Với kịch bản nghèo nàn, nhiều bộ phim hành động bom tấn đã khiến người hâm mộ phải thất vọng.
Transformers: Age of Extinction
Đứng đầu danh sách là một cái tên quen thuộc với khán giả trên toàn thế giới: Transformers. Có một điều phải thừa nhận rằng, từ cái thời mà kĩ xảo điện ảnh còn là một tập hợp những hiệu ứng cháy nổ, dây dẫn và màn hình xanh phức tạp, thì Micheal Bay – đạo diễn của chuỗi phim Transformers đã có những màn “trình diễn” để đời trong các bộ phim của mình.
Đó là những đại cảnh hoành tráng, những trận chiến trên không, trên biển, thậm chí cả ngoài không gian… với khói lửa, cháy nổ và những pha hành động giật gân mãn nhãn trong Trân Châu Cảng (tên gốc Pearl Habor) năm 2001 hay trước đó là Amageddon năm 1998. Tuy nhiên, sự gia tăng mức độ tinh xảo trong việc dàn dựng các hiệu ứng đặc biệt chỉ giúp Micheal Bay được cả thế giới nhắc đến như một “ông hoàng cháy nổ”, chứ không giúp gì nhiều trong việc tạo ra chiều sâu về mặt nội dung trong những bộ phim của ông.
Một cảnh phim hoành tráng trong Tranformers 4
Chẳng những vậy mà đã bảy năm qua đi từ lần đầu tiên ra mắt, Transformers vẫn không tiến xa hơn được câu chuyện về một nhóm người ngoài hành tinh đến Trái đất, kéo theo sự đổ bộ của một tá kẻ thù muốn “tiện tay” chiếm lấy hành tinh xanh. Kẹt giữa trận chiến của hai thế lực siêu phàm đó là con người – theo đúng mô típ thì luôn là một kẻ phó thường dân "tình cờ" được vây quanh bởi các cô nàng bốc lửa, luôn chối bỏ sứ mệnh của mình ở đầu phim để rồi nhanh chóng trở thành người hùng khi mọi hi vọng tưởng chừng đã tắt lụi.
Mark Walhberg trong vai người hùng ẩn dật
Sẽ luôn có những bí mật ngủ quên buộc người anh hùng bất đắc dĩ phải chấp nhận số mệnh của mình, các thành phố lớn sẽ bị san bằng, chính phủ và quân đội sẽ chẳng được tích sự gì ngoài ngáng chân “những người anh hùng” và đột ngột hợp tác vào phút cuối… Cùng với một vài lời thoại hoặc cứng nhắc như thể bài giảng của một thầy giáo trường thiếu sinh quân, hoặc gây cười, hoặc chẳng gì cả, một truyện phim như thế có vẻ chẳng có chút ít gì thú vị với người yêu điện ảnh khó tính.
Rõ ràng Transformers: Age of Extinction xứng đáng là cái tên (không vinh dự lắm) được nhắc đến đầu tiên trong bản danh sách này.
Teenage Mutant Ninja Turtles
Đứng thứ hai trong danh sách những bộ phim dở tệ của 2014 lại là một siêu phẩm bom tấn khác của Micheal Bay. Tuy chỉ đứng ở vai trò sản xuất, nhưng nhìn chung, vẫn có thể nhận thấy rõ dấu ấn của Micheal Bay trong bộ phim này: những đại cảnh cháy nổ hoành tráng, thành phố hoang tàn đổ nát, đám đông hoảng loạn, Megan Fox và… như mọi khi, là một kịch bản không mấy xuất sắc.
Hình ảnh trong bản phim năm 1990
Đành rằng bộ phim có những điểm sáng nhất định như những phân đoạn giàu cảm xúc, sự hài hước, và quan trọng nhất là mang lại cho người xem 101 phút đồng hồ giải trí triệt để, nhưng đó là câu chuyện của những khán giả đại chúng nói chung, còn với những người kì vọng hơn vào một sự đột phá so với phần phim được làm trước đó 25 năm, hay mong muốn một bộ phim thật sự chất lượng, thì Teenage Mutant Ninja Turtles chỉ dừng ở mức “dễ thương”, hay “chấp nhận được”.
Có vẻ như Megan Fox vẫn chưa sẵn sàng thoát ra khỏi lối diễn xuất “bình hoa di động” của mình
Kịch bản của bộ phim quá sơ sài với những nhân vật được xây dựng không có chiều sâu tạo ra một tổng thể thiếu tính thuyết phục. Và một nguyên nhân nữa, có lẽ cũng nên nhắc lại, đó là trong một bộ phim mà phần lớn các nhân vật chính (nếu không muốn nói là toàn bộ) đều được tạo ra với sự hỗ trợ triệt để của CGI (theo hướng đen tối và đáng sợ một cách kì quặc so với nguyên tác) đều có những biểu cảm gương mặt phức tạp thì nhân vật nữ loài-người duy nhất lại luôn trưng ra khuôn mặt cứng đờ như bức tượng.
Pompeii
Điểm qua dàn diễn viên chính của bộ phim, có thể thấy những cái tên rất quen thuộc như: Carrie Anne-Moss (The Matrix, Memento), Kit Harrington (Game of Thrones), Emily Browning (Sucker Punch, Sleeping Beauty, The Host…), Kiefer Sutherland (24 Hours)… Tuy nhiên thực tế đã cho thấy dàn diễn viên nổi tiếng cũng không thể cứu vãn nổi bộ phim này.
Ngoài một cuộc thảm sát trên quy mô lớn, thì dường như Pompeii không có gì nhiều để mong đợi
Có thể chia nội dung Pompeii làm hai nửa rõ rệt: 60 phút đầu với một câu chuyện tình khuôn sáo mệt mỏi giữa cô tiểu thư quyền quý với một chàng thanh niên lang bạt mang sứ mệnh trả thù, 45 phút sau là một vụ thảm sát của "bà mẹ" thiên nhiên trong dáng hình một ngọn núi lửa.
Ít nhất trong 45 phút sau của bộ phim, khán giả còn có thể “tận hưởng” một chút cảm giác giật gân bằng thảm cảnh nham thạch phun trào nhấn chìm cả đô thành trong biển lửa, người ta la hét và chạy trốn trong kinh hoàng trước khi bị thiêu rụi bởi những quả cầu lửa khổng lồ. Còn 60 phút trước của bộ phim - có lẽ việc xem bộ phim này dưới định dạng DVD hay Blue-ray sẽ là một "đặc ân" để bạn có thể ấn nút tua và bỏ qua nó, bởi chẳng có gì ngoài một kịch bản rối mòng mòng và hoàn toàn thiếu tính sáng tạo.
Emily Browning và Kit Harrington trong những vai diễn có thể coi là tệ nhất 2014 của họ
Một điều đáng buồn khác của bộ phim, đó là sự xuất hiện nhợt nhạt và thiếu sức sống của Emily Browning bên cạnh vai diễn chưa-thể-tệ-hơn trong sự nghiệp của Kit Harrington. Nói tóm lại, nếu bạn muốn tận hưởng cảm giác chết chóc, hãy xem 45 phút cuối phim, còn nếu bạn muốn tìm kiếm một thứ gì khác có chiều sâu hơn, đừng để bộ phim tiêu tốn của bạn 105 phút cuộc đời.
Transcendence
2014 có rất nhiều những bộ phim “bom xịt” gây thất vọng. Nhưng hãy kết thúc bản danh sách đáng buồn này bằng một bộ phim được coi như sự “nỗ lực làm mới mình” của Johny Depp.
Tuy sự nghiệp điện ảnh của Johny Depp đã lên tới hai chữ số, nhưng trong suốt hành trình ấy, anh dường như chỉ vào một loại vai duy nhất: những gã có tính cách quái đản. Có thể kể sơ sơ ra đây những cái tên như : Edward Crissorhand, Jack Sparrow, Sweeney Todd… trong những vai diễn ấy, Johny là siêu sao, sang những vai diễn khác, việc này cần được nghiêm túc nhìn nhận lại.
Phải rất lâu nữa Johny Depp mới lấy lại được phong độ của mình
Sự sa sút phong độ của Johny Depp, cùng với những bất lợi về thời điểm bộ phim ra mắt là một trong những nguyên nhân được nhắc đến đầu tiên khi nói về thất bại của bộ phim khi nó tuột dốc không phanh từ chỗ "bom tấn" thành "bom xịt” chỉ sau vài ngày công chiếu. Tuy nhiên nếu phân tích một cách kĩ càng, thì có thể thấy nguyên nhân chính nằm ở đội ngũ tác giả đã không thông minh như họ tưởng tượng.
Trên thực tế, làm một bộ phim về trí tuệ thông minh không hề dễ, và không phải ai cũng được như chị em nhà Wachowski khi họ chắp bút viết nên kịch bản phần đầu tiên của The Matrix. Nếu Transcendence dành được kha khá thiện cảm với giới phê bình điện ảnh cũng như phần đông khán giả vì phần hiệu ứng thị giác ấn tượng và khôn ngoan thì đáng tiếc thay, bộ phim lại mất điểm trầm trọng bởi cách kể chuyện cũng như nhịp phim thiếu uyển chuyển.
Phần hình ảnh đẹp mắt của bộ phim
Rõ ràng trong canh bạc này, cả Johny Depp và đội ngũ tác giả đã thua trong việc biến những tri thức khoa học phức tạp thành một thứ sản phẩm đại chúng mà bất kì một khán giả bình thường nào cũng có thể cảm nhận.