Trao nhầm con là một trong những tình huống khiến các bộ phim rơi vào bi kịch suốt một thời gian dài và lấy được nhiều nước mắt của khán giả.
Trao nhầm con là tình huống tạo nên nhiều kịch bản gay cấn cả ở phim truyền hình và điện ảnh. Vì sự nhầm lẫn này những bi kịch cùng nhiều tình huống cảm động khiến người xem theo dõi phim không cầm được nước mắt. Dưới đây là những bộ phim trao nhầm con đẫm nước mắt được nhiều khán giả quan tâm.
Trái tim mùa thu
Trích đoạn xúc động trong phim "Trái tim mùa thu" khi hai gia đình phát hiện ra chuyện nhầm con
Đây được xem là "siêu phẩm truyền hình" giúp Song Hye Kyo, Song Seung Hun, Won Bin trở thành những ngôi sao hạng A của làng giải trí xứ Kim Chi. Sau 18 năm, Trái tim mùa thu vẫn được xem là một trong những bộ phim truyền hình đáng xem nhất của Hàn Quốc.
Trái tim mùa thu xoay quanh chuyện tình đẹp nhưng đầy nước mắt của Yoon Eun Seo (Song Hye Kyo) và Yoon Joon Seo (Song Seung Hun). Ban đầu, Eun Seo và Joon Seo là anh em chung một nhà. Joon Seo luôn yêu thương và bảo vệ Eun Seo. Nhưng bỗng một ngày, gia đình Eun Seo mới phát hiện ra rằng mình đã nhận nhầm con khi ở bệnh viện.
Eun Seo trở về với mẹ đẻ - một người phụ nữ đơn thân nghèo khó. Còn gia đình Joon Seo đưa con ruột ra nước ngoài định cư. Sau nhiều năm gặp lại, tình yêu của Joon Seo và Eun Seo nảy nở mãnh liệt. Tuy nhiên, Eun Seo lại mắc phải bệnh máu trắng khiến hai người vĩnh viễn chia lìa.
Đêm định mệnh
Bộ phim truyền hình Thái Lan khai thác đề tài trao nhầm con Đêm định mệnh bắt đầu bằng một vụ tai nạn giao thông. Pikul (Kwang Kamolchanok Komoltithi) - một phụ nữ nghèo vừa chạy trốn khỏi vụ ẩu đả với người chồng bài bạc và Lada (Utumporn Silapan) - vợ một doanh nhân giàu có cùng mang thai 9 tháng đã được đưa vào bệnh viện sau vụ tai nạn. Hai người đã cùng sinh con một lúc.
Pikul tỉnh lại thì nghe phong phanh cảnh sát đang truy tìm một người chạy trốn. Chột dạ, cô bế con chạy trốn. Tuy nhiên, chạy được một lát thì cô phát hiện mình ôm nhầm con của Lada - hai đứa trẻ bị đánh tráo bảng tên do nhầm lẫn của y tá. Pikul ôm đứa trẻ trở lại để đổi nhưng phát hiện con đẻ của mình bị bệnh và cần phẫu thuật gấp. Pikul quyết định để con của mình lại cho Lada nuôi và ôm con của Lada đi.
Căng thẳng của bộ phim được đẩy lên cao khi 18 năm sau, Lada lại được chính con ruột bị thất lạc của mình cứu. Lada đã đón Pikul và con ruột của mình về nhà sống để cảm ơn mà không hề biết sự thật. Gia đình Lada trở nên xáo trộn khi bạn trai và anh trai của Kaewkao (Airin Yoogthatat) - con gái ruột của Pikul lại phải lòng con gái ruột của Lada.
Cha nào con nấy
Cha nào con nấy là bộ phim điện ảnh Nhật Bản nhẹ nhàng nhưng đạt được thành công lớn bởi cách khai thác đề tài trao nhầm con theo hướng khác biệt. Tác phẩm không tập trung khai thác bước ngoặt cuộc đời của hai đứa trẻ sau khi trở về đúng với bố mẹ đẻ của mình.
Chuyện phim đi sâu khai thác tình cảm của cha mẹ với những đứa con bị tráo đổi. Liệu huyết thống hay tình cảm gia đình được vun đắp chặt chẽ từ khi sống bên nhau như ruột thịt sẽ quyết định số phận của những đứa trẻ nhầm lẫn?
Bộ phim còn đưa tới bài học cảnh tỉnh cho những bậc phụ huynh về việc dành nhiều thời gian hơn cho con cái sau những bận rộn của cuộc sống mưu sinh.
Trong phim Ryota Nonomiya (Masaharu Fukuyama) là một người đàn ông thành đạt. Nhưng cuối cùng, anh phải học tập cách nuôi dưỡng con cái của Yudai Saiki (Lily Franky) - ông chủ tiệm tạp hóa có cuộc sống khó khăn, người đã nuôi dưỡng con trai của Ryota suốt 6 năm.
Bởi khi những đứa trẻ được trở về với gia đình của mình, con trai của Ryota mới nhận ra rằng trong gia đình giàu có là sự lạnh lẽo, cô đơn vì người bố bận rộn không có thời gian chăm sóc người thân. Còn con trai của Saiki lại dễ dàng hòa nhập hơn dù gia đình bố đẻ có kinh tế khó khăn hơn rất nhiều so với nơi cậu từng sống.
Đổi con
Đổi con là series truyền hình Mỹ dành cho khán giả teen và gia đình được nhiều người yêu thích từ năm 2011. Bay Kennish (Vanessa Marano) lớn lên trong một gia đình giàu có với đầy đủ cha mẹ và em trai. Trong khi Daphne Vasquez (Katie Leclerc) bị câm điếc vì chứng viêm màng não khi còn là một đứa trẻ, lớn lên bên cạnh một bà mẹ đơn thân ở một khu phố nghèo.
Mọi chuyện trở nên kịch tính khi hai cô nàng tuổi teen bỗng phát hiện mình đã bị tráo đổi từ khi sinh ra. Gia đình đã luôn nuôi nấng và ở bên hai cô đều không phải là những người thân ruột thịt.
Hai đứa trẻ
Bộ phim tài liệu Hai đứa trẻ của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư khiến người xem không cầm được nước mắt khi kể lại những điều chưa từng biết về vụ trao nhầm con ở tỉnh Bình Phước gây xôn xao dư luận vào tháng 7/2016.
Hành trình đưa hai đứa trẻ về lại với bố mẹ ruột của mình khiến khán giả đau xé lòng. Bởi tình cảm chân thành, nuôi nấng những đứa trẻ từ khi mới lọt lòng cho đến khi 3 tuổi chẳng hề thua kém tình cảm huyết thống.
Những cuộc phỏng vấn ngắn nhưng chân thực khiến nước mắt người xem tuôn rơi. Ai cũng mong hai bé được học hành đến nơi đến chốn nhưng hơn hết đó chính là tình cảm yêu thương, gắn bó khó có thể nào lựa chọn.