Trẻ 1 tuổi lười ăn, mẹ nên thay đổi các món ăn và cách thức nấu.
Biếng ăn ở trẻ em có thể xảy ở mọi lứa tuổi, từ trẻ dưới 24 tháng đến trẻ hơn 1 tuổi và thậm chí có thể kéo dài hơn nữa. Biếng ăn không chỉ là biểu hiện bệnh lý trong cơ thể bé mà có thể đến từ những nguyên nhân tâm lý khác.
Nhiều trẻ có phản ứng nhẹ nhàng khi không thích ăn, lắc đầu hoặc né tránh, tuy nhiên cũng có nhiều bé phản ứng dữ dội hơn với đồ ăn. Con có thể ném thức ăn vãi tung tóe ra khắp nhà, la hét và thậm chí phản ứng mạnh mẽ nếu cha mẹ ép ăn quá mức.
Trẻ 1 tuổi đã có thể ăn cơm nát, các thực phẩm nhỏ… Lúc này, bé dần bước vào giai đoạn phát triển nên đòi hỏi lượng dinh dưỡng cao hơn nhiều so với trước. Tuy nhiên, nếu trẻ 1 tuổi lười ăn thì phải làm sao?
Nguyên nhân khiến trẻ 1 tuổi biếng ăn
Bé đang mọc răng
Cho đến tận 6 tuổi, quá trình mọc răng sữa của bé mới kết thúc. Vì vậy, không chỉ riêng thời điểm 1 tuổi mà ngay tại mọi lúc chiếc răng sữa nhú lên, các bé đều một mực từ chối ăn uống. Khi mọc răng, trẻ thường sốt, khó chịu, cảm thấy đau nhức và quấy rất nhiều, chính vì thế bé sẽ lười ăn đột ngột.
Mọc răng cũng là nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn đột ngột (Ảnh minh họa)
Các bé cảm thấy lạ lẫm khi thay đổi chế độ dinh dưỡng
Thông thường, theo khuyến cáo của bác sĩ nhi khoa, các mẹ nên chú ý cho con bắt đầu ăn dặm lúc 6 tháng, chuyển ăn cháo lúc 8 tháng và có thể ăn cơm nát khi tròn 1 tuổi. Vì thế khi bước sang 1 tuổi, việc chuyển đổi chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn chính cũng là nguyên nhân khiến bé biếng ăn.
Bé mê chơi hơn mê ăn
Trẻ 1 tuổi đang trong giai đoạn tập đi, khám phá thế giới xung quanh. Do vậy, trẻ ham chơi quên cả ăn là một điều hết sức bình thường. Trong trường hợp này, thay vì cấm đoán, giới hạn giờ chơi của con, mẹ hãy khéo léo tạo ra nhiều món ăn với những hình thù ngộ nghĩnh để thu hút sự chú ý của trẻ.
Ăn một mẹ một con
“Chiến lược” đóng cửa phòng và cho bé ăn một mẹ một con ban đầu khi trẻ chưa biết gì có thể phát huy tác dụng. Tuy nhiên sau này, khi bé đã bắt đầu biết nhận thức, biết đi (khoảng từ 12 tháng) nếu mẹ vẫn duy trì thói quen này, thì lại vô cùng tai hại. Trẻ “bị” mẹ bắt ăn một mình trước bữa ăn của cả nhà sẽ cảm thấy buồn chán và không hề có hứng thú ăn uống.
Trẻ “bị” mẹ bắt ăn một mình trước bữa ăn của cả nhà sẽ cảm thấy buồn chán và không hề có hứng thú ăn uống. (Ảnh minh họa)
Trẻ ăn nhiều bữa phụ
Vì muốn con nhanh chóng tăng cân, nhiều mẹ tăng thêm bữa phụ cho bé, nào là váng sữa, bánh, kẹo… Chính thói quen này ảnh hưởng xấu đến việc ăn uống của trẻ. Vì no ngang do ăn vặt, trẻ sẽ bỏ bữa chính.
Thực đơn nhàm chán
Nếu trẻ bỗng nhiên chán ăn thì mẹ cũng cần phải xem lại thực đơn hàng ngày dành cho bé. Không riêng gì trẻ con, ngay cả người lớn khi ăn mãi một món cũng sẽ chán và không muốn ăn. Trẻ 1 tuổi chưa thể diễn đạt cho mẹ hiểu bằng lời nói, vì vậy, trẻ chọn cách biểu hiện thái độ thờ ơ với thức ăn.
Giải pháp cho mẹ khi con lên 1 tuổi bắt đầu biếng ăn
Một vài lời khuyên dưới đây hy vọng có thể giúp các mẹ có con 1 tuổi vượt qua giai đoạn biếng ăn.
1# Mẹ đừng cố ép con ăn hết món bé không muốn ăn. Thay vào đó, mẹ hãy chuẩn bị thêm nhiều món mới để thay đổi khẩu vị cho con. Khi mới cho trẻ thử ăn món mới, mẹ hãy để bé làm quen từng ít một.
Mẹ đừng cố ép con ăn hết món bé không muốn ăn. (Ảnh minh họa)
2# Mẹ nên nhớ chỉ băm nhỏ và nấu mềm thức ăn cho trẻ biếng ăn chứ không xay nhuyễn vì dinh dưỡng trong đồ ăn sẽ bị giảm hoặc mất hết.
3# Bố mẹ có thể tăng bữa ăn cho trẻ, điều đó có nghĩa là có thể cho bé ăn 5-6 bữa/ngày thay vì chỉ cho bé ăn 3 bữa chính. Việc tăng số lượng bữa ăn đồng nghĩa với việc chia nhỏ lượng thức ăn trong một bữa để trẻ không còn cảm giác phải ăn cùng một lúc quá nhiều.
4# Khi nấu đồ ăn cho trẻ, mẹ nên nhớ thức ăn không nên quá đặc hay quá lỏng.
Trẻ 1 tuổi chưa thể diễn đạt cho mẹ hiểu bằng lời nói, vì vậy, trẻ chọn cách biểu hiện thái độ thờ ơ với thức ăn. (Ảnh minh họa)
5# Bố mẹ hãy để bé được ngồi cùng bàn và ăn chung với cả gia đình. Trẻ con thích bắt chước người lớn vì thế nếu con được nhìn thấy bố mẹ ăn uống ngon lành thì cũng sẽ có hứng thú ăn uống.
6# Bố mẹ đừng la mắng, quát tháo con trong mỗi bữa ăn bởi như vậy sẽ khiến bé sợ và làm tình trạng biến ăn trở nên tồi tệ hơn.
Chế độ dinh dưỡng thích hợp cho bé 1 tuổi
Theo các bác sĩ, chế độ dinh dưỡng tốt nhất cho bé 1 tuổi là:
- 3 bữa chính trong ngày. Những bữa đó có thể là cháo hoặc súp nhưng phải đủ 4 nhóm chất bao gồm: chất bột (gạo, đỗ…), chất đạm ăn cả cái (thịt, cá, trứng, tôm, cua…), chất béo (dầu ăn, mỡ động vật), vitamin và chất khoáng (các loại rau xanh, hoa quả).
- Lứa tuổi này nguồn cung cấp năng lượng từ sữa vẫn rất quan trọng, mỗi ngày bạn nên cho bé bú khoảng 600-800ml sữa (trong đó bao gồm có thể có sữa mẹ, sữa ngoài, sữa tươi…).
- Bố mẹ không quên cho trẻ ăn tráng miệng với váng sữa hoặc sữa chua, trái cây.