Nhìn vào cách Hoàng gia Nhật, biểu tượng của quyền lực và sự vinh hoa phú quý, dạy Công chúa Aiko nhiều cha mẹ Việt nên ngẫm lại cách nuôi dạy con của mình.
Công chúa Aiko, sinh ngày 1/12/2001, là con gái duy nhất của Thái tử Naruhito và Thái tử phi Masako sau 8 năm kết hôn. Trái với điều mọi người suy nghĩ, cô Công chúa độc nhất của Thái tử Naruhito không những không được cưng nựng, bảo bọc mà lớn lên như những đứa trẻ Nhật khác, chịu sự quản lý của Hoàng gia và tuân theo những giá trị cốt lõi truyền thống trong gia đình Nhật.
Công chúa Aiko ra đời sau 8 năm Thái tử Naruhito và Thái tử phi Masako kết hôn.
Lúc 8 tuổi, Aiko học tại hệ thống trường dành cho con cháu các gia đình quý tộc Nhật. Tuy nhiên Thái tử Nhật Naruhito cho rằng, việc đưa đón Công chúa đi học sẽ hình thành lối suy nghĩ "mình là số 1, mình là người được ưu tiên" và kéo giãn khoảng cách giữa Công chúa với các bạn cùng trang lứa.
Đối với người Nhật, gây phiền phức cho những người xung quanh là một việc không nên.
Vì vậy, trẻ em Nhật ngay từ nhỏ đã được giáo dục phải tự làm những việc của mình, tránh làm ảnh hưởng đến người khác, cho dù chỉ là việc nhỏ nhặt nhất như đeo cặp sách đến trường.
Không phải sinh ra là Công chúa mà Aiko được quyền ỷ lại vào những người xung quanh.
Ngay từ nhỏ Công chúa đã được rèn luyện tính tự lập và luôn được khuyến khích tự học thông qua những trải nghiệm khó khăn ngay từ giai đoạn đầu đời.
Chính vì vậy, Đông Cung cách trường khoảng 15 phút lái xe, Thái tử chỉ đưa con gái tới nơi cách trường 200m thay vì vào tận cổng trường, vệ sĩ bảo vệ Công chúa cũng không được theo Aiko quá sát.
Người dân Nhật không mấy ngạc nhiên khi thấy Công chúa nước mình cuống quýt chạy vào trường cho kịp giờ lên lớp, đây cũng là một minh chứng cho thói quen làm mọi việc cực kỳ đúng giờ của người dân xứ Phù Tang.
Người Nhật cực kỳ chú trọng việc bồi dưỡng năng khiếu và phát triển tiềm năng cho con trẻ. Các thầy cô giáo ở Nhật sẽ tìm cách khuyến khích học sinh của mình tham gia vào những câu lạc bộ phù hợp với khả năng.
Từ nhỏ Công chúa Aiko đã được cho học bơi để tèn luyện sức khỏe, tập chơi tennis cùng bố mẹ và tập môn bóng mềm (hay "Bóng chày quý bà") ở trường. Công chúa tham gia đầy đủ các hội thao ở trường cùng bạn bè.
Không chỉ thế, giống như hầu hết cha mẹ Nhật, Thái tử và Thái tử phi luôn chú ý đến việc phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu cho công chúa nhỏ. Ngoài các giờ học văn hóa trên lớp, tham gia hoạt động ngoại khóa, Công chúa Aiko còn đam mê và có năng khiếu viết chữ Kanji, thư pháp, nhảy dây, chơi piano, cello, và làm thơ.
Bồi dưỡng nghệ thuật là một trong số những thứ được Hoàng gia chú trọng.
Trước đó, cả đất nước Nhật Bản xôn xao trước thông tin Công chúa bị bắt nạt khi đến trường, phải nghỉ học vài hôm để ổn định tâm lý. Biết được điều này, Thái tử phi đã ngay lập tức hủy một số sự kiện quan trọng trong Hoàng gia, hàng ngày tháp tùng Công chúa đi học.
”Trong gia đình Hoàng gia Nhật, cho dù phải đối mặt với trăm công nghìn việc mỗi ngày, Thái tử và Thái tử phi vẫn luôn cố gắng dành thời gian bên con trong những cột mốc quan trọng của cuộc đời cô bé, cùng con trưởng thành.
Họ không bao giờ vắng mặt trong các buổi lễ khai giảng, các buổi họp phụ huynh, các buổi lễ tốt nghiệp, hay thậm chí là đại hội thể thao của con gái.
Khi con còn bé, họ thường xuyên đưa con ra ngoài khám phá thiên nhiên.
Thái tử cũng dành nhiều thời gian để cùng con đi tham quan các bảo tàng, đọc sách trau dồi kiến thức lịch sử.
Thái tử và Thái tử phi có mặt trong tất cả sự kiện trọng đại của con gái.
Mọi người đều nghĩ rằng cơm trưa của Công chúa toàn là những món sơn hào hải vị, khác xa so với bữa ăn của các học sinh bình thường hay đi học có người hầu, người bảo vệ. Thế nhưng, sự thật là Aiko không có bất kỳ đặc quyền nào tại các trường mình theo học, Công chúa vẫn phải tham gia các hoạt động thể chất và đối diện với áp lực thi cử như tất cả bạn bè đồng trang lứa khác.
Khi trở thành học sinh trung học, Aiko bắt đầu đem cơm hộp đi học theo quy định chung của nhà trường. Bữa ăn của cô do mẹ chuẩn bị chủ yếu những món ăn bình dân quen thuộc của người Nhật như trứng rán, cá, cơm trắng, rong biển…
Cũng giống như bao đứa trẻ khác ở Nhật, Công chúa Aiko được dạy dỗ cách cư xử theo đúng phép tắc và luôn giữ lễ nghĩa trong mọi hoàn cảnh. Từ khi còn nhỏ Công chúa Aiko đã được dạy rằng, càng có thân phận cao quý thì lại càng phải lễ phép, bởi vì cô phải trở thành một tấm gương sáng cho người dân Nhật Bản noi theo.
Aiko có sự tự ý thức về thân phận của mình cực kì cao ngay từ khi còn nhỏ.
Lối sống giản dị của Công chúa Aiko là sự phản ánh chân thực nhất về Hoàng gia Nhật Bản và có lẽ đây chính là nguyên nhân khiến cho người dân đất nước mặt trời mọc cực kỳ ủng hộ Thiên hoàng và chế độ Quân chủ lập hiến đã tồn tại suốt bao nhiêu năm qua ở xứ sở của mình.