Nhiều cha mẹ sẽ giật mình khi biết thói quen nựng con tưởng vô hại hóa ra nguy hiểm.
Từ câu chuyện một ông bố trẻ tung hứng khiến con va đầu vào quạt trần, nhiều phụ huynh đã phải giật mình vì những thói quen tưởng như vô hại của họ lại vô tình gây họa cho con.
Con trẻ nhập viện vì cha, mẹ “chọc vui quá đà”
Những ngày gần đây trên các diễn đàn đang xôn xao trước câu chuyện một ông bố trẻ bất cẩn chơi trò tung hứng làm con gái 10 tháng tuổi va đầu vào quạt trần gây tai nạn nghiêm trọng. Cháu bé là Lưu Ngọc Nhi (sinh tháng 5/2012). Sáng 21/3, cha của bé là anh H. chuẩn bị đi làm, lúc này thấy bà ngoại bế cháu xuống nhà chào bố đi làm. Thương con gái mới ngủ dậy, mặt còn buồn nên ông bé trẻ đã tung bé lên cao, định trêu cho bé cười.
Thấy bé cười thích thú, người cha trẻ phấn khởi tung bé lên cao hơn nhưng chẳng may va vào chiếc quạt trần đang quay. Hậu quả là cháu bé bị nứt sọ với chiều dài 12cm, chảy máu rất nhiều và dập não. Bác sĩ đã tiến hành cắt lọc, làm sạch vết thương, cầm máu và vá chỗ bị nứt.
Bé Lưu Ngọc Nhi, nạn nhân bị va đầu vào quạt trần đang được điều trị tại bệnh viện (Ảnh minh họa)
Bác sỹ cho rằng vết chém từ cánh quạt trần quá sâu nên tình trạng của bé rất nguy hiểm, tuy vẫn còn chút may mắn là chưa ảnh hưởng đến não nhưng vì vết chém sâu cộng với việc cánh quạt trên cao lâu ngày bám nhiều bụi bẩn đã khiến vết thương của bé có nguy cơ nhiễm trùng cao. Người bố trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn đã vô cùng day dứt, ân hận về việc làm của mình.
Trước đó, cũng đã có nhiều trường hợp trẻ đã gặp tai nạn vì bố mẹ bất cẩn khi chơi đùa cùng con. Trên báo Sài Gòn giải phóng đã dẫn một vụ việc đáng tiếc về thói quen chơi đùa với trẻ nhỏ bằng cách bồng bế tung trẻ lên cao hoặc đưa võng, rung lắc nôi thật mạnh. Đây là những động tác rất nguy hiểm, có thể khiến trẻ rơi vào hội chứng trẻ bị rung lắc dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn, thậm chí tử vong.
Bệnh nhi N.T.T. (SN 2010, ở Gia Lâm, Hà Nội) được người nhà đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Xanh Pôn với những dấu hiệu suy hô hấp, nôn ói, lơ mơ, chân tay yếu… Qua kiểm tra, các bác sĩ phát hiện một ổ nang dịch ở khoang dưới nhện của bán cầu đại não.
Theo lời kể của mẹ bé T., trong lúc chơi đùa với con, thấy bé khóc nên ba bé đã để bé nằm úp lên hai tay rồi đưa lên cao, hạ xuống thấp chơi trò “máy bay” nhằm chọc bé cười. Đến tối thì bé khóc dữ, nôn ói, co giật, bỏ ăn… nên người nhà đưa nhập viện.
Trên Webtretho, thành viên Bongbebe cũng chia sẻ: “Tung hứng con đều vô cùng tai hại. Có bạn từng kể chuyện, đôi vợ chồng sinh được một bé trai đầu lòng rất kháu khỉnh. Bố yêu con quá tung con lên cho nó cười, không may đứa bé ngã đập người vào thành giường. Cả nhà phải đưa cháu đi bệnh viện, bác sĩ kiểm tra phát hiện bé bị chấn thương cột sống. Cháu bé lành lặn, khỏe mạnh đã bỗng chốc trở thành tàn phế”.
Một trường hợp đau lòng khác do thành viên có nickname Mẹ Rùa chia sẻ. Chị kể: “Chuyện của gia đình chị nhân viên làm trong nhà mình. Nhà chồng chị ấy có một cháu trai con bà chị gái. Người nhà cũng xốc lên vai đùa, nhưng trượt tay nên lao qua vai, không may là người lớn lại đứng sát lan can gác xép, nên bé lao thẳng xuống tầng 1, cắm đầu xuống đất. Giờ cháu ấy bị dở hơi rất hay bỏ đi lang thang”.
Thay đổi quan niệm ru con bằng võng
Không chỉ tung hứng lúc vui đùa, nhiều ông bố bà mẹ trẻ thiếu kinh nghiệm khi con khóc đã xử lý bằng cách vô cùng tai hại là cho vào võng, lắc thật mạnh để con ngủ. Trường hợp tương tự là bệnh nhi nữ N.T.K. (mười tháng tuổi, ở Tiền Hải, Thái Bình) được gia đình đưa vào cấp cứu với chẩn đoán xuất huyết não. Người nhà cho biết sau khi cho bé nằm võng ngủ trưa do anh trai lắc, thì xảy ra tình trạng nôn ói, vùng da trán tím tái, bỏ bú… Kết quả chẩn đoán cho thấy bé K. bị chảy máu não.
Các chuyên gia khuyến cáo, người lớn đừng bao giờ lắc trẻ, kể cả khi vui đùa hay giận dữ. Khi di chuyển trẻ, phải giữ cổ ở tư thế tương đối cố định.
Nhiều bà mẹ trẻ đã hiểu được nguy cơ từ việc rung, lắc con hay tung hứng các bé dưới 2 tuổi nhưng việc giải thích với những người xung quanh về vấn đề này cũng không phải là đơn giản. Chị Hoàng Anh (25 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) than vãn: “Mẹ chồng mình là chuyên gia rung, lắc cháu. Mỗi lần dỗ cháu ngủ là bà rung lấy rung để. Khi mình nói thì bà giận dỗi: “Ngày xưa tôi nuôi chồng chị cũng thế mà có làm sao đâu””.
Chị Hoàng Anh cũng cho biết thêm, khi cháu đầy tháng thỉnh thoảng có bạn bè, họ hàng đến thăm, mọi người thấy con mình dễ thương đều xin được ẵm. Có người rung lắc, tung hứng chọc cười bé, mình đứng nhìn mà nóng hết cả ruột, nếu góp ý sợ họ lại phật lòng, chê mẹ khó tính.
Thậm chí, một phụ huynh còn chia sẻ: “Khi em mới sinh con, em và bà nội của bé không nhìn mặt nhau vì bà có tật là rung lắc bé rất mạnh. Con có 1 tháng mà bà làm như con 1 tuổi, khi em góp ý thì bà lại giận”.
Thay vì mặt nặng mày nhẹ giật lại con, nhiều bà mẹ trẻ đã hiến kế để xử lý tình huống trên như với mẹ chồng, thì các chị, em nên nhờ chồng in các bài báo về tác hại của việc rung, lắc con cho bà đọc. Còn với khách đến chơi ẵm con mình mà rung người cháu thì người mẹ cũng nên nói khéo là cháu vừa ăn xong, rung lắc mạnh sợ cháu nôn, trớ hoặc lấy lý do cho cháu ngủ để từ chối.
Nhiều bà mẹ có con nhỏ khác cũng cho rằng, việc phổ biến kiến thức cho ông bà, người thân về cách chăm con, cháu trước lúc ra đời là cần thiết. Khi mọi người đã hiểu thì việc chăm, con cháu sau này sẽ không còn gây bất hòa, xung đột mối hòa khí trong gia đình.