Cái giá phải trả cho mỗi tiết mục đắt đến mức có lần Quốc Nghiệp giận dữ: “Mình có cần phải tập nữa hay không? Với những gì đang có, mình diễn cả đời cũng không sợ hết chỗ mời. Tại sao cứ phải tập những tiết mục mới?”...
Người xưa có câu “Anh em như thể tay chân” để nhắn nhủ anh em trong một nhà phải biết đùm bọc, chở che lẫn nhau. Trong trường hợp của “Giang Brothers” – như cách truyền thông Anh quốc gọi khi họ tham gia chương trình Britain’s Got Talent – câu nói đó thậm chí còn sát nghĩa đen hơn.
Hai anh em Giang Quốc Cơ – Giang Quốc Nghiệp thực sự không chỉ như tay với chân, mà... chung từng nhịp thở. Chẳng thế mà bài chân dung về hai anh em họ Giang của tạp chí Elle Man có tựa đề nghe qua tưởng ... sến, nhưng lại là tả thực: “Nhịp thở của anh cũng là của em”.
Chỉ khi hai tâm hồn đạt đến mức đồng điệu tuyệt đối, họ mới có thể biểu diễn tiết mục “chồng đầu” mạo hiểm khiến tim người xem muốn rớt khỏi lồng ngực một cách thành công đến như vậy.
Nhiều người Việt Nam chắc hẳn không kìm nén nổi sự xúc động khi thấy hình ảnh Quốc Cơ – Quốc Nghiệp với bộ quần áo lính gắn cờ đỏ trên ngực xuất hiện trong vòng chung kết một chương trình tìm kiếm tài năng tầm quốc tế và được sự cổ vũ, hò reo của cả ban giám khảo lẫn khán giả trong hội trường.
Họ có một màn trình diễn hoàn hảo, từ phần thể hiện của hai anh em, không khí đem tới cho khán giả cùng phần kết căng thẳng đến nghẹt thở khi Quốc Cơ chủ đích đá bay bậc thang cuối để tạo kịch tính. Phần kịch tính đó có thể tăng điểm cho màn mạo hiểu của hai anh em, nhưng cũng khiến mọi khán giả xem màn trình diễn ấy – đặc biệt là người thân của “Giang Brothers” – muốn... rụng tim.
Thật may là họ đã thực hiện bước đi cuối cùng một cách hoàn hảo. Thành công ấy không phải ngẫu nhiên mà đến. Nó là thành quả của hàng chục năm khổ luyện, của rất nhiều giọt mồ hôi nước mắt và những sự hy sinh thầm lặng.
Hai anh em, tuy hai mà một. Ấy có lẽ là niềm kỳ vọng của ông Giang Kiếm Thanh khi đặt tên cho hai người con, bởi hai cái tên ấy khi ghép lại sẽ thành một từ rất ý nghĩa: “Cơ Nghiệp”.
Bản thân là một nghệ sĩ xiếc bán chuyên, ông Thanh nuôi giấc mơ được chứng kiến hai người con trai trở thành những diễn viên xiếc chuyên nghiệp. Vì lẽ đó, Quốc Cơ – Quốc Nghiệp có tuổi thơ rất khác các bạn cùng trang lứa.
Họ từng chia sẻ với tờ Ngôi Sao: “Ngay từ bé, anh em chúng tôi đã được luyện tập tại nhà thiếu nhi quận 6 bộ môn nghệ thuật nhào lộn. Năm 11 tuổi, hai anh em quyết định vào rạp xiếc TP HCM để tập luyện những bộ môn khác.
Khi bắt đầu chuyển từ nhào lộn sang xiếc thì gặp nhiều khó khăn bởi vì nhào lộn là nhào lộn, xiếc là xiếc. Chúng tôi tập những môn cơ bản của xiếc nhưng nhờ có năng khiếu, chúng tôi tập luyện nhanh hơn và bắt kịp những gì thầy hướng dẫn.”
Quốc Cơ – Quốc Nghiệp có lẽ đã không thể nổi tiếng như ngày nay nếu không có một tiết mục độc đáo mang bản sắc của riêng mình. Năm 2001, nghệ sĩ Quý Toại gợi ý: “Hai con có nhiều điều kiện tốt, lại là anh em ruột thịt, đi đâu cũng có nhau, mọi xích mích đều có thể hòa giải được bằng tình anh em. Vậy tại sao không thử tập một tiết mục chung?”.
Thế là ông bắt đầu chỉ dạy cho “Giang Brothers” tiết mục mà ông từng thất bại khi biểu diễn cùng một nghệ sĩ khác do không có sự ăn ý và hỗ trợ tốt trong tập luyện, biểu diễn.
Tiết mục “Sức mạnh đôi tay” đã đem về nhiều vinh quang trong nghề cho Quốc Cơ – Quốc Nghiệp nhưng cũng khiến họ phải hy sinh không ít. Là người phải giữ thăng bằng ở trên đầu, Quốc Nghiệp từng trải qua ba tai nạn lớn vào các năm năm 2009, 2011 và 2012.
Hai anh em chia sẻ trên Zing: “Có lần tai nạn xảy ra, xương cổ Quốc Nghiệp bị thụt xuống, chạm vào cổ họng. Nếu đi cấp cứu chậm thì có thể ngưng thở. Những lần khác rơi xuống, đập vào đạo cụ thì xước vai. Lúc đó không chỉ đầu mà cả cơ thể của Nghiệp bị ảnh hưởng.
Mỗi lần tai nạn, Quốc Nghiệp phải ở nhà nghỉ dưỡng hơn một tháng mới có thể bắt đầu tập lại. Sau những lần tai nạn đó, em trai bị chấn thương cơ thể, còn tôi (Quốc Cơ) lại bị ảnh hưởng tâm lý. Trước mắt mình em trai rơi xuống mà bản thân bất lực, không thể đỡ, bảo vệ được thì đau đớn vô cùng.”
Câu chuyện ám ảnh nhất mà người viết từng đọc về hai anh em là trong bài phỏng vấn họ do nhà báo Trần Minh thực hiện trên tờ Đàn Ông vào năm 2016. Khi ấy, Quốc Nghiệp bị một tai nạn trên sân khấu và tiếp đất bằng đầu. Quốc Cơ hồi tưởng:
“Lúc này một nhóm người từ trong hậu trường mới chạy ra, đưa Nghiệp đi cấp cứu. Nhưng tôi không được đi, họ bảo tôi vẫn phải ở lại, diễn nốt những tiết mục sau vì vé đã bán, không được phép rời khỏi sân khấu. Nhưng tôi có diễn được đâu, người ta mang em mình đi đâu ngoài kia mình còn không biết, còn mình thì ở đây làm gì thế này. Tôi diễn mà đầu óc không còn để vào động tác, nước mắt thì cứ rơi”.
Trót ký hợp đồng với bầu show, hai anh em đành cắn răng cố diễn sau đó chỉ vài tuần, dù thời gian là không đủ để Nghiệp kịp bình phục. Khi đó, Cơ năn nỉ em trai: “Anh không đi nữa, chỉ đứng một chỗ thôi, em ráng trụ 10 giây thôi, cho khán giả họ xem rồi mình xuống”.
Thương anh, Quốc Nghiệp cũng cố làm, nhưng hai đầu vừa chạm nhau thì cơn đau kéo đến như muốn giết chết anh. “Lúc ấy, tôi thấy nước chảy xuống mặt mình, vừa là mồ hôi vã ra vì cơn đau, vừa là nước mắt của em”, Quốc Cơ đau xót nhớ lại. “Cảnh tượng ấy khiến tôi nhận ra: Cuộc đời này thật dã man làm sao”.
Có đọc những câu chuyện như vậy mới thấy, trước ánh hào quang mà hai anh em Quốc Cơ – Quốc Nghiệp có được ngày hôm nay là bao gian khổ, cay đắng. Tiết mục mà khán giả xem trên sân khấu có thể chỉ vài phút, nhưng họ phải trải qua hàng chục năm khổ luyện và cả những tai nạn đe dọa tới mạng sống để mang tới vài phút ngắn ngủi đó. Hai anh em thậm chí còn nhiều lúc giận nhau, như khi tập một động tác mới khiến Nghiệp suýt chút nữa đã mất mạng.
Khi ấy, Nghiệp giận dữ: “Mình có cần phải tập nữa hay không? Với những gì đang có, mình diễn cả đời cũng không sợ hết chỗ mời. Tại sao cứ phải tập những tiết mục mới?” còn Cơ cố thuyết phục em: “Anh muốn ghi danh vào lịch sử, anh muốn làm những việc chưa ai làm, muốn tới những đỉnh cao chưa ai vươn tới, muốn đi đến tận cùng của nghệ thuật xiếc”.
Tuổi nghề diễn viên xiếc mạo hiểm ngắn hơn những nghề nghiệp khác rất nhiều, nên ngưỡng trên dưới 30 tuổi như bộ đôi Cơ Nghiệp đã có thể tính tới chuyện giải nghệ. Nhất là khi họ đã lập gia đình và có những cậu con trai kháu khỉnh chỉ sinh chỉ cách nhau 40 ngày. Vậy nên cái khát khao thể hiện bản thân, ghi danh vào lịch sử nghệ thuật xiếc của họ càng cháy bỏng.
Ngoài tham vọng ghi danh vào lịch sử, hai anh em còn nuôi một giấc mơ “Người Việt tỏa sáng khắp năm châu”, như họ luôn tự hào ghi ở cuối mỗi bài đăng Facebook. Ngày hôm nay, giấc mơ ấy của “Cơ Nghiệp” đã thành hiện thực, trên một vũ đài tầm quốc tế.