phải và mặt trái. Anh sẽ từng bước thấy con trai mình va chạm với điều đó. Sức đề kháng anh dành cho cháu là gì?
Tôi hướng con trở thành một nghệ sĩ đích thực chứ không phải là ngôi sao giải trí. Tôi cũng cởi mở với con trong các cuộc trò chuyện để cháu không lạ lẫm với những mặt trái của showbiz. Đôi khi, chính chúng ta phải cùng các cháu đánh giá về những vụ việc một cách cởi mở nhất, để con trẻ có được cách nhìn công bằng, thẳng thắn.
- Thanh Lam đã từng chia sẻ rằng chị muốn Đăng Quang phải được đào tạo tại môi trường nước ngoài và chị sẽ dành hết điều kiện để cháu có được điều đó? Còn quan điểm của anh thì sao?
Có bố mẹ nào ở Việt Nam lại không mong muốn như vậy đâu? Tuy nhiên, để có điều đó thì cần có những bước chuẩn bị từ sớm về tài chính cũng như khả năng học tập, nhất là với âm nhạc cổ điển. Tôi chưa từng được biết những kế hoạch của cô ấy dành cho Đăng Quang.
Cám ơn anh vì những chia sẻ cởi mở trong cuộc nói chuyện này.