Liệu các bé tham gia The Voice Kids có phải 'chạy marathon' đến kiệt sức?
"Chúng tôi sẽ phải xử lí ngay từ khi duyệt chương trình trước khi lên sóng để chặn những hiểu lầm, hạn chế tối đa những cái gì nhạy cảm hay scandal này kia trên sóng truyền hình" - ông Lại Văn Sâm, đại diện BTC khẳng định với báo chí.
Sau thành công của Giọng hát Việt mùa đầu tiên, ban tổ chức chương trình tiếp tục đưa Giọng hát Việt nhí (The Voice Kids) về Việt Nam với mong muốn tạo ra một sân chơi cho các em thiếu nhi từ 9 đến 15 tuổi. Điểm khác biệt của chương trình lần này là Giọng hát Việt nhí sẽ huy động cả bác sĩ tâm lý để làm công tác tư tưởng cho các thí sinh khi cần thiết.
Trong phần xướng tên người đoạt giải ở đêm chung kết, các cô cậu nhóc cũng tỏ ra thật trịnh trọng và khá vất vả đọc theo những gì ghi trong tờ giấy trên tay. “Mình rất vinh dự lên để trao giải ba cho top 4 Đồ Rê Mí… Bạn gái này rất xinh xắn, đáng yêu và luôn tươi cười. Khả năng biểu cảm trên sân khấu cũng như vũ đạo của bạn luôn khiến chúng mình hâm mộ…”. Nghe những lời này, không ít người vừa buồn cười vừa thương các bé phải thốt ra những lời lẽ sáo rỗng như thế?
Bởi bất kì một chương trình nào cũng hướng đến sự tích cực nhưng do cách điều hành, quản lí hay những yếu tố khách quan thì những tiêu cực hoàn toàn có thể xảy ra và The Voice nhí cũng phải đối mặt với những nguy cơ tiềm tàng.
Liệu các bé tham gia The Voice Kids có phải 'chạy marathon' đến kiệt sức như các bé tham gia Đồ Rê Mí?
Đơn cử như chương trình Giọng hát Việt vừa kết thúc cũng có nhiều scandal đình đám như: scandal Phương Uyên dàn xếp kết quả, HLV ưu ái thí sinh, thí sinh bị nghi ngờ đồng tính, mua tin nhắn bình chọn, bị tố vô ơn bạc nghĩa…
Những câu nói, hành vi, cảm xúc của HLV The Voice thể hiện thông điệp các thí sinh phải biết học cách phấn đấu, tranh giật và thiên về sống vật chất.
Trao đổi với báo chí, ông Lại Văn Sâm - Đại diện BTC Giọng hát Việt nhí khẳng định: "Chúng tôi sẽ phải xử lí ngay từ khi duyệt chương trình trước khi lên sóng để chặn những hiểu lầm, hạn chế tối đa những cái gì nhạy cảm hay scandal này kia trên sóng truyền hình.
Tuy nhiên, tôi không nghĩ với format này nó có thể nặng nề như thế. Chúng tôi sẽ biến nó thành sân chơi thực sự cho các cháu chứ không phải là một cuộc thi tranh giành quyết liệt".
Dường như BTC đã quên đi những gì đã diễn ra với Đồ Rê mí của mùa giải thứ 6 vừa mới kết thúc. Các chuyên gia tâm lý thẳng thắn nhìn nhận, chính sự gượng ép, kỳ vọng quá lớn của người lớn đã khiến trẻ tổn hao cả về tâm lực và trí lực. Sự dàn dựng quá công phu khiến chương trình mang tính kịch hóa nhiều hơn, biến trẻ em thành “ông cụ, bà cụ non – hiện tượng khá phổ biến trong một số loại hình sân chơi hiện nay”.
Thậm chí, nhiều người ví Đồ rê mí như “trận đồ bát quái” của người lớn, trong đó, trẻ con thi hát như chạy marathon đến kiệt sức, lại phải gồng mình đóng vai người lớn dưới bàn tay của đạo diễn. Nhiều phụ huynh vì tâm lý thắng thua mà cũng chẳng ngại bắt các con phải thi theo ý của mình.
Liệu rằng một bác sĩ tâm lý có thể giải quyết được tất cả những vấn đề đó cho các bé, tránh sao để chúng khỏi phải chịu đựng như những bạn bè, anh chị chúng đã trải qua?