Tuy phải chịu nhiều nỗi đau từ bệnh tật nhưng những em bé này lại may mắn có được các ông bố, bà mẹ nghệ sĩ dành cho tất cả sự hi sinh, yêu thương và chăm sóc.
Tất cả những người cha, người mẹ trên cuộc đời này họ đều thương con, mỗi người thương một cách khác nhau nhưng có một điểm chung là họ mong muốn điều tốt nhất sẽ đến với con và sẽ làm mọi thứ để con họ được sống tốt. Tuy nhiên, khi đứa con thân yêu bị bệnh khó chữa, không phải ai cũng giữ vững được tinh thần để truyền sức mạnh cho con. Các nghệ sĩ này lại làm được điều khiến nhiều người nể phục.
Quốc Tuấn lập gia đình khá muộn khi đã 39 tuổi. 41 tuổi, anh và vợ mới đón đứa con đầu lòng. Không may, bé Nguyễn Anh Tuấn (Bôm) chào đời đã mang một hình hài không lành lặn bởi căn bệnh quái ác - Hội chứng Apert - rối loạn về gen gây ra sự phát triển bất thường của hộp sọ. Dù đau khổ nhưng anh xác định tư tưởng phải chấp nhận và chiến đấu đến cùng với số phận.
Có lúc Bôm phải đeo trên đầu một cái khung sắt to, cồng kềnh. Vừa đau đớn, vừa vướng víu.
Mặc dù khuôn mặt của con trai bị biến dạng nhưng Quốc Tuấn vẫn muốn con đến trường đi học như bao bạn nhỏ bình thường khác. Anh muốn con tiếp xúc với mọi người để học kỹ năng sống. Và để con quên đi nỗi đau về bệnh tật, anh đã mời thầy về dạy con học đàn organ, đàn piano điện tử rồi phát hiện con có tài năng.
Giờ đây, sức khỏe của Bôm đã hồi phục hoàn toàn, thi đỗ vào Học viện Âm nhạc, hòa nhập với các bạn. Sau 15 năm cùng Bôm trải qua hơn 10 ca đại phẫu, cuối cùng Quốc Tuấn đã có thể lần đầu thở phào nhẹ nhõm khi bệnh tật dần được khắc phúc. Giờ đây, chỉ cần phẫu thuật thẩm mỹ để giúp Bôm thêm tự tin là những hi sinh của Quốc Tuấn đã hoàn tất.
Quốc Tuấn và con trai.
Nhìn lại những năm tháng đó, Quốc Tuấn nói: "Không ai vất vả bằng tôi. Đến giờ phút này, có thể nói cuộc đời tôi đã trải qua những lúc khủng khiếp nhất. Nhiều lúc tôi chỉ ước gì nhắm mắt lại, khi mở mắt ra mình không phải là mình. Nhưng tôi không thuộc típ người sầu não, kể lể, lại lúc nào cũng cười nên không ai biết những điều đó. Phải đến khi con trai phẫu thuật thành công 80% rồi, nhiều người thân mới hay tin".
Người hâm mộ từng bàng hoàng khi biết tin bé Bin – con trai Vân Hugo mắc chứng bệnh tâm lý khó chữa. Trong chương trình Muôn màu showbiz, Vân Hugo nấc nghẹn khi nhắc về con trai cũng như căn bệnh bé phải đối mặt. Nữ MC cho biết, bé bị mắc bệnh sang chấn tâm lý, rụt rè, khép kín khiến cô đau khổ tột cùng.
Nhìn hai mẹ con cười tươi thế này, ít ai biết bé Bin lại mắc bệnh tâm lý
Theo tâm sự của Vân Hugo, việc đồng hành cùng con vượt qua chấn động bệnh lý này rất cần sự kiên nhẫn bởi sẽ mất nhiều thời gian, tâm sức. Vân Hugo cho biết, cô rất hối hận khi để đứa trẻ hơn 1 tuổi chứng kiến cảnh xô xát giữa bố mẹ. Và những điều ấy đã để lại hậu quả mà chính cô không ngờ đến.
"Khi phát hiện ra con có sang chấn tâm lý thì tôi đã đưa con đi rất nhiều nơi, tìm gặp rất nhiều người để hỏi có thể làm gì để giúp con. Có những lúc tôi cùng cực chạy khắp nơi tìm sự giúp đỡ, đã gặp rất nhiều bác sĩ tâm lý. Tôi cảm giác không thể tha thứ được cho chính mình. Đau khổ bị cộng dồn lên rất nhiều lần, và sự cô độc của hai mẹ con tăng lên nhiều hơn trong những lúc như thế" – Vân Hugo đau khổ khi mình đã gây ra lỗi lầm to lớn với con trai.
Với Vân Hugo, con trai luôn là tất cả, là động lực để cô sống mạnh mẽ và cố gắng.
"Tôi đã rơi nước mắt và không biết phải làm gì. Các bác sĩ nói tôi phải rất kiên nhẫn thì mới giúp được con. Nếu là bệnh lý thì mình còn biết được tay gãy thì bao giờ lành, chân đau thì bao giờ hết sưng... liên quan đến tâm lý thì mình chịu thua và không biết phải làm gì nữa. Nhưng dù con có như thế nào thì tôi sẽ luôn đồng hành trên tất cả những con đường mà con sẽ bước qua" – nữ MC nấc nghẹn khi nhắc về bệnh tình của con trai.
Con gái đầu Phan Thúy Anh của NSƯT Hạnh Thúy bị điếc bẩm sinh do di chứng bệnh Rubella mà chị mắc phải khi mang thai. Dù tỷ lệ cứu chữa chỉ có 0.01%, nhưng với tình cảm của người mẹ quyết tâm "chiến đấu đến cùng", chị đã giúp con gái mình phát triển như một đứa trẻ bình thường khác.
Nghệ sĩ Hạnh Thúy và hai cô con gái đáng yêu.
Hạnh Thúy không thể quên ngày đầu tiên con chị đeo máy: "Ba mở một bản nhạc giao hưởng và đặt con ngồi giữa phòng, đeo máy rồi mở nhạc, con mở mắt to đón nhận âm thanh - có lẽ đầu tiên trong đời - rồi mỉm cười, và khóc khi ba tắt nhạc. Con ngồi nghe nhạc đến hơn 30 phút mới chịu thôi... Phản ứng của con khiến mẹ rộn lên một niềm hi vọng và tin rằng mẹ con mình sẽ thành công. Và từ đó, cuộc đời con gắn với cái máy trợ thính".
Chị chia sẻ thêm, con đường "chiến đấu" để tìm tiếng nói cho con thật vất vả: "Đeo máy lúc con 18 tháng. 25 tháng con mới kêu tiếng đầu tiên: ba, và mỉm cười khi ba đáp lời. Rồi sau đó, đến 32 tháng con mới nói thêm từ mới, 5 tuổi con vẫn chỉ nói được 4, 5 từ mà cũng không được tròn trịa, có những từ mẹ con mình đã mất đến 7 tháng để con nói chính xác... Thời gian đó, nhờ nhiều người thương con, chơi cùng con, nói với con nên càng ngày con càng nói tốt hơn".
Chị cũng gạt bỏ đi lời khuyên của mọi người xung quanh và quyết định không cho con vào trường chuyên biệt mà cho con vào trường học bình thường. Và con của chị đã được học suốt những năm học sinh như bao đứa trẻ bình thường khác với sự yêu thương của thầy cô, bạn bè.