Nhà chị Hằng và chị Lan ở sát vách nhau, cùng có hai đứa con bi bô tập nói.
Chị Hằng hay trò chuyện với con vì vậy bé Khánh rất hay theo mẹ. Thấy mẹ nấu cơm, Khánh cũng hỏi: “Mẹ nấu cơm à?”. “Ừ, mẹ nấu cơm cho Khánh ăn. Hôm nay mẹ nấu cho hai bố con Khánh ăn cơm với thịt cá nhé”. “Thịt cá à?”, “Ừ, thịt cá cho Khánh nhanh lớn, thông minh”. Cứ thế, ngày nào mẹ con chị Hằng cũng bi bô nói chuyện với nhau dù đang làm việc gì.
Còn chị Lan thì tính tình cẩn thận, sạch sẽ nên bé Ngọc rất hay bị mẹ ra lệnh cấm vì cái tội hay sờ mó linh tinh mà không có lời giải thích vì sao. Mỗi khi con hỏi chuyện, chị Lan lại gạt đi: “Mẹ đang bận, con ra ngoài chơi đồ hàng đi”. Trước bữa ăn, bao giờ chị Lan cũng bắt con giơ tay cho mẹ xem, hễ tay dính tí bẩn là chị lại la toáng lên: “Bẩn thế, đi rửa tay đi… Ăn uống thế à? Rớt hết ra người rồi. Thôi không hỏi nữa, tập trung mà ăn đi...”.
Bị mẹ mắng nhiều nên bé Ngọc thường hay ỉu xìu, không bám theo mẹ líu lo hỏi chuyện như bé Khánh. Bữa ăn nhà chị Lan lúc nào cũng đơn điệu, nặng nề. Chồng chị Lan thường ăn cho xong bữa rồi rút vào phòng khách xem ti vi, mặc hai mẹ con với những lời cằn nhằn.
Đưa con đi mẫu giáo, chị Lan nhận được lời nhận xét của cô giáo: Bé Ngọc nhút nhát, e dè. Nhìn sang nhà bên cạnh thấy bé Khánh vui vẻ, nói năng lưu loát thì chị Lan lại càng quay sang chì chiết con.
Con đến tuổi tập nói, cả nhà cũng "học nói" theo con (ảnh minh hoạ)
Từ câu chuyện của chị Lan và chị Hằng mới thấy rằng, trẻ nhỏ thời kỳ tập nói rất nhạy cảm với tiếng nói, rất thích đặt câu hỏi với người lớn. Khi trẻ đặt câu hỏi, có nghĩa là trẻ đang tìm hiểu thế giới xung quanh và mong được giải đáp. Vì thế, cha mẹ nên cố gắng giao tiếp, trả lời các câu hỏi của trẻ để trẻ có những kiến thức sống cơ bản. Ngoài ra, việc trò chuyện còn giúp bé không nhút nhát, vụng về - những điều rất bất lợi cho cuộc sống sau này.
Các bậc phụ huynh khi dạy con thường mắc lỗi cơ bản sau:
1. Lặp lại lỗi phát âm của trẻ
Khi mới học nói, trẻ khó tránh được việc phát âm ‘méo mó’ không chuẩn nên một số người cảm thấy như thế thật ngộ nghĩnh, đáng yêu và hay nhắc lại với niềm vui thích. Ví dụ: ‘Con thỏ’ thì trẻ nói thành ‘con ỏ’ hoặc ‘con xỏ’…
Việc lặp lại lỗi phát âm của trẻ vô tình sẽ trở thành thói quen, khiến trẻ dễ nói ngọng và càng khó sửa hơn. Vì vậy, khi dạy trẻ bạn cần phát âm thật chuẩn xác. Nếu trẻ có nói sai thì nhẹ nhàng nhưng phải kiên quyết uốn ngay. Và, hãy nói đi, nói lại từ đúng đó cho trẻ nghe.
2. Dạy bằng ngôn ngữ ‘trẻ con’
Nhiều người nghĩ rằng việc dùng ngôn từ đơn giản hay dùng chính ngôn ngữ ‘trẻ con’ để nói chuyện sẽ khiến trẻ nhận thức và tiếp thu vấn đề nhanh nhạy hơn. Ví dụ, trẻ nói “Mẹ ơi! Lấy tơm cho con” thì mẹ không nói lại lời của trẻ là “Tơm của con đây”, mà cần nhắc trẻ nói đúng: “Con phải nói là mẹ ơi, lấy cơm cho con. Cơm của con đây”.
Người lớn tuyệt đối không nên nói theo những từ mà trẻ phát âm sai.
3. ‘Nghe nhạc đoán chương trình’ quá nhanh
Khi trẻ chỉ bình nước, người lớn liền hiểu ngay là trẻ muốn uống nước, thế là lấy ngay bình nước đưa cho chúng. Như thế bạn đã tước mất cơ hội tập nói của trẻ.
Dù bạn có đoán đúng ý trẻ thì cũng không nên phản xạ quá nhanh mà nên khích lệ trẻ phát ra âm thanh, dùng ngôn ngữ biểu đạt mong muốn của mình.