Giáng sinh cũng là dịp thảnh thơi để nằm dài trên chiếc ghế ấm áp thoải mái và xem lại một bộ phim yêu thích.
Die Hard (1988)
Nếu bạn đang tự hỏi: Một bộ phim đánh đấm cháy nổ ì xèo thì liên quan gì tới Giáng sinh? Thì hẳn bạn đã quên mất, hoặc giả chưa từng xem phần đầu tiên của chuỗi phim (mà đến nay đã được năm phần) về thám tử John McClane. Trong bộ phim này, thám tử John McClane (do Bruce Willis thủ vai) đang trên đường về nhà đoàn tụ với vợ trong dịp Giáng sinh an lành thì vô tình vướng vào một âm mưu khủng bố nham hiểm. Bị mắc kẹt trong trung tâm thương mại, bao vây bốn phía bởi nhóm khủng bố được trang bị vũ khí kĩ càng, John McClane không còn lựa chọn nào khác ngoài trở thành vị anh hùng bất đắc dĩ đơn thương độc mã chống lại kẻ thù.
John McClane trên đường trở về nhà trong dịp Giáng sinh
Trong thời điểm mà các bộ phim đều tập trung khai thác yếu tố tình cảm pha chút hài hước nhẹ nhàng để kéo cả gia đình lại bên nhau, thì đạo diễn John McTiernan lại hết lần này đến lần khác để nhân vật của mình dở sống dở chết vượt qua những thử thách cực hạn: đi chân trần trên thuỷ tinh, lao ra khỏi chiếc máy bay bị cài bom, đu dây qua các tầng nhà… Đau đớn về thể xác, hoảng loạn về tâm lý, nhưng đầu óc lại vô cùng minh mẫn, thám tử John McClane đã xuất sắc hoàn thành cuộc chiến đơn độc của mình trong đêm Giáng sinh, không chỉ phá tan âm mưu khủng bố, cứu lấy mạng sống của hàng trăm con người, anh cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng khi trở về an toàn trong vòng tay người vợ yêu dấu.
Ai lại trải qua đêm Giáng sinh trong bộ dạng này?
Bỏ qua những phân cảnh nghẹt thở hay nhân vật “sống dai như đỉa” đã trở thành huyền thoại của dòng phim hành động cổ điển, Die Hard mang người xem đến với không khí Giáng sinh tấp nập với cây thông, vòng vọng quả, hoa đỗ quyên đỏ xen lẫn những khuôn mặt hân hoan, hồi hộp, bồn chồn lo lắng chỉ trong phút chốc trước khi nhấn chìm tất cả trong nỗi kinh hoàng. Và đến phút cuối cùng, may mắn thay, tinh thần của ngày Giáng sinh vẫn được bảo toàn: người ta vẫn quay trở về bên gia đình của mình.
Dù bạn có tin hay không, thì Die Hard (1988) vẫn là một bộ phim tràn ngập không khí Giánh sinh!
The Nightmare Before Christmas (1993)
Tiếp nối “Giáng sinh theo phong cách cháy nổ” của Die Hard, danh sách được tiếp tục với bộ phim hoạt hình kì ảo (một cách nói giảm nói tránh của “kinh dị” – vì dù thế nào đi nữa, cụm từ này cũng không thật sự phù hợp với Giáng sinh) của đạo diễn Tim Burton.
Dù kinh dị có là một thể loại đắt khách vào mọi thời điểm, thì cũng ít ai nghĩ đến việc kết hợp nó với một chủ đề “an lành hạnh phúc” như Giáng sinh. Sự thật Tim Burton chưa bao giờ là một vị đạo diễn theo dấu hiện thực. Mỗi bộ phim của ông đều là một thế giới tách biệt hẳn với thế giới chúng ta đang sống, tuy ma mị và hắc ám, nhưng có một sức quyến rũ khó cưỡng lại. The Nightmare Before Christmas cũng mang đậm dấu ấn này.
Ông già Noel theo phong cách Tim Burton
Ra mắt vào ngày 29 tháng 10 năm 1993, ngay giữa mùa phim Halloween, bộ phim là câu chuyện về cuộc “cải cách” của thị trưởng Jack Skellington trong việc biến lễ Halloween đã quá nhàm chán trong vương quốc của mình thành một lễ Giáng sinh chưa từng có. Góc nhìn mới mẻ về những điều đã cũ mòn khiến The Nightmare Before Christmas nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả trong thời điểm mà nó ra mắt và rất lâu về sau này.
Giáng sinh kiểu Halloween của Skellington
Đã 11 năm trôi qua, và The Nightmare Before Christmas vẫn nằm trong danh sách những bộ phim Giáng sinh yêu thích của nhiều mọt phim. Rõ ràng những bộ xương, hồn ma bóng quế rập rờn, nghĩa địa hay quái vật không thể xoà nhoà được không khí hân hoan và hạnh phúc của một ngày Giáng sinh theo phong cách kinh dị vô tiền khoáng hậu.
A Christmas Carol
Từ khi được xuất bản lần đầu tiên tại Luân Đôn vào năm 1843, cuốn tiểu thuyết của Charles Dickens – nhà văn được coi như “Linh hồn của Anh Quốc” đã là nguồn cảm hứng của hàng trăm tác phẩm chuyển thể khác nhau. Từ bộ phim ngắn dài 11 phút được làm từ những năm 1910 cho tới mới đây nhất là bộ phim Ailen cùng tên sản xuất năm 2012, A Christmas Carol vẫn là một tác phẩm mà không ai muốn bỏ qua trong dịp lễ Giáng sinh.
Giáng sinh không phải là dịp để kể những câu chuyện ma, nhưng với A Christmas Carol, đó lại là một ngoại lệ. Giáng sinh lạnh lẽo của lão Scrooge keo kiệt, xấu tính sẽ giúp người ta xích lại gần nhau hơn, sẵn sàng mở lòng đón nhận yêu thương và hạnh phúc. Một câu chuyện ấm áp, lấp lánh như ánh đèn màu trang trí trên những cây thông hay ngoài đường phố sẽ giúp những trái tim cô đơn nhất được sưởi ấm phần nào.
A Christmas Carol (2009)
Những phiên bản điện ảnh chuyển thể nên xem của cuốn sách này gồm có: Scrooge (1951), A Christmas Carol bản phim năm 1938 và bản hoạt hình năm 1994, gần đây nhất thì bộ phim hoạt hình năm 2009 với sự tham gia của Jim Carrey cũng không phải một lựa chọn quá tệ. Bên cạnh những bộ phim kể trên, khán giả cũng có thể xem hàng chục bản phim truyền hình khác được chuyển thể, hoặc lấy cảm hứng từ tác phẩm này.
Home Alone (1990 – 1992)
Mọi từ ngữ để mô tả về bộ phim này có lẽ đều là thừa thãi. Đã 22 năm trôi qua từ ngày phần hai của bộ phim ra mắt, nhưng chưa có mùa Giáng sinh nào bộ phim vắng mặt trên các kênh sóng của đài truyền hình. Dường như Giáng sinh là Home Alone, và Home Alone chính là Giáng sinh. Bộ phim là tập hợp những gì vui nhộn, ấm áp và trọn vẹn nhất của một kì nghỉ Giáng sinh, và ý nghĩa của một gia đình.
Chú nhóc nghịch ngợm Kevin
Trong cả hai phần phim với sự tham gia của Macaulay Culkin, anh đều vào vai cậu bé Kevin nghịch ngợm “rạch giời rơi xuống”. Và đến Giáng sinh, sự nghịch ngợm của cậu lại lên đến đỉnh điểm khi không còn ai trong nhà giữ nổi bình tĩnh với cậu. Kevin muốn làm người lớn, nhưng trong một gia đình với cả đống anh chị em và cậu là con út, thì ước muốn này dường như là bất khả. Vận may đã mỉm cưởi với Kevin khi trong ngày Giáng sinh, hết lần này đến lần khác, cậu đềuvô tình bị gia đình mình “bỏ quên”. Thế là Kevin được thoả mãn cái ước mơ một mình một cõi của mình, còn gia đình cậu thì được thoát khỏi thằng nhóc trời đánh.
Kevin và trò giả làm người lớn
Nhưng Home Alone sẽ chẳng ở lại lâu đến như thế trong trái tim khán giả nếu chỉ dừng lại ở đấy. Vẫn là motif “lạc mất – tìm lại” quen thuộc, nhưng thứ được tìm thấy không chỉ là các thành viên trong gia đình, hạnh phúc giản dị của một gia đình gắn bó bên nhau… mà đó còn là những khoảng lặng của cảm xúc và kí ức trong tim mỗi người xem, khi họ thấy tuổi thơ của mình, hạnh phúc của mình được tái hiện lại trong bộ phim.
Giáng sinh là dịp người ta quay về với gia đình, và gia đình ấy cũng chính là những kỉ niệm thân thương vô tình được gợi nhắc lại qua những gì cũ xưa.
It’s a Wonderful Life (1946)
Xếp ở vị trí đầu tiên trong danh sách này là bộ phim kinh điển của đạo diễn Frank Capra với sự tham gia của James Stewart và Donna Reed. Bộ phim được phát triển từ nội dung truyện ngắn The Greatest Gift của Philip Van Doren Stern.
Bộ phim Giáng sinh được yêu thích nhất mọi thời đại
Bộ phim lấy bối cảnh một thị trấn Bedford Falls sau Thế chiến II. Trong đêm Giáng sinh, George Bailey người đàn ông đã hi sinh cả cuộc đời mình cho thị trấn, trước khi tự sát đã gặp thiên thần hộ mệnh Clarence Odbody, người được phái xuống để giúp đỡ George trong cơn hoạn nạn.
Tuy được đề cử giải Oscar ở nhiều hạng mục khác nhau, và đã mang lại cho đạo diễn Frank Capra giải thưởng Quả cầu vàng cho Đạo diễn xuất sắc nhất, nhưng bộ phim lại là một thất bại ở phòng vé những năm 40 khi không thể mang về được một nửa số tiền làm phim đã bỏ ra.
Cuối cùng người tốt sẽ được đền đáp
Nhiều năm qua đi, thời gian và bản thân bộ phim đã chứng minh nó là một tác phẩm điện ảnh vô giá khi vào năm 1990, bộ phim đã được Thư viện Quốc hội Mỹ chọn bảo tồn trong Viện lưu trữ phim Quốc gia Hoa Kỳ vì những giá trị nội dung của nó. Bộ phim cũng nằm trong danh sách 100 phim hay nhất mọi thời đại do khán giả Mỹ bình chọn.
Một mùa Giáng sinh nữa đã đến, và một lần nữa, câu chuyện kì diệu về cuộc đời của George Bailey – người anh hùng giữa đời thường mang theo những thông điệp tươi sáng và tích cực về tình yêu, về đức hi sinh, cái đẹp… lại một lần nữa được nhớ đến.