Thói quen dùng bông ngoáy tai cho trẻ của mẹ Việt, tưởng đúng mà ‘nhầm to’.
Việc những gói bông ngoáy tai xuất hiện trong giỏ đồ sơ sinh của các gia đình có con nhỏ ngày nay đã trở nên quá phổ biến. Tất cả chúng ta đều nghĩ rằng bông ngoáy tai có tác dụng làm sạch tai trẻ sơ sinh, thậm chí một số bà mẹ còn duy trì việc ngoáy tai cho trẻ hàng ngày, cẩn thận và đôi khi cho bông vào rất sâu trong tai bé nhằm đảm bảo lấy hết được những chất bẩn (hay còn gọi là ráy tai) tồn tại bên trong ống tai.
Thói quen vệ sinh tai trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ này tưởng đúng nhưng lại hoàn toàn sai lầm.
Sử dụng bông ngoáy tai không những không làm sạch ráy tai mà thậm chí còn đẩy ráy tai vào sâu hơn bên trong màng nhĩ của trẻ. Nếu cha mẹ chọc sâu bông ngoáy tai vào sâu quá có thể gây tổn thương màng nhĩ, ảnh hưởng đến khả năng nghe của tai, thậm chí bị điếc. Trong trường hợp trẻ cựa quậy, bất hợp tác, bông ngoáy tai có thể gây xước vùng da bên trong ống tai trẻ, gây chảy máu, dẫn đến viêm tai, nhiễm trùng.
Điều quan trọng là hơn cả mà cha mẹ cần nhận ra là ráy tai không hề làm hại tới trẻ. Trong thực tế, một em bé có nhiều ráy tai còn tốt hơn không có chút nào.
Ráy tai là chất được sinh ra do các tuyến ráy nằm trong tổ chức dưới da của ống tai ngoài kết hợp với các tế bào da chết. Mặc dù có thể gây một chút ngứa nhưng ráy tai là một phần hoàn toàn bình thường của đôi tai trẻ và thậm chí còn có tác dụng giữ cho trẻ có đôi tai khỏe mạnh.
Ráy tai là một “hàng rào” được cơ thể dựng nên để ngăn ngứa các vật thể lạ, bui bẩn hay nước tấn công vào tai. Những con côn trùng lạ khi bay vào tai trẻ, nếm vị đắng của ráy tai cũng sẽ bỏ đi.
Trong đa số trường hợp, ống tai ngoài sẽ tự làm sạch. Nhờ động tác nhai và chuyển động của hàm, ráy tai cũ và các tế bào da chết liên tục di chuyển từ phía màng nhĩ tới lỗ tai ngoài. Chúng khô dần và rơi ra ngoài. Do đó cha mẹ không cần thiết phải dùng bông ngoáy tai để lấy ráy tai cho trẻ.
Dưới đây là một số lời khuyên về việc làm thế nào để chăm sóc cho đôi tai của con một cách an toàn. 1. Chỉ sử dụng một chiếc khăn và chỉ làm sạch tai ngoài 2. Nếu bạn phải lấy ráy tai của trẻ, sử dụng loại tăm bông an toàn và lau nhẹ nhàng. 3. Bảo vệ đôi tai của con khỏi những tiếng ồn lớn. Sử dụng nút tai nếu bạn đang ở một buổi hòa nhạc ngoài trời hoặc bất kỳ sự kiện, nơi tiếng ồn lớn sẽ xảy ra. 4. Nếu con bạn bơi thường xuyên, sử dụng mũ bơi để ngăn chặn nước tràn vào tai trẻ 5. Nếu nghi ngờ con bạn bị nhiễm trùng tai, viêm tai, đưa con đến gặp bác sĩ ngay lập tức. |