Theo công bố của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) ngày 28.10, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10.2016 tăng 0,83% so với tháng trước và tăng 4,09% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung, CPI bình quân 10 tháng đầu năm 2016 tăng 2,27% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hoá dịch vụ thuộc giỏ tính CPI, có 9 mặt hàng tăng giá, giảm 1 mặt hàng so với tháng 9.2016. Trong đó, thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất 10,07%; Giao thông tăng 2,02%; Giáo dục tăng 0,61%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,31%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,17%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,17%...
Hai 2 nhóm giảm chỉ số giá là Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,02%; Bưu chính viễn thông giảm 0,12%.
Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân khiến chỉ số CPI tăng do giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng theo bước 2, bao gồm chi phí tiền lương của Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29.10.2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính ở 15 địa phương nên chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tăng cao. Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng học phí theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2.10.2015 của Chính phủ ở một số bậc học mà tháng trước chưa tăng.
Báo cáo cũng chỉ ra, mặt hàng thực phẩm đóng góp tăng 0,26% CPI chung do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm vào mùa cưới tăng cao, bên cạnh đó giá các mặt hàng rau củ tăng mạnh do ảnh hưởng của mưa lũ đặc biệt ở các tỉnh miền Trung làm sản lượng rau xanh trên thị trường giảm.
Ngoài ra, mặt hàng giá xăng dầu cũng góp phần làm CPI tăng 0,17% do giá xăng điều chỉnh tăng 2 lần trong tháng (vào ngày 5.10 và 20.10.2016) khiến chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 4,14% so với tháng trước, góp phần làm cho CPI tăng khoảng 0,17%. Xăng dầu điều chỉnh, khiến giá vé ô tô khách tăng 1,02% và giá cước taxi tăng 0,19%.
Giá khí đốt tăng từ ngày 1.10.2016 lên 15.000 đồng/bình 12 kg do giá gas nhập khẩu trong tháng 10 tăng 47,5 USD/tấn chốt giá ở mức 355 USD/tấn làm cho chỉ số giá gas tăng 4,21% so tháng trước.
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng chỉ ra những yếu tố góp phần kiềm chế CPI trong tháng 10.2016 như: giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,17% do nhu cầu xây dựng giảm cùng với giá thép thế giới giảm; giá thịt lợn giảm mạnh do dịch lợn tai xanh; giá tour du lịch các loại giảm 0,21% do hết mùa du lịch…
Về lạm phát cơ bản, tháng 10 tăng 0,07% so với tháng trước, tăng 1,86% so với cùng kỳ; 10 tháng đầu năm 2016 so cùng kỳ năm 2015 tăng 1,82%. Bình quân 10 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung tăng 2,27% và lạm phát cơ bản tăng 1,82%.
Theo Tổng cục Thống kê, điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục.
Về chỉ số giá tiêu dùng tháng 11.2016, Tổng cục Thống kê dự báo sẽ tăng cao hơn ở mức tăng CPI tháng 10 do một số yếu tố như giá dịch vụ y tế tăng tại một số địa phương; giá xăng dầu được điều chỉnh tăng do giá xăng dầu thế giới tăng và giá thực phẩm sẽ tăng do nhu cầu và ảnh hưởng của mưa lũ…
Trả lời báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cũng đã dự đoán CPI tháng 10 tăng cao so với tháng 9. Tính toán sơ bộ thì CPI tháng 10 tăng khoảng 0,8% so với tháng trước và 3,97% so với tháng 12.2015, tăng 4,05% so với cùng kỳ. CPI bình quân 10 tháng khoảng 2,26% so với cùng kỳ.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng nhận định, mức tăng đó đã cao hơn so với tính toán của NHNN, vì cơ quan này dự kiến CPI tháng 10 tăng khoảng 0,6 đến 0,7%. Vì vậy khả năng kiểm soát CPI cả năm 2016 ở ngưỡng 5% là rất khó nếu giá xăng dầu biến động mạnh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị, sau khi công bố CPI tháng 10, Bộ Y tế kết hợp với các bộ, ngành liên quan dự báo các yếu tố tác động đến CPI tháng 11 và tháng 12 để có thể điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình cho các tỉnh, thành phố còn lại.