"Nam tính là phải thể hiện chất đàn ông, không có nghĩa là có râu, có ria là được".
Cho đến nay, màn ảnh Việt vẫn chưa có vẻ đẹp đàn ông nào thế được chỗ của NSƯT Chánh Tín trong lòng khán giả. Vai diễn Nguyễn Thành Luân trong bộ phim Ván bài lật ngửa của anh đã làm thổn thức bao trái tim của phụ nữ ngày ấy cũng như thế hệ đàn ông coi đó là hình tượng chuẩn mực. Điển trai, hào hoa, điềm đạm, luôn xuất hiện với hàng ria con kiến, anh dễ khiến người ta liên tưởng đến tài tử Hollywood Clark Gable, người cũng khiến bao con tim loạn nhịp.
- Vai diễn Nguyễn Thành Luân trong "Ván bài lật ngửa" đã trở thành một hình tượng nam tính trên màn ảnh được nhiều thế hệ khán giả ngưỡng mộ. Hình như, anh được bảo lãnh ra khỏi tù về tội vượt biên để nhận vai diễn này?
Đúng vậy, tôi đã được bảo lãnh ra khỏi tù sau khi vượt biên chỉ để casting cho vai Nguyễn Thành Luân. Vai diễn này đã có người đóng trước được 1 tập phim nhưng không hiểu vì lý do nào, Hội đồng nghệ thuật không cho chiếu. Sau đó, phim được làm lại.
Những diễn viên nổi tiếng thời đó như anh Trần Quang, Thế Anh cùng rất nhiều người đã đến thử vai nhưng không hợp. Cuối cùng, cơ hội đã đến với tôi. Tôi rất bất ngờ khi được nhận vai bởi lúc casting, tôi chỉ được biết đó là một bộ phim lịch sử. Casting xong tôi… vào tù tiếp, sau đó được bảo lãnh ra tù. Ba tháng sau, tôi ký hợp đồng đóng Ván bài lật ngửa.
NSƯT Chánh Tín.
- Casting chỉ là chọn một người hợp vai còn để lại dấu ấn mạnh mẽ thế nào phải dựa vào khả năng diễn xuất của người diễn viên. Anh đã làm gì khi bắt tay vào nhân vật này?
Nguyễn Thành Luân là điệp viên chiến lược trong xã hội miền Nam. Lúc đó, hai miền Nam Bắc với hai chế độ khác nhau nên có sự khác biệt lớn về phong cách. Suy nghĩ như vậy nên tôi tạo ra cho nhân vật Robert Nguyễn Thành Luân với phong cách kiểu Pháp.
Nguyễn Thành Luân luôn luôn ăn mặc chỉnh tề, khi vào phủ tổng thống phải mặc vest, đi đứng thẳng tắp, nghiêm trang. Gia đình Ngô Đình Diệm rất gia trưởng. Bất cứ ai, khi gặp Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đều phải cúi đầu và lui ra một bên, không được quay lưng lại. Đặc biệt, chỉ có Nguyễn Thành Luân là không phải cúi đầu.
- Vai diễn Nguyễn Thành Luân đã trở thành cái bóng quá lớn với anh. Những vai diễn sau này, khán giả không còn thấy nhiều dấu ấn đậm nét. Chất nam tính cũng không còn mạnh mẽ như vai diễn đó. Anh nghĩ sao?
Chất nam tính có hay không là cho người diễn viên, không phải chỉ Nguyễn Thành Luân mới có. Sau đó, tôi cũng tham gia khá nhiều vai diễn hay khác nhưng hình ảnh Nguyễn Thành Luân đã in đậm trong tâm trí người xem. Ngoài ra, những vai diễn sau thường chỉ đóng trong một phim thời lượng 90 phút, không thể gây ấn tượng mạnh như 8 tập phim Ván bài lật ngửa - con số ấn tượng trong thời điểm phim sản xuất rất ít. Ngoài ra, phim còn ghi dấu ấn một bề dày của lịch sử nên sự chuẩn bị cho diễn xuất, phim là rất công phu, kỹ lưỡng. Với tôi, xét về độ nam tính và hay, còn có một vai diễn nữa là vai phản diện trong Ngôi nhà oan khuất, một vai diễn đã được khẳng định bằng giải thưởng.
- Nhiều người ở thế hệ anh từng nói, sau vai diễn Nguyễn Thành Luân, anh gạt đi không hết phụ nữ ái mộ. Anh có nhớ kỷ niệm nào không?
Khán giả đến với tôi với tư cách ái mộ là hàng triệu người, tôi không thể nhớ nổi. Còn nói vì phim Ván bài lật ngửa có người yêu tôi là chưa đúng. Có khi không phải gặp nhau vì vai Nguyễn Thành Luân mà qua chuyện khác ấy (cười).
- Vẻ đẹp nam tính trên màn ảnh luôn được lý tưởng hóa. Anh và vai diễn của mình có giống nhau 100%?
Tôi chắc chắn mình là đàn ông. Một người đàn ông như thế nào tôi cũng như vậy. Còn muốn biết tôi nam tính cỡ nào, chắc chỉ có người phụ nữ của riêng tôi biết được (cười).
Chánh Tín (ngoài cùng bên trái) trong phim Ván bài lật ngửa.
- Là biểu tượng của vẻ đẹp nam tính trên màn ảnh một thời. Quan niệm của anh về vẻ nam tính trên màn ảnh Việt hiện nay ra sao?
Nam tính là phải thể hiện chất đàn ông, không có nghĩa là có râu, có ria là được. Rất nhiều diễn viên hiện nay trông có vẻ nam tính nhưng khi diễn cứ kỳ kỳ, yếu xìu, không thể lên được hồn cốt của vẻ nam tính. Thậm chí, nhiều hình ảnh còn lộ rõ là người đồng tính. Tôi nghĩ, một phần là do người diễn viên, một phần là do đạo diễn. Hiện nay, tình trạng người làm phim rất nhiều nhưng đạo diễn giỏi rất hiếm. Vì thế, đạo diễn phải có trách nhiệm với việc đó, có khi bản thân đạo diễn cũng là "gay".
- Thời của anh là làm điện ảnh với sự kỹ lưỡng về thời gian. Còn công nghệ truyền hình ngày nay làm phim rất nhanh, anh có theo kịp không?
Truyền hình không phải là phim ảnh. Tôi cho rằng truyền hình như là quay đám cưới có cốt truyện vậy. Nói vậy nhưng tôi không phê bình truyền hình được vì nó phải làm cho nhanh để phục vụ quần chúng. Chất lượng về mặt điện ảnh nằm trong truyền hình chỉ chiếm 1/10, thậm chí là con số 0.
- Vậy sao ông vẫn đóng phim truyền hình? Vai diễn trong "Đi qua dĩ vãng" vừa rồi có gì làm anh chưa thỏa mãn?
Tôi 61 tuổi rồi. Nếu tôi không làm coi như nghỉ luôn. Sắp tới tôi cũng sẽ làm truyền hình và đem luồng gió mới vào phim truyền hình Việt. Lối đóng của tôi cũng muốn nói lên điều gì đó về tính điện ảnh. Thật ra, vai đó đối với tôi quá dễ dàng không có gì khó nhưng tôi chưa hài lòng về mặt hình ảnh vì có những góc hình lấy tôi rất đẹp nhưng có góc hình rất xấu.
- "Hiệp sĩ guốc vông", bộ phim do anh làm đạo diễn đã ra mắt một cách thầm lặng và có rất ít suất chiếu. Anh được gì và mất gì khi làm bộ phim lấy hình tượng người cha của mình?
Hiệp sĩ guốc vông gặp nhiều tai nạn, ra mắt được là may. Nhà sản xuất của phim cũng có nhiều lỗi và cũng là lần đầu tiên làm phim. Với kinh nghiệm đã có, tôi cũng góp ý nhiều nhưng nhà sản xuất không nghe. Người ta cứ tưởng có tên tôi là "ngon" nhưng như thế là chủ quan. Tên tuổi cỡ nào mà không làm PR cũng chết. Dù tôi rất buồn nhưng tôi chỉ là người làm thuê, làm xong là thôi, lời lỗ là do nhà sản xuất và tôi cũng không muốn tham gia vào việc đó. Tôi làm đạo diễn, miễn tác phẩm tốt là được rồi.
Xin cám ơn NSƯT Chánh Tín!