Ông hoàng vật lý học - Stephen Hawking đã qua đời tại nhà riêng ở Cambridge mới đây. Nói về cha mình, các con của ông ngậm ngùi: "Chúng tôi sẽ nhớ ông ấy mãi mãi".
Sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh còn nguy hiểm hơn cả ung thư, hội chứng xơ cứng teo cơ - ALS. Ông hoàng vật lý thế giới Stephen Hawking cuối cùng đã ra đi trong thanh thản.
Trong thông báo mới nhất từ 3 người con của ông là Lucy, Robert và Tim được trang tin nổi tiếng nhất nước nước Anh Daily Mail đăng tải, có đoạn: "Chúng tôi rất đau buồn khi phải thông báo rằng, người cha yêu quý và đáng kính nhất của chúng tôi qua đời ngày hôm nay (14/3).
Ông ấy là một nhà khoa học vĩ đại, một người đàn ông phi thường. Tất cả cống hiến cũng như di sản mà ông để lại sẽ luôn tồn tại mãi mãi với chúng tôi và những người yêu quý ông trên toàn thế giới.”
3 đứa con với 3 cuộc đời khác nhau. Thậm chí, Ông hoàng vật lý học thế giới còn có thêm một người con gái nuôi bí mật ở Việt Nam. Tất cả đều được ông đối đãi, nuôi dạy với trái tim ấm nóng và cái đầu lạnh.
Ngày còn là một thiếu niên, cha của Stephen là trưởng phòng ký sinh trùng tại Viện nghiên cứu Y khoa Quốc gia, ông từng tới châu Phi nghiên cứu và luôn muốn hướng Stephen vào nghề bác sĩ nhưng ông quyết tâm theo đuổi vật lý và hóa học. Stephen hứng thú với vũ trụ ngoài kia hơn là sách vở. Có lẽ bởi vậy, khi trở thành một người cha, dù yêu vật lý và khoa học nhưng Stephen muốn các con cũng được đi theo con đường mình chọn.
Là một nhà khoa học nổi tiếng, sức ảnh hưởng của Stephen với các con không hề nhỏ, đặc biệt với cậu con cả - Robert Hawking. Từ khi còn nhỏ, Robert cũng muốn trở thành nhà khoa học như cha mình. Ban đầu chính Stephen cũng từng nghĩ Robert sẽ trở thành nhà khoa học. Nhưng dường như nhận ra sự đánh đổi to lớn của "nghiên cứu khoa học" và "cuộc sống đời thường" từ chính cha mình mà Robert đã thay đổi. Khi lớn lên anh chọn học ngành kỹ sư phần mềm tại Đại học Oxford.
Người con thứ 2 của Stephen là Lucy, cô lớn lên và trở thành một nhà văn, nhà báo dù nhưng vẫn dành sự quan tâm cho khoa học.
Lucy viết nhiều sách, thậm chí còn được công nhận là thành viên của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia vì cô đã đóng góp cho việc "giải thích khoa học với các khán giả trẻ tuổi" thông qua các cuốn sách, trong đó có một cuốn đồng sáng tác với Stephen Hawking (cuốn Chìa khóa tới vũ trụ của George). So với việc chuyên sâu nghiên cứu khoa học, Lucy gắn bó với khoa học theo cách của riêng cô, đó là lan tỏa và biến những đề tài vũ trụ đó trở nên gần gũi và thân thiện hơn với bạn đọc. Stephen vô cùng ủng hộ con đường mà Lucy đã chọn.
Timothy Hawking, con út của Stephen, là một cậu nhóc tinh nghịch khi còn nhỏ. Tim nói rằng hầu như không hiểu bố muốn nói gì cho tới khi 5 tuổi – khi Stephen sử dụng máy nói để giao tiếp, lúc đó hai bố con mới thực sự trò chuyện được.
Dù tuổi thơ không được tiếp xúc nhiều với bố (do giai đoạn này Stephen bệnh đã nặng) nhưng Tim vẫn tìm được cách trêu trọc bố, điển hình là việc dùng chiếc máy nói để ghi những lời chửi thề. Tim và Stephen đều yêu thích xe đua, thích chơi cờ cùng nhau.
Stephen chơi cờ cùng con trai trong lúc rảnh rỗi.
Năm 12 tuổi, Timothy bẽn lẽn muốn hỏi cha mình một câu hỏi "có vẻ ngớ ngẩn", Tim muốn biết liệu có rất nhiều sinh vật nhỏ rải rác quanh vũ trụ này không, trái với nỗi sợ của con, Stephen trả lời bằng cách khuyến khích: "Bố bảo tôi đừng ngại đưa ra ý tưởng hoặc giả thuyết cho dù nó có vẻ ngớ ngẩn như thế nào" và "điều quan trọng nhất là tự tin theo đuổi điều mình muốn tới cùng".
Đó là lời khuyên Tim nhớ nhất và bài học cậu trân trọng nó mãi sau này. Lớn lên Timothy trở thành nhân viên marketing cho một hãng sản xuất đồ chơi Lego, 1 công việc không được người khác đánh giá cao nhưng đổi lại anh rất thích.
Tuy không thể bồng bế, không thể chạy nhảy, bơi lội cùng các con như bao ông bố khác, Stephen luôn tạo cơ hội để gắn kết gia đình. Ông cùng con chơi cờ, cùng đọc sách, cùng nghiên cứu giúp con viết sách, ủng hộ con đường riêng mỗi người con lựa chọn. Vậy nên cả gia đình luôn đoàn kết, dù mỗi người đã có cuộc sống riêng vẫn không quên bên nhau trong những dịp đặc biệt của gia đình.
Stephen yêu gia đình và mong các con cũng hiểu được điều này.
Ít người biết rằng, Stephen có một người con nuôi tại Việt Nam tên Nhàn. Dù không cùng huyết thống nhưng Stephen tin rằng Nhàn là món quà tuyệt vời nhất, 1 mối lương duyên đặc biệt trong cuộc đời ông. Sau khi được nhận nuôi, Nhàn thường xuyên liên lạc qua lại bằng thư từ với người bố vĩ đại của mình.
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ở Việt Nam, Stephen đã dành hết sự quan tâm của mình cho cô con gái nuôi người Việt. Dù không nói chuyện và không cử động được như người bình thường nhưng Stephen luôn nắm lấy bàn tay của con gái rất lâu mỗi khi hai bố con cùng nhau dạo quanh các con đường ở Hà Nội, trước khi về nước ông đã tự tay chọn mua cho cô một bộ áo dài.
Đến tháng 7/2000, Stephen đã ngỏ ý xin tổ chức S.O.S quốc tế cho Nhàn sang Anh thăm mình. Stephen đã quyết định nghỉ phép chỉ để chào đón cô con gái nuôi từ Việt Nam xa xôi. Stephen không bao giờ để Nhàn cảm thấy lạ lẫm trong gia đình của ông, ông luôn cố gắng tạo ra bầu không khí thân quen và gần gũi, để cô có thể cảm nhận được ông yêu thương cô nhiều như thế nào.
Mỗi người đến bên đời ông đều là một mối duyên - cô gái da vàng tóc đen này cũng không ngoại lệ.
Có những hôm đi làm về muộn không được gặp con gái ông lại chờ đến sáng mai để được gặp mặt con rồi mới ra khỏi nhà, khuyến khích con học tập và không quên nhắc con đi ngủ đúng giờ.
Không cần nói cũng biết Nhàn đã cảm động đến mức nào khi nhìn thấy hành động của người bố nuôi vĩ đại này dành cho mình. Hành động của ông khiến những ai chứng kiến, những người trong cuộc và cả cô bé tên Nhàn giờ đã trở thành mẹ của 2 đứa con sau nhiều năm vẫn chẳng thể nào quên được.