Sự bất cẩn, lơ là của cha mẹ đôi khi có thể phải trả giá bằng mạng sống của con.
Trẻ không biết bơi có thể gặp tai nạn đuối nước nếu đùa nghịch ở ao, hồ mà không có sự giám sát của người lớn. Vậy cần xử trí thế nào khi gặp tai nạn đuối nước?
Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn đuối nước xảy ra khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Trong số đó, không ít nạn nhân là các em nhỏ, do hiếu động, tìm đến sông hồ, suối, ao hoặc đập nước để tắm, chơi đùa nhưng các em lại không biết bơi.
Nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm
Hồi năm 2006, người dân Nghệ An và cả nước bàng hoàng khi nghe tin vụ tai nạn xảy ra tại bến Chôm Lôm (Lạng Khê, Con Cuông, Nghệ An). Nguyên nhân sự việc là do nước sông chảy xiết, đò chở quá tải lên đến 30 học sinh nên bị đắm. Vụ việc khiến 19 học sinh chết đuối, có những gia đình bị mất tới hai con.
Hồi tháng 9/2011, 11 học sinh lớp 6 (Mê Linh, Vĩnh Phúc) rủ nhau ra bãi giữa sông Hồng hái bèo. Tuy nhiên, do sơ sẩy, 6 em trong nhóm không biết bơi bị ngã và chết đuối. Ngày 29/7/2012, tại địa phận thôn Bồng Lai (Xã Hồng Hà – Đan Phượng – Hà Nội) cũng xảy ra vụ tai nạn thương tâm làm 4 em chết đuối.
Chiều ngày 12/9/2012, 11 học sinh rủ nhau đi chơi ở hồ chứa nước Tuy Lai (Mỹ Đức, Hà Nội) để tắm và 8 em không may bị chết đuối.
Việc bơi lội ở khu vực sông, hồ có thể tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đuối nước (Ảnh minh họa)
Mới đây, hôm 18/4 vừa qua, một vụ tai nạn đuối nước thương tâm đã xảy ra tại thôn La Chử (Hữu Phước, Ninh Phước, Ninh Thuận). Vụ tai nạn khiến 6 em bị chết đuối, đều là học sinh lớp 7 Người nhà nạn nhân cho biết, các em đã về nhà nhưng lại rủ nhau đi tắm tại đập dâng.
Cũng ngày 18/4 vừa qua, tại vực Cây Trâm (thuộc thôn 4 xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm, khiến 2 học sinh lớp 4 tử vong.
Mới nhất, sáng 14/5 vừa qua, tại khu vực hồ thủy điện Serepok 4 (nằm trên khúc sông Serepok chảy qua thôn Ea Juốt, xã Ea Wel, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), 4 học sinh đã bị chết đuối gồm: Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Ngô Thế Hiệp, Lê Thị Ngọc Huyền và Nguyễn Thị Minh Hiền (cùng 12 tuổi, học sinh lớp 6A, trường THCS Hồ Tùng Mậu, xã Ea Vel). Có 3 học sinh khác cũng bị nước cuốn trôi, nhưng may mắn được cứu sống, trong đó em Nguyễn Thị Tường Vi (cùng lớp 6A) đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Buôn Đôn và đã qua cơn nguy kịch.
Làm gì để đề phòng đuối nước
Đuối nước là hiện tượng mà khí quản của người lớn hay trẻ nhỏ bị một chất lỏng (thường là nước) xâm nhập vào dẫn tới khó thở. Hậu quả của ngạt thở lâu có thể là tử vong (chết đuối) hoặc không tử vong, nhưng gây tổn hại nghiêm trọng cho hệ thần kinh. Ngoài ra, cũng có quan niệm ngắn gọn hơn, đuối nước là tình trạng thiếu oxy do cơ thể bị chìm trong nước.
Để phòng chống tai nạn đuối nước, vai trò của gia đình là quan trọng nhất. Ngay tại gia đình, các bậc phụ huynh cần cung cấp kiến thức cơ bản nhất cho trẻ về bơi lội, cách xử trí khi gặp phải tai nạn đuối nước. Đặc biệt, bố mẹ cần khuyến cáo trẻ tránh xa những khu vực ao, hồ, sông không đảm bảo an toàn hoặc không có người lớn biết bơi đi kèm.
Ngoài ra, các khu vực sông hồ nguy hiểm cần có khuyến cáo, biển chỉ dẫn để các em nhỏ không đến gần. Thêm nữa, nhà trường và phụ huynh cần phối hợp để nhắc nhở các em không bơi ở những ao hồ không đảm bảo an toàn đặc biệt mùa hè.
Huấn luyện viên bơi lội Nguyễn Minh Tuấn (Hà Nội) cho biết: “Nguyên nhân chung nhất của tai nạn đuối nước là do không được học bơi. Ngoài ra, cũng do bố mẹ quá bận không có điều kiện giám sát. Gia đình nên tạo điều kiện cho con em đi học bơi, xã hội cần có các khu vực vui chơi để trẻ em không tìm đến ao hồ, sông nước đùa nghịch"
Anh Hoàng Văn Nguyên (Huấn luyện viên bơi khu du lịch Biển Đông – Vũng Tàu) cũng nêu quan điểm tương tự: “Với tai nạn đuối nước, phòng vẫn là việc làm chính, cần kíp nhất,. Tất nhiên chuyện đã xảy ra thì phải xử trí kịp thời. Nhưng phòng là việc làm cần thiết để bảo vệ trẻ em không gặp phải những trường hợp đáng tiếc”.
Theo anh Nguyên, để giảm thiểu các vụ tai nạn đuối nước cần phổ cập việc học bơi cho mọi người. Nên có một đội ngũ đi đến các vùng, địa phương tổ chức các lớp học bơi. Bởi vì, những nơi có điều kiện, bố mẹ cho con có thể đi học bơi, nhưng có những khu vực còn khó khăn thì việc cho con đi học không phải là dễ dàng.
Cũng theo vị huấn luyện viên này, vấn đề chính là cần tuyên truyền, giáo dục cho các cháu thấy được sự nguy hiểm của tai nạn đuối nước, đặc biệt với các em chưa biết bơi.
Các bậc phụ huynh cần cho trẻ học bơi
Xử trí thế nào khi gặp tai nạn đuối nước?
Theo lời khuyên của các huấn luyện viên bơi lội, khi có tai nạn đuối nước xảy ra, cần kịp thời đưa nạn nhân lên bờ để sơ cứu ban đầu. Cấp cứu tại chỗ là quan trọng nhất, quyết định sự sống còn của nạn nhân, nếu xử trí chậm nạn nhân bị thiếu ôxy não rất khó cứu sống sau đó. Đầu tiên cần dốc nước mà nạn nhân đã uống ra ngoài. Tuy nhiên, cũng có thể tránh lãng phí thời gian bằng cách tranh thủ hô hấp nhân tạo và ấn ngoài lồng ngực luôn, vì làm như vậy nước từ trong người vẫn ra ngoài.
Nếu tim nạn nhân ngừng đập thì phối hợp ấn tim và thổi ngạt theo tỷ lệ 5/1 (đối với trẻ) hoặc 15/2 (đối với người lớn). Sau khi tim đã đập trở lại cần đưa ngay đến cơ sở y tế nơi gần nhất để tiến hành cấp cứu.
"Tai nạn đuối nước cũng cướp đi sinh mạng của con người dù không phải tai nạn giao thông, thiên tai.. như vậy là quá nguy hiểm. Việc sơ cứu khi có tai nạn đuối nước xảy ra cần khẩn trương. Tuy nhiên, lúc xảy ra sự việc có thể không có ai ở gần đó nên khi biết là đã muộn. Vì vậy, phòng từ xa vẫn nên đặt lên hàng đầu”, anh Nguyễn Mạnh Tuấn nhấn mạnh.
Giả sử khi các em gặp gặp phải tai nạn đuối nước, nếu chưa biết bơi, anh Nguyên khuyên: “Khi mực nước cao gần vượt qua người, nếu chưa biết bơi sẽ bị chìm xuống, Để cầm cự nên lấy chân đạp xuống dưới, đầu lên cao hơn nước để lấy hơi. Sau đó, lại tiếp tục làm như vậy. mỗi lần đạp lên để lấy hơi nên ngả về phía trước một chút. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là cho trẻ học bơi để phòng tai nạn đuối nước”.