Ở tuổi 74, NSƯT Ngọc Thoa vẫn gắn bó với nghệ thuật, với những vai diễn bà đã say mê suốt từ thời niên thiếu đến giờ.
Hẹn gặp bà sớm hơn để kịp lên bài đúng 1-10, ngày người cao tuổi nhưng công việc diễn xuất không cho phép bà có thời gian tiếp nhà báo sớm hơn. Nửa thế kỷ gắn bó với công việc diễn xuất, người ta có thể cảm thấy mệt mỏi nhưng NSƯT Ngọc Thoa thì lại khác. Với bà, nghề diễn đã ăn sâu vào máu thịt bằng kỷ niệm về những ngày tuổi trẻ, bằng những ký ức về người chồng đã đồng cam cộng khổ biết bao năm là đạo diễn - NSƯT Dương Viết Bát. Diễn, với bà không chỉ là công việc, mà còn là tình yêu.
Sự nghiệp phải ở nhà hát
Sinh ra tại làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định nhưng nghệ sĩ Ngọc Thoa lại lớn lên ở Hải Phòng. Khi Nhà hát Kịch trung ương về Hải Phòng công diễn vở “Luba”, vở kịch nổi tiếng của Liên Xô cũ, bà đã xem rồi mê mẩn và từ đó quyết tâm đi theo con đường nghệ thuật. Khi biết tin Nhà hát Kịch trung ương tuyển sinh, Ngọc Thoa mua vé tàu lên Hà Nội dự thi với tiểu phẩm một bà mẹ nhà quê chất phác ra Hà Nội thăm con, lúc xuống ga tàu điện Bờ Hồ thì bị trộm hết đồ đạc. Không gào thét, khóc lóc nhận sự thương hại, bà mẹ bị mất cắp tấm tức ngồi bệt xuống vỉa hè để nước mắt lặn vào trong, an ủi mình bằng câu nói giàu tính nhân văn: “Mình đã nghèo, người khác còn nghèo hơn. Thôi thì của đi thay người vậy!”. Với vai diễn ấy, Ngọc Thoa chinh phục hoàn toàn ban giám khảo, nhờ đó mà bà có tên trong danh sách khóa diễn viên kịch nói đầu tiên của nhà hát. Sau 3 năm thụ giáo các bậc đại thụ của ngành sân khấu như Thế Lữ, Đình Quang, Nguyễn Đình Nghi..., bà được tuyển vào Nhà hát Kịch Việt Nam.
NSƯT Ngọc Thoa trong căn hộ nhiều kỷ niệm của đời mình.
Không nhận mình thông minh nhưng người đối thoại với nghệ sĩ Ngọc Thoa đều thấy bà quá thông minh, sắc sảo và cá tính, kể cả khi đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Chính sự thông minh, cá tính, thẳng thắn, không chịu lắt léo khiến người ta nhớ đến bà nhưng cũng khiến cho bà chịu không ít thiệt thòi trong sự nghiệp, đặc biệt là những năm mới vào nghề. NSƯT Ngọc Thoa cho biết vì không chịu nổi sự bất công dành cho mình, bà từng có ý định bỏ nghề diễn, học Trường ĐH Ngoại ngữ theo lời một người bạn. Nhưng rồi bà nghĩ lại, nếu mình ra đi có nghĩa là đầu hàng và đã đem lại niềm vui cho những người cố tình muốn đẩy mình đi nơi khác, sự nghiệp của mình phải là ở đây. Thế là bà ở lại và nỗ lực chứng minh khả năng của mình. Năm 1964, nhà hát dựng vở “Người đứng gác dưới ánh đèn ne-on”, vai A Hương ban đầu được giao cho một nghệ sĩ khác nhưng sau đó đạo diễn lại yêu cầu thay vai, Ngọc Thoa đã không ngần ngại xung phong đảm nhiệm. Khi công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tối nào khán giả cũng xếp hàng dài để mua vé vào xem, có khán giả còn cho rằng Ngọc Thoa đã lấy hết nước mắt của họ vì vai A Hương. Đến bây giờ, những người cùng thời của bà vẫn còn nhớ đến vai diễn ấy.
Được gặp bạn bè là niềm vui của NSƯT Ngọc Thoa.
Gây ấn tượng bằng vai mẹ
Dù phải đi qua những thăng trầm nhưng NSƯT Ngọc Thoa đã chứng minh bà không chỉ tài năng trên sân khấu mà còn giỏi nghề ở cả điện ảnh, truyền hình. Đạo diễn Tự Huy là người đầu tiên đưa bà đến với màn ảnh rộng qua phim “Người cầu may”, sau đó bà liên tục được các đạo diễn chọn đóng các vai mẹ trong các phim: “Người yêu đi lấy chồng”, “Thương nhớ đồng quê”, “Canh bạc”, “Tết này ai đến xông nhà”, “Chơi vơi”... và nhiều phim truyền hình khác như “Hai phía chân trời”, “Mây trắng ánh sao”. Không nhớ đã vào bao nhiêu vai bà mẹ nhưng mỗi khi nhắc NSƯT Ngọc Thoa, khán giả thường nhớ đến những bà mẹ nông thôn tần tảo, chịu thương chịu khó, yêu chồng thương con. NSƯT Ngọc Thoa diễn mà như không diễn, như đang sống trong chính cuộc đời thực của mình. Bà bảo vì là diễn viên nên bà phải quan sát những hành động, lời nói của người khác để đem vào vai diễn của mình. Mỗi lần nhận kịch bản, bà đều đọc kỹ để diễn ra chất riêng cho nhân vật của mình, thay vì chỉ chăm chăm học thuộc lòng lời thoại. Vì cầu toàn với công việc, không bao giờ NSƯT Ngọc Thoa muốn đóng đinh mình trong một kiểu vai. Bà muốn có những vai diễn để khán giả nhớ đến mình như một người đa dạng, nhiều chiều, ví như những vai phản diện, những bà mẹ chồng không chịu thương chịu khó mà thích “hành” con. “Làm mới mình là điều nghệ sĩ nào cũng mong muốn, tôi cũng vậy” - NSƯT Ngọc Thoa nói.
Bằng lòng và hạnh phúc
NSƯT Ngọc Thoa cho biết dù con đường sự nghiệp của mình lắm gập ghềnh nhưng với phụ nữ, gia đình là số 1. Vì thế, bà thấy mình là người may mắn khi có người chồng quá tốt, luôn nghĩ đến vợ, đến con, tạo nên một gia đình ấm áp. Những người con của bà cũng đều là những người có đức, có ý chí tiến thủ, biết học hỏi để có chỗ đứng trong xã hội. “Tất nhiên, ông trời chẳng cho không ai cái gì, mà cũng không lấy đi của ai tất cả. Ví dụ, ông trời bắt chồng tôi đi sớm quá, đó cũng là điều bất hạnh nhưng phải biết bằng lòng với những gì mình có. Tôi vẫn nghĩ thà sống 1 ngày hạnh phúc còn hơn cả đời bất hạnh. Quan trọng là tôi tự bằng lòng với mình. Tiền không bằng ai, danh không bằng ai nhưng với tôi thế là đủ.” - người đóng vai bà mẹ hiền lành trong phim “Hai phía chân trời” tâm sự.
NSƯT Ngọc Thoa chia sẻ đóng phim với bà giờ không phải vì mục đích mưu sinh, làm phim với bà trước hết là để vui và thỏa nỗi nhớ nghề; hơn nữa là được gặp bạn bè, đồng nghiệp, để thấy mình còn có ích với xã hội...
Bù đắp tình thương cho con, cháu Hằng ngày, NSƯT Ngọc Thoa đi đi - về về giữa 2 căn nhà, một là của các con ở quận Long Biên, một là ngôi nhà cũ của vợ chồng bà trong khu tập thể của Nhà hát Kịch Việt Nam trên phố Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bà chia sẻ vì bố đã mất nên cô con gái không muốn mẹ ở một mình nhưng bà thì lại không muốn xa những kỷ niệm, vì thế cách hay nhất là hằng ngày đi đi - về về. Với một người độc lập, điều này khiến bà có thể vừa vui vầy, giúp đỡ con cháu vừa có những khoảng riêng tư cho mình. Bà bảo con nghệ sĩ thường thiệt thòi. Trước đây, khi các con còn nhỏ, mỗi đợt bà và chồng đi công tác, các con được gửi bà ngoại, hàng xóm hoặc phải tự chăm sóc nhau nên bây giờ bà muốn chăm lo cho con, cháu. |