Dù thất vọng hay không, người ta buộc phải thừa nhận một điều rằng: Chánh Tín ngoài đời khác xa hình ảnh ông tạo dựng được trên màn bạc.
Phải nói Nguyễn Chánh Tín là người hùng đúng nghĩa - khi nhân vật của ông có sức sống lâu bền đi qua nhiều năm tháng và ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều thế hệ người xem. Tạo hình của nhân vật Nguyễn Thành Luân do ông thủ vai chính đẹp quá, kiêu bạc quá, nhập tâm quá, khiến cho người ta cứ mặc định Nguyễn Thành Luân chính là Chánh Tín và Nguyễn Chánh Tín cũng chính là Thành Luân. Đối với một diễn viên, đó là một thành công rực rỡ trong nghề nghiệp. Nhưng đối với một con người, đó chưa chắc đã là một chuyện hay...
Nhắc lại vụ vỡ nợ của Chánh Tín, có lẽ sự việc này sẽ bớt rùm beng hơn khi người ta nhìn ông với cái nhìn thiện cảm về một ông già 63 tuổi nhiều bệnh tật chứ không phải nhìn về một Đại tá Nguyễn Thành Luân kiêu hùng và mạnh mẽ. Chính cái sai lệch trong góc nhìn ấy đã khiến những nhận định, những suy nghĩ về ông bị lệch lạc theo. Và người ta đang đòi hỏi ở Nguyễn Chánh Tín những điều ông không hề có - hay nói đúng hơn là chỉ có trên màn bạc!
Nguyễn Chánh Tín là ai? Ông từng là một diễn viên giỏi, có nhiều thành công và hiện tại là một người già đang gặp khó khăn về sức khỏe cũng như tiền bạc. Chấm hết.
Một Đại tá oai hùng trong phim "Ván bài lật ngửa".
Ông chưa từng là sĩ quan tình báo, sự lạnh lùng hay nam tính ông thường thể hiện trong các vai diễn của mình chỉ là khả năng diễn xuất hay tính cách thật, chẳng một ai chắc chắn được ngoài ông. Nhưng dường như người hâm mộ đang "bắt" Chánh Tín diễn lại đúng vai diễn Đại tá Nguyễn Thành Luân trong bộ phim bi kịch mà số phận là người viết lên kịch bản?
Người ta ồ lên khi Chánh Tín than thở về tiền bạc, mỉa mai ông trước những phát ngôn thiếu đi rất nhiều sự mạnh mẽ và quả quyết. Nhiều người tuyên bố "thần tượng bị sụp đổ" khi mà vai diễn trong cuộc đời thật của ông khác quá xa so với vai diễn trên màn ảnh. Một Chánh Tín yếu ớt, dễ dãi đưa ra những lời cầu khẩn, nhờ cậy, một Chánh Tín sẵn sàng thỏa hiệp với sự tự trọng để cứu vớt chút ít tài sản còn sót lại của mình... Đó là những gì mà người hâm mộ nhìn thấy trong hình ảnh Đại tá Nguyễn Thành Luân một thủa.
Khán giả không chấp nhận điều đó. Họ chìa tay ra giúp đỡ ông, chỉ trích ông, phân tích ông bằng nhiều lời lẽ, hành động khác nhau. Cay nghiệt có, thương cảm có, phẫn nộ có, bức xúc có, nhưng phần lớn những ý kiến hay hành động đó đều tới... nhầm chỗ. Người cần nhận không phải là cựu diễn viên Chánh Tín ngoài đời thật - mà lại là Đại tá Nguyễn Thành Luân của một thời dĩ vãng...
Qua những tuyên bố hay hành động của Chánh Tín trong cú sốc vừa rồi, những người tinh ý có thể phần nào nhận ra những nét tính cách thật nằm ở bên trong con người ông. Những chỉ trích hướng về đồng nghiệp, người thân đại loại "bạc bẽo", "vô ơn", những tuyên bố về "Dòng máu anh hùng" như "thành công rực rỡ, đem lại vinh quang cho điện ảnh Việt" hay ngầm tự nhận mình là chủ nhân của bộ phim trên, trong khi sự thật hoàn toàn ngược lại ... đã nói lên rất nhiều điều. Dù thất vọng hay không, người ta buộc phải thừa nhận một điều rằng: Chánh Tín ngoài đời khác xa hình ảnh ông tạo dựng được trên màn bạc!
Người trong nghề đều hiểu rằng "Dòng máu anh hùng" thực sự là của ai và Nguyễn Chánh Tín đóng vai trò gì trong bộ phim này. Ông không phải là "cha đẻ" của bộ phim bởi nó là thành quả của cả một ê-kíp làm việc miệt mài. Thành công rực rỡ của nó phải được san sẻ sang nhiều người khác và phần dành cho ông sẽ ít ỏi hơn những gì ông tuyên bố rất nhiều.
Sau "Dòng máu anh hùng", Chánh Tín đâu phải đã nghỉ ngơi? Còn hàng loạt bộ phim khác cũng được ông xuất xưởng, nhưng tại sao trong những lời trần tình của mình, người ta không thấy ông nhắc tới? Hiệp sĩ guốc vông, Suối oan hồn, Ngôi nhà bí ẩn - những tác phẩm thất bại cả về nghệ thuật lẫn doanh thu - tại sao không hiện diện trong những câu chuyện của ông? Bởi vì chúng không "mang lại thành công rực rỡ cho điện ảnh Việt", không khiến ông lâm vào cảnh nợ nần thêm hay vì điều gì nên có lẽ chẳng cần phải nói nhiều hơn nữa...
Và NSƯT Chánh Tín của hiện tại.
Chánh Tín đang chơi một cuộc chơi tính toán và thật khó để có thể buông lời trách cứ ông, bởi trong hoàn cảnh khó khăn, người ta buộc phải vẫy vùng bằng mọi cách. Tạo dựng hình ảnh "hi sinh vì nghệ thuật, lâm cảnh màn trời chiếu đất cũng vì nghệ thuật" là một kịch bản tốt, tuy nhiên Chánh Tín lại là một đạo diễn tồi. Những tình tiết trong câu chuyện ông chia sẻ đầy rẫy sự mâu thuẫn, những "lời thoại" của ông có hiệu ứng rất kém và đôi khi, còn mang tới tác dụng ngược lại hoàn toàn. Tuy nhiên, đó có lẽ mới là con người thật của ông - diễn viên Chánh Tín chứ không phải Đại tá Thành Luân.
Những người hâm mộ Chánh Tín có lẽ nên chấp nhận một điều: Hãy để thần tượng của họ ngủ yên trên màn bạc và để cựu diễn viên Chánh Tín xoay sở trong cuộc nợ nần như một người bình thường nhất. Như vậy sẽ tốt đẹp hơn cho cả hình ảnh huyền thoại một thời của điện ảnh Việt và tốt cho cả ông già Nguyễn Chánh Tín hiện giờ.
Đừng bắt Đại tá Nguyễn Thành Luân đi trả nợ và bắt Chánh Tín diễn lại vai diễn cũ trong kịch bản có thật của cuộc đời mình!