Trung Thu trong ký ức sao Việt: Cát Phượng nhớ câu chuyện hay của người ba quá cố, Thanh Trúc đi hát ở xóm nghèo

Minh Đăng - Ngày 17/09/2024 09:30 AM (GMT+7)

Trong ký ức của nhiều sao Việt, Trung Thu mang vị ngọt ngào của tình thân, vị "thập cẩm" của những chiếc bánh nướng trộn lẫn "hỉ nộ ái ố" trong cuộc sống.

Trung Thu là mùa của đoàn viên và những kỷ niệm đẹp. Trong ký ức của nhiều sao Việt, Trung Thu gồm những câu chuyện tuổi thơ, các bài học nhân văn, chiếc bánh nướng thơm lừng đầy đủ mùi vị hay bầu trời rực rỡ với ánh trăng vàng và đom đóm bay lấp lánh.

XEM VIDEO: Thanh Trúc kể về kỷ niệm đi hát Trung Thu từ thiện ở xóm nghèo.

- Trung Thu trong ký ức của Thanh Trúc có ý nghĩa như thế nào?

Trung Thu rất đẹp, ngày xưa tôi hay đi hát cho quận, huyện mình sống vào mỗi mùa Trung Thu. Lúc nào cũng phải lội sông và lội mưa, đi hát từ thiện cho khán giả nghe. Cầm những chiếc lồng đèn làm bằng thủ công đi xung quanh xóm, tôi nghêu ngao hát những bài về Chú Cuội, Chị Hằng. 

Tôi nhớ có một lần sốt sắng đi hát dịp Trung Thu và trời mưa. Hát xong thì mỗi bạn ca sĩ chỉ được 1 cái bánh bao nhưng rất ấm lòng. Mặc dù phải lội mưa, đi cả cây số vào khu trẻ em nghèo nhưng tôi thấy rất vui. Tôi cũng mong sau này, con mình cũng sẽ có những kí ức đẹp như vậy.

- Kế hoạch đón Trung Thu năm nay của Thanh Trúc như thế nào? 

Bởi vì bé Kỳ Kỳ nhà tôi còn nhỏ quá, tôi chưa tự tay làm được lồng đèn cho bé được, nhưng tôi sẽ mua những lồng đèn về để chơi cùng em bé. Gia đình chúng tôi sẽ quây quần cùng nhau. Tôi cũng rất muốn dẫn con ra đường để tận hưởng không khí, nhưng mà Lita còn nhỏ nên chắc sẽ hẹn năm sau.

- Mỗi dịp Trung Thu là “cuộc chiến phe bánh thập cẩm và nhân nhuyễn” lại diễn ra không hồi kết. Thanh Trúc thuộc phe nào? Vì sao?

Ngày xưa tôi không thích ăn thập cẩm nhưng bây giờ lại rất thích ăn loại bánh này. Tôi cảm nhận được các thành phần trong đó, nó có nhiều vị, từ hạt này hạt kia đến lạp xưởng. Nó mang nhiều vị cho mình khi thưởng thức. 

- Có Trung Thu nào Thanh Trúc phải xa nhà và người thân chưa? Cảm giác lúc ấy thế nào?

Chắc là rất nhiều (cười). Vì nghề diễn viên không có thời gian cho lễ lộc nên những lần Tết Trung Thu hay Noel, thì chúng tôi làm việc xa nhà. Tôi thường lên mạng xem mọi người tận hưởng mùa Trung Thu như thế nào. Ngoài ra, thường tôi sẽ mua những set bánh tặng người thân quen trong đoàn phim, chia ra cho những anh em trong ekip ăn. 

- Tổng kết lại, Trung Thu với Thanh Trúc có “vị” thế nào?

Trung Thu cũng như cuộc đời, có rất nhiều vị. Đó là lí do tại sao tôi thích ăn bánh thập cẩm vì như trộn lẫn các hương vị của cuộc sống. Ngoài ra, Trung Thu cũng mang đến cho tôi cảm giác ngọt ngào và ấm áp.

XEM VIDEO: Thanh Trúc kể về kỷ niệm đi hát Trung Thu từ thiện ở xóm nghèo.

Trung Thu trong ký ức sao Việt: Cát Phượng nhớ câu chuyện hay của người ba quá cố, Thanh Trúc đi hát ở xóm nghèo - 2

- Trong ký ức của Cát Phượng, Trung Thu có ý nghĩa như thế nào?

Hồi nhỏ, tôi không thích Tết Nguyên Đán bằng Tết Trung Thu. Vì Tết Trung Thu dành cho con nít. Với tôi, Trung Thu là sự đoàn viên, mọi người cùng quây quần ngồi ăn bánh dưới quê. Nhớ hoài đêm trăng sáng, có ba mẹ tôi ngồi cạnh cắt bánh Trung Thu rồi cùng nhau ăn và uống nước trà, dạy các con những điều hay. 

Bây giờ tới Tết Trung Thu vẫn vậy, nhà có tôi với con trai là Bom. 2 mẹ con không đi ra ngoài mà ở nhà rồi lên sân thượng ngắm trăng. Tôi dạy con những điều về cuộc sống.

Ngày xưa Trung Thu có bạn bè đi rước đèn cùng nhau. Lúc nhỏ rước đèn, lồng đèn bằng giấy bị cháy nên khóc. Tôi muốn giữ điều đó lại cho con. Lúc con còn nhỏ, tôi cũng mua lồng đèn bằng giấy cho con và đi rước đèn. May mắn là tôi vẫn giữ được những điều đó. 

- Kế hoạch đón Trung Thu năm nay của Cát Phượng như thế nào?

Tôi nghĩ cũng sẽ diễn ra như mọi năm, ở sân thượng ngắm cảnh. Ngày xưa Trung Thu có trăng tròn, có tiếng dế kêu và đom đóm bay nhưng hiện cảnh đó hiếm lắm. Tôi cảm thấy buồn, bây giờ thậm chí không còn thấy cả trăng.

- Ngoài lưu giữ kỷ niệm cho con, Cát Phượng còn duy trì tập tục truyền thống nào vào ngày Trung Thu?

Tôi có cúng rằm Trung Thu. Mâm cúng gồm bánh Trung Thu, cặp dừa, hoa và trái cây. Hoa thường cúng hoa huệ trắng, hoa ly. Tôi là người nửa tây nửa ta, rất cổ và rất tân (cười). Tôi luôn giữ những thói quen này để con hiểu được ý nghĩa của dịp lễ. Tôi luôn cố gắng giữ những ký ức đó cho con. 

- Mỗi dịp Trung Thu là “cuộc chiến phe bánh thập cẩm và nhân nhuyễn” lại diễn ra không hồi kết. Cát Phượng thuộc phe nào? Vì sao?

Tôi không thuộc team nào, muốn ăn cái nào là ăn cái đó thôi. Cái nào tôi cũng ăn được (cười).

- Có Trung Thu nào Cát Phượng phải xa nhà và người thân chưa? Cảm giác lúc ấy thế nào?

Chưa bao giờ. Lúc Bom nhỏ thì nó vẫn bên tôi, bây giờ lớn thì Trung Thu tôi ở nhà với nó. Con lớn thì Trung Thu tôi vẫn muốn nói chuyện với con, ở mỗi độ tuổi của Bom thì tôi chọn cách nói chuyện khác nhau. 

- Tổng kết lại, Trung Thu với Cát Phượng có “vị” thế nào?

Với tôi, Trung Thu có vị ngọt vì những ấn tượng từ nhỏ. Sự ngọt ngào của gia đình gắn kết với nhau.

Trung Thu trong ký ức sao Việt: Cát Phượng nhớ câu chuyện hay của người ba quá cố, Thanh Trúc đi hát ở xóm nghèo - 3

- Trung Thu trong ký ức của Lê Giang có ý nghĩa như thế nào?

Trung Thu trong tuổi thơ của tôi là dịp được ba mẹ mua lồng đèn. Bất cứ ai cũng có một tuổi thơ vui Trung Thu và có những kỉ niệm đẹp đẽ như này. 

- Người ta thường nói “Trung Thu là Tết đoàn viên”, điều này có đúng với Lê Giang không? 

Ngày nào với gia đình tôi cũng là Trung Thu. Mỗi khi có thời gian rảnh rỗi thì tôi đều tụ họp cùng gia đình. Con cái lúc nào cũng ở gần nên khi rảnh thì mấy mẹ con sẽ đi ăn. Bên cạnh những giờ lao động mệt nhọc, gia đình tôi luôn đầy ắp tiếng cười khi ở cùng nhau. Niềm vui của tôi là gia đình và Trung Thu cũng là gia đình. 

- Kế hoạch đón Trung Thu của gia đình Lê Giang năm nay như thế nào?

Năm nay Trung Thu thì gia đình tôi vẫn phải đi quay hình. Quay xong rồi thì các thành viên sẽ về nhà để đoàn tụ với nhau. Trung Thu chỉ xoay quanh 2 việc, đơn giản là đi quay và trở về nhà thôi. 

- Dịp Trung Thu này, Lê Giang có dành tặng điều gì đặc biệt cho cháu mình hay không? 

Tất nhiên là có chứ (cười). Tôi có cháu nội rồi, bé tên là Tàu Hũ. Chắc chắn vào dịp Trung Thu, Lê Giang sẽ mua cho Tàu Hũ 1 chiếc lồng đèn để chơi. 

- Tổng kết lại tất cả mọi thứ thì Trung Thu trong Lê Giang có vị như thế nào ?

Tổng kết lại vị của Trung Thu là vị thập cẩm. Là dịp được ăn bánh Trung Thu (cười). Mỗi lần thấy ngoài đường các sạp bán bánh là tôi biết “Trời ơi, Trung Thu đã tới rồi”.

Trung Thu trong ký ức sao Việt: Cát Phượng nhớ câu chuyện hay của người ba quá cố, Thanh Trúc đi hát ở xóm nghèo - 4

- Trung Thu trong ký ức của Quang Trung có ý nghĩa như thế nào? 

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là về bánh Trung Thu. Câu chuyện này xảy ra rất lâu rồi, kể từ khi đi học. Tôi rất thèm bánh Trung Thu và tôi cũng có 1 người bạn nữa, 2 đứa thường xuyên đạp xe đi qua, đi lại những ngã tư - nơi có nhiều sạp bán bánh để xem chỗ nào bán rẻ hơn. Chúng tôi đi vòng qua vòng lại, vừa xem vừa suy nghĩ là mình nên mua bánh nào với giá bao nhiêu tiền, do lúc đó cũng không dư dả nhiều. 

Sau nửa tiếng vòng đi vòng lại, thì 2 đứa quyết định chọn mua được 2 cái bánh Trung Thu và về ăn một lúc hết liền 2 cái. 

- Người ta thường nói “Trung Thu là Tết đoàn viên”, điều này có đúng với Quang Trung không? 

Bất kể khi nào có thời gian rảnh, tôi sẽ luôn cố gắng trở về với gia đình. Do đó, Trung Thu nếu có thời gian thì tôi cũng chọn về nhà để gần gũi với gia đình hơn hoặc ở cạnh những người mà mình yêu quý. Còn nếu không thì tôi cũng thường đón Trung Thu một mình. Tôi cảm thấy việc đón Trung Thu một mình cũng bình thường và cũng có cái vui riêng. 

- Mỗi dịp Trung Thu là “cuộc chiến phe bánh thập cẩm và nhân nhuyễn” lại diễn ra không hồi kết. Quang Trung thuộc phe nào? Vì sao?

Nếu được chọn thì tôi sẽ chọn những loại bánh có nhân đơn giản như là đậu xanh, trà xanh, socola, sữa dừa. Tôi thuộc team ăn bánh đơn giản.

Trung Thu trong ký ức sao Việt: Cát Phượng nhớ câu chuyện hay của người ba quá cố, Thanh Trúc đi hát ở xóm nghèo - 5

- Trung Thu trong ký ức của Thanh Duy có ý nghĩa như thế nào? 

Với tôi, Trung Thu tương tự như Tết đoàn viên, đánh dấu hơn nửa năm đã trôi qua. Người Việt có Tết Đoan Ngọ, ăn cơm rượu. Mình theo văn hóa người Hoa, ăn Tết Trung Thu, ý nghĩa là đoàn viên các thành viên trong gia đình, chúc phúc cho bạn bè, cô chú, anh chị em ngày càng tốt hơn. Đặc trưng là bánh Trung Thu, ăn đồ ngọt ngào, có nghĩa là thuận buồm xuôi gió.

- Một kỷ niệm về Trung Thu khiến Thanh Duy nhớ mãi?

Năm nào chúng tôi cũng may mắn nhận được bánh Trung Thu từ bạn bè và quý đối tác. Năm nay đặc biệt là nhận được 1 cái bánh to nhất từ trước đến giờ, nặng 4kg. Kỷ niệm lớn nhất là cái bánh này.

- Kế hoạch đón Trung Thu năm nay của Thanh Duy như thế nào?

Đầu tháng 9, vợ chồng tôi cho cho bé Lita đi chích ngừa. Sau đó đưa bé về quê ngoại ra mắt cả nhà ngay thời điểm Trung Thu. Tôi vui nhất là Trung Thu đúng ngay thời điểm con gái đầu được 2 tháng. Sức khỏe của 2 mẹ con hiện tại ổn định, bé trộm vía rất ngoan.

Trung Thu trong ký ức sao Việt: Cát Phượng nhớ câu chuyện hay của người ba quá cố, Thanh Trúc đi hát ở xóm nghèo - 6

- Cảm ơn các anh chị nghệ sĩ vì những chia sẻ!

Trung Thu trong ký ức sao Việt: Cát Phượng nhớ câu chuyện hay của người ba quá cố, Thanh Trúc đi hát ở xóm nghèo - 7

Con sao Việt trổ tài làm bánh: Quý tử nhà Lê Phương làm bánh Trung thu, con trai Tăng Thanh Hà cực chuyên nghiệp
Các ngôi sao như Lý Hải, Phạm Hương, Tăng Thanh Hà, Diệp Chi, Lê Phương tự hào khoe con khéo léo trong việc bếp núc, có tài làm bánh.

Lê Phương

Theo Minh Đăng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ngôi sao

Tin hay đừng bỏ lỡ