Thiếu máu do thiếu sắt là một tình trạng thiếu chất dinh dưỡng dẫn đến nhiều hệ lụy.
Thiếu máu do thiếu sắt là loại thiếu máu phổ biến nhất ở trẻ nhỏ. Trình trạng thiếu máu do thiếu sắt có thể phát hiện chính xác qua xét nghiệm máu. Tuy nhiên cha mẹ cũng có thể nhận biết sớm thông qua những biểu hiện trên cơ thể trẻ.
Để giúp bố mẹ hiểu rõ hơn về về tỉ lệ thiếu máu, thiếu sắt ở trẻ nhỏ cũng như dấu hiệu và cách phòng tránh, dưới đây, bác sĩ Lê Quang Hào – Trung tâm tư vấn dinh dưỡng, Viện dinh dưỡng Quốc gia sẽ có những chia sẻ chi tiết:
Bác sĩ Lê Quang Hào. |
Tình trạng trẻ bị thiếu máu thiếu sắt ở Việt Nam
Ở Việt Nam những năm về trước tỉ lệ thiếu máu do thiếu sắt hay còn gọi thiếu máu dinh dưỡng tương đối cao, có giai đoạn cứ 2 bà mẹ có một bà mẹ bị thiếu máu và ở trẻ em, cứ 2 bé lại có một bé bị thiếu máu, thiếu sắt.
Thậm chí, có giai đoạn, nước ta phải thực hiện chương trình phòng chống thiếu máu dinh dưỡng Quốc gia, phát những viên sắt cho trẻ nhỏ, trẻ tuổi tiền dậy thì và phụ nữ mang bầu uống.
Mặc dù những năm gần đây tỉ lệ này đã giảm hơn nhưng vẫn còn tương đối cao, trung bình 4 bé có 1 bé bị thiếu máu do thiếu sắt và ở nông thôn, các tỉnh thành, tỉ lệ này chiếm nhiều hơn ở thành phố.
Thiếu máu do thiếu sắt là một tình trạng thiếu chất dinh dưỡng dẫn đến nhiều hệ lụy tuy nhiên việc giải quyết không khó. Hiện nay để phòng chống thiếu máu do thiếu sắt ngay từ trong trứng nước, tất cả các bà mẹ mang bầu đều được uống sắt axit folic cho đến ít nhất sau khi sinh một tháng.
Dấu hiệu nhận biết trẻ thiếu máu thiếu sắt
Thiếu máu, đặc biệt thiếu máu dinh dưỡng biểu hiện ra bên ngoài rất ít. Triệu chứng thường thấy ở giai đoạn đầu là da xanh, không hồng hào, niêm mạc nhợt nhạt, trẻ uể oải, lười biếng, không nhanh nhẹn, vào lớp học hay buồn ngủ.
Trẻ thiếu máu dinh dưỡng sẽ chậm phát triển cả về trí lực lẫn thể lực làm cho trẻ gần như chậm tăng trưởng. Trẻ chậm nhớ, chóng quên.
Khi phát hiện con mình có một hay nhiều biểu hiện trên, các bà mẹ nên đưa trẻ đi khám ở bệnh viện để chuẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nghiêm trọng.
Triệu chứng trẻ thiếu máu do thiếu sắt thường thấy ở giai đoạn đầu là da xanh, không hồng hào, niêm mạc nhợt nhạt, trẻ uể oải, lười biếng, không nhanh nhẹn, vào lớp học hay buồn ngủ. (Ảnh minh họa)
Hậu quả
Hậu quả thiếu máu do thiếu sắt có nhiều nhưng điển hình sẽ khiến trẻ tăng trưởng kém, lớn hơn học hành kém. Đối với trẻ nhỏ là chậm tăng trưởng, hay ốm đau bệnh tật, quấy khóc, lười vận động, trí não chậm phát triển.
Riêng với trẻ em thiếu máu dinh dưỡng là một trong những yếu tố chậm phát triển và đó cũng là nguy cơ làm cho tầm vóc người Việt Nam thấp bé đi.
Thời gian điều trị
Thông thường trong các bệnh viện, ngành dinh dưỡng, thiếu máu do thiếu sắt phải điều trị kéo dài 2-3 tháng và sau một tháng phải kiểm tra lại xem công thức máu có thiếu không.
Cách điều trị và phòng tránh
Điều trị thiếu máu dinh dưỡng cho trẻ thiếu máu ở mức độ nặng hoặc trung bình, các bác sĩ sẽ cho uống viên sắt và phối hợp với các vitamin muối khoáng khác, đặc biệt kết hợp với ăn chế độ ăn giàu chất đạm.
Trong những trường hợp bị thiếu máu nhẹ, trẻ có thể không phải uống thêm viên sắt nhưng cũng cần có chế độ ăn giàu chất sắt, đặc biệt những thức ăn có nguồn gốc động vật để hấp thu tốt hơn chất sắt phòng thiếu máu.
Hằng ngày, bố mẹ nên cho trẻ ăn các loại thức ăn giàu sắt có nguồn gốc từ động vật. (Ảnh minh họa)
Để phòng chống thiếu máu do thiếu sắt cho trẻ em, trước hết cần phòng chống thiếu máu cho mẹ vì khi còn là bào thai, trẻ đã nhận được sắt từ người mẹ để phát triển và dự trữ. Sau khi sinh, trẻ tiếp tục nhận được sắt qua nguồn sữa mẹ.
Ở trẻ nhỏ cần được bú mẹ và ăn bổ sung hợp lý, còn với trẻ lớn có thể có chế độ dinh dưỡng đủ cả về số lượng và chất lượng. Bữa ăn của trẻ cần đủ năng lượng và các loại thực phẩm giàu sắt.
Hằng ngày cho trẻ ăn các loại thức ăn giàu sắt có nguồn gốc từ động vật. Ngoài ra các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật như các loại họ đậu cũng là nguồn cung cấp sắt quan trọng. Một mình chất sắt vào cơ thể sẽ hấp thu không tốt nên muốn hấp thụ sắt tốt cần ăn thức ăn chứa nhiều vitamin C như rau, quả chín.
Cuối cùng, cha mẹ cần quan tâm đến việc phòng chống giun sán cho trẻ. Với trẻ từ 2 tuổi trở đi thường kết hợp phòng chống giun sán vì các ký sinh trùng đường ruột như giun tóc, giun móc, giun kim cũng có thể làm cho trẻ gặp tình trạng thiếu máu trầm trọng hơn.
Như vậy tình trạng thiếu máu dinh dưỡng lúc nào cũng là tình trạng hay gặp ở trẻ em và ở cả người phụ nữ. Tuy nhiên việc phòng chống thiếu máu dinh dưỡng có thể làm cho tỉ lệ thiếu máu dinh dưỡng giảm đi nhiều và nhờ vậy trẻ sẽ có một sức khỏe tốt hơn.