Ngọc Hiền thích một tiếng buổi sáng cùng Kaka trên ô tô đến trường và 1 tiếng buổi tối trò chuyện bên 2 con. Đó là khoảnh khắc hạnh phúc nhất của cô để truyền lửa yêu thương, để dạy con nhiều điều.
8 năm ở ẩn, rút khỏi nghệ thuật để chăm sóc tổ ấm nhỏ và thực hiện những dự án riêng của mình, ca sĩ Ngọc Hiền - cựu thành viên nhóm Doremi xuất hiện trở lại khiến nhiều người ngưỡng mộ khi nhìn những hình ảnh hạnh phúc của cô đang mang bầu bé thứ 3 bên ông xã doanh nhân và 2 con, bé Susu (7 tuổi), bé Kaka (3 tuổi). Tuy nhiên, ít ai biết đằng sau nụ cười rạng rỡ ấy là những giọt nước mắt, những khó khăn khi gia đình cô phát hiện con trai mắc hội chứng tự kỷ.
Ngọc Hiền tâm sự, 2 năm qua đồng hành bên con vượt qua căn bệnh cô vẫn ngỡ như là 20 năm. Dù hiện nay con trai đã phục hồi được 70% nhưng vợ chồng cô vẫn còn chặng đường dài phải trường kỳ kháng chiến cùng con.
Tổ ấm nhỏ của gia đình Ngọc Hiền.
Một ngày của Ngọc Hiền bắt đầu từ 5-6h sáng để chuẩn bị mọi thứ cho các con đến trường. Hiện nay, bé Susu đang học ở một trường quốc tế gần nhà, còn bé Kaka học ở một trường mầm non công lập Hoàn Kiếm nên vợ chồng cô sẽ cùng nhau đưa Kaka tới trường rồi mới bắt đầu công việc.
Đối với Ngọc Hiền, khoảng thời gian quý giá nhất của cô đó là 1 tiếng buổi sáng cùng Kaka trên xe đến trường, được trò chuyện, dạy con mọi điều trong cuộc sống.
Kể từ khi phát hiện con trai mắc hội chứng tự kỷ vợ chồng Hiền vẫn cố gắng cho con tới trường, có cơ hội hòa nhập. Những khoảng thời gian đầu, cô phải thuê một giáo viên đi kèm con ở trường, sau này con phát triển hơn cô mới dám xin cho con học tại trường công lập. Và sau bài test Kaka đạt 5/8, bé đã được nhà trường tiếp nhận, hỗ trợ thêm về tâm lý, ngôn ngữ.
Chia sẻ về hành trình đồng hành cùng con trai tự kỷ, nữ ca sĩ kể, khi con trai 10 tháng tuổi, chồng cô làm khoáng sản thường hay công tác xa nhà còn cô tập trung học về thẩm mỹ ở nước ngoài nên mọi việc chăm sóc con do bác giúp việc đảm nhận. Cả ngày bác giúp việc mở tivi cho con xem để nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa nên khi Kaka gần 1 tuổi đã có những biểu hiện không bình thường, phản ứng chậm mặc dù trước đó rất vui vẻ, hoạt bát.
Tuy nhiên vì nghĩ bé trai chậm nói hơn bé gái nên Ngọc Hiền không lo lắng nhiều mãi đến khi bé 15 tháng tuổi vẫn chưa biết nói, mắt chỉ dán vào tivi, mẹ gọi 10 câu mới quay đầu lại một lần, và chỉ thích những đồ vật hình tròn, xoay bánh xe, chân đi nhón gót, khi ăn phải có tivi... cô đã thực sự lo lắng. Thế nhưng, khi đưa con đi khám tổng quát, bác sĩ nói con bình thường vì vẫn cười, khóc, kháng cự... vợ chồng cô tạm yên tâm quay lại guồng công việc.
3 tháng sau, Kaka 18 tháng tuổi, thấy con có 7/10 dấu hiệu tự kỷ, hai vợ chồng Ngọc Hiền phải đưa con đi khám một lần nữa. Lần này, bác sĩ nói con trai 18 tháng tuổi trí não như trẻ 6 tháng tuổi, Ngọc Hiền và chồng sững người, như có sét đánh ngang tai bên cạnh.
Từ đó, cô cùng chồng bắt đầu bước vào cuộc chiến, tìm hiểu mọi phương pháp, thuê giáo viên về nhà can thiệp, cho con học trung tâm, rồi đi học hòa nhập và thay đổi thói quen sinh hoạt, không bật tivi, điện thoại khi về nhà với con. Thậm chí, nữ ca sĩ 8X còn nhờ đến cả tâm linh, đi nhà thờ, đến thánh ở Quảng Trị để xin cho con khỏi bệnh.
Vợ chồng cô luôn phải bàn bạc, thay phiên nhau để chăm sóc, âu yếm con.
Ngọc Hiền cho biết, chồng cô đã quyết định nghỉ việc để tập trung lo cho con thời gian đầu khi vợ đi học nước ngoài. Mặc dù giai đoạn khó khăn nhất chồng gánh vác hết, cô chỉ đồng hành bên con nửa chặng đường còn lại trong 2 năm qua nhưng nó cũng là chặng đường vất vả chứa đầy nước mắt.
Ngọc Hiền đã bị ám ảnh những trận khóc lóc hàng tiếng đồng hồ trước bữa ăn và khi đêm đến của con. Đã có lúc cô muốn bỏ học để về ở bên con và đã có lúc gọi Facetime nói chuyện với con cô phải giấu đi những giọt nước mắt của mình.
“Nhiều lúc mình chán nản muốn bỏ tất cả để về với con nhưng anh lại phân tích rằng việc chăm con là trường kỳ kháng chiến, bảo mình cứ lo công việc. Mình cũng khóc, buồn nhưng vì lời anh nói và nụ cười của con là động lực để mình cố gắng hoàn thành sớm việc học.
Anh ở nhà tìm các trung tâm đưa con đi học và xin cho con đi học mẫu giáo nhưng không nơi nào nhận, mãi sau có một trường nhận với yêu cầu có cô giáo đi kèm con.
6 tháng đầu đưa con đi học anh chỉ nghe tiếng khóc của con và phải bấm bụng ở ngoài theo dõi con. Không những vậy anh còn đi vào trường sư phạm ngồi la liệt từ sáng đến tối xin thầy cô giáo cho mình được học để có phương pháp dạy con, chơi với con như nào”, Ngọc Hiền chia sẻ.
2 năm điều trị bệnh cho con, vợ chồng cựu ca sĩ đã chuyển rất nhiều trung tâm can thiệp, đổi rất nhiều cô giáo, rất nhiều giúp việc và gần như cai tivi hoàn toàn cho con. Đến bây giờ Ngọc Hiền cũng không nhớ hết mình đã chuyển bao lần trung tâm và đổi bao nhiêu lần cô giáo, cô chỉ nhớ rằng, mỗi lần chuyển trung tâm là một lần con bị chấn động tâm lý, phải mất cả tháng mới bình thường trở lại.
Đã có lúc cả hai nhìn thấy tay chân con bầm tím khi chuyển sang trung tâm khác nhưng chưa bao giờ nghĩ họ làm hại con mình - một đứa trẻ bị bệnh mà chỉ an ủi với nhau rằng người ta giữ con xem tâm lý để đánh giá cấp độ hoặc cho con ăn nhưng con kháng cự.
Ngoài ra, vợ chồng cô đã không biết bao nhiêu lần khủng hoảng về giúp việc bởi bé Kaka khóc đêm hàng ngày từ 12h đêm đến 4h sáng không một giúp việc nào chịu đựng được. Tuy không nhớ chính xác con số nhưng cũng khoảng gần 20 người giúp việc đã đến rồi đi suốt thời gian con trai mắc bệnh vì họ không làm theo ý cô, vẫn dùng tivi cho con ăn, đêm đi ngủ vẫn xem tivi. Và đã có lần cô quặn thắt tim khi nghe người giúp việc mới kể về những câu nói của giúp việc cũ “Tao thoát được mày rồi thằng tự kỷ à”.
“Có một cô giáo đến nhà mình thấy 2 giúp việc cãi nhau ở ngoài đã nói rằng “Muốn con khỏi thì phải đuổi giúp việc” và cô ấy sẽ không dạy đến khi nào nhà mình đổi giúp việc. May mắn sau này gia đình mình không thuê giúp việc nữa, một bà trẻ trong nhà thương cháu quá lên giúp, Kaka có cơ duyên được cô dạy, bây giờ mới phát triển được tốt”, Ngọc Hiền nhớ lại.
Ngọc Hiền đã phải thay hơn chục người giúp việc.
Suốt thời gian điều trị hội chứng tự kỷ của con, nhiều giọt nước mắt, nhiều nỗi buồn, lo lắng nhưng vợ chồng Ngọc Hiền vẫn tìm thấy niềm vui, nguồn động viên qua những tiếng cười của con. Cô còn nhớ hồi đầu ở nước ngoài, dù bất lực không thể về chăm sóc con nhưng mỗi lần gọi điện thoại con đều cười khi nghe mẹ hát tiếng Anh, nghe mẹ kể những câu chuyện. Nụ cười mà cả nhà mong đợi một ngày ấy đã xua tan bao lo lắng, nước mắt của cô.
Đặc biệt, cô hạnh phúc khi con gọi “mẹ ơi” đầu tiên sau bao lâu chỉ nói được vài từ “bóng, bế, chơi” rồi không chịu nói nữa.
“Ba là người chăm sóc con nhiều nhất, khóc cũng chỉ có ba, mẹ phải đi học chỉ dành thời gian cho con qua những lần facetime nhưng mà câu đầu tiên nói là “Mẹ ơi”. Con nói “mẹ ơi” giọng bé bé, khàn khàn khiến bao nhiêu khó khăn vất vả vỡ òa, mình không cần gì nữa. Trước vợ chồng mình bảo chấp nhận ở với con cả đời nhưng vẫn mong mỏi con đói, khát biết gọi và đây là ngoài sự mong muốn rồi”, Ngọc Hiền nở nụ cười rạng rỡ.
Kể từ khi con gọi “Mẹ ơi” cũng là lúc Ngọc Hiền nhìn thấy sự thay đổi dần dần của con. Nhờ sự quan tâm của cô giáo, gia đình, và bà trẻ chăm sóc suốt 1 năm qua nên bé Kaka cảm nhận được tình yêu thương nhiều hơn. 36 tháng tuổi, trí não bé đã phát triển, tương tác nhiều hơn.
Nhờ tình yêu thương của mọi người, giáo trình học và cả tâm linh, bé đã tiến bộ hơn.
Ngọc Hiền bảo, trước đây cô cứ nghĩ con bị tự kỷ là do xem tivi nhưng không phải, đó là do gen con bị lỗi, khi tiếp xúc với tivi những gen bị lỗi càng phát triển mạnh hơn. Từ đó hai vợ chồng Ngọc Hiền hạn chế tuyệt đối tivi, điện thoại với con, cô chỉ dùng chúng để dạy con kỹ năng sống và mỗi ngày cô dành thời gian nói chuyện với con nhiều hơn về những loại rau củ, hoa quả con thích.
“Kaka rất thích hoa quả, thích ôm hoa quả đi ngủ, thích chơi với hoa quả nhưng không thích ăn hoa quả. Mình hay đọc vu vơ vào tai con bài Bắp cải xanh và trong một lần đọc cho con trên đường đi “Bắp cải xanh” con bật âm nối theo mẹ “Xanh mát mát” đến hết bài.
Từ đó con bắt đầu đọc thơ, phân biệt được rau củ, biết cả tiếng Anh nữa vì con xem tivi ngấm vào đầu rồi”, Ngọc Hiền nhớ lại.
Hiện nay, bé Kaka có thể giao tiếp được những lúc mình thích thú nói và vô cùng linh hoạt, thậm chí khi ra đường không ai nghĩ Kaka mắc tự kỷ.
“Có sáng đi học con vui vào thang máy gặp ai cũng nói “bà hôm nay xinh thế”. Bé cũng rất yêu em nói với em khi mẹ than thở bầu nặng nhọc rằng “Pumkin ơi ra đây với anh nhé. Trong bụng chật rồi à”. Hôm trước con bảo “Mẹ ơi con tự tắm” rồi cầm vòi lên phụt vào người khiến cô giáo cũng không tin được", Ngọc Hiền kể.
Ngọc Hiền tâm sự, từ khi lấy chồng, con trai bị bệnh, cô trầm tính đi nhiều. Từ một người thích sôi nổi, ồn ào, thích ánh đèn sân khấu, thích vai diễn, cô thay đổi mình hơn, suy nghĩ thấu đáo, chín chắn, luôn đặt chuyện làm vợ làm mẹ lên đầu. Cô thấy rằng mọi biến cố trong cuộc đời sẽ xảy ra, may mắn có, trở ngại có và cứ đối mặt, đón nhận, vững tâm việc gì cũng vượt qua được.
Dù hiện nay bận rộn với công việc nhưng một ngày cô vẫn cố gắng dành thời gian cùng các con ăn sáng, đưa Kaka đi học rồi chiều đón Kaka về và dành 1 tiếng rưỡi buổi tối chơi với 2 con. Tuy Susu thiệt thòi vì bố mẹ phải dành nhiều thời gian hơn cho em trai nhưng cô hạnh phúc bởi con gái lớn hiểu chuyện, luôn nhường nhịn và quan tâm em.
Niềm vui mỗi ngày của Ngọc Hiền hiện nay đơn giản lắm, là chỉ mong hết giờ làm về nhà nhìn con, nghe con hát, kể chuyện vu vơ ở lớp. Những điều nhỏ nhoi ấy cũng đủ khiến cô hạnh phúc lại. Cô biết chặng đường đồng hành cùng Kaka điều trị tự kỷ vẫn còn nhiều gian nan, nhất là khi tổ ấm nhỏ chuẩn bị chào đón thành viên mới nhưng cô tin tình cảm gia đình của mình sẽ giúp con vượt qua.
“Niềm tin đủ lớn, kiên trì và yêu thương con bằng hết khả năng của mình thì sẽ được đáp lại. Có muôn vàn thử thách, muôn vàn lý do để bỏ cuộc nhưng bạn hãy bám chặt mục tiêu, tình yêu dành cho con, mọi điều cũng sẽ qua”, Ngọc Hiền mỉm cười.