Không thể nói đây là những cái tên ca khúc đẹp, thậm chí khi vừa ra đời chúng đã khiến khán giả phẫn nộ, vậy nhưng nó vẫn đang được lan tràn và một số ca sĩ, nhạc sĩ xem đó là "sự phá cách" trong âm nhạc.
"Mốt" đặt tựa đề bài hát dung tục, phản cảm
VPop thời gian gần đây không thiếu những ca khúc độc, lạ ngay từ tiêu đề. Và chính bởi sự độc, lạ đó mà những ca khúc này nhận về nhiều ý kiến trái chiều ngay khi vừa ra mắt.
Mới đây nhất, ca khúc Như lời đồn của ca sĩ Bảo Anh ra mắt lại tiếp tục dấy lên một làn sóng tranh cãi về "vấn nạn" đặt tên bài hát độc, lạ, thậm chí có những tựa đề mà khi đọc lên chỉ thấy phản cảm.
Nhạc sĩ Dương Cầm cho biết trên một trang báo, nếu có quyền, anh sẽ cấm ca khúc Như lời đồn của Bảo Anh.
Tên bài hát Như lời đồn – #NLĐ khiến nhiều người liên tưởng tới một nghĩa khác mang hàm ý nhạy cảm. Chính ca sĩ Bảo Anh sau khi phát hành sản phẩm, cũng phải nhắn nhủ khán giả: “Đề nghị các bạn trẻ ngưng đọc lái tên bài hát dưới mọi hình thức”. Bất chấp vậy, ca khúc đã nhanh chóng gây được chú ý nhờ kích thích sự tò mò của khán giả ngay từ tiêu đề.
Và chủ nhân của bài hit này - Khắc Hưng, một lần nữa lại được nhắc tên.
Đây không phải là lần đầu tiên Khắc Hưng tạo ra nhiều ý kiến trái chiều khi đặt tên bài hát. Trước đó, ca khúc "Như cái lò" do anh cộng tác với Huyền Sambi ra mắt năm 2017 cũng bị ném đá dữ dội bởi ca từ vô nghĩa đến mức nhảm nhí. Ngay từ đầu bài hát là tiếng thở gấp của ca sĩ (có lẽ là vì nóng quá). Từ đầu đến cuối, thứ duy nhất ám ảnh trong đầu người nghe là việc lặp đi lặp lại câu hát “nóng như cái lò, nóng nóng như cái lò”.
Ngay từ tiêu đề của ca khúc đã khiến người ta khó hiểu. “Như cái lò” là như cái gì? Phải đến khi xem MV khán giả mới hiểu “nóng như cái lò”. Nhưng ba chữ viết tắt NCL của ca khúc cũng khiến người ta liên tưởng tới những điều bậy bạ. "Không biết do ê-kíp vô tình đặt cho ca khúc một tiêu đề không hoa mỹ hay cố tình chọn một cái tên gây sốc như vậy", khán giả Huy Hoàng bình luận.
Tuy "Như cái lò" đã đạt hơn 500.000 lượt xem chỉ sau 2 ngày ra mắt, nhưng lượng dislike (ghét bỏ) MV này lại gần gấp đôi lượng yêu thích. Phía dưới là vô số bình luận chê bai ca khúc, thậm chí là phê bình thậm tệ.
Ca khúc Như Cái Lò của Khắc Hưng và Huyền Sambi khiến dư luận phẫn nộ không chỉ bởi tựa cố tình gây phản cảm, mà còn bởi phần lời thật sự thiếu sáng tạo.
Đã vậy, concept của MV còn dính nghi án đạo nhái. Vũ đạo thì cố tình dùng những động tác gây liên tưởng, góc máy thì gây hiểu lầm. Tất cả những điều này đã hủy hoại hoàn toàn cách hát nói ấn tượng của Huyền Sambi cũng như làm hỏng những gì mà cô đã có trước đó. Huyền Sambi từng là một ca sĩ được đánh giá tốt về tư duy, có đến 11 giải thưởng Bài hát Việt cùng nhiều bài hát tự sáng tác có chiều sâu.
Trong những bài hát có cái tên dễ gây hiểu lầm như hiện nay không thể quên cái tên "Xếp hình" của Tăng Nhật Tuệ. Đây là dự án âm nhạc đánh dấu sự hợp tác lần đầu tiên của Tăng Nhật Tuệ và nhạc sĩ trẻ tài năng Mew Amazing - tác giả của loạt hit đình đám như “Thật bất ngờ”, “Lần đầu”…
Với màu sắc âm nhạc sôi động theo dòng chủ lưu hip hop và trap, Xếp hình được đánh giá là sản phẩm sáng tạo của tác giả Em là bà nội của anh. Tuy nhiên, ngay từ tiêu đề cho đến ca từ, hình ảnh nóng bỏng, ca khúc bị gắn mác 18+.
Tăng Nhật Tuệ cho biết, anh và ê-kíp phải thực hiện 2 version cho MV bởi ca khúc có từ ngữ nhạy cảm và rất có khả năng bị cấm chiếu. “Tôi hát vì các bạn trẻ, tôi hát vui vẻ và không nghĩ nhiều đến thế“, nam ca sĩ chia sẻ trong buổi họp báo ra mắt MV.
Có nên dùng tựa đề để câu view?
Không ai cấm việc nhạc sĩ, ca sĩ sáng tạo, làm mới để tạo ra những bản hit, được nhiều người yêu thích. Và việc chơi chữ trong tựa đề bài hát là chuyện rất bình thường. Tuy nhiên, việc cố tình đưa những cụm từ gây liên tưởng đó vào âm nhạc lại là vấn đề của nhạc sĩ! Bạn có thể dùng chiêu thức này để câu view, tạo ra hiện tượng, viral nhưng vẫn nên hiểu rằng mình đang sáng tác một bài hát. Và đối với một bài hát, quan trọng nhất chính là chất liệu, giai điệu, ca từ và cách xây dựng nó.
Chia sẻ về vấn đề này, theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, một bài hát phải đẹp từ giai điệu đến ca từ, nội dung ý nghĩa và cả cái tên mới là sự hoàn mỹ. Những người sáng tác phải có trách nhiệm miêu tả cái đẹp, tôn vinh và gìn giữ cái đẹp để hướng tâm hồn của chính mình và của mọi người đến với những điều tích cực trong cuộc sống. Từ cảm xúc đẹp sẽ dẫn đến suy nghĩ đẹp và đến hành vi đẹp, lối sống đẹp.
“Tại sao phải cố tình đặt những cái tên như thế để truyền thông gây tò mò và tạo trào lưu? Mong muốn bài hát được chú ý đến mức đánh đổi cả sĩ diện của mình lẫn cảm tình thật sự của khán giả dành cho bài hát, có đáng không? Không lẽ, bài hát bên trong dở đến mức sợ không có ai nghe nên mới dùng đến hạ sách này? Những bài hát với những cái tựa như thế tuyên truyền được điều gì cho người trẻ?”, nam nhạc sĩ bày tỏ về những tựa đề bài hát dễ gây xuyên tạc.
Chia sẻ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sau khi ca khúc của Bảo Anh ra mắt.
Vì sao "Như Cái Lò" gây ra tranh cãi nhiều như vậy, nhận lượng dislike nhiều như vậy khi vừa ra mắt? Là bởi nó chưa hoàn thành nhiệm vụ của một bài hát giải trí, mà chỉ đơn thuần là một chiêu trò câu view phản cảm. Ngoài cái tựa cố tình gây chú ý và liên tưởng đến những thứ không hay mà ngoài đời cũng chẳng nhiều người nói "nóng như cái lò" thì ca từ và nội dung bài hát chỉ là vài ba câu lặp đi lặp lại, lời lẽ thì đơn giản đến mức nhàm chán.
Có thể nói, âm nhạc cần sự hội nhập và học hỏi cái mới, nhưng dung hòa và vận dụng như thế nào để không bị phản cảm và giữ được bản sắc văn hóa mới là điều quan trọng. Vì hơn hết, âm nhạc không chỉ để giải trí mà còn làm đẹp tâm hồn con người, đặc biệt là giới trẻ. Những sản phẩm âm nhạc gây tiêu cực cho cộng đồng, cần có biện pháp quản lý mạnh tay, quyết liệt ngăn chặn, để âm nhạc Việt Nam phát triển một cách lành mạnh và bổ ích.