10 năm trước, khi được đặt hàng viết ca khúc cho thương hiệu cafe Trung Nguyên, nhạc sĩ Nguyễn Cường đã có dịp hiểu thêm về con người của ông vua café. Ông bảo, khi đó, nhìn vào mắt Đặng Lê Nguyên Vũ, ông liên tưởng đến đôi mắt của đại bàng. Tinh anh nhưng cũng chất chứa nhiều nỗi niềm sâu thẳm.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường và CEO Đặng Lê Nguyên Vũ tại MDrak năm 2008 (ảnh NSCC)
Viết về Trung Nguyên nhưng không có chữ nào về café
Là người gốc Hà Nội nhưng từ thời trẻ, nhạc sĩ Nguyễn Cường đã gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên một cách đầy duyên nợ. Với ông, Tây Nguyên không chỉ là quê hương thứ hai- tính về thời gian đi, đến và cảm nhận - mà còn là nơi đã mang đến cho ông một gia sản riêng có trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Giờ đây, nghe những ca khúc Đôi mắt Pleiku, Ly café Ban Mê, Em muốn sống bên anh trọn đời, H’ren lên rẫy… người ta đã không còn có thể phân định, nhờ Tây Nguyên mà có Nguyễn Cường hay nhờ định mệnh mà Nguyễn Cường có một “bầu trời Tây Nguyên” lồng lộng trong từng ngóc ngách của các ca khúc âm nhạc. Chỉ biết rằng, sự gặp gỡ ấy là điều không thể thiếu để sự nghiệp của một nghệ sĩ trở nên có giá trị lâu bền trong lòng công chúng.
Với những hiểu biết được ví như “nhà Tây Nguyên” trong âm nhạc, 10 năm trước, nhạc sĩ Nguyễn Cường được ông chủ của café Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ đặt hàng viết ca khúc cho cafe Trung Nguyên. Nhưng quá trình tìm hiểu về con người và thương hiệu Trung Nguyên, ông thấy một ca khúc không thể chuyển tải hết được tầm vóc và khát vọng của ông vua café Việt này. Vì vậy, bản hợp xướng 3 chương, dài 30 phút ra đời với tên ngọi “Đại bàng và giọt đắng”, ý tưởng Lưu Trọng Văn và Đặng Lê Nguyên Vũ.
Ba chương tương đương với ba giai đoạn cuộc đời của chim đại bàng, từ lúc ra đời, trưởng thành, chu du khắp thế gian để thu thập tinh túy của đất trời rồi trở về, tự đốt cháy mình, chảy xuống đất đỏ bazan, nở ra bông hoa trắng. Bông hoa ấy kết tinh thành hạt café, được tác giả đúc kết: “Nước mắt mặn thì trắng, nước mắt đắng thì đen. Nước mắt đen lăn trên bazan đỏ, nở bông hoa trắng”. Phần âm nhạc cũng mang màu sắc nhạc dân gian Tây Nguyên chủ đạo.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường cho biết, khi viết bản hợp xướng này, điều ông thấy ngạc nhiên là Đặng Lê Nguyên Vũ không yêu cầu ông phải nhắc tên Trung Nguyên hay đưa bản thân mình vào đó - điều đã trở thành “mẫu số chung” cho những ca khúc đặt hàng viết về ngành, về thương hiệu. Ba chương không có chữ nào nhắc đến cái tên cụ thể là Trung Nguyên hay café, tác giả chỉ dùng những hình ảnh, hình tượng để khái quát thành hình ảnh của Trung Nguyên. Đó là sự sáng tạo và khát khao vươn đến một thương hiệu mang đẳng cấp quốc tế mà Trung Nguyên đã được thừa nhận. Trong hợp xướng có câu rất hay là “Một ngày mới cho ta quê hương”, được biểu đạt từ cái tứ “khởi động ngày mới với café Trung Nguyên” nhưng đưa như vậy vào âm nhạc thì nghe phô quá. Cái khó là làm sao để nó đầy tính âm nhạc nhưng vẫn phải nói được tinh thần chủ đạo của café Trung Nguyên. Và điều đáng mừng là ngay trong buổi ra mắt tác phẩm khi đó (năm 2008), Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Lữ Ngọc Cư đã đề nghị với tác giả cho dàn dựng tác phẩm để hướng tới chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Hỏi nhạc sĩ Nguyễn Cường, để viết hợp xướng này phải mất bao lâu để tìm hiểu về con người của Đặng Lê Nguyên Vũ, ông bảo: “Tôi không tìm hiểu mà tất cả là bằng sự cảm nhận. Tôi biết Vũ khoảng 20 năm nay và cũng nghe nhiều chuyện về Vũ, nhưng tôi không làm phim để bê hết những gì về con người Vũ vào tác phẩm. Cái tôi cần là làm sao để người nghe cảm được khí chất, khát vọng đầy lớn lao của Vũ không chỉ với Trung Nguyên mà cao hơn là với đất nước. Tôi mất 6 tháng để thực hiện hợp xướng. Có người bảo, ví Vũ với đại bàng thì có kiêu ngạo quá không? Ai cũng biết, với Tây Nguyên, Vũ là một huyền thoại có thật, lúc nào cũng đau đáu vì đất nước. Nhưng tôi không ví Vũ là đại bàng, bởi vì không phải đại bàng nào cũng mang ý nghĩa sức mạnh và quyền lực. Có những người mang đôi cánh đại bàng thật nhưng cả đời không dám và không thể đập cánh. Còn Vũ, là một con người bình thường nhưng mang trong mình tâm hồn, khát vọng đại bàng. Chỉ cần có tư tưởng ấy, đôi cánh đại bàng đã bay lồng lộng, ngay cả khi đã chết đi rồi”.
Có ai thấy nước mắt đại bàng?
Ông chủ của café Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ. Ảnh: TL
Chia sẻ về câu chuyện hiện tại của tập đoàn Trung Nguyên và của vợ chồng vua café Đặng Lê Nguyên Vũ, nhạc sĩ Nguyễn Cường nói: “Đó là chuyện riêng của họ, tôi không muốn bàn luận vì dù sao mình cũng là người ngoài cuộc. Những gì chúng ta biết chỉ là bề nổi, trong khi những uẩn khúc của nó đến chính người trong cuộc cũng chắc gì thấu hết? Nhưng chắc chắn một điều, bất cứ ai từng biết về Trung Nguyên cũng đều trăn trở và lo lắng cho tương lai của thương hiệu này. Để xây dựng một tên tuổi được cả thế giới biết đến như vậy thì ở Việt Nam đâu có nhiều. Còn về những biến động trong đời sống cá nhân của Vũ thì thực ra, ai mang trong mình khát vọng lớn lao đều cô đơn. Vũ có tầm nhìn, có những mong muốn vượt xa với người thường thì lẽ đương nhiên sẽ thấy mình cô độc trên hành trình ấy.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường chia sẻ: “Có ai nhìn thấy nước mắt của đại bàng bao giờ đâu và nó cũng không trắng như bình thường: “Nước mắt mặn thì trắng, nước mắt đắng thì đen”. Khi viết “Đại bàng và giọt đắng”, tôi đã cảm nhận được những ẩn hiện trong đôi mắt rất “lộ thiên” của Vũ. Vũ sẽ bớt cô đơn hơn khi biết hạ sự sáng tạo hay hạ khát vọng lớn lao của mình xuống. Nhưng có lẽ, một khi người ta đã chọn đó là sứ mệnh của cuộc đời và được sứ mệnh chọn thì cũng phải chấp nhận cả sự đơn độc ấy. Tôi tin là Vũ hiểu được điều đó và đã biết cân bằng để tiếp tục sáng tạo và cống hiến. Cũng có người nói những mục tiêu mà Vũ theo đuổi là vĩ cuồng, là quá xa vời, thiếu thực tế nhưng người có suy nghĩ lớn thường có góc nhìn khác biệt mà người thường khó có thể cảm hết được. Chỉ biết rằng, dù thế nào thì tất cả những gì Vũ làm đều không phải chỉ cho riêng mình mà còn vì những mục tiêu cao cả hơn, đó là nghĩ cho tương lai của café Việt để làm lớn mạnh đất nước”.