Bác sĩ Da liễu Trung ương mách mẹ cách chăm sóc viêm da cơ địa ở trẻ

Ngày 07/08/2018 16:18 PM (GMT+7)

Khi trẻ mắc các bệnh về da liễu như rôm sảy, sẩn ngứa, mụn nhọt hay viêm da cơ địa ở trẻ... trong mùa hè, việc chăm sóc của cha mẹ ở nhà vô cùng quan trọng để bệnh của con được cải thiện.

Bác sĩ Da liễu Trung ương mách mẹ cách chăm sóc viêm da cơ địa ở trẻ - 1

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Ths.Bs Nguyễn Thùy Linh, Phó trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương.

Trẻ em là đối tượng dễ bị tấn công và xâm nhập bởi các loại vi khuẩn và vi rút gây bệnh. Do sức đề kháng của trẻ còn non yếu và hệ thống miễn dịch chưa được hoàn thiện. Trong đó có các bệnh về viêm da cơ địa ở trẻ là hay mắc phải nhất. Việc chăm sóc của cha mẹ ở nhà vô cùng quan trọng để giúp bệnh da liễu của con được cải thiện.

Bác sĩ Da liễu Trung ương mách mẹ cách chăm sóc viêm da cơ địa ở trẻ - 2

Việc chăm sóc của cha mẹ ở nhà vô cùng quan trọng để giúp bệnh da liễu của con được cải thiện. (Ảnh minh họa)

Dưới đây, Ths.Bs Nguyễn Thùy Linh, Phó trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương sẽ chỉ bố mẹ cách chăm sóc đúng nhất cho trẻ ở nhà khi mắc các bệnh da liễu vào mùa hè.

1. Bệnh da liễu do điều kiện thời tiết

Bác sĩ Da liễu Trung ương mách mẹ cách chăm sóc viêm da cơ địa ở trẻ - 3

Ths. Bs. Nguyễn Thùy Linh.

Chốc, rôm sảy, viêm ở khe kẽ ở trẻ nhỏ hay những bệnh viêm da do nấm là những bệnh do vệ sinh chăm sóc chưa tốt có thể gây ra bệnh lý nhiễm khuẩn ở trẻ. Những trường hợp này, cha mẹ phải vệ sinh sạch sẽ cho con và lưu ý:

- Hàng ngày, tắm rửa cho bé bằng xà phòng, nước tắm. Sau đó, tắm sạch lớp xà phòng, sữa tắm.

- Cha mẹ không nên tắm nước lá cho con. Loại nước lá đó cũng tiềm tàng những nguy hiểm bởi không rõ ràng nguồn gốc xuất xứ. Trong quá trình trồng, các loại lá có thể vẫn còn thuốc thực vật dính trên lá. Điều này khiến cho tổn thương ban đầu ở trẻ từ nhẹ có thể kích ứng hơn hoặc có thể gây nhiễm khuẩn trên da.

- Cha mẹ nên lựa chọn quần áo chất liệu cotton cho trẻ mặc, không nên mặc đồ chứa nhiều ni lông sẽ bí bách, bít kín mồ hôi. Nếu quần áo bít kín, không thấm mồ hôi sẽ khiến khe kẽ bị ẩm ướt làm nấm phát triển.

Bên cạnh đó, nếu vệ sinh trên da trẻ không sạch sẽ khiến lượng vi khuẩn trên da khá nhiều. Và khi trẻ chơi đùa, nghịch ngợm, xước xát, vi khuẩn sẽ xâm nhập sâu bên trong gây ra tổn thương như chốc, viêm da do liên cầu.

Bác sĩ Da liễu Trung ương mách mẹ cách chăm sóc viêm da cơ địa ở trẻ - 4

Khi trẻ bị viêm da cơ địa do thời tiết, hàng ngày, cha mẹ nên tắm rửa cho bé bằng xà phòng, nước tắm. (Ảnh minh họa)

2. Bệnh da liễu do tự yếu tố cơ thể

Nhóm bệnh này gồm có sẩn ngứa, viêm da cơ địa. Vì cơ thể trẻ đã có mầm mống gây bệnh từ trước nên yếu tố chăm sóc của cha mẹ sẽ ảnh hưởng theo mức độ khác nhau, đặc biệt việc chăm sóc không tốt sẽ khiến mầm mống phát triển hơn gây những đợt bệnh nặng.

Sẩn ngứa và viêm da cơ địa ở trẻ hay gặp vào mùa hè hơn vì nhiều côn trùng.

Sẩn ngứa

Bệnh xảy ra quanh năm nhưng mùa hè nóng ẩm là điều kiện rất tốt cho các loại côn trùng phát triển như muỗi, bọ chét... Nếu côn trùng đốt và chích mà trẻ không kiểm soát được hành vi gãi, cậy liên tục sẽ khiến những nốt đốt, chích sưng to thành những cục hay gặp ở tay, chân thành những nốt thâm và loang nổ sau đó lâu.

Những trường hợp này, vệ sinh trên da và môi trường rất quan trọng, cha mẹ cần phải chú ý như:

- Thường xuyên vệ sinh môi trường sống để giảm tối đa lượng côn trùng trong nhà như muỗi và dĩn, không tạo ra tổn thương ban đầu cho trẻ để khiến cho tình trạng sẩn ngứa giảm đi.

Bác sĩ Da liễu Trung ương mách mẹ cách chăm sóc viêm da cơ địa ở trẻ - 5

Vệ sinh môi trường sống để giảm tối đa lượng côn trùng trong nhà như muỗi và dĩn là điều quan trọng để giảm tình trạng sẩn ngứa ở trẻ. (Ảnh minh họa)

- Khi trẻ ngứa ngáy, trẻ phải được dùng thuốc giảm tình trạng viêm được chỉ định của các bác sĩ da liễu. Nếu con chỉ có một vài nốt nhỏ trên chân, cha mẹ chỉ nên bôi thuốc làm dịu da, giảm ngứa tạm thời.

- Nếu trẻ có nhiều nốt chi chít cả tay và chân mức độ nhiều, liên tục cả ngày là dấu hiệu cha mẹ nên đưa con đến để bác sĩ khám và cho dùng thuốc kết hợp. Đồng thời, có biện pháp vệ sinh trên cơ thể cũng như trong môi trường để trẻ không nhiễm khuẩn từ nốt sẩn ngứa và không bị thêm những nốt mới.

Bệnh viêm da cơ địa ở trẻ

Viêm da cơ địa là một bệnh da liễu hay gặp và chiếm khoảng 30% dân số. Viêm da cơ địa là tình trạng da không có tính bảo vệ tốt với bất kỳ sự thay đổi nào của môi trường do bị mất một lớp màng lipid bảo vệ bên ngoài. Trước đây, bệnh thường gặp vào mùa đông nhưng hiện nay, viêm da cơ địa tăng nhiều hơn vào mùa hè.

Bác sĩ Da liễu Trung ương mách mẹ cách chăm sóc viêm da cơ địa ở trẻ - 6

Viêm da cơ địa là một bệnh da liễu hay gặp và chiếm khoảng 30% dân số. Bệnh gặp cả mùa đông và mùa hè. (Ảnh minh họa)

Da của trẻ viêm da cơ địa vốn dĩ bị mất lớp ẩm bảo vệ nên vào mùa Thu-Đông, thời tiết hanh khô sẽ khiến trẻ càng bị hanh khô hơn, hay gây ra bệnh. Thế nhưng, hiện nay, vào mùa hè, nhiều gia đình sử dụng điều hòa khiến da trẻ thường xuyên ở tình trạng khô nên viêm da cơ địa cũng rất hay gặp với lượng khám trung bình ở Viện chiếm khoảng 1/3 ở lứa tuổi từ nhỏ đến lớn.

- Với viêm da cơ địa ở trẻ bố mẹ phải biết được tình trạng bệnh của con. Việc chọn sữa tắm cho con cũng rất quan trọng. Cha mẹ nên chọn những loại sữa tắm có tính tẩy nhẹ, phù hợp với làn da viêm da cơ địa và nên chọn những nhãn hàng có gắn mác dành cho trẻ viêm da cơ địa.

- Cha mẹ tuyệt đối không được dùng nước lá, nước muối hoặc nước quá nóng tắm vì những chất này càng làm ly giải lớp lipid trên da, càng khiến cho da bị khô hơn khi tắm xong.

- Cha mẹ chỉ nên tắm cho trẻ trong 5-10 phút không nên để trẻ ngâm quá lâu trong dung dịch nước tắm vì nó làm khô da nhiều hơn.

Bác sĩ Da liễu Trung ương mách mẹ cách chăm sóc viêm da cơ địa ở trẻ - 7

Với trẻ viêm da cơ địa phải thường xuyên bôi kem dưỡng ẩm thường xuyên, ngày 2 lần. (Ảnh minh họa)

- Quan trọng hơn, cha mẹ phải dùng kem dưỡng ẩm thường xuyên và với trẻ viêm da cơ địa phải dùng quanh năm, liều lượng mỗi ngày phụ thuộc vào việc da của trẻ khô nhiều hay ít. Mức tối thiểu, cha mẹ dùng 2 lần/ngày cho trẻ, trong đó vào buổi sáng và quan trọng nhất là ngay sau khi tắm xong, lau khô người trong vòng 3 phút đầu tiên. Đây là thời điểm thích hợp nhất để làm dịu, bổ sung lớp ẩm trên bề mặt, giảm tình trạng mất nước trên da, không bị khô bong tróc vẩy ở trẻ. Đồng thời, nó cũng làm cho tình trạng viêm da cơ địa ở trẻ ổn định hơn không bị tái phát nhiều.

Nếu con bị tái phát trở lại, cha mẹ nên đưa con đến khám để lựa chọn thuốc bôi phù hợp nhất cho từng lứa tuổi, từng vị trí tổn thương của trẻ. Cha mẹ không tự ý, tùy tiện bôi thuốc. Các thuốc dành cho viêm da cơ địa có rất nhiều và thành phần bào chế phụ thuộc vào từng loại tổn thương, từng giai đoạn chỉ có bác sĩ mới đưa ra được các chẩn đoán cũng như điều trị thích hợp nhất.

Mẹo dân gian trị rôm sảy cho bé mùa hè cực nhạy
Đầu hè nắng nóng, thấy nhiều chị em "đau đầu" vì con bị rôm sảy, em xin mách chị em một vài mẹo nhỏ của mình.
Hồng Nhung
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Rôm sảy