Trẻ bị rôm sảy sẽ vô cùng khó chịu, quấy khóc. Vậy đâu là những tuyệt chiêu đánh bay rôm sảy hiệu quả cho các bé?
1. Biểu hiện khi trẻ bị rôm sảy
Rôm sảy là cách gọi dân gian của một loại bệnh viêm da.
- Khi trẻ bị rôm sảy, các vùng cơ thể như đầu, cổ, ngực, lưng sẽ xuất hiện những nốt đỏ nhỏ như đầu kim, lấm tấm, đầu nốt có chút ít nước.
- Chỗ rôm xuất hiện nhiều thường có màu đỏ đậm, rát đỏ và rất ngứa.
2. Hình ảnh trẻ bị rôm sảy
Hình ảnh trẻ bị rôm sảy vùng mặt với các nốt đỏ li ti, có nhân trắng bên trong (Ảnh minh họa)
Các vùng da nhiều nếp gấp như cổ, nách thường xuất hiện rôm sảy do tích tụ mồ hôi. Trẻ nhỏ cũng dễ bị rôm sảy ở vùng mông, lưng do mặc tã bỉm quá lâu hoặc quá chật.
2. Cách trị rôm sảy cho bé hiệu quả
Để trị rôm sảy cho bé hiệu quả, các mẹ có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:
- Điều trị bằng phương pháp hiện đại
+ Dùng phấn rôm: Sau khi tắm cho trẻ, lau khô người bé và chấm nhẹ bột phấn lên các vùng da bị rôm sảy. Phấn rôm có thể làm khô ráo da và dịu cơn ngứa hiệu quả.
+ Dùng sữa tắm trị rôm sảy cho bé: Trên thị trường có rất nhiều các loại sữa tắm quảng cáo có tác dụng trị rôm rảy cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, cha mẹ nên lựa chọn các sản phẩm có thành phần chiết xuất từ thiên nhiên, thương hiệu uy tín để đảm bảo an toàn cho làn da mỏng manh của trẻ.
+ Dùng thuốc điều trị rôm sảy cho trẻ: Việc sử dụng các loại thuốc điều trị viêm da do rôm sảy cần được bác sĩ chuyên khoa da liễu thăm khám, kê đơn dựa trên tình trạng bệnh, độ tuổi của trẻ.
+ Kem chống hăm: Kem chống hăm có chứa thành phần corticoid nhẹ giúp kháng viêm và làm giảm các triệu chứng viêm da. Không nên dùng kem chống hăm dạng mỡ sẽ gây bít tắc lỗ chân lông.
+ Cồn: Trong trường hợp trẻ bị rôm sảy nặng, xuất hiện các nốt mụn nước, mụn mủ cần dùng cồn có chứa iod hữu cơ để bôi như: betadin, povidone… để sát trùng và làm khô vết thương.
- Điều trị bằng phương pháp dân gian
Từ lâu các bà các mẹ đã áp dụng các bài thuốc dân gian, sử dụng các loại thảo dược có sẵn trong vườn nhà để trị rôm sảy cho bé hiệu quả và lành tính. Dưới đây là một số mẹo dân gian trị rôm sảy phổ biến được nhiều gia đình áp dụng nhất:
+ Trị rôm sảy cho bé bằng lá tía tô
• Bước 1: Chọn lá tía tô tươi, sạch để dùng. Sau khi rửa sach, ngâm lá tía tô cùng một nắm muối hạt trong khoảng 10 phút để loại bỏ các chất bẩn và hóa chất còn sót lại.
• Bước 2: Lá tía tô để ráo nước. Cho vào máy xay nhuyễn cùng 100 ml nước. Lọc bỏ bã.
• Bước 3: Đổ nước tía tô đã được bỏ bã vào chậu nước tắm của trẻ. Nước tắm ấm có pha chút muối.
• Bước 4: Tắm nhanh cho trẻ trong 3-5 phút, sau đó lau khô người và cho bé mặc đồ rộng, thoáng mát.
+ Trị rôm sảy cho bé bằng lá trầu không
Người ta nhận thấy trong lá trầu không có chứa một dạng phenol có tên là Chavicol có khả năng khử trùng rất tốt. Vì vậy, từ lâu trong dân gian để áp dụng cách tắm bằng lá trầu không để trị rôm sảy cho trẻ hiệu quả.
• Bước 1: Lá 3-4 lá trầu không đã rửa sạch, đem vò nát bỏ vào nồi nước sôi để hãm như hãm nước chè.
• Bước 2: Đợi khoảng 10-15 phút để các hoạt chất trong lá trầu tan trong nước. Lấy nước này để chấm và rửa các vùng da bị rôm sảy của trẻ. Hoặc đổ nước vào chậu nước tắm để tắm bé hàng ngày.
+ Trị rôm sảy cho bé bằng mướp đắng
Mướp đắng vừa là một loại rau củ ăn hàng ngày, vừa có công dụng chữa rôm sảy hiệu quả.
• Bước 1: Rửa sạch 1-2 quả mướp đắng, thái nhỏ từng lát mỏng.
• Bước 2: Cho mướp đắng vào máy xay cùng 100-150 ml nước đun sôi để nguội. Lọc bỏ bã, chỉ lấy phần nước.
• Bước 3: Đổ phần nước mướp đắng đã xay ép vào chậu nước tắm của bé. Các tinh chất từ mướp đắng sẽ làm dịu các vết ngứa do rôm sảy.
+ Trị rôm sảy cho bé bằng lá trà xanh
Lá trà xanh có chứa một lượng lớn hoạt chất epigallocatechin gallate (EGCG) có khả năng diệt khuẩn, kháng viêm hiệu quả. Vì vậy, từ lâu ông bà ta đã sử dụng lá trà xanh để chữa rôm sảy cho trẻ nhỏ.
• Bước 1: Lá trà xanh đem rửa sạch. Chỉ dùng lá tươi, không dùng lá phơi khô thay thế. Vò nát lá trà cho vào ấm. Đổ 1/4 nước nóng vào ấm để hãm qua trà rồi đổ bỏ nước đầu.
• Bước 2: Tiếp tục đổ đầy ấm trà để lấy nước thứ hai dùng. Có thể bỏ vài hạt muối vào ấm trà. Sau 10-15 phút, đã có nước trà xanh để sử dụng. Có thể dùng nước này để hòa vào chậu nước tắm bé hoặc để nguội, dùng bông chấm và lau các vùng da bé bị rôm sảy.
+ Lưu ý chung khi sử dụng các loại lá để tắm cho trẻ
- Nếu da có dấu hiệu lở loét, chảy nước thì không dùng lá tắm cho trẻ.
- Không nấu nước lá để tắm bé quá đặc. Lượng tinh bột trong lá có thể đọng lại trên da trẻ gây nhiễm khuẩn ngược lại cho trẻ.
- Khi sử dụng biện pháp dân gian để trị rôm sảy cho trẻ, cố gắng giữ không để trẻ gãi vào vùng da bị rôm gây trầy xước, nhiễm trùng da.
- Trước khi tắm bé, nên lấy chút nước ép từ lá định tắm bôi một ít vào cổ tay trẻ để xem trẻ có phản ứng dị ứng không rồi mới tắm.
- Sau khi tắm lá cho trẻ, nên dội tráng người trẻ bằng nước sạch để tránh lượng bột của lá tắm đọng lại trên da trẻ.
- Cần xử lý thật sạch các loại lá tắm trước khi sử dụng, tránh sâu bọ, vi khuẩn bám trú trên lá. Các loại lá tắm phải là lá sạch, không phun thuốc trừ sâu.
3. Cách chăm sóc trẻ bị rôm sảy
- Khi trẻ bị rôm sảy, cha mẹ vẫn cần tắm rửa sạch sẽ cho trẻ hàng ngày để làm sạch da tránh tình trạng viêm da nặng nề hơn.
- Sau khi trẻ ra mồ hôi cần lau khô người trẻ hoặc thay quần áo mới.
- Có thể dùng gối nước, chiếu điều hòa để trẻ có giấc ngủ dễ chịu. Khi trời nóng bức, nhiệt độ cao bật điều hòa nhiệt độ ở mức vừa phải để tránh đổ mồ hôi khiến rôm sảy lên nhiều hơn.
- Không mát-xa cho da trẻ hoặc nặn các nốt rôm sảy
- Không tự ý bôi thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa da liễu khi trẻ bị rôm sảy dày đặc, kéo dài, mẩn ngứa nhiều, xuất hiện các đầu mụn trắng... Không nên tự ý mua thuốc bôi hoặc tự chữa cho trẻ tại nhà vì bệnh có thể nặng thêm, gây biến chứng cho trẻ.
4. Cách phòng tránh trẻ bị rôm sảy
Để phòng tránh cho trẻ không bị rôm sảy, các mẹ cần lưu ý:
- Cho trẻ uống đủ nước hàng ngày. Trong những ngày nắng nóng, cần tăng cường cho trẻ uống các loại nước trái cây tươi, giàu vitamin C như cam, chanh...hoặc các loại nước có tác dụng thanh nhiệt như rau má, atiso, nước đậu đen, bột sắn...
- Có thể tắm bé bằng các loại lá thảo dược hàng ngày để da dẻ luôn mát sạch, phòng rôm sảy.
- Luôn để làn da bé thoáng mát bằng cách sử dụng quần áo chất liệu vải cotton 100% dễ thấm hút mồ hôi, thay giặt quần áo của trẻ thường xuyên khi trẻ đổ mồ hôi nhiều.
- Khi trẻ cho ra ngoài trời nắng nóng, cần che chắn, sử dụng kem chống nắng cho trẻ em.